Bậc thầy cổ điển (Phần 2)

Sự đổi mới

Do phủ khắp khoảng thời gian dài, khái niệm Bậc thầy Cổ điển bao gồm một loạt phong cách và trào lưu đa dạng. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ đó, cách tiếp cận cơ bản của nghệ thuật phương Tây là tính đại diện. Kết quả là các qui tắc và tỉ lệ cổ điển vẫn giữ vị thế thống trị. Những Bậc thầy Cổ điển đều là những nhà đổi mới không mệt mỏi, phát triển và nâng cao các kỹ thuật, các yếu tố phong cách và chủ đề mới.

Tranh sơn dầu của Da Vinci được vinh danh bởi việc sử dụng kỹ thuật độc đáo chiaroscuro và phát minh về sfumato của ông – sử dụng rất nhiều lớp màu để tạo ra sự chuyển màu tinh tế, trong khi các tác phẩm của Pieter Breughel già nâng cấp hội hoạ cảnh sinh hoạt và phong cảnh lên tầm nghệ thuật cao cấp. 

Bức Bữa ăn tối cuối cùng mang tính biểu tượng của Leonardo da Vinci, một nghiên cứu đổi mới về phối cảnh và sự tương tác giữa con người. 

Mong muốn được ngang bằng và vượt qua các bậc thầy đi trước cũng thúc đẩy sự phát triển của các phương pháp tiếp cận theo phong cách mới. Một số học giải cho rằng việc sử dụng sáng tạo các hình dạng kéo dài và không gian phẳng của Kiểu cách là để tạo ra những hình ảnh mới và mạnh mẽ do mong muốn thoát khỏi các quy tắc chặt chẽ về đối xứng và tỷ lệ của da Vinci, Michelangelo, và Raphael, cũng như các nghệ sĩ Phục hưng Thịnh kỳ khác.

Tranh in của Bậc thầy Cổ điển

Tranh in của bậc thầy cổ điển thường được dùng để gọi bản in được tạo ra trong khoảng đầu những năm 1400 cho tới 1830, bởi một bậc thầy cổ điển như sản phẩm nghệ thuật nguyên bản, hoặc như phương tiện tạo ra các bản sao tác phẩm giúp phổ biến chúng rộng rãi hơn. 

Bậc thầy của Bài chơi (The Master of Playing Cards – Meister der Spielkarten), là một thợ khắc khuyết danh người Đức từ đầu những năm 1940, được Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan miêu tả là “hình tượng vĩ đại đầu tiên của lịch sử chạm khắc.” Tên của ông được lấy theo 77 bản in còn tồn tại tới nay, miêu tả một bộ bài để chơi, những bản in intaglio (in chìm) đầu tiên.

 Nữ hoàng hoa (The Queen of Flowers) (khoảng 1435 – 40) của Meister der Spielkarten

Tranh in, một chế độ nghệ thuật thống trị Bắc Âu vào những năm 1430, nhanh chóng lan rộng ra phần còn lại của châu Âu. Ở Ý, nó được tiếp nhận bởi Andrea Mantegna, một trong những hoạ sĩ Ý đầu tiên dùng chạm khắc để tạo ra sản phẩm nguyên bản thay cho một phương tiện để tái sản xuất.

Danh tiếng quốc tế của Albrecht Dürer chủ yếu dựa trên những bản in đầy sáng tạo của ông, những tác phẩm đã tiếp cận được lượng khán giả đông đảo khắp châu Âu và có tác động to lớn những người cùng thời. Vào thế kỷ 16, rất nhiều nghệ sĩ trong đó bao gồm Raphael, Titian, và Perugino đã trở nên hứng thú với tranh in, đặc biệt là các bản in tái sản xuất tranh của họ và giúp hình ảnh của chúng dễ dàng phổ biến trên khắp châu Âu.

Các bậc thầy nhỏ

Thuật ngữ Các bậc thầy nhỏ (Little Masters) miêu tả một nhóm những nhà chạm khắc Đức làm việc trong khoảng 1525 đến 1550, tạo ra các bản in mi-ni. Đôi khi không lớn hơn cỡ của một con tem bưu chính, những tác phẩm này được tôn vinh bởi những chi tiết tinh xảo của chúng. 

Albrecht Dürer và các nghệ sĩ Phục hưng Ý ảnh hướng tới hầu hết các thành viên dẫn đầu nhóm, bao gồm Albrecht Altdorfer, Hans Sebald Beham, Barthel Beham, George Penz, và Heinrich Aldegrever. Họ miêu tả những cảnh trong Kinh thánh và các thần thoại cổ điển, phong cảnh và đời sống nông dân, kết hợp sự tinh tế của nghệ thuật Ý và thiết kế Đức. Ở Đức, những bản in nhỏ này rất đắt hàng với giới quý tộc và những thương gia giàu có mà trưng bày chúng trong các Kunstkammer, hay là phòng kỳ quan.

Chịu ảnh hưởng bởi những phù điêu bằng đá cẩm thạch của Polidoro de Caravaggio, Hercules chiến đấu chống lại các nhân mã (Hercules fighting against the Centaurs) (1542) của Hans Sebald Beham là một cảnh giàu chi tiết trong kích thước vỏn vẹn 5,1 x 7,2 cm

Tranh chì/than

Tranh vẽ chì/than là một phần thiết yếu của đào tạo trong nghiệp đoàn, bởi các học sinh phải thành thạo chúng trước khi chuyển sang tranh vẽ màu. Tuy nhiên, việc sử dụng và sản xuất tranh vẽ chì/than rộng rãi hơn của các Bậc thầy cổ điển có xu hướng địa phương hoá nhiều hơn. 

Ở Hà Lan, vùng theo Kháng nghị, nơi nghệ thuật được tạo ra cho tầng lớp trung lưu giàu có, phác hoạ cảnh sinh hoạt và phong cảnh được nhìn nhận là tác phẩm nghệ thuật, trong khi đó ở Ý, nơi giáo hội Công giáo đặt hàng phần lớn nghệ thuật, tranh vẽ chì/than thường là các nghiên cứu sơ bộ hoặc phác thảo của các bức bích họa lớn. Bởi tranh vẽ chì/than dễ dàng mang đi mang lại. Chúng thường được dùng làm ví dụ sẵn dùng các tác phẩm của bậc thầy và được nghiên cứu cũng như bắt chước bởi các học sinh nghệ thuật khắp châu Âu.

Những bảo tàng như bảo tàng Anh Quốc, Louvre, và Rijks đã xây dựng các bộ sưu tập bản vẽ chì/than phong phú, và các nhà đấu giá nghệ thuật thường bán các bức tranh vẽ chì/than của các Bậc thầy cổ điển. Bởi những tranh vẽ như vậy của những Bậc thầy cổ điển mẫu mực ít khi có sẵn, tác phẩm bởi các Bậc thầy cổ điển ít được biết đến hơn trở nên cao giá. Vào năm 2018, nhà Christie’s bán một bức tranh nghiên cứu hình tượng người – Một người đàn ông trẻ đang đứng – của Lucas van Leyden với giá gần 11,5 triệu bảng. Nhà sử học Furio Rinaldi đã viết, khiến “Van Leyden, bên cạnh Raphael… là vị Bậc thầy cổ điển thứ hai đã từng có một bức tranh vẽ chì/than nhiều hơn £10,000,000”.

Tác phẩm Một người đàn ông trẻ đang đứng (khoảng 1494 – 1533) của Lucas van Leyden thể hiện truyền thống của người Hà Lan trong việc trình bày tranh vẽ chì/than như tác phẩm hoàn thiện độc lập

Bảo tàng nghệ thuật

Từ thế kỷ 18, những bảo tàng đóng vai trò hàng đầu trong việc quảng bá các Bậc thầy cổ điển, khi họ xây dựng các bộ sưu tập của mình dựa trên những tác phẩm này. Được biết đến với bộ sưu tập về các Bậc thầy cổ điển, Gemäldegalerie Alte Meister (Phòng trưng bày tranh Bậc thầy cổ điển) của Dresden là một trong những phòng trưng bày đầu tiên. Vua của Ba Lan, August Hùng Mạnh, bắt đầu sưu tầm những tác phẩm châu Âu đáng chú ý vào cuối thế kỷ 17, và bộ sưu tập được mở rộng dưới sự chỉ đạo của con trai ông August III là đưa vào các bậc thầy Hà Lan, Flemish, và Đức. Khi đến thăm bảo tàng này vào năm 1768, nhà văn người Đức Wolfgang von Goethe đã phải thốt lên “Tôi bước vào ngôi đền này, và sự kinh ngạc của tôi vượt qua mọi ý tưởng đã hình thành từ trước đó.” 

Bức Sistine Madonna (1512) là tác phẩm trung tâm bộ sưu tập của Gemäldegalerie Alte Meister

Bảo tàng đã trở thành một hình mẫu cho những bảo tàng mở cửa vào cuối thế kỷ 18, ví dụ Musée du Louvre (1793). Khách tham quan chủ yếu đến từ tầng lớp thượng lưu nhưng cũng bao gồm cả sinh viên và nghệ sĩ muốn nghiên cứu và sao chép các kiệt tác của bộ sưu tập. Điều này được thể hiện trong chính sách của Louvre là: dành ra 5 ngày mỗi 10 ngày cho nghệ sĩ.

Nhà đấu giá nghệ thuật

Nhu cầu của các viện bảo tàng và các nhà sưu tầm dành cho tác phẩm của Bậc thầy cổ điển đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các nhà đấu giá nghệ thuật. Các nhà đấu giá xuất hiện sớm nhất ở Thuỵ Điển, với Stockholm Auktionsverk được thành lập năm 1674, và Uppsala Auktionskammare năm 1741. London theo chân ngay sau đó với Baker and Leigh, mà sau này trở thành Sotheby’s được thành lập năm 1744, và Christie’s vào năm 1766. Tiếp tục phát triển vào thời đại hiện đại, những nhà đấu giá này đã mở rộng ra phạm vi quốc tế, với văn phòng đặt tại các thành phố lớn khắp thế giới.

 Bản khắc của Thomas Rowlandson và Augustus Charles Pugin trong Mô hình London thu nhỏ (Microcosm of London) (1808) mô tả một cuộc đấu giá của các Bậc thầy cổ điển tại Christie’s

Trong thị trường nghệ thuật đương đại, như nhà phê bình Scott Reyburn của New York Times đã viết: “Một trong những thử thách lớn nhất khi đối mặt với thế giới nghệ thuật là làm sao sự hứng thú với nghệ thuật cũ hơn có thể được duy trì khi mà sự chú ý ngày càng nhiều – và nhiều tiền hơn được chi – cho các tác phẩm đương đại?” 

Để thu hút sự chú ý đến các Bậc thầy cổ điển, các nhà đấu giá tổ chức các sự kiện như Tuần lễ Bậc thầy cổ điển để làm nổi bật các tác phẩm. Tuy nhiên, bởi rất nhiều các tác phẩm nổi tiếng đã được cất giữ trong các viện bảo tàng, các lô được đưa ra thường là của những nghệ sĩ ít được biết tới hơn. Như Reyburn miêu tả vào mùa hè năm 2017, “Tuần trước ở London, các buổi bán tối của Sotheby’s và Christie’s đã đưa ra tổng cộng 131 bức tranh của nghệ sĩ sinh trước 1850. Hơn nửa trong số đó không được biết tới, hoặc không được biết tới với bất cứ ai chưa từng học lịch sử nghệ thuật.”

Rất hiếm khi tác phẩm bởi một Bậc thầy cổ điển nổi tiếng quả có xuất hiện trong đấu giá, nó không chỉ đạt mức giá rất cao mà còn trở thành một hiện tượng văn hoá. Năm 2017, ở New York, nhà Christie’s đã bán bức Salvator Mundi (khoảng 1500) của Leonardo da Vinci với mức giá kỷ lục 450,3 triệu đô la mỹ.

Trước đây, bức tranh này từng được cho là một bản sao vẽ bởi một trong những môn đồ của Leonardo và từng được bán với giá 45 bảng vào năm 1958. Tới năm 2011, sau nhiều nghiên cứu sâu rộng và phục chế, tác phẩm mới được cho là của Leonardo da Vinci.

Những phát triển sau này

Như nhà sử học nghệ thuật Nancy Locke đã viết: “Danh sách của những nghệ sĩ nổi tiếng được ghi chép là có lòng ngưỡng mộ và đã sao chép tranh của các bậc thầy cổ điển vô hạn; Landseer vẽ theo Rubens: John Singer Sargent theo Velasquez; Henri Fantin Latour theo Titian và Veronese, Géricault theo Caravaggio và sớm hơn nữa; Watteau theo Titian, Van Dyck theo Tintoretto, Matsys theo Raphael, và đó chỉ là một vài.” 

Tuy nhiên, mặc dù học sinh nghệ thuật ngày nay vẫn tiếp tục nghiên cứu và mô phỏng các Bậc thầy cổ điển, chương trình giảng dạy nghiêm ngặt đã bắt đầu không còn được ưa chuộng từ những năm 1800 khi Hiện thực, trào lưu hiện đại đầu tiên, nhấn mạnh vào sự quan sát thiên nhân và các miêu tả chân thực về cuộc sống của tầng lớp lao động.

Venus của Ubino” của Titian
Olympia của Manet

Mặc dầu vậy, những nghệ sĩ hàng đầu vẫn tiếp tục quay lại với các Bậc thầy cổ điển, thường tham khảo các Bậc thầy trong chính tác phẩm của họ. Olympia (1863) của Manet tham khảo Venus của Ubino (1538) của Titian, và Degas thường xuyên đến thăm Louvre để sao chép và phác hoạ lại các tác phẩm của Ingres và Poussin. Như Nancy Locke viết, Paul Cézanne: “Cảm thấy một sự tôn kính sâu sắc dành cho một vài nghệ sĩ ở Louvre, và thường xuyên tìm tới họ cho cảm hứng và sự hướng dẫn, ngay cả khi đã trưởng thành.” 

Cézanne, theo lời của Locke: “Vật lộn với những người tiền nhiệm của mình theo cách để biến đổi họ” và những trào lưu nghệ thuật hiện đại thế kỷ 20 thường được đánh dấu bằng một động lực để thay thế, cấu hình lại, hoặc chủ động từ chối sự ảnh hưởng của những bậc thầy trong quá khứ. Ví dụ như Picasso đã dành một khoảng thời gian cực lớn để làm lại Cranach, Velázquez, Delacroix, Manet, và Degas. Năm 1919, Marcel Duchamp phá huỷ khuôn mặt của bản sao tác phẩm Mona Lisa bằng một bộ ria mép để tạo ra L.H.O.O.Q, trong khi đó Sự ra đời của thần Vệ nữ (Birth of Venus) (1984) của Andy Warhol là một phiên bản cận cảnh được cắt xén và làm phẳng tác phẩm của Botticelli.

Một trong các bản Sự ra đời của thần Vệ nữ của Warhol

Vào những năm 1970 trào lưu Nghệ thuật Nữ quyền trỗi dậy, thách thức truyền thống của các Bậc thầy cổ điển, cho rằng sự nhấn mạnh đó đã xoá bỏ các nghệ sĩ nữ khỏi lịch sử nghệ thuật, giáo dục, và sự bảo trợ. “Tại sao không có những nữ nghệ sĩ vĩ đại?” (“Why Have There Been No Great Women Artists?”) (1971) chất vấn giả định truyền thống rằng những bậc thầy vĩ đại chỉ có thể là những nam nghệ sĩ châu Âu, trong khi Guerrilla Girls vào những năm 1980 thách thức các bảo tàng nghệ thuật trưng bày nhiều nghệ sĩ nữ hơn, bao gồm những người như Judith Leyster và Artemisia Gentileschi, đã từng nổi tiếng trong thời đại của mình như là các bậc thầy nhưng sau đó lại bị xoá bỏ.

 Chân dung tự hoạ như là Ngụ ngôn về hội hoạ (Self – Portrait as the Allegory of Painting) (1638 – 39) của Artemisia Gentileschi

Những nghệ sĩ sau này tiếp tục tái cấu hình lại những Bậc thầy cổ điển. Như nhà phê bình Magda Michalska viết: “Xê-ri Bậc thầy cổ điển (Old Masters) (1989-1990) bao gồm 35 bức ảnh của Cindy Sherman “hoà trộn ý thức Hậu – Hiện đại với những kiệt tác vượt thời gian (hoặc ngụ ý mà chúng đại diện) của các bậc thầy châu Âu.” 

Kehinde Wiley, như nhà phê bình nghệ thuật Anne Quito viết: “Lấy trộm từ những người khổng lồ của nghệ thuật phương Tây như Jacques-Louis David, Édouard Manet, Jean-Auguste – Dominique Ingres và Titian… để tạo ra những chân dung cực thực, thấm nhuần vào những đối tượng của ông bằng cùng một làn không khí trang nghiêm hoặc hư vinh tìm thấy trong những bức tranh cũ.” 

Tổng thống Barack Obama (2018) của Kehinde Wileyrr

Mặt khác, anh em Chapman trực tiếp thay đổi những tác phẩm nghệ thuật nguyên bản bao gồm một loạt hiếm các bản in của Francisco Goya trong Insult to Injury.

Một tác phẩm từ Insult to Injury

Dịch: Hương Mi Lê


Về chủ mục

Lê Hương Mi (Hương Mi Lê) | mi-mimi

Sinh năm 1991 tại Hà Nội, hiện Mi là giảng viên môn Lịch sử Thiết kế Đồ họa và môn Typography tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, là dịch giả, biên tập sách và nhà quản lý dự án nghệ thuật tự do. Mi làm việc với các đơn vị như Thái Hà Books, Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, viện Nghiên cứu Hán-Nôm, VCCA… Bên cạnh đó, Mi cũng là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác, hoạt động dưới cái tên mi-mimi.

Mi từng theo học Thiết kế Truyền thông tại Học viện Nghệ thuật Thị giác, Frankfurt, Đức và Nhân học tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội, Việt Nam.

Một số sự kiện nghệ thuật mà Mi từng tham gia với tư cách nghệ sĩ: Animal Theater 2019 – Á Space (Hà Nội), Poetry Plus – Performance Plus 2019 – Mot+++ (TP HCM), Khi Đàn Chim Trở Về / When the Birds Fly Home – Triển lãm Nhiếp ảnh và Kể chuyện, đồng sáng tác – Bảo tàng Phụ Nữ (2016, Hà Nội).

Cùng tác giả

#Tag

Bậc thầy cổ điển da vinci Hương Mi Lê Lê Hương Mi may Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Triển lãm cá nhân của Hà Ninh Pham: ‘Fugitive Zone’ sắp sửa mở cửa đón công chúng tại Paris
Triển lãm cá nhân của Hà Ninh Pham: ‘Fugitive Zone’ sắp sửa mở cửa đón công chúng tại Paris
Đã 7 năm kể từ khi Hà Ninh Pham bắt đầu xây dựng cho mình một thế giới riêng trong dự án My Land [1] (Đất Mình), từ lúc còn…
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…