Trường phái Ấn tượng Mĩ (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài về trường phái Ấn tượng ở Mĩ, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu còn lại bao gồm “Người phụ nữ ngồi ôm con trong lòng” của Mary Cassatt, “Chuẩn bị cho cuộc vui buổi chiều” của Edmund James Tarbell, “Hành khúc đám cưới” của Theodore Robinson, “Cây cầu đỏ” của J. Alden Weir, và “Lướt sóng, quần đảo Shoals” của Childe Hassam.
- “Một bức chân dung là một bức hoạ có cái gì sai sai ở đôi môi.” – John Singer Sargent
- “Một người có khả năng nhìn bình thường sẽ không có gì để biết theo cách của trường phái Ấn tượng trừ khi anh ta ở trong ánh sáng chói loà hoặc lúc hoàng hôn.” – John Singer Sargent
- “Cuộc sống này rất ngắn ngủi… Nhưng tôi muốn sống bốn lần và nếu có thể, tôi sẽ dành chúng để không làm gì khác ngoài điều mà tôi đang tìm cách làm ngay bây giờ.” – William Merrit Chase
Các tác phẩm nghệ thuật và nghệ sĩ của trường phái Ấn tượng Mĩ (tiếp)
Kh. 1890: Người phụ nữ ngồi ôm con trong lòng (Woman Sitting with a Child in Her Arms) của Mary Cassatt
Mặc dù Marry Cassatt đã phát triển phong cách hội họa của mình song song với Degas và Camille Pissarro, vị thế là phụ nữ và người Mĩ đặt bà là một người ngoài cuộc. Tuy bà không bị giới hạn bởi giới tính của mình nhiều như người đồng nghiệp người Pháp Berthe Morisot, Cassatt vẫn có xu hướng miêu tả các đối tượng nữ và khung cảnh nội trong gia đình. Không thể đến thăm các trường đua ngựa, trường dạy khiêu vũ, và các quán cà phê được các đồng nghiệp nam yêu thích, Cassatt vẽ những không gian và khung cảnh mà bà dễ dàng tiếp cận bên cạnh những người quen của mình.
Mặc dù Cassatt dành hai năm để theo học tại Học viện Mĩ thuật Pennsylvania, tác phẩm của bà chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi thời gian bà ở châu Âu. Bà học nghệ thuật hàn lâm với Jean-Léon Gérôme ở Paris vào giữa những năm 1860, nhưng khi bà quay lại Pháp năm 1874, bà bắt đầu kết nối gần gũi hơn với nhóm nghệ sĩ người Pháp và thỉnh thoảng cùng triển lãm. Đáng chú ý là, tác phẩm của Cassatt cũng xuất hiện trong buổi triển lãm lớn đầu tiên về các tác phẩm trường phái Ấn tượng Pháp ở Mĩ, củng cố vị trí của bà như một người nghệ sĩ là cầu nối giữa trường phái Ấn tượng của Pháp và của Mĩ.
Cassatt thường xuyên vẽ hình ảnh mẹ và con, một chủ đề thường được xem là một phiên bản thế tục của các hình ảnh tôn giáo có Đức Mẹ Đồng trinh và Chúa Hài đồng. Thay vì khiến các nhân vật của mình trông hoành tráng, Cassatt nhấn mạnh vào những đặc điểm gia đình của từng khung cảnh. Ví dụ, chiếc ghế thoải mái mà người mẹ ngồi trên chiếm khá nhiều không gian của tiền cảnh. Mặc dù căn phòng được bài trí khá sơ sài, nhưng cách Cassatt bày biện chiếc ghế và bình nước tạo ấn tượng về một ngồi nhà tư sản tiện nghi, và đặc biệt là một không gian dành riêng cho phụ nữ được dùng để chăm sóc trẻ nhỏ. Bức tranh này gây ấn tượng một phần vì người phụ nữ không nhìn vào người xem. Điều này vừa khiến người phụ nữ trở nên ẩn danh vừa tạo cảm giác rằng hai mẹ con đang sống trong một không gian riêng tư và thân mật không thể chia sẻ cho người xem. Cassatt đã cung cấp cho những người theo trường phái Ấn tượng Mĩ một mô hình cho những bức tranh hoạ những cảnh tĩnh lặng về sự yên bình trong gia đình, một chủ đề chính của nhóm.
1907: Chuẩn bị cho cuộc vui buổi chiều (Preparing for the Matinee) của Edmund James Tarbell
Một hình ảnh tĩnh lặng của khung cảnh trong nhà giản dị, Tarbell khắc họa một người phụ nữ trẻ thời thượng đang chuẩn bị cho buổi chiều tại nhà hát. Mặc dù đây có vẻ là một khung cảnh bình thường, nhưng Tarbell đã cẩn thận bố cục các bức tranh của mình, thường chọn các phụ kiện và đồ nội thất chính xác để đánh dấu không gian sao cho mang đặc trưng của Mĩ. Người phụ nữ trẻ này không thể nhầm lẫn là người đương thời [với tác giả], như chúng ta có thể thấy từ quần áo và kiểu tóc của cô ấy, tuy nhiên Tarbell mang đến vẻ đẹp vượt thời gian qua ánh sáng rực rỡ và bảng màu phấn tinh tế.
Tarbell hoạt động ở Boston, nơi ông là thành viên của một nhóm họa sĩ kết hợp trường phái Ấn tượng với những phong cách vẽ và hoàn thiện truyền thống hơn. Tác phẩm này kết hợp tính phóng khoáng của trường phái Ấn tượng với sự kính trọng của tác giả đối với tấm gương Jan Vermeer, một họa sĩ Baroque người Hà Lan chuyên vẽ cảnh nội thất có ánh sáng ấm áp. Các bức tranh của Vermeer thường đi theo cùng một công thức bố cục, có đặc trưng là nguồn sáng ẩn và tập trung vào kết cấu chất liệu – những điều mà chúng ta có thể thấy Tarbell muốn đạt tới. Thật vậy, tầm ảnh hưởng của Vermeer có thể thấy rõ qua một góc một trong những bức tranh của ông, Tiết học Nhạc (The Music Lesson) được treo ở góc trên bên phải.
1892: Hành khúc đám cưới (The Wedding March) của Theodore Robinson
Đã có một nhóm các nghệ sĩ người Mĩ sống ở một ngồi làng nhỏ ở Giverny, vẽ những phong cảnh xung quanh nhà của Monet (tuy rằng người nghệ sĩ người Pháp này khá do dự nhận học sinh). Trong đó, Robinson là một trong số ít những họa sĩ có mối quan hệ tốt với Monet, đặc biệt vào thời điểm bấy giờ. Nhà sử học nghệ thuật William H. Gerdts chỉ ra rằng: “Hành khúc đám cưới là minh chứng cho sự gần gũi lâu dài của Robinson với Monet và gia đình. Monet đưa ra những phê bình cho các tác phẩm mà Robinson cho ông xem, và Robinson đã tiếp nhận một số đề tài của Monet. Đỉnh điểm của sự trao đổi này xảy ra vào năm 1892, khi Monet đã hỏi ý kiến Robinson về một số bức đầu tiên của ông về Nhà thờ Rouen.” Monet không mấy chào đón những người Mĩ khác đến sống tại Giverny, lo lắng rằng họ sẽ sao chép tác phẩm của ông hoặc cố gắng dụ dỗ các cô con gái riêng của vợ ông. (Những nỗi sợ sau này có lẽ được chứng minh khi Suzanne Hoschede-Monet – con gái riêng của bà Alice Hoschedé, người vợ thứ hai của Monet – kết hôn với họa sĩ người Mĩ Theodore Butler vào năm 1892.)
Hai tuần sau đám cưới đó, Robinson bắt đầu vẽ cảnh tượng này. Đó là một tác phẩm nói lên tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của Monet lên cả lên tác phẩm của Robinson nói riêng và trường phái Ấn tượng Mĩ nói chung. Mặc dù tiêu đề Hành khúc đám cưới có thể nói lên rằng đây là một buổi lễ trang trọng, cặp đôi trong tranh lại được vẽ đang thong dong rảo bước trên con đường làng. Không có sự hào hoa, chỉ có một hình ảnh tự nhiên về cuộc sống đời thường của con người. Tuy vậy, trang phục trang trọng thời thượng của hai cặp đôi cho thấy xuất thân tinh tế của họ; họ không chỉ đơn giản là dân làng, mà họ là thành phần của tầng lớp thượng lưu.
Trong khi chắc chắn rằng Robinson tiếp nhận cọ pháp lỏng tay của trường phái Ấn tượng, ảnh hưởng lớn nhất của Monet tới Robinson nằm ở cách Robinson xử lý ánh sáng mặt trời rực rỡ. Với mặt trời chiếu nằm gần như trực tiếp trên đỉnh đầu, ngay cả những bộ vest đen của các quý ông và bóng của bọn họ cũng mang các sắc độ của tím và xanh dương. Phần sáng vừa thu hút sự chú ý của chúng ta vào tấm voan mờ trên người Suzanne vừa khiến chúng ta loá mắt không thấy khuôn mặt của cô ấy.
1895: Cây cầu đỏ (The Red Bridge) của J. Alden Weir
Khi J. Alden Weir đến thăm triển lãm tranh theo trường phái Ấn tượng năm 1877, ông đã phản đối mạnh mẽ phong cách này, nhận xét rằng nó còn “tệ hơn cả Phòng Kinh hoàng. (Chamber of Horrors – phòng trưng bày các vật khủng khiếp ví dụ như dụng cụ tra tấn)” Tuy nhiên, theo thời gian, ông lại tiếp nhận phong cách này. Bức tranh này thể hiện nhiều chủ đề của trường phái Ấn tượng Pháp, bao gồm cả sự kết hợp của các cấu trúc công nghiệp mới với tính chất nông thôn. Cây cầu mới, được vẽ bằng một màu đỏ rực rỡ, phản chiếu bóng mình trong dòng nước chảy bên dưới để tạo hiệu ứng nhân đôi. Weir là một nhân vật hiếm hoi trong số những nghệ sĩ trường phái Ấn tượng Mĩ thể hiện sự hứng thú với công nghiệp hóa. Trong khi nhiều người đồng nghiệp của ông chọn đưa vào tranh những không gian giải trí và đẹp đẽ được xây dựng một cách cẩn thận, chẳng hạn như công viên hoặc vườn, để tạo ra cảm giác xa xôi hoài cảm, Weir chọn cách xử lý đối với những yếu tố hiện đại hóa này bằng cách thẩm mĩ hóa chúng như một phần cảnh quan quốc gia thú vị đang không ngừng phát triển.
Weird sử dụng sắc đỏ mạnh mẽ của cây cầu để tạo tương phản giữa cấu trúc hình học công nghiệp với những đường cong hữu cơ mềm mại hơn bao quanh nó. Kết hợp các yếu tố đối lập để đạt cảm giác hài hòa, Weir bộc lộ ảnh hưởng của tranh khắc gỗ Nhật Bản. Nghệ thuật Nhật Bản vẫn luôn quan trọng đối với sự phát triển của trường phái Ấn tượng và Weir có lẽ là người truyền tải sắc sảo nhất của Mĩ về sự ảnh hưởng này. Không gian bố cục được làm phẳng bởi đường chân trời cao và cách cắt xén góc, làm giảm thiểu một số cây và cành cây thành các mảnh hình học. Điều này tạo ra một sự sắp xếp táo bạo hơn theo chủ nghĩa Hiện đại, một bố cục tiếp cận sự trừu tượng hoá trong hình ảnh phản chiếu dưới nước.
1913: Lướt sóng, quần đảo Shoals (Surf, Isles of Shoals) của Childe Hassam
Được vẽ vào năm diễn ra cuộc triển lãm Armory, sự kiện đã giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại thế kỷ 20 đến với khán giả người Mĩ, bức tranh này là minh chứng về sự tiếp diễn của trường phái Ấn tượng Mĩ ở thế kỷ 20. Khác xa với nguồn gốc cấp tiến ban đầu, nó đã trở thành một phong cách gắn liền với các nhà bảo trợ thượng lưu đứng đắn và điềm tĩnh, đặc biệt là các tác phẩm do Childe Hassam thực hiện.
Chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Monet và bởi các bức tranh vẽ bờ biển phía bắc nước Pháp những năm 1880 của ông, Hassam mô tả một dải nước động dữ dội cùng bờ biển đầy đá. Đó là một tiếng kêu xa xôi khỏi cảnh thành phố và cảnh trong nhà yên tĩnh của ông, nhưng sự trốn thoát vào vùng hoang dã này đã được thẩm mĩ hóa qua sự tương phản dễ chịu giữa các sắc độ của cam và tím, và nét cọ tinh tế. Nơi này vô cùng quen thuộc với người nghệ sĩ; 10% các tác phẩm của Hassam là về Quần đảo Shoals, một thuộc địa nghệ sĩ ngoài khơi bờ biển Maine và New Hampshire.
Giống như những nghệ sĩ trường phái Ấn tượng khác, Hassam chịu ảnh hưởng của tranh khắc gỗ Nhật Bản, như có thể thấy ở đường chân trời nằm cao và chiều sâu hình ảnh bị làm phẳng. Nét vẽ đan xen tạo thêm một mức độ phẳng khác, nhấn mạnh tính hai chiều của toan vẽ; kết quả hướng tới những bức tranh sơn dầu trừu tượng của các phong trào chủ nghĩa Hiện đại đang lên. Hassam nằm ở giao điểm của hai thế kỉ: người kế thừa các thử nghiệm với màu sắc và ánh sáng của trường phái Ấn tượng thế kỉ 19, và những người theo trường phái trừu tượng thế kỷ 20, những người bắt đầu giải phóng những phẩm chất hình thức này khỏi đề tài cụ thể.
Nguyên bản tiếng Anh do Anna Souter tổng hợp và viết, Sarah Archino hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Nhã Văn dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại
- 2. Art Nouveau (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 3. Art Nouveau (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 4. Art Nouveau (Phần 3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật
- 5. Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
- 6. Gustav Klimt (Phần 2) - Tiểu sử và thành tựu
- 7. Gustav Klimt (Phần 3) - Các tác phẩm nổi bật
- 8. Arts & Crafts (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 9. Arts & Crafts (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 10. Arts & Crafts (3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật