Trào lưu chủ nghĩa Biểu hiện (phần 2)

Trong phần thứ hai tức là phần cuối cùng của loạt bài về trào lưu chủ nghĩa Biểu hiện, như thường lệ, ta tìm hiểu các tác phẩm nổi bật của trào lưu được sắp xếp theo trình tự thời gian.

1893: Tiếng thét của Edvard Munch

 Màu keo (tempera) và bút chì màu trên bìa cứng – Bảo tàng Quốc gia, Oslo

Trong suốt sự nghiệp nghệ thuật của mình, Munch tập trung vào những cảnh chết chóc, nỗi thống khổ, lo âu, được thể hiện trong những bức chân dung đầy cảm xúc và bị bóp méo – tất cả những chủ đề và phong cách rồi sẽ được những người theo chủ nghĩa Biểu hiện áp dụng. 

Trong bức tranh nổi tiếng nhất của mình, Munch mô tả cuộc chiến giữa cá nhân và xã hội. Bối cảnh của Tiếng thét (The Scream) đến với ông khi ông đang đi bộ dọc một cây cầu nhìn sang thủ đô Oslo; theo như Munch hồi tưởng “bầu trời chuyển đỏ như máu. Tôi dừng lại và tựa vào hàng rào… run rẩy vì sợ hãi. Sau đó tôi nghe thấy tiếng thét dữ dội, bất tận của thiên nhiên.” Mặc dù Munch không chứng kiến khung cảnh chính xác như những gì ông thể hiện ở bức vẽ, Tiếng thét đã gợi lên một trạng thái cảm xúc bật ra trong lần chạm trán ấy và thể hiện nỗi lo chung về thế giới hữu hình. Sự thể hiện phản ứng cảm xúc của người nghệ sĩ trước khung cảnh sẽ tạo nền tảng cho những diễn giải nghệ thuật của những người theo chủ nghĩa Biểu hiện. Chủ đề về sự cô độc cá nhân, như đã được thể hiện trong bức tranh này, sẽ còn tồn tại trong suốt thế kỷ 20, thu hút các nghệ sĩ Biểu hiện như là một đặc trưng của cuộc sống hiện đại.

1903: Kỵ sĩ lam của Wassily Kandinsky

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập cá nhân

Bức tranh Kỵ sĩ lam (Der Blaue Reiter) mang tính đột phá này là một hình ảnh đơn giản đến khó tin – một kỵ sĩ đơn độc chạy ngang qua một phong cảnh – tuy vậy nó khắc hoạ một khoảnh khắc mang tính quyết định trong ngôn ngữ hình ảnh đang phát triển của Kandinsky. 

Tại đây, sườn núi với vệt mặt trời tiết lộ một niềm hứng thú sâu sắc với sự tương phản giữa sáng và tối cũng như động và tĩnh, tất cả những chủ đề chính xuyên suốt toàn bộ tác phẩm của ông. Bao gồm mối liên kết giữa trào lưu Hậu Ấn tượng và trào lưu Biểu hiện đang phát triển, tranh của Kandinsky đã trở thành biểu tượng của những khả năng biểu đạt được ấp ủ bởi những người tiên phong ở Munich. Tên tác phẩm này được lấy làm chính tên của nhóm họa sĩ vào năm 1911.

1909: Hans Tietze và Erica Tietze-Conrat của Oskar Kokoschka

Tranh sơn dầu – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York

Hai nhà sử học nghệ thuật đáng kính Hans Tietze và Erica Tietze-Conrat đã đặt Kokoschka vẽ bức chân dung này để thêm vào bộ sưu tập nghệ thuật của họ. Hậu cảnh đầy màu sắc và cử chỉ được tập trung của hai nhân vật khắc họa một cặp đôi với “tính cách khép kín đầy căng thẳng” như cách nghệ sĩ từng gọi họ. 

Như trong nhiều bức chân dung của mình, Kokoschka tập trung vào nét kịch tính nội tâm của chủ thể, mà ở đây sử dụng đôi bàn tay căng thẳng của hai hình tượng làm tâm điểm cho nỗi lo âu của họ. Bản vẽ của họa sĩ ấy miêu tả cách ông cảm nhận tâm lý của cặp đôi, không nhất thiết là thể trạng hay vẻ ngoài tự nhiên của họ. Cách thể hiện cảm xúc của Kokoschka là biểu tượng của phong cách chủ nghĩa Biểu hiện. Những màu sắc xoáy và trừu tượng che khuất nền và xuất hiện xung quanh chúng là đặc điểm của cách thể hiện không gian điên cuồng, sâu thẳm của Kokoschka trong suốt toàn bộ tác phẩm của ông.

1911: Những con ngựa màu xanh dương to lớn của Franz Marc.

Tranh sơn dầu – Trung tâm nghệ thuật Walker, Minneapolis

Họa sĩ, thợ in và họa sĩ màu nước Marc là thành viên chủ chốt của nhóm Der Blaue Reiter, và được biết đến qua việc ông sử dụng tính biểu tượng ở động vật. Bức tranh Những con ngựa màu xanh dương to lớn (Large Blue Horse) này nằm trong một loạt các tác phẩm tập trung vào chủ đề về ngựa, loài vật mà ông coi là biểu tượng của sự đổi mới tinh thần. Màu sắc tươi tốt, sự đứt gãy của không gian, và các hình dạng mang tính hình học thể hiện ảnh hưởng của chủ nghĩa Lập thể và chủ nghĩa Orphism của Robert Delaunay. Tuy nhiên, trong khi Marc chịu ảnh hưởng bởi những người cùng thời, việc nhấn mạnh vào các chủ thể tuyệt vời của ông lại bắt nguồn từ thế giới vật chất, chẳng hạn như những con ngựa màu xanh dương từ bức tranh vẽ năm 1911 này, là độc đáo đối với thực hành của ông. 

Đối với người nghệ sĩ, phong trào thoát khỏi tả thực thể hiện sự rẽ hướng sang những thứ thuộc tinh thần, cảm xúc, và sự chân thực. Cũng như nhiều nhà Biểu hiện khác, đối với Marc, màu sắc mang tính biểu tượng hơn là miêu tả. Ông đã vẽ dựa trên những chất cảm xúc trong bảng màu của mình để truyền đạt tưởng tượng của mình về những con dã thú màu xanh mang tính tâm linh này.

1912: Những ngôi nhà trong đêm của họa sĩ Karl Schmidt-Rottluff

Tranh sơn dầu – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York

Sau khi đồng sáng lập Die Brücke ở thành phố Dresden, Schmidt-Rottluff chuyển đến thành phố đang bùng nổ Berlin, nơi ông vẽ hình ảnh trừu tượng của khu phố này. Các tòa nhà nằm tách biệt nhau, ở những góc kỳ lạ trên một con phố trống trải, gợi lên sự tha hóa của xã hội đô thị hiện đại. 

Mặc dù Schmidt-Rottluff đã vẽ Những ngôi nhà trong đêm (Houses at Night), ảnh hưởng của việc in mộc bản là rất rõ ràng; những hình dạng tối giản, trừu tượng có chất lượng đồ hoạ và rõ ràng tương tự như nhiều tác phẩm khắc gỗ của nghệ sĩ. Ở đây, màu sắc sáng thêm vào những hình dạng nguyên thủy của bức tranh, tạo cho khung cảnh một cảm giác khó chịu và xa lạ tiềm ẩn. Đối với những người theo chủ nghĩa Biểu hiện, sự bất an lan tỏa là bản chất của địa hạt đô thị hiện đại. Việc chuyển hướng sang các hình dáng lởm chởm và một bảng màu sáng, có tính axit (chỉ các màu từ vàng tới đỏ) đã nhấn mạnh lý giải mang tính tiên phong và cá nhân của nghệ sĩ về đường phố.

1913: Phố, Berlin của Ernst Ludwig Kirchner

Tranh sơn dầu – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York

Kirchner nổi tiếng với những bức tranh tả cảnh đường phố ở Berlin, và đặc biệt tác phẩm này có lẽ là tác phẩm được biết đến nhiều nhất từ nhóm tranh đó, nếu không muốn nói là toàn bộ danh mục tranh của ông. Những nét vẽ lởm chởm, góc cạnh, màu sắc có tính axit và hình dạng kéo dài của ông đều tạo nên bầu không khí đường phố trên toan và tạo ra một cái gì đó rất nổi loạn cho thời đại của nó và thể hiện sự phá vỡ phong cách truyền thống mà các thành viên của nhóm Die Brücke tìm kiếm. 

Là một thành viên sáng lập của nhóm, Kirchner thiết lập một trật tự hội họa mới, một thứ rõ ràng đã từ bỏ xu hướng Ấn tượng và nhu cầu phải miêu tả chính xác các hình dáng tượng hình. Ở Phố, Berlin (Street, Berlin), Kirchner đã tạo ra bức vẽ ngả nghiêng tuyệt đẹp về một đoàn người trên đường phố thị bị tha hóa. Không quan tâm đến việc miêu tả hình dáng thực tế, ông bẻ vặn những hình tượng người nhỏ hẹp của mình như thể họ là những ngọn cỏ trên một cánh đồng. Một đặc điểm hiện đại độc đáo khác của Phố, Berlin là lựa chọn để hai cô gái làm nghề mại dâm (có thể nhận dạng bằng chiếc mũ lông chim đặc trưng của họ) là tiêu điểm (hơi lệch tâm) của bức tranh.

1917: Người phụ nữ đang ngồi với đôi chân co lên của Egon Schiele

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Quốc gia, Praha

Schiele, một trong những nhân vật trung tâm của chủ nghĩa Biểu hiện Áo, được biết đến với những hình ảnh biểu hiện tình dục công khai đến gai người và thường là kỳ quái. Ở đây trong bức Người phụ nữ đang ngồi với đôi chân co lên (Sitting Woman with Legs Drawn Up), Schiele vẽ vợ mình, Edith Schiele, ăn mặc hở hang, cơ thể uốn éo ở tư thế không tự nhiên. Biểu cảm táo bạo và dữ dội của cô đối mặt với người xem một cách quyết đoán và trực tiếp, đối chọi với các tiêu chuẩn nghệ thuật về vẻ đẹp nữ tính thụ động. 

Mặc dù gây tranh cãi không ít trong suốt cuộc đời của mình, Schiele đã được công nhận bởi tài phác thảo điêu luyện và việc sử dụng những đường viền để gợi lên sự suy đồi và đồi trụy của nước Áo hiện đại. Chất lượng cảm xúc của đường nét và màu sắc của Schiele chắc chắn xếp ông vào phong trào chủ nghĩa Biểu hiện. Những hình ảnh của ông thể hiện cách diễn giải của ông, chứ không phải cách chúng xuất hiện với thế giới bên ngoài.

1919: Chân dung của một người đàn ông của Erich Heckel

Khắc gỗ – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York

Là một thành viên sáng lập của nhóm Die Brücke, Heckel đã thử nghiệm rộng rãi với in mộc bản, một phương tiện yêu thích của nhiều nhà Biểu hiện, và ban đầu bị thu hút bởi kỹ thuật này vì chủ nghĩa cảm xúc nguyên sơ và tính thẩm mỹ rõ ràng, cũng như di sản truyền thống của Đức của phương tiện đó. 

Trong khi nhiều tác phẩm của ông miêu tả cảnh khỏa thân và những khung cảnh của cuộc sống thành phố, Heckel theo đuổi một chủ đề nội tâm hơn trong bức chân dung tự họa u ám Chân dung một người đàn ông (Portrait of a Man)này từ năm 1919. Khuôn mặt được vẽ, quai hàm méo mó và đôi mắt mệt mỏi, dường như nhìn lơ đãng vào phía xa, làm nổi bật sự kiệt quệ về tinh thần, tâm lý, và thể trạng. Thay vì tạo ra một bức chân dung tự nhiên theo chủ nghĩa tự nhiên, Heckel chỉ ra tinh thần chung của thời đại ông và sự mỏi mệt mang tính dân tộc ở tuổi ông – những chủ đề thường gặp trong nghệ thuật Biểu hiện.

1920: Người phụ nữ điên của Chaim Soutine

Sơn dầu trên toan  – Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật phương Tây, Tokyo

Soutine đã vẽ hai phiên bản đã được biết đến của Người phụ nữ điên (Mad Woman) (mỗi phiên bản dùng sử dụng một người phụ nữ khác), và đây chắc chắn là phiên bản đen tối hơn. Những nét vẽ bạo lực và những đường nét méo mó của ông ấy truyền tải một sự căng thẳng gần như không thể kìm hãm được, nhưng tuy nhiên không phủ nhận chủ đề của ông có chiều sâu phong phú của nhân vật. Soutine mời người xem quan sát đối tượng kỹ lưỡng, nhìn sâu vào mắt cô ấy, nghiên cứu khuôn mặt và hình dạng bất đối xứng của cô ấy. 

Theo nhiều cách, bức tranh này thể hiện bản chất của phong cách chủ nghĩa Biểu hiện; bức tranh Người phụ nữ điên rõ ràng rung chuyển, vặn vẹo, thay đổi, đẩy kéo, cho người xem thấy tưởng tượng của Soutine về sự dằn vặt bên trong của người mẫu vẽ. Phần nào đó, bức tranh đã tái định nghĩa thể loại tranh chân dung. Chỉ đơn giản bằng cách vẽ cận cảnh người phụ nữ bí ẩn (và có thể nguy hiểm) này chứ không phải từ xa, Soutine đã khẳng định mình không những như một nhân vật có khả năng đồng cảm, mà còn là một kẻ mơ mộng liều lĩnh.

Dịch: Nhung Ý Chi

Cùng tác giả

#Tag

Chaïm Soutine Edvard Munch egon schiele Erich Heckel Ernst Ludwig Kirchner Hương Mi Lê Karl Schmidt-Rottluff Lê Hương Mi Oskar Kokoschka Series Lịch sử thiết kế đồ họa Trào lưu chủ nghĩa Biểu hiện

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…