Bauhaus (Phần 2)
Bauhaus không thể đạt được thành công và sức ảnh hưởng khó lòng đo đếm của nó nếu không có đội ngũ giảng viên xuất chúng lại vô cùng đa dạng trong thực hành. Trong hai phần sau của loạt bài về trường Bauhaus, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm nghệ thuật và thiết kế tiêu biểu của trường mà thể hiện trọn vẹn tinh thần ‘tác nghệ thuật tổng hoà’ (Gesamtkunstwerk) của thời Hiện đại do Walter Gropius, người sáng lập và hiệu trưởng đầu tiên của trường, đã đề xướng.
- “Thiết kế không phải là một chức nghiệp mà là một thái độ. Thiết kế có rất nhiều hàm nghĩa. Nó là sự tổ chức của vật liệu và quy trình theo cách hiệu quả nhất trong một sự cân bằng hài hoà của tất cả những yếu tố cần thiết cho một số công năng nhất định. Nó là sự tích hợp của các yêu cầu công nghệ, xã hội, và kinh tế, những điều cần thiết về mặt sinh học, và những tác động tâm lý của vật liệu, hình dạng, màu sắc, khối lượng và không gian. Suy nghĩ bằng các mối quan hệ.” (László Moholy – Nagy).
Các tác phẩm tiêu biểu
1922: Bóng bay đỏ của Paul Klee
Paul Klee là một trong những nghệ sĩ tài năng và bí ẩn nhất gắn liền với Bauhaus, một người có tầm nhìn xa với những tác phẩm kết hợp sự đổi mới hình thức tuyệt mỹ với một kiểu hồn nhiên nguyên thủy đầy tính hiếu kỳ. Trong bức tranh Bóng bay đỏ (Red Balloon) từ năm 1922 này, các hình dạng hình học tinh tế, nửa trong suốt – gồm hình vuông, hình chữ nhật và mái vòm – được lựa chọn và đặt trong sự chuyển sắc độ của những màu cơ bản. Một hình tròn màu đỏ đơn nhất lơ lửng ở trung tâm phía trên, tự lộ diện, được khám phá, để rồi hiện ra là quả bóng bay mà dựa vào đó tác phẩm được đặt tên.
Sự sắp đặt hoa mỹ mang tính minh họa này là ví dụ cho cách sử dụng bất thường và mang tính liên tưởng của Klee khi thực hiện các sắp xếp bố cục hình học vốn tạo nên sự nổi tiếng của Bauhaus. Trong diễn đạt độc đáo của nghệ sĩ, sự nhấn mạnh chuyển đổi không ngừng giữa cái trừu tượng và cái biểu tượng, giữa liên kết tường thuật và biểu tượng bí truyền. Các hình dạng phát sáng, gợi nhớ đến kính màu, được đặt bất đối xứng để tạo ra nhịp điệu thị giác được tạo nên bởi các đường dọc, ngang và chéo, dường như vừa có trật tự vừa tự phát.
Klee sinh ra ở Thụy Sĩ vào năm 1879 và đã từng gắn bó với nhiều nhóm theo chủ nghĩa Biểu hiện nói riêng và Hiện đại nói chung ở Bắc Âu trong những năm 1900 và 1910, trong đó bao gồm nhóm Der Blaue Reiter (Kỵ sĩ xanh dương). Ông bắt đầu giảng dạy tại Bauhaus vào năm 1921, dạy vẽ tranh tường, kính màu, đóng sách, và nhiều môn học khác. Ông đã xuất bản các bài giảng nghệ thuật của mình trong Sách phác thảo sư phạm (Pädagogisches Skizzenbuch) (1925) thuộc loạt sách Bauhaus (Bauhausbücher). Nổi tiếng với việc bắt đầu với câu “một đường (nét) trong trạng thái hoạt động đang tản bộ, di chuyển tự do, không có mục đích“, cuốn sách này đã dần có tầm ảnh hưởng rộng lớn và thiết lập – như nhà phê bình Mark Hudson nói, “danh tiếng (cho Klee) là một trong những nhà lý thuyết vĩ đại của nghệ thuật hiện đại … [vì] ông ấy đã cố gắng phân tích cho đến mọi hoán vị cuối cùng của các đường lang thang của mình”. Đối với Klee, đường, phát triển từ một điểm duy nhất, là một tác nhân tự trị, tự phát, thông qua chuyển động của nó đã tạo nên sự phát triển của mặt phẳng. Phép ẩn dụ cho sự khởi tạo của hình dạng mang tính bố cục này đã trở thành nguyên lý cơ bản của triết lý thiết kế Bauhaus, ảnh hưởng đến nhiều người cùng thời với Klee, bao gồm Anni Albers và người bạn lâu năm Wassily Kandinsky.
Sự hiện diện của Klee tại Bauhaus từ năm 1921 cho đến khi ông từ chức vào năm 1931 đã khiến các định kiến về trường về mối bận tâm quá mức đến lý tính và các phương pháp hình thức khô khan là lầm tưởng. Tác phẩm của Klee – vừa tinh tế và nguyên thủy, vừa mang tính biểu trưng và thoát tục – đã có tác động nổi bật đến các nghệ sĩ sau này ở Mỹ và châu Âu, bao gồm Jackson Pollock, Adolph Gottlieb, Robert Motherwell, Kenneth Nolan, Norman Lewis và William Baziotes. Như Clement Greenburg đã viết vào năm 1957, “hầu hết mọi người đều học hỏi từ Klee dù họ có tự nhận thức được điều đó hay không“.
1925: Vàng-Đỏ-Xanh của Wassily Kandinsky
Tác phẩm phức tạp này được xây dựng xung quanh ba khu vực hình ảnh chủ đạo, chi phối lần lượt bởi các hình khối màu vàng, đỏ và xanh lam. Những hình khối này tạo thành hai vùng tổng thể thu hút thị giác: một vùng ở phía bên phải của tác phẩm, được hình thành từ hình chữ thập đỏ và vòng tròn màu xanh lam lồng vào nhau, và một vùng xung quanh hình chữ nhật màu vàng ở bên trái, nổi bật trên tông đậm hơn của màu hoàng thổ nâu vàng. Sự khác biệt về trọng lượng thị giác và vị trí trong không gian được ngụ ý bởi các hiệu ứng của màu sắc và bóng đổ, với tông nổi bật của màu vàng tương phản với tông màu đỏ đậm hơn, tối hơn nữa thành màu tím và xanh lam. Một lưới kết hợp của cái thẳng và cái cong tương tác trên bức toan, như thể đang diễn ra trận chiến năng lượng được tạo lập giữa các màu cơ bản khác nhau.
Wassily Kandinsky sinh ra tại Moscow năm 1866 và định cư ở Đức từ trước khi kết thúc thế kỷ 19, trở thành nhân vật chủ chốt trong sự phát triển của chủ nghĩa Biểu hiện Bắc Âu trong những năm sau đó. Bức tranh năm 1903, Kỵ sĩ xanh (Der Blaue Reiter) của ông là nguồn cảm hứng cho nhóm nghệ thuật Biểu hiện cùng tên. Sau sáu năm ở nước Nga Xô Viết đang chấm dứt cuộc cách mạng (1914-20), Kandinsky trở về Đức và bắt đầu giảng dạy tại Bauhaus vào năm 1922, lúc đó công việc của ông đã hướng tới một dạng trừu tượng thuần túy hơn. Với tư cách là một trợ giảng trong khóa học sơ cấp, ông đã giới thiệu cho sinh viên của mình sự phân tích các màu cơ bản và bản chất của sự tương tác giữa chúng.
Năm 1923, với hy vọng thiết lập mối quan hệ định tính cơ bản giữa các hình dạng và màu sắc cụ thể, ông đã phát triển một bảng câu hỏi trong đó những người tham gia được yêu cầu tô vào một hình tam giác, hình vuông và hình tròn màu cơ bản họ cho là thích hợp nhất với từng hình dạng. Kết quả là tam giác màu vàng, hình vuông màu đỏ và hình tròn màu xanh lam đã trở thành mô típ Bauhaus cổ điển. Đó là mô típ mà Kandinsky đã khám phá và tự lật đổ trong tác phẩm nổi tiếng Vàng-Đỏ-Xanh (Yellow-Red-Blue) này, biến nó thành sức gợi mang tính trữ tình về mối quan hệ giữa hình ảnh và âm nhạc. Những ý tưởng tương tự đã làm tiền đề cho bài viết nổi tiếng Điểm và đường tới mặt phẳng (Point and Line to Plane) (1926). Tác phẩm này chịu ảnh hưởng bởi nghiên cứu mới về tâm lý học Gestalt, một chủ đề thảo luận chính tại Bauhaus vào thời điểm này. (Trường phái tâm lý học Gestalt – dịch ra là “hình thức”, hay “biểu mẫu”, “cấu hình” cho rằng sinh vật cảm nhận toàn bộ cấu hình thay cho các bộ phận riêng lẻ. “Cái toàn thể lớn hơn tổng các thành phần”). Kandinsky quan tâm đến cách những kết hợp nhất định giữa màu sắc, đường nét, và sắc độ có thể tự động tạo ra những tác động tâm linh và tâm lý; cả hai tác động này, tới lượt chúng, đều liên kết với một số mô típ âm nhạc nhất định.
Tuy nhiên, như nhà sử học nghệ thuật Annegret Hoberg nhận định, nội hàm của bức tranh này còn vượt ra ngoài điều đó, mang nhiều tầng nghĩa biểu trưng hơn: “hai vùng trung tâm… gợi ra các liên tưởng nhân học. Trong khi người ta có thể thấy trong khu vực màu vàng hình bóng con người dựa vào cấu trúc của các đường thẳng và vòng tròn, thì sự đan xen giữa hình dạng màu đỏ và xanh lam với đường chéo màu đen gợi nhớ đến chủ đề trận chiến giữa Thánh George và con rồng (câu chuyện về Thánh George giết chết một con rồng đòi hỏi vật tế là con người)“. Có lẽ chính những liên tưởng mang nhiều tính người hơn như vậy đã giải thích vị thế biểu tượng của các tác phẩm trừu tượng của Kandinsky trong lịch sử nghệ thuật hiện đại. Như Hoberg đã nhận định, bức tranh Vàng-Đỏ-Xanh “có ảnh hưởng lớn đến chủ nghĩa Hiện đại sau này, trong đó bao gồm, chẳng hạn, loạt tranh Ai sợ màu vàng, đỏ và xanh (Who’s Afraid of Yellow, Red and Blue) (1966-69) của Barnett Newman.“
1925: Ghế bành đơn (Mẫu B3) (Ghế Wassily) của Marcel Breuer
Ghế Model B3 kinh điển của Marcel Breuer là một phiên bản có tính cách mạng của chiếc ‘ghế bành đơn’ (club chair) bọc đệm cổ điển của phòng khách thế kỷ 19, một sự kết hợp bóng bẩy của các ống thép không gỉ uốn lượn, chồng lên nhau, với các tấm vải hình chữ nhật căng nổi như các dạng hình học trong không gian. Bản thân nghệ sĩ đã mô tả chiếc ghế là “sản phẩm cực đoan nhất của tôi… ít tính nghệ thuật nhất, logic nhất, ít ‘ấm cúng’ nhất, và cơ khí nhất.” Nhưng nó cũng là tác phẩm có tầm ảnh hưởng lớn nhất của ông, minh chứng cho những phát triển đột phá trong thiết kế mang tính chức năng đã làm nên tên tuổi Bauhaus vào giữa những năm 1920. Với trọng lượng nhẹ, dễ di chuyển và dễ dàng sản xuất hàng loạt, chiếc ghế đáp ứng tất cả các yêu cầu của triết lý thiết kế của trường, các thành phần của sản phẩm được sắp xếp một cách rõ ràng khiến cấu trúc và mục đích của nó dễ được (người xem) nắm bắt ngay lập tức.
Breuer sinh ra tại Hungary vào năm 1902 và là một trong những thành viên trẻ nhất của thế hệ Bauhaus đời đầu. Sau khi rời quê nhà Pécs lúc mới 18 tuổi, ông đăng ký theo học tại ngôi trường mới thành lập và mang tính cách mạng của Gropius vào năm 1920, trở thành một trong những học sinh đầu tiên tại đây. Được mệnh danh là thần đồng, ông được giao phụ trách xưởng làm đồ gỗ, và sau một thời gian tạm trú ở Paris ông, trở lại Bauhaus với tư cách là một giáo viên vào năm 1925. Là một người chạy xe đạp tận tụy, Breuer coi chiếc xe đạp là hình mẫu của thiết kế hiện đại và bị cuốn hút bởi tay lái cong của xe đạp, được làm bằng một loại thép hình ống mới do công ty sản xuất Mannesmann phát triển. Ông nhận ra rằng cùng một chất liệu uốn cong được mà không bị gãy này có thể được sử dụng trong thiết kế đồ nội thất. Chiếc ‘ghế bành đơn’ của ông là một phần kết quả của khoảnh khắc cảm hứng ấy. Để sản xuất đồ nội thất của mình trên quy mô lớn, Breuer đã thành lập công ty Standard Möbel vào năm 1927. Tên thường gọi của chiếc ghế này được đặt theo tên của Wassily Kandinsky, người đã lập tức tán thưởng tác phẩm khi lần đầu nhìn thấy nó trong xưởng của Breuer.
Như nhà sử học nghệ thuật Seamus Payne nhận định, chiếc ghế của Breur là “chiếc ghế đầu tiên có khung thép uốn cong… nó đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong đồ nội thất hiện đại với thiết kế duy trì được vẻ ngoài tân tiến tới tận ngày nay.” Sau Thế chiến II, công ty Gavina của Ý bắt đầu sản xuất chiếc ghế này, đảm bảo ảnh hưởng lâu dài của nó đối với lịch sử thiết kế và tiếp thị nó với cái tên “Ghế Wassily”. Năm 1968, công ty Knoll của Mỹ đã mua lại Gavina và bắt đầu sản xuất Mẫu B3, do đó, chiếc ghế vẫn tiếp tục được bày bán cho tới ngày hôm nay.
1925: Kiểu chữ Universal TypefaceBayer của Herbert Bayer
Kiểu chữ Universal TypefaceBayer của Herbert Bayer, một kiểu chữ kinh điển cho ký tự pháp của Phong cách Quốc tế, sử dụng thiết kế có tính hình học tối giản của kiểu chữ không móc xuyết (sans-serif) được Bauhaus ưa chuộng. Đồng thời, sự đơn giản của thiết kế phản ánh sự quan tâm của Bayer với việc nâng cao tính dễ đọc, tạo ra một lượng lớn không gian âm giữa các ký tự, trái ngược với các chữ viết thư pháp chật chội của kiểu chữ Đức truyền thống. Mô tả ký tự pháp là “giọng nói của con người được dịch thành những gì có thể đọc được“, Bayer muốn ngôn ngữ viết có độ rõ ràng của giọng nói và chỉ sử dụng các chữ viết thường cho thiết kế này vì không có sự phân biệt ngữ âm giữa chữ thường và chữ hoa. Mỗi ký tự có cùng chiều rộng, nghĩa là các chữ cái đại diện cho các khoảng không gian có thể hoán đổi cho nhau trên trang. Do đó, rất dễ để làm việc với kiểu chữ này và nó có thể được điều chỉnh cho phù hợp với bàn phím máy đánh chữ và máy sắp chữ. Những khía cạnh này của thiết kế tóm lược một cách hoàn hảo sự nhấn mạnh của Bauhaus về chức năng và khả năng sản xuất hàng loạt.
Giống như Breuer, Bayer là một trong những thành viên trẻ tuổi trong thế hệ vàng của Bauhaus, sinh ra ở Áo vào năm 1900. Ban đầu ông được đào tạo như một kiến trúc sư, và vào cuối những năm 1910, ông gia nhập nhóm Lãnh địa của nghệ sĩ Darmstadt (Darmstadt Artist’s Colony). Ông chịu ảnh hưởng của nhóm này về các nguyên tắc Art Nouveau hay Jugendstil, cũng như sự nhấn mạnh của nhóm vào ý tưởng về ‘tác phẩm nghệ thuật tổng hoà’ (Gesamtkunstwerk). Tuy nhiên, vào năm 1920, Bayer đã bị hấp dẫn bởi ngôi trường mới của Gropius và tới 1921, ông ghi danh vào trường để theo học Kandinsky, Klee và Moholy-Nagy. Trở lại làm giáo viên vào năm 1925, ông được bổ nhiệm làm chủ nhiệm quảng cáo và in ấn của Bauhaus trong giai đoạn Dessau. Ông đã phát triển kiểu chữ Universal Bayer sau khi Gropius ủy quyền cho ông tạo ra một kiểu chữ có thể được sử dụng trong tất cả các ấn phẩm của Bauhaus.
Vào thời điểm này, các nhà in Đức nói chung vẫn ưa chuộng Fraktur, một kiểu chữ Gothic ấn tượng được thiết kế vào thế kỷ 16 cho bức tranh khắc gỗ Khải hoàn môn (Triumphal Arch) (1526) của Albrecht Dürer. Bằng cách loại bỏ tính trang trí của chữ viết Đức, Bayer thể hiện tinh thần của một phong trào văn hóa mới bác bỏ chủ nghĩa dân tộc lạc hậu và chấp nhận sự hiện đại của quốc tế, một phong trào do Bauhaus dẫn đầu và sau đó bị Đức Quốc xã loại bỏ. Thiết kế của ông cũng hướng theo một khái niệm về bố cục Bauhaus kinh điển, trong đó các chữ cái được sắp xếp thành các đường chéo hướng lên trên khắp trang, quấn quanh các vật thể và nổi lên với màu sắc mạnh mẽ.
Kiểu chữ của Bayer không bao giờ được đúc bằng kim loại, nhưng ảnh hưởng của nó đã lan ra rộng rãi và lâu dài. Ngoài việc đứng đầu trong những phát triển về ký tự pháp cho Phong cách Quốc tế trong những năm 1920-50 và có ảnh hưởng đến kiểu chữ Architype Bayer và Architype Schwitters và những kiểu chữ khác, Universal Bayer cũng là nguồn cảm hứng cho Product Sans của Google và cho Bayer Next, một kiểu chữ được thiết kế bởi Sascha Lobe cho Bảo tàng Bauhaus-Archiv ở Berlin năm 2014.
1919-25: Tòa nhà Bauhaus của Walter Gropius ở Dessau, Đức
Tòa nhà mang tính biểu tượng với hình dạng chữ nhật nhô ra, những bức tường bằng kính và logo dễ nhận diện trải dọc về một phía đã thể hiện tinh thần của kiến trúc Bauhaus và dự đoán nhiều sự phát triển sẽ nổi lên từ sau khi toà nhà được xây dựng. Như nhà phê bình kiến trúc Lee F. Mindel đã viết, “việc Gropius sử dụng sáng tạo… cửa cuốn công nghiệp, tường rèm bằng kính và thiết kế chong chóng không đối xứng đã tạo nên một chặng đường không thể quên trong sự phát triển của thứ mà ngày nay chúng ta gọi là chủ nghĩa Hiện đại và Phong cách quốc tế.“
Walter Gropius sinh ra trong một gia đình có quan hệ tốt về văn hóa và chính trị ở Berlin vào năm 1883, ông là một cựu chiến binh và một người yêu nước nhiệt thành, người ủng hộ các nguyên tắc thiết kế theo chủ nghĩa Hiện đại, điều mà sẽ khiến ông bị Đức Quốc xã săn đuổi khỏi quê hương của mình. Giống như những người khổng lồ khác của kiến trúc hiện đại như Ludwig Mies van der Rohe và Le Corbusier, thời trẻ ông đã làm việc cho kiến trúc sư tiền-hiện đại có tầm ảnh hưởng là Peter Behrens. Vào năm 1913, ông xuất bản một bài báo về Sự phát triển của tòa nhà công nghiệp (The Development of Industrial Building), với các bức ảnh về các công trình tiện dụng như kho chứa hạt có gàu tải hoặc băng tải khí nén. Tác phẩm này rồi sẽ trở thành một tuyên bố kinh điển về triết lý ‘hình thức theo sau chức năng’ trong thiết kế và kiến trúc theo chủ nghĩa hiện đại.
Khi thành lập Bauhaus vào năm 1919 từ hai trường hiện có – Trường Nghệ thuật và Thủ công Grand-Ducal Saxon và Học viện Mỹ thuật Weimar – ông đã tái định nghĩa lại thẩm mỹ của Arts & Crafts cho thế kỷ XX. Tuy nhiên, trụ sở nổi tiếng ở trên được tạo ra để phục vụ việc chuyển trường đến Dessau vào năm 1925. Dự án được tài trợ bởi hội đồng thành phố cũng là đơn vị cung cấp đất cho địa điểm này. Vào thời điểm đó, Bauhaus được coi là một phần quan trọng của nền văn hóa Dessau, nơi mà sau đó đang trong quá trình tự tái thiết để trở thành một trung tâm công nghiệp hiện đại.
Một trong số các đặc điểm tân tiến của tòa nhà là mối quan hệ nó thiết lập giữa người xem và không gian kiến trúc tổng thể: ba chái nhà, được tách biệt theo chức năng của chúng, được tiếp giáp bất đối xứng, không có tầm nhìn trung tâm, vì vậy tòa nhà chỉ có thể được trải nghiệm qua việc đi vòng quanh nó. Trong khi đó, việc sử dụng vách kính trên dầm chìm không chỉ tạo ra không gian bên trong tràn ngập ánh sáng mà còn cho phép việc nhìn từ bên ngoài vào các chức năng bên trong của tòa nhà, gợi mở tinh thần cởi mở và minh bạch. Sự nối tiếp của những góc nhìn thay đổi mà tòa nhà mang lại phản ánh tầm nhìn của Gropius về sự tiến hóa xã hội: về sự xuất hiện của một nền văn hóa bình đẳng, hợp lý và có trật tự hơn. Với thiết kế của tòa nhà này, Gropius đã đặt ra một kế hoạch chi tiết cho chủ nghĩa chức năng tối giản thống trị kiến trúc thế kỷ 20, đặc biệt là dự đoán sự phát triển của Phong cách Quốc tế – một dạng biến thể toàn cầu hóa của kiến trúc Liên Xô và Chủ nghĩa kiến tạo Bắc Âu – trong những năm 1930.
Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp và viết bởi Larissa Borteh; biên tập và hiệu đính bởi Những cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt bởi Quang Khải; minh hoạ và đề tựa tiếng Việt bởi Hương Mi Lê.
Nguồn tham khảo
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại
- 2. Art Nouveau (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 3. Art Nouveau (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 4. Art Nouveau (Phần 3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật
- 5. Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
- 6. Gustav Klimt (Phần 2) - Tiểu sử và thành tựu
- 7. Gustav Klimt (Phần 3) - Các tác phẩm nổi bật
- 8. Arts & Crafts (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 9. Arts & Crafts (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 10. Arts & Crafts (3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật