Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện - Gesamtkunstwerk (Phần 2)

Trong phần hai của loạt ba bài về Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện (Gesamtkunstwerk), chúng ta tiếp tục tìm hiểu những khởi nguồn của thể loại, những ý tưởng và xu hướng chính, khép lại bằng những ảnh hưởng sau này – sau khi Gesamtkunstwerk suy thoái hậu Thế chiến II.

Những khởi nguồn (tiếp)

Jugendstil (1896-1914)

Jugendstil, khái niệm Đức của Art Nouveau, khởi nguồn từ Munich năm 1896 với tác phẩm Dây roi (Whiplash) của Hermann Obrist. Như nhà phê bình nghệ thuật Andrew Hickling viết: “sự nở rộ của những đường cong cua tay áo lấy cảm hứng từ thân hoa anh thảo… rồi sẽ trở thành khái niệm đồng nghĩa với thiết kế ở thời kỳ chuyển giao thế kỷ.” Theo cách tương tự như Art Nouveau, sự nhấn mạnh vào các đường nét thanh lịch, lấy cảm hứng tới những hình thức hữu cơ và đôi khi là hình học, có sự tham gia của một tầm nhìn thiết kế mới mà từ chối nghệ thuật hàn lâm bảo thủ và tích hợp tất cả loại nghệ thuật vào một Gesamtkunstwerk.

Dây roi” của Hermann Obrist. Thêu trên lụa

Được thành lập vào năm 1899 bởi Đại Công tước Ernst Ludwig của vùng Hesse, Lãnh địa các nghệ sĩ Darmstadt đã trở thành trung tâm của phong trào Jugendstil và cũng là ví dụ nổi tiếng nhất của Jugendstil về Gesamtkunstwerk. Dưới sự dẫn dắt của Joseph Maria Oblrich, các nghệ sĩ sống và làm việc ở đây bao gồm kiến trúc Peter Behrens, điêu khắc gia Ludwig Habich, hoạ sĩ Hans Christiansen, nhà thiết kế nội thất Patriz Huber, và nhà thiết kế nội thất Julius Glückert.

Mỗi ngôi nhà của mỗi nghệ sĩ đều là một tác phẩm nghệ thuật toàn diện được thiết kế cẩn thận, trong khi vẫn hài hoà với toàn bộ hiệu ứng kiến trúc tổng thể của lãnh địa và phản ánh mối quan tâm nghệ thuật riêng của chủ nhân ngôi nhà.

Nhà Behrens (Peter Behrens) (1901), ngôi nhà đầu tiên do hoạ sĩ và nghệ sĩ đồ hoạ Peter Behrens thiết kế. Một trong các ngôi nhà của Lãnh địa Darmstadt

Ví dụ, mặt tiền Olbrich thiết kế cho nhà của Hans Christiansen được trang trí với những màu sắc tươi sáng và các dạng trang trí tượng hình phản ánh những tác phẩm nghệ thuật của Christiansen. Nhà Ernst-Ludwig-Haus (1900-01) của Olbrich là trung tâm của Lãnh địa, hoạt động như một không gian tiếp khách công cộng nhưng cũng chứa các xưởng nghệ sĩ và các không gian xưởng thợ (workshop). Từ chối sự phân thứ bậc giữa mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng cũng như nhấn mạnh vào thủ công, các xưởng thợ của Lãnh địa cũng tiếp nhận công nghiệp hoá hiện đại, sản xuất nhiều mặt hàng thương mại khác nhau và thúc đẩy ý tưởng rằng ngay cả một ngôi nhà bình thường nhất cũng có thể là một Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện.

Cổng vào nhà Ernst Ludwig

Vào năm 1901, trong “Một tài liệu về Nghệ thuật Đức” được viết dành cho dịp khai trương chính thức của Lãnh địa, Olbrich và Behrens tôn vinh Lãnh địa như hình mẫu chuẩn mực của Gesamtkunstwerk.

Ly Khai Viên

Phá vỡ hệ thống phân cấp nghệ thuật bảo thủ và hàn lâm, Ly khai Viên nhấn mạnh một “nghệ thuật toàn diện” mang tính quốc tế mà thống nhất nghệ thuật trang trí với hội hoạ, điêu khắc, và kiến trúc. Được thành lập vào năm 1897, trào lưu được dẫn dắt bởi Gustav Klimt và bao gồm các kiến trúc sư Josef Hoffmann và Joseph Maria Olbrich, nhà thiết kế Koloman Moser và, sau này, chính Peter Behrens.

Dự án đầu tiên và nổi tiếng nhất của nhóm Ly Khai là Toà nhà Ly Khai (1897-98) ở Viên, được thiết kế bởi Olbrich và đóng vai trò như không gian triển lãm của trào lưu. Kiến trúc của toà nhà cùng với Phù điêu Beethoven (1901) của Gustav Klimt và những chi tiết mặt tiền nổi bật của Moser tạo ra một tác phẩm nghệ thuật toàn diện mà cũng hoạt động như tuyên ngôn kiến trúc của trào lưu.

Kiệt tác đáng kể của phong trào là Cung điện Stoclet (1905-11) ở Brussels, Bỉ. Đây là một dinh thự tư nhân được thiết kế bởi Josef Hoffman, có các bức tranh tường của Gustav Klimt, sử dụng các vật liệu quý hiếm và đắt tiền, đã được tôn vinh như một trích yếu sang trọng của Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện. Wiener Werkstätte (Các Xưởng Thợ Viên), một nhóm thiết kế thương mại, được thành lập bởi Josef Hoffmann và Koloman Moser vào năm 1903, đóng vai trò chính trong việc sản xuất các yếu tố cho Điện Stoclet (1905-11), bao gồm cả việc thực hiện các bức tranh tường của Klimt bằng những vật liệu quý.

Bauhaus (1919 – 1933)

Walter Gropius, người nắm quyền lãnh đạo Bauhaus – một ngôi trường chú trọng đào tạo nghiêm ngặt về thủ công cùng với mỹ thuật – tiếp nhận khái niệm Gesamtkunstwerk. Năm 1919, Tuyên ngôn của ông tuyên bố rằng “ý tưởng phổ quát vĩ đại, bền vững, tâm linh-tôn giáo…, sẽ phải tìm thấy biểu hiện kết tinh của nó trong Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện vĩ đại.” Định nghĩa lại thuật ngữ từ “tác phẩm nghệ thuật toàn diện” thành thứ mà ông gọi là “Thiết kế Toàn diện”, ông tin rằng khái niệm này có thể được áp dụng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống hiện đại, từ thiết kế nhà máy đến quy hoạch đô thị và nơi ở riêng tư, và tới tất cả các yếu tố từ khu vực làm việc đến ánh sáng, ấm trà, và muỗng cà phê. Tin rằng hình thức phải phản ánh đúng công năng, dưới sự quản lý của Gropius, Bauhasu đã tiếp nhận một cách hăng hái các vật liệu và quy trình của công nghệ hiện đại và một thẩm mỹ theo chủ nghĩa hiện đại để kiến tạo xã hội lý tưởng không tưởng mới.

Góc nhìn từ trên cao xuốnng toà nhà của trường Bauhaus ở Dessau, biểu tượng kiến trúc – sự trực quan hoá “Bau” – “Haus” (“toà nhà” – “xây dựng”)

De Stijl (1917 – 1931)

Vào năm 1917, Theo van Doesburg và Piet Mondrian, cùng với các nghệ sĩ khác, thành lập trào lưu Hà Lan De Stijl nhằm ủng hộ và quảng bá sự đơn giản, sử dụng các màu cơ bản và các dạng hình học, để tạo ra các tác phẩm trừu tượng phản ánh hình thực tâm linh tiềm ẩn. Các  nghệ sĩ khác nổi tiếng sau này tham gia vào trao lưu bao gồm Gerrit Rietveld và Vilmost Huszár.

Van Doesburg vô cùng quan tâm tới sự hợp nhất mỹ thuật với kiến trúc và nghệ thuật ứng dụng để tạo ra một loại utopia. De Stijl chủ yếu được biết đến với những bức tranh của mình, được minh chứng bởi chủ nghĩa Tân Tạo hình của Mondrian và chủ nghĩa Nguyên tố của van Doesburg, nhưng nhóm cũng tạo ra những mặt hàng như thiết kế đồ hoạ và những chiếc ghế huyền thoại của Rietveld.

Ghế Đỏ-Xanh của Rietveld

Rietveld cũng là người tạo ra một trong những toà nhà nổi tiếng nhất của phong trào – Nhà Rietveld Schröder (1924) – kết hợp không gian trong và ngoài nhà thành một tác phẩm nghệ thuật tổng thể mà theo nhà sử học Alice T. Friedman, nhấn mạnh “một cam kết quyết liệt cho một sự cởi mở mới về các mối quan hệ trong gia đình và sự thật trong đời sống cảm xúc.”

Các ý niệm và xu hướng

Raumkusnt (tạm dịch: ‘nghệ thuật không gian’ hay ‘nghệ thuật phòng’)

Nghệ sĩ Jugendstil Albert Endell tiên phong khái niệm Raumkunst (Raum – căn phòng, không gian, kunst – nghệ thuật), với tất cả các yếu tố trong một căn phòng từ nội thất, đồ đạc vật dụng, tới các hoạ tiết trang trí đều được thiết kế để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật tổng thể. Ông tạo khái niệm Raumkunst từ khái niệm khác của mình là Raumnbewegung (Bewegung – chuyển động) hay “chuyển động không gian”, khi viết “Chính là đời sống của không gian (Raum) mà trao… một nền tảng mạnh mẽ và giàu ý nghĩa cho hình thức và màu sắc… Thông lệ khiến ta hiểu dưới thuật ngữ kiến trúc là các yếu tố của một toà nhà, những mặt tiền, những cột, và những chi tiết trang trí. Và tất cả rốt cục chỉ là thứ yếu. Thực tế, thứ mạnh nhất không phải là những hình khối, mà là… sự trống trải trải ra nhịp nhàng giữa các bức tường, được định nghĩa bởi những bức tường ấy, nhưng có sức sống động quan trọng hơn.”

Phòng nhạc trong nhà của Peter Behrens ở Lãnh địa Darmstadt là một ví dụ ban đầu về Raumkunst

Tại Triển lãm Nghệ thuật Đức 1899 tại Dresden, Richard Riemerschmid đã trưng bày Phòng Âm nhạc của ông, và tại Triển lãm Thế giới (Exposition Universelle) Paris 1900, Phòng Săn của Bruno Paul, Phòng Hút thuốc của Pankok, và Phòng dành cho một Người yêu Nghệ thuật của Riemerschmid đã được trưng bày. Những phòng này, mỗi phòng đại diện cho một tác phẩm nghệ thuật toàn diện tập trung quanh công năng của căn phòng, đều đã trở nên vô cùng nổi tiếng và hầu hết các mặt hàng trong phòng lập tức được đưa vào sản xuất thương mại. Khái niệm sống trong một tác phẩm nghệ thuật toàn diện trở nên sẵn có cho tầng lớp trung lưu bình thường, những người không có khả năng chi trả được cho cả một toà nhà tuỳ chỉnh, nhưng giờ đây có thể biến đổi nội thất từng căn phòng với các vật phẩm thương mại sẵn bán. Khái niệm Raumkunst đã ngầm hình thành tác phẩm sau này của Bauhaus và De Stijl, mặc dù có những sửa đổi. Walter Gropius nhấn mạnh vào công năng và thiết kế toàn diện, trong khi De Stijl tìm cách tạo ra không gian nội thất mở và có một dòng chảy xuyên suốt. Cả Bauhaus và De Stijl đều tiếp nhận hiện đại hoạ và các quy trình của chúng, cho sản xuất thương mại nhiều sản phẩm của họ.

Đa phương tiện

Về bản chất, Gesamtkunstwerk đã định trước cấu hình thực hành đa phương tiện hiện đại, và cách tiếp cận liên ngành này đã được thể hiện trong cuộc sống của các nhà thực hành. Vào thời điểm qua đời, William Morris được nhớ đến như là một nhà thơ cũng nhiều như bởi tác phẩm thiết kế của ông. Otto Eckmann đã tạo ra các tác phẩm đồ họa, logo, và một số phông chữ đặc biệt, đồng thời tham gia vào lĩnh vực hội hoạ trang trí. Paul Bruno không chỉ là một kiến trúc sư hàng đầu mà còn là một nhà thiết kế nội thất, đồ nội thất, và họa sĩ minh họa. Thay vì chuyên về một tác phẩm nghệ thuật duy nhất, các nghệ sĩ đã thực hiện phương pháp tiếp cận “người Phục hưng”, liên tục học hỏi các nghề mới, công nghệ in ấn, quy trình công nghiệp, và kỹ thuật nghệ thuật để mở rộng vốn liếng của họ sang tất cả các khía cạnh của thiết kế. Đồng thời, cách tiếp cận liên ngành dẫn đến sự nhấn mạnh vào sự hợp tác, vì các nghệ sĩ và thợ thủ công cùng làm việc trong một dự án duy nhất.

Bìa tạp chí Jugend, nguồn gốc tên trào lưu Jugendstil, do Otto Eckmann vẽ

Những tầm nhìn về Utopia 

Bắt đầu với các tác phẩm của Richard Wagner, Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện được thúc đẩy bởi tầm nhìn rằng các tác phẩm nghệ thuật toàn diện sẽ phản ánh và tạo ra một xã hội lý tưởng không tưởng (utopia). Trong nhiều trường hợp, bao gồm cả Wagner và phong trào Arts & Crafts, về bản chất, xã hội lý tưởng không tưởng là sự hồi sinh của một thời đại trước đó. Wagner tìm cách quay trở lại sự thống nhất mà ông đã thấy ở Hy Lạp cổ điển và phong trào Arts & Crafts đã nhìn thấy giá trị phục hồi đó trong thời kỳ sơ khai và đơn giản hơn của nước Anh thời Trung cổ. Do đó, Gesamtkunstwerk thường có trọng tâm tiềm ẩn về tinh thần dân tộc, dựa trên các nghề thủ công truyền thống và niềm tin của một dân tộc cụ thể. Như nhà sử học nghệ thuật Michael Wilson Smith đã viết, khái niệm này thể hiện “một nỗ lực để biến nhiều nền văn hóa thành một nền văn hóa dân tộc duy nhất, được lý tưởng hóa.” Đến những năm 1920, sự nhấn mạnh này đã thông báo cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Chủ nghĩa Quốc xã, được định nghĩa bằng các khái niệm giả tạo về sự thuần khiết chủng tộc và văn hóa.

Wieland Wagner, con trai của nhà soạn nhạc Richard Wagner, và vợ là Winifred Wagner cùng với Adolf Hitler ở Wahnfried năm 1937

Các phong trào khác, như Jugendstil và Art Nouveau, coi Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện là sự kết nối con người với trật tự và sự thật của tự nhiên, khi các nghệ sĩ chuyển sang các hình thức hữu cơ. Những mô tả này được hỗ trợ bởi các quan sát khoa học gần đây bao gồm cả các bức ảnh hiển vi. De Stijl xem các dạng nguyên tố trừu tượng và màu sắc cơ bản của chúng phản ánh một thực tại tâm linh sâu sắc hơn, nơi Gesamtkunstwerk sẽ tạo ra một sự cởi mở mới trong xã hội.

Những phát triển sau này

Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện không phải là không gặp nhiều sự phê bình và vào những năm 1920, nhà viết kịch người Đức Bertolt Brecht thậm chí đã so sánh nó với thuật thôi miên. Ông viết, “Chừng nào cụm từ ‘Gesamtkunstwerk’ còn có nghĩa rằng sự tích hợp là một mớ hỗn độn, chừng nào nghệ thuật được cho là phải ‘hợp nhất’ với nhau, thì các yếu tố khác nhau đều sẽ suy thoái như nhau và mỗi yếu tố sẽ hoạt động như một ‘nguồn cung’ đơn thuần cho phần còn lại.” Ông ủng hộ cho một “sự tách biệt triệt để của các yếu tố.” 

Nhà làm phim nổi tiếng Eisenstein, trong khi chịu ảnh hưởng bởi Wagner trong khái niệm của riêng ông “điện ảnh tổng thể”, tương tự, nhấn mạnh sự tách biệt các yếu tố bằng cách sử dụng dựng phim, sắp xếp các hình ảnh trái ngược và mâu thuẫn với nhau. Như nhà phê bình nghệ thuật Dustin Cosentino đã viết, “Ở đâu có tính toàn diện, ở đó có toàn diện kiểm soát. Và kiểm soát toàn diện có nghĩa là Gesamtkunstwerk được thực hiện thành công… thứ không cho phép tiến triển tự do hoặc tiến hóa tự nhiên.

Nhà làm phim Sô-viết Sergei Eisenstein, cha đẻ của kỹ thuật montage

Khái niệm về Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện đã không còn được ưa chuộng trong những năm 1930 với sự trỗi dậy của chủ nghĩa Quốc xã, một phần là do nhiều nhà thực hành hàng đầu phải rời đi nơi khác. Các nghệ sĩ như Walter Gropius và các thành viên khác của Bauhaus đã chạy trốn khỏi sự đàn áp của Đức Quốc xã, chuyển đến các nước châu Âu khác hoặc đến Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cùng lúc đó, chủ nghĩa Quốc xã tận dụng một số khái niệm của Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện, và âm nhạc cũng như lý thuyết của Wagner được coi là nền tảng cho những ý tưởng về sự thuần khiết chủng tộc. 

Làm sống lại thần thoại và văn hóa Bắc Âu trong Thế chiến thứ hai, đảng Quốc xã đã tổ chức Liên hoan Sân khấu Bayreuth, trình bày các vở opera của Wagner cũng như các bài giảng về nhà soạn nhạc này. Kết quả là, trong thời kỳ hậu chiến, khái niệm Gesamtkunstwerk mất hết tính hợp pháp và các nghệ sĩ như Peter Behrens, người vẫn ở Đức và làm việc với Speer theo lệnh của Hitler, đã bị thất sủng. Đồng thời, ảnh hưởng của chiến tranh và sự tàn bạo của nó khiến niềm tin vào một tác phẩm nghệ thuật tổng thể như một phương tiện cho một xã hội không tưởng trong thời hậu chiến là điều không thể thực hiện được. Các trào lưu nghệ thuật mới nổi cũng bác bỏ bất kỳ khái niệm nào về sự thống nhất của tất cả các nghệ thuật, như được thấy trong Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng nhấn mạnh vào các phẩm chất chính thức và tính đặc thù của hội họa.

“Nếu không có Richard Wagner, thì cũng không có Adolf Hitler”. Wagner, cùng với Frederick Đại đế và Martin Luther, là những thần tượng quan trọng của Hitler

Đảng Quốc xã tổ chức Liên hoan Sân khấu Bayreuth để trình diễn các vở opera và các bài giảng của Wagner, làm sống lại các thần thoại và văn hoá Bắc Âu trong Thế chiến II. Kết quả là, trong thời kỳ hậu chiến, khái niệm Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện mất mọi tính hợp lẽ của nó và những nghệ sĩ như Peter Behrens, người ở lại Đức và làm việc với Speer theo lệnh của Hitler, bị ghét bỏ. Đồng thời, ảnh hưởng của chiến tranh và sự tàn bảo của nó khiến niềm tin vào một tác phẩm nghệ thuật toàn diện như phương tiện cho một xã hội không tưởng trong thời hậu chiến là bất khả thi. Các trào lưu nghệ thuật mới nổi lên cũng bác bỏ bất cứ sự thống nhất nào của tất cả các nghệ thuật, như được thấy trong chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng nhấn mạnh vào các phẩm chất chính thức và tính đặc thù phương tiện của hội hoạ.

Albert Speer là kiến trúc sư trưởng của Hitler và sau đó là Bộ trưởng Khí tài và Vũ trang của Đức Quốc Xã. Ông đã giao trách nhiệm xây dựng trụ sở chính mới của AEG cho Behrens trong dự án tái xây dựng Berlin như thủ đô của “Đế Quốc Đức vĩ đại hơn” – một lựa chọn bị Alfred Rosenberg quyền lực từ chối nhưng lại được Hitler vô cùng ủng hộ vì sự tán thưởng riêng tới toà Đại sứ quán Đức tại St Petersburg của Behrens (hình).

Các học giả đương đại đã xem xét lại và hồi sinh những phân tích lịch sử và nghệ thuật của Gesamtkunstwerk. Các học giả như M.W. Smith trong cuốn Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện (The Total Work of Art) (2007) của ông viết, “tác phẩm nghệ thuật toàn diện vẫn là một ý tưởng thẩm mỹ tiềm tàng, luôn gắn liền với công nghệ, tiếp tục làm mờ đi sự khác biệt giữa văn hóa cao cấp và đại chúng, tác phẩm nghệ thuật và cảnh tượng hàng hóa.” Như Smith đã lưu ý, “Việc sử dụng nó dưới thời Đệ tam Đế chế khiến Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện nhìn chung không được chấp nhận ở hầu hết châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, thể loại này sẽ tìm thấy đời sống mới ở Hoa Kỳ.” Smith nhận thấy điều này “được minh chứng rõ nét nhất tại Disneyland, nơi tái tạo nhiều chiến lược của Bayreuth, Bauhaus và Nuremberg.” Phân tích của ông cũng bao gồm các tác phẩm happenings đa phương tiện của Warhol, thực tế ảo, và tính toàn diện giả tạo của Internet, đều đã được hình thành trong khái niệm này.

Các học giả khác bao gồm David Robers, Matthew Wilson Smith và Juliet Koss cũng xem khái niệm này là trung tâm của văn hóa thế kỷ XX. Như nhà phê bình nghệ thuật David Newland viết, “Các tác phẩm sắp đặt đa phương tiện rất phổ biến trong nghệ thuật đương đại – chẳng hạn như các tác phẩm sắp đặt trình diễn ồn ào của Marta Minujin – được cho là mắc nợ ý tưởng của Gesamtkunstwerk.” Nhiều sự kiện khác nhau, bao gồm lễ khai mạc Thế vận hội, hoạt động vào đêm giao thừa ở Quảng trường Thời đại, cũng như các buổi biểu diễn hòa nhạc của Laurie Anderson, Robert Wilson & Philip Glass, Madonna, Nine Inch Nails, và những người khác đã được xem là có tham vọng trở thành tác phẩm nghệ thuật toàn diện. Trong khi các nhà phê bình khác nhau đã áp dụng thuật ngữ này một cách hồi tưởng, không có nghệ sĩ nào tự chấp nhận hoặc sử dụng nó.

Parthenon sách (2017) của Marta Minujín ở documenta 14

Năm 2014, triển lãm Gesamtkunstwerk: Nghệ thuật mới từ Đức của Saatchi Gallery, một trưng bày bao gồm hơn hai mươi nghệ sĩ đương đại, được mô tả là “hướng đến một loại Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện mới, một trong đó văn hóa cao và thấp cấp, người tiền tiến và kẻ giàu tính lịch sử, cái thường nhật và mọi thứ ở giữa đều có thể cùng tồn tại.” Để tránh những ý nghĩa tiêu cực của thuật ngữ này, cuộc triển lãm đã nhấn mạnh đến khía cạnh bình đẳng và dân chủ của các tác phẩm.

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp và viết bởi Rebecca Seiferle; biên tập và hiệu đính bởi Những cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt, minh hoạ và đề tựa tiếng Việt bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

Gesamtkunstwerk Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Tác phẩm nghệ thuật Toàn diện

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…