Wassily Kandinsky (Phần 2)

Trong phần thứ hai về nghệ sĩ và nhà lý thuyết nghệ thuật thiên tài Kandinsky, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông. Bắt đầu với trường phái Biểu hiện và những mối bận tâm với Khải huyền và sự cứu chuộc hướng ông tới một bút pháp biểu tượng nhất định, Kandinsky chuyển dịch mạnh mẽ sang hướng trừu tượng thuần khiết và đi tới đỉnh cao. Tuy nhiên, suốt cuộc đời sáng tác, mong muốn của ông luôn là thể hi ện cái tâm linh-tinh thần và một niềm tin vào tương quan bền chặt của âm nhạc và hội hoạ – những bức tranh của ông khơi gợi âm thanh trong tâm trí như cách âm nhạc khơi gợi hình ảnh trong tâm trí, đồng thời truyền tải cái tâm linh cao cả, phổ quát.

  • Nghệ sĩ cần phải trau dồi không chỉ đôi mắt mình mà cả linh hồn mình nữa.”
  • Màu sắc là những nốt nhạc. Con mắt là chiếc búa. Linh hồn của cây dương cầm nằm ở những hoà âm đa dạng. Người nghệ sĩ là bàn tay mà, bằng cách chạm vào nốt này hay nốt khác, khiến cho linh hồn rung lên một cách tự động.
  • Không có sự phải thế nào trong nghệ thuật bởi nghệ thuật là tự do.
  • Tác phẩm nghệ thuật đích thực sinh ra từ ‘nghệ sĩ’: một tạo tác bí ẩn, khó giải thích, và thần bí. Tác phẩm tách mình ra khỏi tác giả, nó thâu nhận một đời sống tự động, trở thành một nhân cách, một đối tượng độc lập, sống động với một hơi thở tâm linh, một đối tượng sống của một sự tồn tại đích thực của một thực thể.

Các tác phẩm tiêu biểu

1903: Kỵ sĩ màu lam 

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập cá nhân

Tác phẩm đột phá Kỵ sĩ màu lam (Der blaue Reiter) này là một hình ảnh nom đơn giản đến khó hiểu – một kỵ sĩ đơn độc đang chạy băng qua một phong cảnh – nhưng nó đại diện cho một khoảnh khắc quyết định trong phong cách đang phát triển của Kandinsky. Trong bức tranh này, ông đã thể hiện mối liên hệ về phong cách rõ ràng với tác phẩm của những người theo trường phái Ấn tượng, như Claude Monet, đặc biệt rõ ràng trong sự tương phản của ánh sáng và bóng tối trên sườn đồi đầy nắng. Sự mơ hồ về hình thức của nhân vật trên lưng ngựa được thể hiện bằng nhiều màu sắc gần như hòa trộn với nhau dự báo mối quan tâm của ông đối với trừu tượng. Chủ đề về ngựa và kỵ sĩ xuất hiện trở lại trong nhiều tác phẩm về sau của ông. Đối với Kandinsky, mô típ này biểu thị cho sự phản kháng để chống lại các giá trị thẩm mỹ thông thường cũng như khả năng có một cuộc sống thuần khiết, thiên về tinh thần hơn thông qua nghệ thuật.

1908-09: Ngọn núi màu lam

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Solomon R. Guggenheim, New York, Mỹ

Trong tác phẩm Ngọn núi màu lam (Der blaue Berg), ảnh hưởng của trường phái Dã thú đối với bảng màu của Kandinsky được thể hiện rõ ràng, khi ông làm biến dạng màu sắc và xa rời khỏi thế giới tự nhiên. Ông diễn tả một ngọn núi màu xanh lam tươi sáng, được bao quanh bởi một cái cây màu đỏ và màu vàng ở hai bên. Ở tiền cảnh, những người cưỡi ngựa lao qua khung cảnh. Ở giai đoạn này trong sự nghiệp của Kandinsky, Sách Khải huyền (Book of Revelation) của Thánh John đã trở thành nguồn văn học chính cho nghệ thuật của ông, và những người cưỡi ngựa đại diện cho bốn kỵ sĩ của ngày tận thế. Những kỵ sĩ, mặc dù là dấu hiệu của sự hủy diệt hàng loạt của ngày tận thế, nhưng cũng đại diện cho tiềm năng cứu chuộc sau đó.

Bảng màu rực rỡ và cọ pháp biểu cảm của Kandinsky mang đến cho người xem cảm giác hy vọng hơn là tuyệt vọng. Hơn nữa, màu sắc rực rỡ và đường viền màu tối gợi nhắc đến tình yêu của ông đối với nghệ thuật dân gian Nga. Những ảnh hưởng này sẽ vẫn là một phần trong phong cách của Kandinsky trong suốt giai đoạn còn lại của sự nghiệp, với màu sắc tươi sáng thống trị cả những bức họa mang tính đại diện và phi khách quan của ông. Từ tác phẩm tượng hình và mang tính biểu trưng cao như thế này, Kandinsky bắt đầu tiến xa hơn theo hướng trừu tượng thuần túy. Trong tác phẩm Ngọn núi lam, các hình thức đã được sơ đồ hoá từ hiện thể quan sát được của chúng trong thế giới xung quanh, và trừu tượng hoá của ông chỉ tiến triển khi Kandinsky hoàn thiện các lý thuyết về nghệ thuật.

1911: Bố cục IV

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập nghệ thuật North Rhine-Westphalia, Düsseldorf, Đức

Ẩn mình trong những dải màu tươi sáng và những nét đen rõ ràng của Bố cục IV (Composition IV), Kandinsky đã khắc họa một số người Cô-dắc với những cây thương, cũng như những con thuyền, những hình người nghiêng ngả, và một lâu đài trên đỉnh đồi. Như nhiều bức tranh từ thời kỳ này, ông diễn tả trận chiến khải huyền sẽ dẫn đến hòa bình vĩnh cửu. Ý niệm về chiến trận được truyền tải bởi hình tượng người Cô-dắc, trong khi sự bình thản của các hình dạng trôi nổi và các nhân vật nghiêng ngả bên phải ám chỉ đến hòa bình và sự cứu chuộc sẽ theo sau. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển phong cách hội họa phi vật thể, như được mô tả trong Về cái tinh thần trong nghệ thuật (Concerning the Spiritual in Art) (1912), Kandinsky đã tiêu giảm các vật thể thành các biểu tượng hình ảnh. Thông qua việc loại bỏ hầu hết các tham chiếu đến thế giới bên ngoài, Kandinsky thể hiện tầm nhìn của mình theo cách phổ quát hơn, chắt lọc bản chất tinh thần của đối tượng, thông qua các hình khối, thành một dạng từ vựng thị giác. Nhiều trong số những hình tượng biểu trưng này được lặp lại và tinh chỉnh trong các tác phẩm sau đó, ngày càng trở nên trừu tượng hơn khi Kandinsky phát triển phong cách trừu tượng thuần túy, trưởng thành của mình.

1913: Bố cục VII

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Tretyakov, Moscow, Nga

Thường được coi là đỉnh cao thành tựu trước Thế chiến thứ nhất của Kandinsky, Bố cục VII (Composition VII) thể hiện sự bác bỏ của nghệ sĩ đối với sự đại diện bằng hình ảnh, thông qua một cơn lốc xoáy của màu sắc và hình dạng. Chuyển động hỗn loạn và huyên náo của các hình khối xung quanh tấm toan minh họa niềm tin của Kandinsky rằng hội họa có thể gợi lên âm thanh trong tâm trí, như cách mà âm nhạc gợi lên một số màu sắc và hình khối nhất định. Ngay cả tiêu đề, Bố cục VII (trong tiếng Anh, bố cục hội hoạ và bản soạn nhạc dùng cùng một từ “composition”), cũng phù hợp với sở thích của ông về sự đan xen của tính âm nhạc với tính hình ảnh – nhấn mạnh trọng tâm phi đại diện của Kandinsky trong tác phẩm này. Khi các màu sắc và biểu tượng khác nhau xoắn xung quanh nhau, Kandinsky đã loại bỏ các tham chiếu truyền thống về chiều sâu và để lại những biểu tượng trừu tượng trần trụi khác nhau nhằm truyền đạt các chủ đề sâu sắc hơn và cảm xúc chung cho tất cả các nền văn hóa và người xem.

Bận tâm về chủ đề về khải hoàn và cứu chuộc trong suốt những năm 1910, Kandinsky chính thức gắn bố cục xoay vần của bức tranh với chủ đề về quá trình hủy diệt và cứu rỗi mang tính chu kỳ. Bất chấp bản chất dường như phi vật thể của tác phẩm, Kandinsky vẫn duy trì một số tham chiếu mang tính biểu tượng trong bức tranh này. Trong số các hình thức khác nhau để xây dựng vốn từ vựng thị giác của Kandinsky, ông đã vẽ các hình tượng thuyền có mái chèo, núi và hình người. Tuy nhiên, ông không có ý định để người xem đọc những biểu tượng này theo nghĩa đen và thay vào đó, thấm nhuần các bức tranh của ông với những tham chiếu mạnh mẽ đến Sự phán xét cuối cùng, Trận đại hồng thủy và Vườn Địa đàng, dường như tất cả xuất hiện cùng một lúc.

1916: Moscow I (Quảng trường Đỏ)

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Tretyakov, Moscow, Nga

Ban đầu, việc chuyển đến Moscow vào năm 1914 mở ra một khoảng thời gian trầm cảm và Kandinsky thậm chí không thể vẽ một chút nào trong năm đầu tiên. Khi cầm cọ vẽ lại vào năm 1916, ông bày tỏ khao khát được vẽ một bức “chân dung” của Moscow trong một bức thư gửi cho người bạn đồng hành cũ của mình, bà Gabriele Münter. Mặc dù tiếp tục trau dồi sự trừu tượng hoá của mình, ông đã tái hiện các di tích của thành phố trong bức tranh này và nắm bắt được tinh thần của thành phố. Kandinsky vẽ các địa danh theo kiểu hình tròn như thể ông đứng ở trung tâm Quảng trường Đỏ, quay trong một hình tròn, và bắt gặp tất cả đang xoay quanh mình. Mặc dù tham chiếu đến thế giới bên ngoài trong bức tranh này, Kandinsky vẫn duy trì cam kết của mình với cảm giác đồng thời (cảm giác kèm – “synesthesia”) của biểu hiện màu sắc, âm thanh và tâm linh trong nghệ thuật. Kandinsky đã viết rằng ông đặc biệt yêu thích cảnh hoàng hôn ở Moscow vì đó là “hợp âm cuối cùng của một bản giao hưởng, được viết trong mọi cung bậc của một cuộc sống cao độ mà buộc toàn bộ Moscow phải vang lên, như tiếng đàn của một dàn nhạc khổng lồ.”

1923: Bố cục VIII

Sơn dầu trên toan, Bảo tàng Solomon R. Guggenheim, New York

Trật tự hình học và lý trí của Bố cục VIII (Composition VIII) là một cực đối lập với cấu tạo đầy tính âm nhạc của Bố cục VII (1913). Được vẽ khi ông giảng dạy tại Bauhaus, tác phẩm này minh họa cách Kandinsky tổng hợp các yếu tố từ chủ nghĩa Siêu việt, Kiến tạo, và các đặc tính riêng của trường Bauhaus. Bằng cách kết hợp các khía cạnh của cả ba trào lưu, ông đã tạo ra các mặt phẳng màu sắc và chất lượng tuyến tính, rõ ràng có thể thấy được trong tác phẩm này. Hình thức, như là trái ngược với màu sắc, cấu trúc bức tranh theo sự cân bằng động chuyển động khắp tấm toan. Tác phẩm này là biểu hiện cho những ý tưởng được làm rõ của Kandinsky về nghệ thuật phi vật thể, hiện đại, đặc biệt là ý nghĩa của các hình dạng như tam giác, hình tròn và bàn cờ. Kandinsky dựa vào một phong cách cạnh cứng để truyền đạt nội dung sâu sắc hơn trong tác phẩm của mình ở phần còn lại của sự nghiệp.

1926: Một số hình tròn

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Solomon R. Guggenheim, New York, Mỹ

Kandinsky đã vẽ tác phẩm này vào tuổi sáu mươi và nó thể hiện sự nghiên cứu kéo dài cả đời của ông đối với hình thức lý tưởng của biểu đạt tâm linh trong nghệ thuật. Được tạo ra như một phần trong quá trình thử nghiệm với phong cách hội họa tuyến tính, tác phẩm này thể hiện sự quan tâm của ông đối với dạng hình tròn. Kandinsky khẳng định: “Hình tròn là sự tổng hợp của những mặt đối lập lớn nhất. Nó kết hợp đồng tâm và lệch tâm trong một hình thức duy nhất và ở trạng thái cân bằng. Trong ba hình khối cơ bản, hình tròn hướng rõ ràng nhất đến chiều thứ tư.” Ông đã dựa vào các khả năng diễn giải đa dạng của hình tròn để tạo ra cảm giác hài hòa về tinh thần và cảm xúc trong tác phẩm này. Các kích thước đa dạng và màu sắc tươi sáng của mỗi vòng tròn nổi lên như bong bóng khắp bề mặt toan và được cân bằng thông qua sự sắp xếp cẩn thận của Kandinsky về tỷ lệ và màu sắc. Sự dịch chuyển đầy động năng của các hình khối tròn gợi lên tính phổ quát của chúng – từ những ngôi sao trong vũ trụ đến những giọt sương; vòng tròn – một hình dạng không thể thiếu trong cuộc sống.

1939: Bố cục X

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập nghệ thuật North Rhine-Westphalia, Düsseldorf, Đức

Bị ảnh hưởng bởi các hình thức sinh học trôi nổi của chủ nghĩa Siêu thực, Kandinsky sau này đã kết hợp các hình dạng hữu cơ trở lại vốn từ vựng hình ảnh của mình. Được thực hiện tại Pháp, bức tranh hoành tráng này dùng hậu cảnh đen để nhấn mạnh tác động thị giác của các hình khối gợn sóng màu sắc rực rỡ ở tiền cảnh. Sự hiện diện của khoảng màu đen là rất quan trọng, vì Kandinsky chỉ sử dụng màu sắc một cách hạn chế; nó gợi lên vũ trụ cũng như bóng tối ở đoạn cuối cuộc đời. Các mặt phẳng màu sắc nhấp nhô gợi lên trong tâm trí ta các sinh vật cực nhỏ, nhưng cũng thể hiện những cảm nhận cảm xúc và tâm linh nội tâm mà Kandinsky đã trải qua khi đi tới gần cuối đời. Tổ chức thăng hoa của các hình thức tương phản với các cạnh sắc nét và nền đen minh họa cho sự hài hòa và căng thẳng hiện hữu khắp vũ trụ, cũng như sự lên xuống của chu kỳ cuộc sống. Là bức cuối cùng trong loạt tranh Bố cục được vẽ suốt cả đời của ông, tác phẩm này là đỉnh cao nghiên cứu của Kandinsky về sự thuần khiết của hình thức và cách thể hiện thông qua hội họa phi đại diện.

Nguyên bản tiếng Anh do Eve Griffin tổng hợp và viết, Những người Cộng sự của The Art Story biên tập và đăng tải. Bản tiếng Việt do Tố Uyên dịch, Hương Mi Lê hiệu đính, viết đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…