Trường phái Sông Hudson (Phần 2)

Trong phần hai của chuỗi bài về trường phái Sông Hudson, chúng ta cùng tìm hiểu về khái niệm, phong cách, và xu hướng của trào lưu, những phát triển sau đó, và bước đầu xem xét những tác phẩm, tác giả tiêu biểu.

Trường phái Sông Hudson: Khái niệm, phong cách và xu hướng

Tranh phúng dụ (Allegorical Painting)

Theo sau những thành công ban đầu từ những bức tranh phong cảnh, Cole nhắm đến việc bắt chước các họa sĩ lịch sử bằng cách thêm vào trong tác phẩm của mình những lớp nghĩa biểu trưng. Bức Tiến trình Đế chế (The Course of Empire) (1833-1836), năm bức tranh mô tả sự hưng thịnh và suy tàn của một nền văn minh, minh chứng cho sự chuyển hướng sang hội họa phúng dụ hoặc ẩn dụ của ông. Thật vậy, một số họa sĩ Trường phái Sông Hudson đã phát triển một chủ đề phúng dụ trong các tác phẩm của họ để truyền tải những thông điệp phức tạp hơn. Con trâu cuối cùng (Last of the Buffalo) (1888) của Albert Bierstadt miêu tả chính xác cả những đặc trưng địa hình của Đại Bình nguyên và một cuộc săn trâu tưởng tượng, được thiết kế như một phúng dụ cho sự tàn phá thế giới tự nhiên và một lối sống đang dần biến mất.

Con trâu cuối cùng của Albert Bierstadt

Trường phái Dãy núi Rocky

Vào những năm 1860, Bierstadt và Thomas Moran hướng sự chú ý của mình đến Tây Mỹ, đạt được tên gọi Trường phái Dãy núi Rocky (cùng với Thomas Hill và William Keith). Họ không chỉ hứng thú đến việc khắc họa cảnh quan bờ Tây, mà còn xem nó là biểu tượng cho nghĩa rộng của lời hứa hẹn về một quốc gia đang mở rộng về phía tây. Nhiều bức tranh của họ là sản phẩm tổng hợp, tập hợp một loạt các phong cảnh lý tưởng, nhằm truyền tải đến khán giả bờ Đông sự độc đáo của Dãy núi Rocky, khu vực Yellowstone và thung lũng Yosemite. 

Các họa sĩ thường đồng hành cùng các cuộc thám hiểm khoa học, như chuyến thám hiểm Dãy núi Rocky ở Wyoming năm 1859 hoặc cuộc khảo sát địa chất Yellowstone Mỹ năm 1871 của Moran. Kết quả là, tác phẩm nghệ thuật của họ kết nối chặt chẽ với ý nghĩa của cuộc khám phá quốc gia. Nó cũng ảnh hưởng việc bảo tồn những khu vực này: sự nổi tiếng to lớn của bức Đại vực Grand Canyon của Yellowstone (The Grand Canyon of the Yellowstone) (1872) của Moran đã khuyến khích phong trào tạo ra Vườn quốc gia Yellowstone.

Đại vực Grand Canyon của Yellowstone của Thomas Moran

Chủ nghĩa Quang chiếu (Luminism)

Tập trung vào hiệu ứng của ánh sáng, họa sĩ theo chủ nghĩa Quang chiếu thường khắc họa cảnh sông nước từ góc nhìn trên không, nhấn mạnh bề mặt phản chiếu hoàn thiện mà không có dấu vết nào của cọ vẽ hiện hữu. Họ cũng chịu ảnh hưởng bởi triết lý của chủ nghĩa Siêu nghiệm rằng chiêm nghiệm về thiên nhiên dẫn đến chân lý tâm linh. Giống như chủ nghĩa Ấn tượng, chủ nghĩa Quang chiếu nhấn mạnh hiệu ứng ánh sáng nhưng khác ở sự tập trung đến từng chi tiết chính xác, nét cọ được giấu hoàn toàn, và cái nhìn trầm lặng, chiêm nghiệm của nó về thiên nhiên; mặc dù hai chủ nghĩa này cùng thời, nhưng cả hai phong trào không liên kết với nhau. Thật vậy, những họa sĩ tiếp nhận phong cách này cũng không gọi mình là họa sĩ chủ nghĩa Quang chiếu; thuật ngữ này bắt nguồn vào những năm 1950.

Một ví dụ về tác phẩm Quang chiếu của Steven Daluz

Những bước phát triển sau này – hậu trường phái Sông Hudson

Vào những năm 1870, Trường phái Sông Hudson không còn được ưa chuộng, khi tầm ảnh hưởng của Trường phái Barbizon và chủ nghĩa Ấn tượng thống trị thế giới nghệ thuật. Khi so sánh, chủ nghĩa hiện thực và ảo ảnh của Trường phái Sông Hudson dường như đã lỗi thời, đôi khi uỷ mị, hoặc đơn thuần là chỉ quan tâm tới lịch sử. Mặc dù không còn hợp thời về mặt nghệ thuật nữa, trường phái này đã có tầm ảnh hưởng văn hóa sâu sắc khi phổ biến lý tưởng về sự hoang dã. Điều này đã thúc đẩy những nỗ lực bảo tồn và phát triển các công viên quốc gia. Olana, khu đất rộng lớn nhìn ra sông Hudson của Frederic E. Church được bảo tồn thành một địa danh lịch sử quốc gia. Ngày nay nó là một bảo tàng, du khách có thể tham quan nhà ở của Church cũng như xem các tác phẩm nghệ thuật lịch sử và đương đại lấy cảm hứng từ Trường phái Sông Hudson. Nhà của Thomas Cole ở Dãy núi Catskills cũng được duy trì thành một bảo tàng.

Nhà của Edwin E. Church
Bên trong bảo tàng tại nhà cũ của Thomas Cole

Chủ nghĩa Khu vực hay Hội họa Cảnh quan Mỹ, dựa trên mô hình của Trường phái Sông Hudson khi phát triển ở Trung Tây Mỹ vào những năm 1930. Các nghệ sĩ như Thomas Hart Benton, Grant Wood và John Steuart Curry đã tìm cách tạo ra một nền nghệ thuật Mỹ hiện đại nhưng khác biệt. Họ sử dụng phong cảnh nông thôn, chi tiết thực tế và bản sắc khu vực đặc trưng cho phong trào trước đó.

Trong sự khắc họa cảnh quan hoang sơ và trác tuyệt, nhiếp ảnh hiện đại cũng chịu ảnh hưởng từ Trường phái Sông Hudson, đặc biệt thấy được trong các tác phẩm như Tetons và Dòng sông Snake (The Tetons and the Snake River) (1942) của Ansel Adams.

Vào những năm sau chiến tranh, tranh vẽ của Trường phái Sông Hudson vừa bị phê bình vừa được bắt chước. Trong những năm 1960, một thế hệ những nhà nhiếp ảnh như Ed Ruscha và Robert Adams đã cố tình định vị những bức ảnh của họ trong sự hiện đại tầm thường của vùng ngoại ô như một thách thức với những tầm nhìn ấn tượng và hào hùng về thiên nhiên. 

Tetons và Dòng sông Snake (1942) của Ansel Adams
Tác phẩm của Robert Adams

Tuy nhiên, với sự phát triển nghệ thuật Thực địa (Land Art) và hoạt động vì môi trường vào những năm 1970, phong cách này thịnh hành trở lại. Tầm ảnh hưởng của nó vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay: triển lãm Ngang Sông: Nghệ thuật Đương đại trở về nhà (River Crossings: Contemporary Art Comes Home) (2015) đã nêu bật tác phẩm của những họa sĩ đương thời, những tác phẩm có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với Trường phái Sông Hudson bằng cách đặt các tác phẩm như Thác nước (Fountain) (2014) của Angie Keefer trong ngôi nhà mang tính lịch sử của Cole. Kết hợp thiên nhiên và công nghiệp, Thác nước phóng chiếu một hình ảnh Thác Niagara điều chỉnh dòng nước theo dữ liệu của máy tính lấy từ Chỉ số hàng hóa tương lai. Cuộc triển lãm cũng nêu bật tác phẩm của Kiki Smith, Jerry Gretzinger, Maya Lin, Lynn David, Valerie Hegarty và Charles LeDray. Bierstadt Suy tàn (Fallen Bierstadt) (2007) của Valerie Hegarty diễn giải lại cảnh quan và lý tưởng về Vận mệnh hiển nhiên thành suy tàn như những bức vẽ bị rơi.

Bierstadt Suy tàn của Valerie Hegarty

Trường phái Tân Sông Hudson, một nhóm gồm khoảng 25 nghệ sĩ, mở rộng bản sắc cốt lõi của phong trào thế kỷ 19 bằng cách vẽ các phong cảnh và chủ thể đương đại từ Thung lũng sông Hudson và vùng lân cận. Địa điểm lịch sử quốc gia Thomas Cole là một nơi quan trọng cho những kết nối này, đặc biệt với chuỗi tranh Ngôi nhà mở: Nghệ thuật Đương đại trong cuộc đối thoại với Cole (Open House: Contemporary Art in Conversation with Cole) khám phá những điểm chung giữa nghệ thuật đương đại với nghệ thuật của Cole. Năm 2016, tác phẩm Thiên nhiên xây, chúng ta che (Nature Builds / We Cover) (2016) của Jason Middlebrook sắp đặt những bức tranh vẽ trên các tấm ván gỗ cứng trong nhà của Cole.

Sắp đặt của Middlebrook trong nhà của Thomas Cole

Các tác phẩm nghệ thuật và nghệ sĩ tiêu biểu của Trường phái Sông Hudson

1826: Thác Kaaterskill của Thomas Cole

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập Mỹ thuật và Nghệ thuật trang trí Mỹ của Warner, Công ty Giấy các nước vùng Vịnh, Thành phố Tuscaloosa, Albama, Mỹ

Một dòng thác đổ xuống từ trung tâm của bức tranh Thác Kaaterskill (The Falls of Kaaterskill), và những tia nắng mặt trời rọi sáng ghềnh đá với những cây mùa thu đượm sắc đỏ vàng bao quanh. Trên đỉnh ghềnh đá chỉ có độc một nhân vật, một người Mỹ bản địa, in mình trên nền tối tăm của các hang đá sau lưng. Hiệu ứng này tạo cảm giác tự nhiên và vượt thời gian, thể hiện vẻ đẹp của cảnh trí như một nguồn lực thiên nhiên. Tuy nhiên, rắc rối rình rập. Bức họa này có bố cục tam giác ngược: đỉnh của hình tam giác nằm ở nơi thác dừng, với hai cạnh bên là hai sườn dốc cao để đưa người xem lên những con thác cao hơn ở phía trên bên phải. Trên đó, một hàng cây thông rậm rạp trải dọc đường chân trời, cùng với một đám mây giông hình cái đe tạo cảm giác hiểm hoạ đang đến.

Cole quay trở lại với một chủ đề đã đem tới tiếng tăm cho ông qua bức Thác Kaaterskill, Dãy núi Catskill (Kaaterskill Upper Fall, Catskill Mountains) (1825), được vẽ sau chuyến đi đầu tiên của ông đến khu vực này. Vùng này, nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên, được xem là một kiểu vườn địa đàng của tự nhiên. Thế nhưng, ngay từ lần đầu tiên Cole đến đây tham quan, đã có sự xuất hiện của lan can và cầu được lắp đặt để đảm bảo an toàn cho du khách. Khi vẽ, Cole đã xóa bỏ những yếu tố nhân tạo và thêm vào một người Mỹ bản địa (mặc dù người dân thuộc vùng này đã bị đuổi đi lúc đó) nhằm cố gắng đảo ngược thời gian và bảo tồn cảnh quan ban đầu cho hậu thế.

1834 Tiến trình của đế chế: Thời mọi rợ của Thomas Cole

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập Mỹ thuật và Nghệ thuật trang trí Mỹ của Warner, Công ty Giấy các bang vịnh Gulf, Thành phố Tuscaloosa, Albama, Mỹ

Với tham vọng biến hội họa phong cảnh thành một thể loại quan trọng và ca ngợi hơn, Cole lấy chu kỳ mang tính phúng dụ của tiến trình lịch sử làm chủ đề trung tâm của chuỗi năm bức tranh Tiến trình của đế chế (Course of Empire). Bức Thời mọi rợ (The Save State) là bức đầu tiên của chuỗi, mô tả một khung cảnh hoang sơ buổi đầu. Ở bức này, Cole mô tả sự hưng thịnh và suy tàn của một nền văn minh, một câu chuyện được báo trước bởi cơn bão đang dần hiện ra, khiến cả khu rừng rậm rạp chìm vào bóng tối. Sự u ám này nói lên sự diệt vong của thế giới hoang sơ – một trạng thái lý tưởng được đại diện bởi một người thợ săn với cung tên đang truy đuổi một con nai và những túp lều trại với khói lửa cuồn cuộn – nhưng nó cũng ám chỉ sự phá huỷ tối hậu của tất cả những nỗ lực văn minh hóa của con người.

Chuỗi Tiến trình đế chế, được vẽ từ năm 1833 đến 1836, là dự án tham vọng nhất của Cole cho đến nay, đi từ bức đầu tiên này đến Thời Arcadia hay Thời chăn nuôi (The Arcadian or Pastoral State), Sự viên mãn của Đế chế (The Consummation of Empire), Sự phá huỷ (Destruction), và bức họa cuối cùng, Sự tận diệt (Desolation). Nghệ sĩ sử dụng cùng một phong cảnh, với vách đá cheo leo ở đằng sau, trong mỗi tác phẩm để truyền tải sự đối lập giữa thiên nhiên vĩnh hằng và sự tạm thời của con người.

Bức Sự viên mãn của Đế chế

Mặc dù Cole quan tâm đến một văn hóa Mỹ độc lập, chuỗi tranh mang đậm ảnh hưởng từ châu Âu. Trong sự ưu tiên trật tự tự nhiên và tác động nhỏ bé của con người lên thế giới, Cole học tập từ những người thuộc chủ nghĩa Lãng mạn Đức như Caspar David Friedrich. Những cấu trúc đế chế hùng vĩ của ông dựa trên kiến trúc La Mã cổ điển, nổi tiếng trong các bản in ở thế kỷ 18 do các họa sĩ như Giovanni Battista Piranesi thực hiện. Cole đặt tiêu đề theo tập thơ của giám mục Anh George Berkeley Thơ về Triển vọng Nghệ thuật và Nghiên cứu Thực vật ở Mỹ (Verses on the Prospect of Planting Arts and Learning in America). Ông cũng lấy cảm hứng từ cuốn Cuộc hành hương của chàng hiệp sĩ Childe Harold (Childe Harold’s Pilgrimage) (1812-1818) của nhà thơ Lãng mạn Lord George Gordon, thậm chí còn trích dẫn một đoạn thơ để quảng bá cho chuỗi tranh:

Có đạo đức trong mọi chuyện kể của con người;
Đó mãi chỉ là một buổi tập dượt của quá khứ.
Đầu tiên là tự do và kế đó là Vinh quang – rồi khi chúng thất bại,
Của cải, tật xấu, tham ô – cuối cùng là sự man rợ.
Và Lịch sử, với tất cả những tập sách đồ sộ
Chỉ còn nhõn một trang…

Bức Sự tận diệt trong chuỗi tranh

Với chuỗi tranh này, Cole cảm thấy ông cần phải triển khai “một phong cách phong cảnh cao cấp hơn”, một phúng dụ có tính lịch sử và đạo đức. Thật vậy, danh tiếng của Cole không chỉ là một họa sĩ phong cảnh được xác nhận: James Fenimore Cooper tán dương chuỗi tranh không chỉ là “tác phẩm mà thiên tài bậc nhất của quốc gia này từng vẽ” mà còn là “một trong những tác phẩm nghệ thuật cao quý nhất từng được tạo ra”. Mặc dù chuỗi tranh trưng bày ở New York được xem là “cuộc triển lãm tranh thành công nhất từng có ở thành phố này, của duy nhất một họa sĩ Mỹ”, Cole cảm thấy thông điệp sâu hơn của ông bị lu mờ bởi những lời có cánh về chất lượng hình ảnh của bức tranh. Sau đó, ông đơn giản hóa biểu tượng của mình cho chuỗi tranh Hành trình của sự sống (Voyage of Life) để khiến công chúng dễ hiểu hơn.

 Nguyên bản tiếng Anh do Rebecca Seiferle tổng hợp và viết, Sarah Archino hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Nhã Văn dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

hội hoạ Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Trường phái Sông Hudson

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…