Salvador Dalí (Phần 2)

Trong phần thứ 2 của loạt bài về Salvador Dalí, chúng ta tìm hiểu phần còn lại của tiểu sử người nghệ sĩ. Sức ảnh hưởng trong nghệ thuật lẫn thiết kế, tham vọng to lớn, và cả sự điên rồ không nao núng có chiến thuật của ông sẽ được dần làm rõ.

  • Đừng sợ sự hoàn hảo – bạn sẽ không bao giờ với tới nó.
  • Ở tuổi lên sáu, tôi muốn trở thành một đầu bếp; ở tuổi lên bảy thì là Napoleon. Kể từ đó, tham vọng của tôi chỉ có lớn thêm.
  • Biết cách nhìn là một cách để phát minh”.
  • Tôi là một con cá ăn thịt bơi lội giữa hai dòng nước, một dòng nước lạnh của nghệ thuật và một dòng nước nóng của khoa học.”
  • Mỗi buổi sáng ngay sau khi thức dậy, tôi trải qua một sự sung sướng tột cùng: việc là Salvador Dalí, và rồi tôi hỏi mình, trong sự choáng váng, rằng tay Salvador Dalí này sẽ làm điều phi thường gì hôm nay.”
  • Người đầu tiên so sánh gò má cô gái trẻ với một bông hồng rõ ràng là một nhà thơ; người đầu tiên lặp lại điều ấy có thể là một kẻ ngốc.”

Tiểu sử Salvador Dalí (tiếp)

Dalí và Gala tại Mỹ

Dalí đã được biết đến ở Mỹ thậm chí từ trước khi ông đặt chân lần đầu tới đất nước này. Nhà môi giới tranh Julien Levy tổ chức một buổi trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Dalí ở New York vào năm 1934, trong đó có tác phẩm Sự bền bỉ của Ký ức. Công chúng cực kỳ đón nhận cuộc triển lãm, khiến Dalí trở thành một hiện tượng. Ông đến thăm Mỹ lần đầu vào giữa những năm 1930. Bất cứ nơi nào ông đến, ông đều khiến nơi đó xôn xao. Đôi khi ông sẽ dàn dựng những màn xuất hiện và giao lưu trước công chúng, những minh chứng thuở đầu cho niềm đam mê biểu diễn của ông. Có một dịp nọ, ông và Gala đến dự một buổi vũ hội hóa trang ở New York. Họ hóa trang thành đứa bé nhà Lindbergh và kẻ bắt cóc cậu bé. Việc này gây rúng động đến mức Dalí phải mở họp báo xin lỗi, một hành động khiến những người theo chủ nghĩa Siêu thực lúc bấy giờ ở Paris khinh thường. 

Galarina – Chân dung của Gala do Dalí vẽ năm 1944. Về vụ án Lindberg. Vào 01/03/1932, Charles Augustus Lindbergh Con, đứa con trai chỉ mới 20 tháng tuổi của cặp vợ chồng phi công Charles Lindberg và Anne Morrow Lindbergh bị bắt cóc. Vào ngày 12/05 cùng năm, xác của đứa bé được một tài xế xe tải phát hiện nơi vệ đường. Tháng 9/1934, một thợ mộc nhập cư người Đức tên Richard Hauptmann bị bắt giữ. Người này bị tuyên có tội và kết án tử hình, tuy nhiên tới tận khi chết ông ta vẫn một mực nói rằng mình vô tội và tới nay vẫn có nhiều giả thuyết xung quanh quan điểm rằng ông ta thực sự vô tội.

Dalí cũng tham gia các sự kiện Siêu thực khác khi ở New York. Tác phẩm của ông xuất hiện ở buổi triển lãm đầu tiên về Nghệ thuật Giả tưởng, Dada, Siêu thực tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại. Ông cũng gây náo loạn tại một buổi trình chiếu phim Siêu thực của Joseph Cornell khi ông xô đổ máy chiếu, tuyên bố “ý tưởng làm phim của tôi y chang vậy, và tôi định sẽ đưa nó cho người nào sẵn sàng trả tiền để thực hiện nó. Tôi chưa bao giờ viết ý tưởng đấy xuống hay kể cho ai nghe, nhưng có vẻ như anh ta đã ăn cắp ý tưởng của tôi.” 

Cảnh từ phim Rose Hobard (1936) của Joseph Cornell, một bộ phim thể nghiệm được làm hoàn toàn từ những đoạn phim tìm thấy (found footage)

Sau sự tàn khốc của Thế chiến thứ hai ở châu Âu, Dalí và Gala trở về Mỹ năm 1940. Họ ở đấy tám năm, phân bố thời gian sống ở hai nơi New York và California. Trong thời kỳ này, Dalí cực kỳ năng suất, mở rộng thực hành của mình ra ngoài nghệ thuật thị giác và sang những thể loại sáng tác khác. Ông thiết kế trang sức, quần áo, nội thất, đạo cụ cho kịch và vở diễn bale, và thậm chí thiết kế trưng bày cửa sổ ở cửa hàng bán lẻ. Tính cách kỳ dị của Dalí thường nổi bật ở nhiều hoạt động ông theo đuổi. Ví dụ, khi ký gửi sản phẩm ở cửa hàng bách hóa Bonwit Teller, Dalí quá tức giận khi thấy tầm nhìn nghệ thuật của ông bị thay đổi nên đã xô một chiếc bồn tắm đổ xuyên qua cửa tủ trưng bày.

Dalí (và Gala) muốn trở thành ngôi sao và kiếm bội tiền nên Hollywood trở thành điểm đến cho cặp đôi này như một lẽ tự nhiên. Họ không thành công trong công cuộc trở thành ngôi sao trong ngành điện ảnh, nhưng Dalí được đạo diễn nổi tiếng Alfred Hitchcok yêu cầu tạo ra một chuỗi tranh ước mơ cho bộ phim kinh dị Say mê (Spellbound) (1945). Ngoài ra, Walt Disney cũng hợp tác với Dalí để sáng tạo bộ phim hoạt hình Vận mệnh (Destino), nhưng dự án bị đình chỉ do khó khăn về tài chính sau Thế chiến II và chỉ được hoàn thành rất lâu sau đó (2003).

Một cảnh từ phim Destino. Các bạn có thể xem phim ở đây.

Trở về Port Lligat

Sau khi bị đuổi khỏi nhà vào năm 1929, Dalí mua một căn hộ nhỏ ven biển ở gần một làng đánh cá của Port Lligat. Sau cùng, ông mua tất cả ngôi nhà xung quanh đó, biến cơ ngơi của mình thành một căn biệt thự cỡ lớn. Gala và Dalí chuyển về Port Lligat năm 1948, biến nơi đó trở thành nhà trong vòng 30 năm sau đấy.

Nghệ thuật của Dalí tiếp tục phát triển. Ngoài việc khám phá các phương tiện nghệ thuật khác nhau, Dalí cũng bắt đầu sử dụng ảo giác thị giác, không gian âm, chơi chữ hình ảnh và khả năng đánh lừa thị giác trong tác phẩm của mình. Kể từ năm 1948, ông vẽ khoảng một bức tranh đồ sộ mỗi năm – các “Kiệt tác của Dalí” – với độ dài ít nhất 152cm cho chiều dài hoặc cả chiều dài và chiều rộng, mỗi bức tốn ít nhất một năm để hoàn thành. Xưởng vẽ của ông có một vị trí đặc biệt được đặt trên ở sàn nhà để các bức tranh cỡ lớn có thể được nâng lên và hạ xuống khi ông sáng tác. Ông đã vẽ ít nhất 18 tác phẩm như vậy trong khoảng 1948 đến 1970.

Dalí đã thử nghiệm trong lĩnh vực nhiếp ảnh cũng giống như ông đã làm với nhiều hướng sáng tạo khác nhau trong thời đại của ông. Tại đây, ông đã hợp tác với nhiếp ảnh gia Philippe Halsman để tạo ra bức ảnh nổi tiếng này – Dalí Atomicus (1948)

Vào những năm 1940 và 1950, các bức tranh của Dalí tập trung chủ yếu vào các chủ đề tôn giáo, phản ánh sự hứng thú thường trực của ông về thế lực siêu nhiên. Ông nổi tiếng tuyên bố rằng: “Tôi là một con cá ăn thịt bơi lội giữa hai dòng nước, một dòng nước lạnh của nghệ thuật và một dòng nước nóng của khoa học.” Ông nhắm tới việc khắc hoạ không gian như một thực tại chủ quan, có thể đó là lí do vì sao nhiều bức tranh của ông từ giai đoạn này thể hiện các vật thể và hình tượng ở góc độ cực kì rút gọn (theo luật xa gần). Ông tiếp tục áp dụng phương pháp “phản biện hoang tưởng”, trong đó bao gồm làm việc nhiều giờ gian khổ trong xưởng và diễn tả ước mơ của ông trực tiếp trên bản vẽ với những đợt bùng phát năng lượng điên cuồng.

Sự khám phá ra châu Mỹ của Christopher Columbus (The Discovery of America vy Christopher Columbus) (1958-59). Bức này có kích cỡ 410 x 310 cm.

Dalí trở nên khá ẩn dật khi ở trong xưởng sáng tạo tranh. Tuy nhiên, ông tiếp tục bước ra để dàn dựng các pha giật gân, hay cái ông gọi là “các biểu tình” khoa trương không khác gì trước đấy. Được thiết kế nhằm khiêu khích, các tương tác dạng trình diễn gợi nhắc đám đông rằng đứa trẻ tinh quái bên trong Dalí vẫn còn tồn tại. Trong một lần, Dalí nhấm nháp một quả trứng thiên nga khi kiến chui ra từ bên trong vỏ; một lần khác, ông lái vòng quanh trong một chiếc xe chất đầy súp lơ. Khi quyển sách Thế giới của Salvador Dalí (The World of Salvador Dalí) được xuất bản năm 1962, ông đã kí sách tại một hiệu sách ở Manhattan trong khi kết nối với một màn hình ghi lại huyết áp và sóng não của mình. Khách hàng của hiệu sách ra về tay cầm một bản sao có chữ ký và một bản in các chỉ số sinh tồn của Dalí. Ông cũng tạo một số quảng cáo truyền hình và truyền thông khác cho các công ty như Lanvin Chocolates, Alka-Seltzer, và hãng hàng không Braniff Airlines – đưa năng lực ngôi sao của ông đi xa và rộng khắp.

Đây là áp phích cho Chocolat Lanvin của Dalí. Bạn có thể xem quảng cáo do Dalí thực hiện cho Alka-Seltzer (giải thích về hãng) ở đây; và đoạn quảng cáo trong chiến dịch do nhà quảng cáo huyền thoại George Lois thiết kế cho hãng hàng không Braniff International Airways, nơi ông mời một số cặp đôi kỳ lạ, nói chuyện với nhau, như Andy Warhol và Sonny Liston, một nhà vô địch cử tạ thế giới, hay Whitey Ford, một vận động viên bóng chuyền nổi tiếng, và Dalí – ở đây

Vào những năm 1960, khi Dalí trở về Thành phố New York, ông luôn ở khách sạn St. Regis ở Đại lộ 5. Ông biến quầy bar của khách sạn trở thành phòng khách của mình, ở đó các buổi tiệc sẽ diễn ra xuyên suốt thời gian ông lưu trú. Vào thời điểm đó, Dalí dành thời gian với một đoàn tùy tùng những nhân vật kỳ lạ và lôi cuốn. Andy Warhol, một nhà sưu tập những con người lập dị thái quá khác, cũng đã dành thời gian với Dalí tại St. Regis. Trong một câu chuyện huyền thoại, Warhol đã tặng một bức tranh in lụa cho Dalí, nhưng người nghệ sĩ lớn tuổi đã ném nó xuống đất tại khách sạn, sau đó tiểu vào nó. Thay vì bị xúc phạm, Warhol được cho là yêu thích toàn bộ quá trình. Nhóm mà Warhol sau này tập hợp lại tại The Factory được coi là sự gợi lại hiện đại về cảnh tượng mà Dalí đã tạo ra trước đó.

Giai đoạn cuối đời

Hai thập kỉ cuối đời của Dalí là khoảng thời gian khó khăn và khổ tâm nhất. Năm 1968, ông mua một tòa lâu đài ở Púbol cho Gala và từ năm 1971, bà bắt đầu ở đó một mình trong nhiều tuần liền, cấm Dalí đến thăm nếu không được bà cho phép. Những chuyến ẩn dật của bà tạo cho Dalí một nỗi sợ bị bỏ rơi và đẩy ông vào vòng xoáy trầm cảm. Người ta đã làm sáng tỏ được rằng Gala đã gây ra những tổn thương vĩnh viễn cho Dalí. Trong tình trạng già yếu, bà đã hủy hoại sức khỏe của ông bằng cách cho ông uống những loại thuốc không được chỉ định. Những tổn thương về thể chất mà Gala gây ra cho Dalí đã cản trở khả năng sáng tạo nghệ thuật của ông cho đến khi ông qua đời. Sau khi bà mất vào năm 1982, Dalí lại trải qua một đợt trầm cảm và được cho là đã cố gắng tự tử. Ông cũng chuyển đến lâu đài ở Púbol, nơi bà qua đời.

Casa Dalí ở Púbol

Một trong những thành tựu quan trọng nhất của Dalí trong thời điểm khó khăn này là Nhà hát-Bảo tàng Dalí ở Figueres. Thay vì cống hiến một tác phẩm thôi cho thành phố đó, Dalí đã nói rằng, “Nếu không phải ở thị trấn của chính tôi, thì đâu nên là nơi tác phẩm xa hoa và vững chắc bậc nhất của tôi tồn tại, nếu không phải đây thì đâu? Nhà hát Thành phố, hay phần còn lại của nó, hiện lên với tôi là vô cùng phù hợp.” Để chuẩn bị cho ngày khai trương bảo tàng năm 1974, Dalí đã làm việc không ngừng nghỉ để thiết kế tòa nhà và tập hợp một bộ sưu tập sau này trở thành di sản của ông.

Bên ngoài Bảo tàng – Nhà hát Dalí ở Figueres

Ngày 23 tháng 1 năm 1989, Dalí qua đời vì bị suy tim trong khi nghe bản nhạc ưa thích của ông, Tristan and Isolde. Ông được chôn dưới bảo tàng ông xây ở Figueres. Nơi an nghỉ cuối cùng của ông cách ngôi nhà ông được sinh ra ba tòa nhà và đối diện nhà thờ Sant Pere, nơi ông được rửa tội và rước lễ lần đầu. 

Di sản của Salvador Dalí

Dalí đã hình thành ý tưởng rằng cuộc sống là hình thức nghệ thuật vĩ đại nhất và ông đã khai thác cuộc sống của ông với niềm đam mê bất diệt, sứ mệnh thuần khiết và cam kết bền bỉ với sự khám phá và mài giũa các hứng thú và ngành thủ công khác nhau đến mức không thể nào bỏ qua tác động đột phá của ông đối với giới nghệ thuật. 

Ông khao khát không ngừng và bất chấp phơi bày nội tâm ra bên ngoài, nhờ đấy tạo ra đời một tổng thể tác phẩm không chỉ phát triển các khái niệm của chủ nghĩa Siêu thực và phân tâm học trên nền tảng trực quan toàn cầu, mà còn cho phép con người tiếp nhận bản thân trong những vinh quang và sự xấu xí, và mọi phần của mình. Bằng cách phơi bày trần trụi những hình ảnh đại diện cho giấc mơ và nội tâm của ông, bằng tay nghề dựng hình điệu nghệ và kỹ thuật thể hiện màu sắc điêu luyện, Dalí đã mở ra vô vàn khả năng cho những nghệ sĩ muốn đưa cái cá nhân, cái bí ẩn và cái đa cảm vào tác phẩm của mình. 

Trích đoạn tác phẩm Người đấu bò ảo giác (The Hallucinogenic Toreador) (1969-70) của Dalí

Ở New York thời hậu chiến, những khái niệm này được kết hợp và biến đổi bởi những nghệ sĩ Biểu hiện Trừu tượng với những kỹ thuật của chủ nghĩa vô thức để thể hiện tiềm thức qua nghệ thuật, lúc bấy giờ chỉ qua cử chỉ và màu sắc. Việc Dalí sử dụng cách đặt các vật thể tìm được kề nhau để tạo ra bức điêu khắc đã làm biến đổi phương thức này từ tận bản chất, mở cửa cho những nghệ sĩ vĩ đại trường phái Tập hợp (Assemblage) như Joseph Cornell. Ngày nay, chúng ta vẫn có thể thấy ảnh hưởng của Dalí đến những nghệ sĩ theo phong cách Siêu thực, và những nghệ sĩ khác theo các lĩnh vực nghệ thuật trực quan đương đại, nhiều mảng nghệ thuật số và minh họa.

Tính cách của Dalí trong thế giới này, kì lạ và khó hiểu, đã mở đường cho những nghệ sĩ cho rằng mình chính là một thương hiệu. Ông thể hiện rằng giữa con người Dalí và tác phẩm Dalí không có sự tách biệt. Việc vận dụng làm phim theo phong cách tiên phong, trình diễn khiêu khích trước công chúng và tương tác ngẫu nhiên và có chiến lược đã khiến tác phẩm của ông trở nên sống động khác với hội họa. Người xem thay vì chỉ nhìn một tác phẩm đẹp khơi gợi nhiều tưởng tượng, họ sẽ bị “chọc ngoáy” bởi cuộc sống hiện thực bởi một biểu tình của trí tưởng tượng của Dalí được thiết kế để làm rối loạn và kích thích phản ứng của họ. Cách thức này về sau được thể hiện ở những nghệ sĩ như Yoko Ono. Andy Warhol tiếp tục tạo dựng nhân cách riêng, môi trường và đoàn tùy tùng như cách mà vô vàn những nghệ sĩ thế kỷ 20 khác làm. Trong bối cảnh truyền thông xã hội ngày nay, các nghệ sĩ hầu như được kỳ vọng phải có vẻ ngoài và tương tác thú vị như tác phẩm nghệ thuật của họ.

Dalí cũng tiên phong ý tưởng rằng nghệ thuật, nghệ sĩ và khả năng nghệ thuật có thể vượt qua nhiều phương tiện và trở thành một mặt hàng khả thi. Những nỗ lực hết mình của ông trong các lĩnh vực từ mỹ thuật đến thời trang đến trang sức đến bán lẻ và thiết kế nhà hát đã định vị ông là một nhà kinh doanh giỏi cũng như một nhà sáng tạo giàu tác phẩm. Không giống như vật phẩm sản xuất đại trà, thường bị coi thường trong giới nghệ thuật, Dalí tự tay chạm đến nhiều sản phẩm và nơi khác nhau, điều đó có nghĩa bất kì ai trên thế giới cũng có thể có một phần của ông. Ngày nay, việc này quá đỗi phổ biến nên ta thấy những kiến trúc sư vĩ đại như Frank Gehry thiết kế những chiếc nhẫn và vòng cổ đặc biệt cho Tiffany hoặc những nhà đổi mới như John Baldessari cho phép hình ảnh của mình xuất hiện trên ván trượt.

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp, viết, và biên tập bởi Những người cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt bởi Nhã Văn. Đề tựa tiếng Việt và hình ảnh minh hoạ bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi salvador dalí Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…