Trường phái Hudson River (Phần 3)

Trong phần cuối của loạt bài về trào lưu Trường phái sông Hudson, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm và tác giả tiêu biểu còn lại của phong trào – bao gồm các bức tranh Khúc móng ngựa, quang cảnh từ Núi Holyoke, Northampton, Massachusetts, sau cơn bão của Thomas Cole, Những tâm hồn đồng điệu của Asher B. Durand, Thung lũng Lackawanna của George Inness, Thác Niagara Trung tâm Andes của Frederic Edwin Church, Dãy núi Rocky, đỉnh Landes của Albert Bierstadt, và Eatons Neck, Long Island của ​​John Frederick Kensett.

1836: Khúc móng ngựa, quang cảnh từ Núi Holyoke, Northampton, Massachusetts, sau cơn bão của Thomas Cole

Tranh sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

Tác phẩm Khúc móng ngựa, quang cảnh từ Núi Holyoke, Northampton, Massachusetts, sau cơn bão) (The Oxbow, View from Mount Holyoke, Northampton, Massachusetts, after a Thunderstorm) được xem là một kiệt tác trong hội họa phong cảnh Mỹ ngay từ lần ra mắt đầu tiên tại Học viện thiết kế Quốc gia năm 1836. Thomas Cole đã đan xen những lớp thực tế địa lý với biểu tượng phúng dụ để tạo ra một phong cảnh có ý nghĩa sâu sắc. Chọn một địa điểm đặc biệt, một khúc chữ U của sông Connecticut thường được gọi là Khúc Móng Ngựa, Cole đặt người xem ở một vị trí chính xác (Núi Holyoke) đồng thời ám chỉ những đặc điểm tuần hoàn của tự nhiên. Xung đột giữa vùng hoang dã và nền văn minh, một chủ đề chính trong các tác phẩm của Cole, được miêu tả trong sự tương phản giữa nơi hoang dã rậm rạp cỏ cây đầy giông tố ở bên trái và vùng đồng bằng trồng trọt ngập tràn ánh nắng ở bên phải. Hai thế giới này được kết nối chỉ bằng tầm nhìn của người nghệ sĩ – được thể hiện ở đây qua một hình ảnh tự hoạ mi-ni. Bằng việc khắc hoạ chính mình trong tác phẩm, Cole tuyên bố rằng người nghệ sĩ phải có tầm nhìn xa trông rộng, và hòa hợp với thiên nhiên.

Bức tranh được tính toán để truyền tải cả sự mở rộng văn minh và những nguồn tài nguyên chưa được khai thác của lục địa Mỹ. Mặc dù vùng hoang dã được thể hiện là một khu rừng cần được khai phá, mây bão đang ùn ùn kéo đến và cây cối bị sét chẻ đôi gợi nhắc người xem về sức mạnh vô biên của thiên nhiên. Cả hai nửa của bức tranh đều có mục đích truyền tải sự kinh ngạc; Cole thể hiện sự tiến bộ của con người lẫn sự nhỏ bé của họ trước thiên nhiên. Với vai trò là người xem, chúng ta được đặt cẩn thận trong một khu rừng rậm rạp, mời gọi chúng ta dấn thân vào sự trác tuyệt mà người nghệ sĩ trải nghiệm. Thật vậy, Cole đã lần ra tầm nhìn này từ 40 bức in khắc axit được thực hiện bằng bộ chiếu vi ảnh ở Bắc Mỹ từ năm 1827 và 1828 (Forty Etchings Made with Camera Lucida in North America in 1827 and 1828) của Basil Hall. Hall đã chỉ trích rằng Mỹ thờ ơ với cảnh quan của quê hương mình, vì vậy Cole đã đưa bản in của ông ấy vào một mô tả phong cảnh nước Mỹ như là “sự kết hợp vẻ đẹp thơ mộng, cái trác tuyệt, và sự tráng lệ”.   

1849: Những tâm hồn đồng điệu của Asher B. Durand

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng nghệ thuật Mỹ Crystal Bridges, Bentonville Arkansas, Mỹ

Tác phẩm Những tâm hồn đồng điệu (Kindred Spirits) tưởng niệm Thomas Cole, sau khi ông mất vào năm 1848, và bài điếu văn do William Cullen Bryant viết. Bức chân dung đôi ghi lại sự giống nhau và niềm tận tụy chung của họ với cảnh quan Mỹ. Durand tạo ra cảm giác mất mát và hoài niệm tinh tế khi đặt nhân vật đứng trò chuyện trên một mỏm đá ngập nắng nhìn ra một vực sâu do một con nước khắc tạc. Những cảm xúc ấy đặc biệt thấy rõ trong hai thác nước hướng mắt người xem đến những ngọn đồi mờ ảo, đầy nắng ở đằng xa. Những cành cây vươn cao cùng các tán lá rậm rạp đóng khung hai người đàn ông, tạo ra một vầng sáng xung quanh họ. Họ bị thu hút bởi phong cảnh xung quanh (chắc chắn địa điểm tưởng tượng này rất hấp dẫn), cho thấy sự giao cảm của đối tượng người trong tranh với thế giới tự nhiên lớn lao hơn tiếng tăm của họ.

Durand bắt gặp tác phẩm của John Constable trong một chuyến đi đến Anh vào đầu những năm 1840; ông đã rất ấn tượng và miêu tả rằng những tác phẩm ấy có “nhiều chân lý và sự tự nhiên giản dị hơn hẳn bất kì phong cảnh nào tôi từng thấy”. Do đó, Durand tiếp nhận một phương thức tự nhiên hơn trong tác phẩm của mình, bằng chứng là trong cách ông mô tả chính xác những loài cây khác nhau và những tán lá nở hoa ở tiền cảnh. Nét ảnh hưởng của Constable cũng có thể thấy được qua sự yên tĩnh khiêm tốn của khung cảnh và sự tự nhiên mà Durand đã đặt chung với các nhân vật của mình. Nổi lên với vai trò thủ lĩnh thứ hai của Trường phái sông Hudson, Durand dần dần tách khỏi cách tiếp cận phúng dụ với phong cảnh của Cole để đạt được những hiệu ứng tự nhiên hơn.

Khoảng 1856: Thung lũng Lackawanna của George Inness

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington D.C., Mỹ

Phong cảnh kỳ lạ trong Thung lũng Lackawanna (The Lackawanna Valley) đặt một nền công nghiệp hóa ở trung tâm của bố cục, được đặt hàng để làm nổi bật một hệ thống đường sắt quan trọng mới gần Scranton, Pennsylvania. Sự nhấn mạnh cố ý vào đoàn xe lửa tạo ra khác biệt với chủ đề đồng quê của hội họa Trường phái sông Hudson, nhưng vẫn sử dụng nhiều kỹ thuật giống nhau: ngôi nhà hình tròn được vẽ lớn hơn để nhấn mạnh thành tựu xây dựng nó, sự để tâm cẩn thận vào độ chính xác tạo ra cảm giác tức thì, mối quan hệ hòa hợp giữa thiên nhiên với con người được thể hiện ở những đường viền và màu sắc đan xen.

Bức tranh được chia làm ba phần: một chàng trai trẻ ngồi trên đồi, một cánh đồng chỉ toàn gốc cây và xe lửa hơi nước chạy xình xịch ở xa. Mặc dù bức tranh tôn vinh kỹ thuật và sự tiến bộ văn minh được đại diện bởi đường sắt, cảm giác mơ hồ vẫn tồn tại. Inness khắc họa rõ hệ thống đường sắt đã làm hỏng phong cảnh, được nhấn mạnh qua những hàng cây xanh bị đốn sạch ở trung tâm bức vẽ. Sự xuất hiện của tuyến đường sắt có liên quan đến việc môi trường tự nhiên bị phá hủy, thể hiện sự căng thẳng lúc bấy giờ giữa sự tiến bộ và việc bảo tồn vùng hoang dã của Mỹ. Người đàn ông trẻ trong tranh đại diện cho một tương lai với quang cảnh trước mặt không còn là một vẻ đẹp thiên nhiên thuần khiết, mà thay vào đó là công nghệ hiện đại. Viễn cảnh hiện đại này được diễn giải như thế nào là tùy thuộc vào người xem.

1857: Thác Niagara của Frederic Edwin Church

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington, D.C., Mỹ

Khung cảnh hùng vĩ của Thác Niagara được Church mô tả trên một tấm toan dài bất thường, được chọn để tạo hiệu ứng toàn cảnh. Để tăng thêm cảm giác kịch tính ở người xem, ông áp dụng góc nhìn từ trên không để thể hiện tầm nhìn xa hơn và quang cảnh thác nước đổ xuống. Người xem sẽ cảm thấy phấn khích và sợ hãi khi được đứng trên rìa của thác nước.

Church đã đi thăm nơi này nhiều lần vào năm 1856 để thực hiện phác thảo sơn dầu và chì sơ bộ; quang cảnh mà ông thể hiện là một bố cục tổng hợp, xóa đi phần tiền cảnh để thể hiện một không gian rộng lớn và bao quát khiến người xem chìm vào thiên nhiên trác tuyệt. Vào lúc đó, Thác Niagara được xem là kỳ quan thiên nhiên vĩ đại nhất của nước Mỹ, hơn hẳn bất kỳ địa điểm nào ở châu Âu. Nó biểu tượng cho tuổi trẻ và lời hứa mạnh mẽ của quốc gia này. Do đó, nhiều nghệ sĩ của thế kỷ thứ 19 đã cố gắng mô tả con thác này; tác phẩm của Church là thành công nhất cho đến nay.

Ra mắt tác phẩm trong triển lãm một tác phẩm ở New York, Church tiên phong trong ý tưởng nghệ thuật là một sự kiện. Các tác phẩm như thế này được ra mắt như những sản phẩm sân khấu – được treo trong phòng tối với đèn khí rọi vào một cách kịch tính. Những trình bày mang tính sân khấu của ông cũng cung cấp ống nhòm và thiết bị hỗ trợ quang học để ngắm tranh tốt hơn, các bản sao là sản phẩm in thạch có thể mua được, và các tập sách mỏng in lại lời khen ngợi của các nhà phê bình. Những buổi trưng bày như thế này trở thành điểm tham quan phổ biến. Hơn 100.000 người đến dự triển lãm của bức Thác Niagara; tác phẩm sau đó được đem đi khắp các thành phố ở Mỹ, Anh, và được trưng bày trong hội chợ Exposition Universelle ở Paris. Kích cỡ đáng ấn tượng và cách bố cục của tranh tiếp tục tạo ảnh hưởng đến những nghệ sĩ đương đại, trong đó có ảnh chụp của Lynn Davis như Thác Horseshoe, Ontario Canada (Horseshoe Falls, Ontario Canada) (1992) và nghệ sĩ ảnh-động Angie Keefer, người đã đưa hình chiếu các thác nước vào tác phẩm Thác nước (Fountain) (2014) của mình.

1859: Trung tâm Andes của Frederic Edwin Church

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

Church định nghĩa rằng phong cảnh châu Mỹ rộng lớn hơn quốc gia Hoa Kỳ và đã du ngoạn tới Ecuador để phác thảo vùng đất ấn tượng này. Ở bức Trung tâm Andes (Heart of Andes), phong cảnh được mô tả là một thiên đường đồng quê. Thác nước đổ xuống một cái hồ sâu phản chiếu, hút mắt người xem vào trung tâm của bức tranh, tại đó ánh nhìn của họ ngưng đọng trước sự trù phú của cây cỏ xung quanh. Ở bên trái bức tranh, một đỉnh núi lửa phủ tuyết trắng xóa vươn lên vào bầu trời ở phía xa, trở nên gần như không thể phân biệt được với những đám mây. Ở vùng giữa, một đồn điền trù phú lấp lánh ở rìa hồ, tuy nhiên sự xa hoa của nó cũng trở nên nhỏ bé trước sự phong phú của thiên nhiên xung quanh. 

Church dùng tranh khổ lớn để tạo hiệu ứng toàn cảnh mà ông khuếch đại bằng cách thêm vào vô số chi tiết hiệu ứng viền mờ nho nhỏ khiến người xem phải cẩn thận quan sát bức tranh theo từng phần. Các loài thực vật và chim bản địa được mô tả ở mức độ chi tiết khoa học, thể hiện sự hứng thú của người nghệ sĩ với các ý tưởng của nhà khoa học Alexander von Humboldt, người đã tranh luận rằng sinh học, thực vật học, và địa chất học kết hợp với nhau tạo thành đặc điểm riêng của một nơi chốn. Đồng thời, bức tranh cũng chứa nhiều tiếu tượng Kitô giáo: ở bên trái, một cặp vợ chồng nông dân người Ecuador đang thờ phụng một cây thánh giá trong vùng ngập nắng. Church coi châu Mỹ là một vườn địa đàng mới.

1863: Dãy núi Rocky, Đỉnh Lander của Albert Bierstadt

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

Sử dụng một tấm toan dài 3m để tạo hiệu ứng đồ sộ, Bierstadt biến đổi phong cảnh phía tây Bắc Mỹ thành một cảnh quang trác tuyệt và to lớn khác thường. Mặc dù bức tranh mô tả một khu trại của thổ dân Mỹ và ngựa của họ ở một đồng cỏ nằm giáp một cái ao yên tĩnh, điểm tập trung chính của nó là Đỉnh núi Lander và những ngọn núi cao chót vót xung quanh. Những ngọn núi khổng lồ và gồ ghề choán hết phần trên cùng của bức tranh. Bierstadt tắm chúng trong một thứ ánh sáng thanh cao như thể chúng là tạo vật thần thánh. Sườn núi thay vì hiện lên thấp thoáng một cách đáng ngại, lại gợi ra sự mở rộng không gian và lời hứa hẹn về một vùng đất hoang sơ và nhân từ. Thung lũng với những hàng cây sum suê và đồng cỏ thoai thoải truyền tải một cảm giác đồng quê về thiên nhiên hài hòa, với những người bản địa sống thuận theo vùng đất. 

Năm 1859, Bierstadt tham gia vào một chuyến đi khảo sát miền Tây của chính phủ, do Frederick W. Lander dẫn đầu, một sĩ quan quân đội hi sinh trong cuộc Nội chiến. Sự ủng hộ tích cực của Bierstadt, trong đó có bức tranh này, đã dẫn tới việc ngọn núi được mang tên vị đại tá đã ngã xuống. Chủ đề của cuộc triển lãm tranh đơn được quảng bá rầm rộ, kèm theo đó là các bản in khắc và tập sách thông tin – bức tranh này trở thành tác phẩm thành công nhất của người nghệ sĩ. Mặc dù bức tranh này có nguồn gốc tưi liệu, nó vẫn là một bức tranh tổng hợp. Bierstadt truyền tải hùng vĩ lý tưởng và khả năng của miền Tây Bắc Mỹ (có ý nghĩa đặc biệt như một giải pháp thay thế cho sự phân chia Nam-Bắc của cuộc chiến). Ông đã tạo ra một phong cảnh lý tưởng thay một phong cảnh thực tế của đỉnh núi Lander. Như nhà sử học Anne F. Hyde đã giải thích rằng, tác phẩm mô tả chân dung của “miền Tây như cách người Mỹ hy vọng”.

 1872 Eatons Neck, Long Island của ​​John Frederick Kensett

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

Phong cảnh này mô tả một đường bờ biển không có gì nổi bật, với bãi cắt trắng và những ngọn đồi xanh mướt uốn mình dưới bầu trời xanh không một gợn mây ở Long Island. Tác phẩm này được đơn giản hóa một cách đáng kể, gần như hiện đại trong cách xử lý hình thức một nguyên tố: đất được định hình bằng biển và trời, không có thêm chi tiết nào khác gây mất tập trung hay thêm tô điểm. Kensett tạo ra một cảm giác yên tĩnh và cân bằng đáng chiêm nghiệm. 

Khi du hành đến châu Âu giữa những năm 1840, Kensett bị ấn tượng bởi các tác phẩm của các họa sĩ phong cảnh người Hà Lan thế kỷ 17; tác phẩm sau này của ông (chẳng hạn như bức này) lặp lại những bảng màu giới hạn của họ, màu lạnh, và bố cục chặt chẽ những cảnh tượng đơn giản, quen thuộc. Bức tranh được vẽ vào mùa hè trước khi ông mất, mô tả một cảnh mà Kensett biết rất rõ khi sống ở đảo Contentment ở eo biển Long Island.

Tác phẩm với lớp hoàn thiện mượt mà, nét cọ được giấu đi và sự yên tĩnh chiêm nghiệm có đặc điểm đặc trưng của phong cách chủ nghĩa Quang chiếu. Không giống như những nghệ sĩ Trường phái sông Hudson thế hệ thứ hai khác như Bierstadt và Church ưa thích những phong cảnh ngoại lai, Kensett thích những bức tranh nhỏ hơn thể hiện thiên nhiên một cách nhẹ nhàng tinh tế cho phép cuộc gặp gỡ thân mặt giữa khán giả và cảnh quan. Điều này cũng phản ánh mối quan tâm của ông với chủ nghĩa Siêu nghiệm. Ông tin rằng chiêm nghiệm thiên nhiên giúp kết nối cá nhân với chân lý trực giác bên trong.

 Nguyên bản tiếng Anh do Rebecca Seiferle tổng hợp và viết, Sarah Archino hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Nhã Văn dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

hội hoạ Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Trường phái Sông Hudson

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…