Vladimir Tatlin (Phần 2)

Trong phần hai của loạt bài về Vladimir Tatlin, ta tìm hiểu những năm cuối đời và di sản của ông. Đặc biệt, ta sẽ đi qua từng tác phẩm tiêu biểu sắp xếp theo trình tự thời gian, làm sáng tỏ về Tatlin như một nghệ sĩ, một nhà thiết kế, một kỹ sư, và hơn thế nữa.

  • Chúng tôi tuyên bố sự nghi ngờ của mình trước con mắt, và đặt những ấn tượng nhục cảm của mình dưới tầm kiểm soát.
  • Làm việc trong địa hạt của đồ nội thất và những sản phẩm tiêu dùng khác chỉ là sự bắt đầu: sự trỗi dậy của những cơ quan văn hoá mới, thiết yếu trong đời sống thường nhất của chúng ta, những cơ quan nơi sản xuất hàng loạt sinh sống, suy nghĩ, và phát triển những khả năng của chúng, đòi hỏi người từ người nghệ sĩ không chỉ là một cảm xúc trước cái bề ngoài mang tính trang trí mà trên tất cả là cho những thứ phù hợp với sự tồn tại mới và logic của chúng.”

Những năm cuối đời và cái chết

Mặc dù Tatlin vẫn làm việc tới khi qua đời, sự nghiệp là nghệ sĩ của ông được coi như là đã kết thúc vào năm 1932 với tác phẩm lớn cuối cùng của mình là Letatlin (1929-32), một cỗ máy bay chạy bằng sức người. Tatlin đã bắt đầu làm việc với “tàu lượn” Letatlin từ năm 1929. Ông đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng về cách bay của chim và cấu trúc của cánh chim, với ý tưởng rằng con người có thể bắt chước cách chim trong tự nhiên bay không tốn sức lực, hiệu quả, và hài hoà.

Tác phẩm dựng lại của Letatlin

Chủ nghĩa Kiến tạo và toàn bộ tiền tiến Nga đã chết yểu vào đầu những năm 1930 khi chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa trở thành phong cách chính thức của quốc gia. Tatlin bắt đầu vẽ sơn dầu trở lại vào khoảng thời gian này. Tuy nhiên, những tác phẩm thời kỳ sau này liên quan rất ít tới những tác phẩm hội hoạ trừu tượng và những tác phẩm điêu khắc kiến tạo chủ nghĩa trước đó, vì chúng hầu như chỉ giới hạn trong phạm vi tĩnh vật hoa vẽ theo cung cách biểu hiện.

Một bức tĩnh vật hoa vẽ năm 1940 của Tatlin

Di sản của Vladimir Tatlin

Tuy những chi tiết xung quanh cuộc đời và tác phẩm của Tatlin tương đối mù mờ, ông luôn là một trong những nghệ sĩ hàng đầu của tiền tiến Nga và người sáng tạo nên thiết kế kiến trúc có tầm nhìn và ảnh hưởng nhất xuất phát từ tư tưởng Kiến tạo chủ nghĩa. Mặc dù dự án Toà tháp không bao giờ được hiện thực hóa một cách hoàn thiện, những phản-phù điêu lơ lửng trong góc của Tatlin thay đổi mối quan hệ mà tác phẩm nghệ thuật có thể có với môi trường xung quanh nó cũng như cách mạng hóa cách thức mà một tác phẩm điêu khắc có thể được hình dung. Những công trình của Tatlin, cũng như tư tưởng của chủ nghĩa Kiến tạo, vẫn liên tục ảnh hưởng đến cách nghệ sĩ trong nửa sau của thế kỷ 20 tìm kiếm việc cách mạng hoá xã hội bằng cách giới thiệu những hình thức mới của nghệ thuật. Đặc biệt, các nghệ sĩ nữ quyền và những người tham gia vào trào lưu hội hoạ mô típ và trang trí vào những năm 1970 và 1980 đã lấy những người Kiến tạo chủ nghĩa như nguồn cảm hứng trực tiếp. Những người nghệ sĩ này sử dụng các phương pháp thủ công, đưa những vật thể và chất liệu thường nhật vào trong tác phẩm để mở rộng những ranh giới của tạo tác được coi là nghệ thuật và để thách thức những khái niệm về hình thức “thấp cấp” và “cao cấp” của nghệ thuật và văn hoá.

Các tác phẩm tiêu biểu

1911: Người thuỷ thủ: Tác phẩm tự hoạ

Sơn dầu trên toan. Bảo tàng Nhà nước Nga, St. Petersburg, Nga

Trong bức tự hoạ trong hình hài một thuỷ thủ này, Tatlin đã thể hiện một hứng thú sớm với đa phương tiện. Ông kết hợp nhiều cấu trúc bề mặt sơn, vẽ dày sơn ở một vài khu vực và cho phép xuất hiện những đường mảnh ở các khu vực khác. Chủ thể nằm ở trung tâm và hoành tráng nhưng vẫn tôn trọng các vật thể và hình tượng khác trong bức hoạ, khiến ông là tâm điểm hiển nhiên và chi tiết quan trọng nhất. Những chi tiết này đặc biệt liên kết tác phẩm với kinh nghiệm trước đây của ông với các biểu tượng trong hội hoạ tôn giáo. Cũng theo phong cách biểu tượng tôn giáo này, hình tượng trung tâm được kết xuất phẳng và ép xuống sát với mặt phẳng hình ảnh. Những hình tượng ở phần nền là những bóng đen với kích thước nhỏ hơn đáng kể là gợi ý duy nhất về độ sâu. Những đường viền đen dày và những điểm nhấn trắng sáng cũng là đặc trưng cho phong cách trừu tượng của ông.

1911: Người đánh cá

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày bang Tretyakov, Moscow, Nga

Ở đây, Tatlin phân mảnh hình ảnh và tách nó thành nhiều mặt phẳng khác nhau, sử dụng các đường viền dày để tạo ra độ nét. Cách tiếp cận cho thấy ảnh hưởng của chủ nghĩa Lập thể, mặc dù bức tranh không có đường nét hình học sắc nét nào mà thường tạo nên hình thức đặc trưng của hình ảnh Lập thể chủ nghĩa. Thay vào đó, Tatlin sử dụng các đường cong và các hình dạng tròn, và sử dụng chủ yếu bảng màu gồm ba màu. Tuy đây là một bức tranh mang tính đại diện, nhưng chiều sâu và phối cảnh bị làm lệch và hình thức của các hình tượng và vật thể được đơn giản hoá và làm phẳng.

1913: Khoả thân

Sơn dầu trên toan. Phòng trưng bày Tret’yakov, Moscow, Nga.

Kỹ thuật và bảng màu được sử dụng trong bức tranh thời kỳ đầu này cho thấy ảnh hưởng của tranh khắc gỗ truyền thống của Nga, tranh biểu tượng tôn giáo, và nghệ thuật dân gian. Mặc dù có những yếu tố của chủ nghĩa Lập thể trong Khoả thân (The Nude), như thể hiện trong phối cảnh bị bóp méo và việc chia nhỏ các hình thức thành các mặt phẳng, đây không phải là một hình ảnh Lập thể. Hình ảnh được cấu tạo bởi các mặt phẳng và đường nét đều cong, và được ép sát xuống mặt phẳng hình ảnh theo phương thức của hình ảnh biểu tượng tôn giáo Nga (và việc sử dụng những hình thức cong sẽ là một chi tiết tiếp tục xuất hiện trong tác phẩm của Tatlin cho đến và xa hơn Tượng đài của Đệ tam Quốc tế danh tiếng). Bảng màu được giảm thiểu và việc sử dụng những điểm nhấn màu trắng và những đường viền đen phẳng gợi nhớ tới cách biểu tượng tôn giáo của Nga. Tatlin có thể đã sử dụng những tham khảo như vậy với nỗ lực gợi ý rằng bức tranh cung cấp một biểu tượng mới thay thế cho cái cũ – một biểu tượng cho sự hiện đại sẽ kích động mọi người hành động và mang lại thay đổi cho xã hội.

1913: Cái chai

Giấy dán tường, gỗ, kim loại, kính – Hình ảnh: bộ sưu tập của D. Sarabyanov, Moscow, Nga.

Tác phẩm Cái chai (The Bottle) là phù điêu sớm nhất được biết tới của Tatlin. Tác phẩm này có thể được nhìn nhận là cây cầu nối giữa những bức tranh hình tượng trước đó và những phản-phù điêu ba chiều, nhưng nó chịu ảnh hưởng bởi tất cả những bức phù điêu mà nghệ sĩ nhìn thấy ở xưởng của Picasso tại Paris khi ông du hành tới đó vào năm 1913. Quả thật, Tatlin sau này nói rằng Picasso là một trong ba hoạ sĩ tác động tới ông nhiều nhất. Trong Cái chai, ông kết hợp việc sử dụng các chất liệu công nghiệp đa dạng với một nghiên cứu hình thức mang tính hội hoạ để tạo ra một tác phẩm chưa hoàn toàn trừu tượng và chưa được giải phóng hoàn toàn khỏi bề mặt gò bó và phẳng lì của hội hoạ. Kết quả là một khám phá bán-trừu tượng của các vật liệu theo phong cách của một tác phẩm cắt dán ba chiều mà chưa hoàn toàn tách rời khỏi toan vẽ và đi vào không gian xung quanh. Những cắt dán lắp ghét của Picasso rõ ràng là một mặc khải cho Tatlin, vì chúng cho thấy rằng nghệ thuật có thể được làm bằng mọi loại chất liệu và không cần giới hạn mình trong sơn dầu trên toan.

1914-15: Phản-phù điêu

Gỗ, đồng, dây – Bảo tàng Nhà nước Nga, St. Petersburg, Nga

Một yếu tố quan trọng trong chiến lược của Tatlin để tách các bức phản-phù điêu của ông ra khỏi hội hoạ và điêu khắc truyền thống là dựng chúng ở góc phòng. Đây là nơi mà, theo truyền thống, một biểu tượng tôn giáo sẽ được trưng bày trong một gia đình người Nga ngoan đạo; do đó Tatlin gợi ý rằng sự hiện đại và thử nghiệm nên là những vị thần mới của nước Nga. Ý tưởng tác phẩm có thể đến từ Tuyên ngôn kỹ thuật của điêu khắc Vị lai (1912), một tác phẩm của nhà Vị lai Ý Umberto Boccioni, nơi mà ông kêu gọi các nhà điêu khắc “Hãy mở toang các hình tượng của chúng ta và đặt không gian môi trường xung quanh vào trong chúng.” Phản-phù điêu góc gợi lên sự năng động của hiện đại, với những đường nét đa dạng đan cài chồng chéo và chuyển động theo các hướng khác nhau để tạo nên nhịp điệu và độ căng. Cách mà vật thể vươn mình qua góc phòng thay đổi không gian của căn phòng và thiết lập một mối quan hệ độc đáo với môi trường xung quanh. Những dây chéo gợi nhớ một nhạc cụ và có lẽ được lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của Tatlin với tư cách một nhà sản xuất nhạc cụ.

1919-20: Tượng đài của Đệ tam Quốc tế

Gỗ, sắt, và kính – Đã bị phá huỷ

Tượng đài Đệ tam Quốc tế (Monument to the Third International), đôi khi được biết đến một cách đơn giản là Tháp của Tatlin, là tác phẩm nổi tiếng nhất của nghệ sĩ cũng như là động lực quan trọng nhất thúc đẩy phong trào Kiến tạo ra đời. Toà tháp chưa bao giờ được hoàn thiện, và nó vốn được dự định là hoạt động như một không gian hội nghị và trung tâm tuyên truyền đầy đủ chức năng cho Đệ tam Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa (Communist Third International), hay Comintern. Khung thép xoáy của nó được thiết kế để cao gần 400m, khiến nó có thể trở thành cấu trúc cao nhất thế giới vào thời điểm đấy – tức là cao hơn và mang tính công năng hơn, hay đẹp hơn theo tiêu chuẩn của người Kiến tạo, tháp Eiffel. 

Toà tháp dự tính sẽ có ba bộ phận bằng kính, những cấu trúc hình khối lập phương, hình trụ, và hình nón, sẽ có các không gian khác nhau cho các cuộc họp, và sẽ xoay vòng mỗi năm, tháng, và ngày. Với Tatlin, thép và kính là những vật liệu thiết yếu của kiến tạo hiện đại. Chúng tượng trưng cho ngành công nghiệp, công nghệ, và thời đại máy móc, và chuyển động không ngừng của các đơn vị dạng hình học là hiện thể của sự năng động của hiện đại. Mặc dù tháp được đặt hàng để là một tượng đài của cách mạng và mặc dù nó được đánh giá cao bởi Bolshevik, nó không được xây dựng. Nó tiếp tục là một biểu tượng cho những khát vọng lý tưởng không tưởng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này.

1929-32: Letatlin

Gỗ, sắt, xương cá voi, lụa – Bảo tàng Hàng không và Du hành vũ trụ, Monino, Nga

Tác phẩm lớn cuối cùng của Tatlin, Letatlin đầy tiến bộ, chứng minh tài năng của ông như là một người có tầm nhìn. Sự hứng thú của ông với chuyển động và các hình thức và sự hài hoà của tự nhiên đã thúc đẩy ông tạo ra một phương thức bay hiệu quả hơn. Ông đã quan sát cách những con chim bay, duyên dáng và hiệu quả, cho những quãng đường dài mà không tiêu tốn quá nhiều năng lượng, và trong khi giữ nguyên tình trạng như thể là bất động, Tatlin tìm cách tái tạo là phương pháp này bằng cách xây dựng một cơ chế máy móc có cánh chạy bằng sức người. Cho dự án này, ông đã tập hợp những nhà nghiên cứu để nghiên cứu đôi cánh của những loài chim, thậm chí, đôi khi, mổ xẻ chúng để hiểu rõ hơn về cấu trúc của chúng. Thông qua những thí nghiệm bền bỉ của mình đối với các vật liệu, Tatlin đã hiểu và đánh giá cao các cấu trúc tự nhiên, và tìm cách mô phỏng chúng. Mặc dù nhìn chung không thành công, nhưng công trình cuối cùng này quả đã được thiết kế để hướng tới một cách sống hiệu quả hơn trong xã hội mới – nó vẫn là một trong những dự án quan trọng nhất của Tatlin và củng cố vị trí của anh như một nhà đổi mới và kỹ sư thực thụ.

Dịch: Hương Mi Lê

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Vladimir Tatlin

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…