Man Ray (2) - Các tác phẩm tiêu biểu

Trong phần thứ hai của loạt bài hai phần về Man Ray, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của ông xếp theo trình tự thời gian. Trong đó bao gồm những vật thể/sắp đặt thể hiện đồng thời xu hướng Dada và Siêu thực, những bức ảnh vừa mang tính sắp đặt, thao túng nội dung, vừa thể hiện xu hướng khai thác những thuộc tính chỉ nhiếp ảnh mới có để sáng tác ra những tác phẩm độc đáo. Nhìn chung, các tác phẩm của Man Ray đều phản ánh một xu hướng lãng mạn bên cạnh sự cấp tiến, sức ảnh hưởng của những người tình trong đời ông, và cả một nỗi ám ảnh nhất định về đàn bà như một sinh vật kỳ lạ khác thường thường thấy trong nhiều nam nghệ sĩ Siêu thực.

  • Tôi sẽ chụp một ý tưởng thay cho một vật thể, và một giấc mơ thay cho một ý tưởng”.
  • Tôi chưa bao giờ có mục đích ghi lại những giấc mơ của mình, tôi chỉ có hiện thực hoá chúng.
  • Đừng đặt tên tôi lên ấy. Đó chỉ là những tư liệu đơn giản mà tôi đã tạo ra.”
  • Bất chấp hình thức tối hậu mà vật thể trình hiện ra, vật thể là nhằm mục đích gây thích thú, khuyến khích, gây khó chịu, kích thích tư duy, nhưng không bao giờ để khơi gợi ra ngưỡng mộ với sự hoàn hảo về kỹ thuật. Tôi nói, thế giới đầy những người thợ thủ công phi thường, nhưng chỉ có một vài kẻ mộng mơ thực tế.
  • Tác phẩm của Man Ray đi ra từ một thời kỳ khi những nhiếp ảnh gia vẽ bằng ánh sáng. Có một sự tĩnh trong nhiếp ảnh thời trang của ông. Những người phụ nữ của ông không bao giờ nhìn vào ống kính. Họ trông như thể không ở bất cứ không gian và địa điểm cụ thể nào. Họ trông như thể được đẽo từ cẩm thạch.” – Nhà báo thời trang Woody Hochswender 

Các tác phẩm tiêu biểu

1920: Bí ẩn của Isidore Ducasse 

Vật thể được bọc trong nỉ và dây – Phòng trưng bày Quốc gia Úc, Parkes (được phục dựng vào năm 1971)

Tác phẩm readymade có chỉnh sửa (một vật thể tìm thấy được thay đổi đôi chút) được tạo ra trước khi Man Ray sang Pháp một năm. Vật thể Dada này: chiếc máy khâu được bọc bằng chăn quân đội bên ngoài và quấn quanh bằng một sợi dây, chịu ảnh hưởng củai Marcel Duchamp và ông cũng tham gia trực tiếp vào quá trình tạo dựng tác phẩm. Tiêu đề Bí ẩn của Isidore Ducasse (L’Égnime d’Isidore Ducasse) đặt theo danh tính nhà thơ Pháp Isidore Ducasse (1846-70), còn hình ảnh thì phỏng theo câu trích dẫn trong cuốn sách Những bài hát của Maldoror (Les Chants de Maldoror) (1869) của Ray: “Lộng lẫy như cuộc gặp gỡ tình cờ, trên bàn giải phẫu, của một chiếc máy khâu và một chiếc ô”. Đối với các nghệ sĩ Dada, yếu tố tình cờ là không thể thiếu và tác phẩm này thể hiện rất rõ tinh thần ấy, bên cạnh đó còn dự đoán sự quan tâm của chủ nghĩa Siêu thực tới việc bộc lộ khả năng sáng tạo của tiềm thức. Tác phẩm được dựng lên rồi bị tháo dỡ ngay sau khi được chụp ảnh lại. Ray đã không tiết lộ thứ ‘bí ẩn’ bên dưới tấm vải là gì, ông muốn đố người xem tìm ra câu trả lời chỉ thông qua bức ảnh và tiêu đề đã cho làm gợi ý.

1921: Món quà 

Bàn là và những chiếc đinh – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York (bản sao phục dựng từ bản gốc đã bị thất lạc)

Tác phẩm Món quà (Le Cadeau) được thực hiện lúc buổi chiều ngày khai mạc buổi triển lãm cá nhân đầu tiên của Man Ray tại Paris. Ray dự định tặng nó cho vị giám đốc phòng trưng bày, nhà thơ Philippe Soupaul, và ông thêm tác phẩm này vào triển lãm vào phút cuối. Nhưng món đồ đã thu hút khá nhiều sự chú ý và biến mất khi buổi khai mạc kết thúc.

Đây cũng là một readymade có chỉnh sửa. Ray sử dụng chiếc bàn là, một món đồ gia dụng đơn giản, sau đó gắn các cây đinh vào đồng thời cũng gắn lên những tính chất khác cho nó. Đồ vật có tính chất bám và giữ chặt như những chiếc đinh tương phản với bàn ủi thường dùng để lướt nhẹ nhàng – khiến sự kết hợp này trở nên vô dụng.

1922: Rayography (Nụ hôn)

In bạc gelatin (quang đồ) – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York

Bức Nụ hôn (The Kiss) là một trong những tấm Rayogram đầu tiên của Man Ray, được tạo ra từ quá trình đặt trực tiếp các vật thể lên một tờ giấy nhạy sáng sau đó mang phơi sáng. Để tạo ra bức ảnh đặc biệt này, ông đã in bóng của đôi bàn tay vào giấy ảnh sau đó thực hiện tương tự với đầu của hai người (của Man Ray và người tình ông, Kiki de Montparnasse).

Những tấm Rayogram là phương tiện giúp Man Ray tương tác trực tiếp với tác phẩm và phản ứng với các sáng tạo của mình lập tức bằng cách thêm một lớp khác trên lớp trước. Ông đã sử dụng những đồ vật vô tri vô giác cũng như cơ thể của mình để tạo ra những tấm ảnh, chúng đôi khi được coi là một hình thức tự truyện về ông với kha khá những tấm hình miêu tả chân dung của các người tình.

1923: Vật thể để phá hủy

Máy đếm nhịp với mảnh hình chụp con mắt trên quả lắc – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York

Ban đầu Ray dự định coi món đồ như một vị khách lặng lẽ trong studio, ngồi quan sát ông vẽ tranh. Ông vốn nghĩ rằng “một họa sĩ cần có khán giả, vì thế nên tôi cắt hình chụp một con mắt dán lên thanh lắc của máy đếm nhịp để tạo ra một hình bóng đang theo dõi tôi vẽ.” Như vậy, tác phẩm đóng vai trò như một người liên tục quan sát nghệ sĩ làm việc trong thầm lặng.

Ở phiên bản thứ hai được tạo ra năm 1932, Ray thay vào đó là con mắt của nhiếp ảnh gia Lee Miller, người yêu cũ của ông, sau khi bà rời bỏ ông để kết hôn với một doanh nhân thành đạt người Ai Cập. Ông muốn công kích Miller bằng cách “phá vỡ bà” trong mọi tác phẩm liên quan đến bà. Do đó, phiên bản thứ hai này – Vật thể để phá huỷ (Object à détruire) được kèm thêm chú thích: “Cắt một con mắt ra khỏi tấm hình của người ta từng yêu nhưng ta không còn thấy nữa. Gắn nó vào quả lắc của máy đếm nhịp và điều chỉnh nhịp độ mong muốn cho phù hợp. Tiếp tục đến tận cùng của sự nhẫn nại. Sử dụng một đòn nhắm chuẩn xác, cố gắng phá hủy toàn bộ chỉ bằng một cú duy nhất.” Về sau tác phẩm được tái tạo, gia công thành nhiều bản khác nhau và đổi tên thành Vật thể bất diệt.

1924: Cây vĩ cầm của Ingres 

In bạc gelatin – Bảo tàng J. Paul Getty, Los Angeles

Man Ray lấy cảm hứng từ tác phẩm Người phụ nữ đang tắm vĩ đại (La Grande Baigneuse) của Jean-Auguste-Dominique Ingres và sử dụng người mẫu là Kiki de Montparnasse đội chiếc khăn xếp. Ray đã biến cơ thể phụ nữ thành một chiếc đàn bằng cách vẽ các lỗ âm trên lưng cô ấy, chơi đùa với ý tưởng là vật thể hóa cơ thể người. Xuyên suốt sự nghiệp của mình, Man Ray vô cùng hứng thú với việc kết hợp một vật thể và cơ thể phụ nữ.

Các tác phẩm của Ingres được nhiều nghệ sĩ Siêu thực ngưỡng mộ, bao gồm cả Ray, nhờ những đại diện các hình tượng phụ nữ bị bóp méo. Niềm đam mê của Ingres dành cho đàn vĩ cầm nổi tiếng đến mức trong tiếng Pháp có từ violon d’Ingres để chỉ một sở thích. Nhiều người miêu tả Cây vĩ cầm của Ingres (Le Violon d’Ingres) như một cách chơi chữ bằng hình ảnh, khắc họa nàng thơ của Ray, Kiki, như là một “violon d’Ingres” của ông.

Đây là một hình ảnh tiêu biểu của Man Ray được biết đến rộng rãi trong nền văn hóa đại chúng. Hình xăm lỗ f đã trở nên phổ biến trong giới nhạc sĩ, ngay cả các nhà thiết kế thời trang như Viktor và Rolf cũng tham khảo hình ảnh này để tạo ra bộ sưu tập mùa xuân 2008 của họ.

1926: Đen và trắng 

Bản in bạc gelatin – Bảo tàng J. Paul Getty, Los Angeles

Bức ảnh chụp đầu của Kiki de Montparnasse đặt cạnh chiếc mặt nạ nghi lễ châu Phi có tiêu đề đề cập đến quá trình chụp ảnh đen trắng, cũng là hai sắc độ của màu da. Tấm hình được chụp vào thời điểm nghệ thuật và văn hóa châu Phi đang thịnh hành. Cùng với những đường nét thanh thoát, khuôn mặt trái xoan của cả hai gần như giống hệt nhau, nhưng bề ngoài vừa nhợt nhạt vừa khẽ khàng của cô lại đối lập với chiếc mặt nạ đen bóng. Ray đơn giản hóa sự xung đột của xã hội qua cách sử dụng ánh sáng và hình ảnh tượng trưng một cách đầy thẩm mỹ – một hình dạng trái xoan nằm kế bên một khuôn mẫu trái xoan khác; một vật thể nằm nghiêng tương phản với một vật khác đang dựng đứng; ánh sáng rọi từ phía trên xuống đồng thời cũng chiếu qua từ bên cạnh.

1932: Nước mắt

Bản in bạc gelatin – Bảo tàng J. Paul Getty, Los Angeles

Bức ảnh cận cảnh này trông giống như một khung hình tĩnh cắt ra từ một bộ phim, qua đó cho thấy Man Ray khá hứng thú với cách kể chuyện mang tính điện ảnh. Đôi mắt cùng hàng mi phủ mascara của người mẫu đang hướng lên trên, khiến người xem tự hỏi cô ấy đang nhìn đi đâu và lý do khiến cô ấy phiền muộn là gì. Tác phẩm được hoàn thành ngay sau khi nghệ sĩ chia tay với trợ lý kiêm người yêu của mình, Lee Miller. Ray đã sáng tác nhiều tác phẩm nhằm cố gắng “phá vỡ cô ấy” như một sự trả đũa đối với người yêu đã rời bỏ ông (tương tự như Vật thể bất hoại).

1936: Thời khắc quan sát: Những người tình 

Bộ sưu tập riêng

Một trong những bức tranh đáng nhớ nhất của Man Ray, Thời khắc quan sát (Observatory Time), xuất hiện trong bức ảnh đen trắng Thời khắc quan sát: Những người tình (À l’heure de l’observatoire: Les Amoureux) này, cùng với một người mẫu khoả thân. Bức tranh có đôi môi của người tình cũ của ông, Lee Miller, đang lơ lửng giữa bầu trời phía trên Đài thiên văn Paris. Trong bức ảnh, người mẫu khoả thân nằm nghiêng trên một chiếc ghế sofa với bàn cờ vua ở dưới chân. Thời khắc quan sát ẩn chứa những dấu hiệu về giấc mơ của người phụ nữ: đó là một cơn ác mộng hoặc cũng có thể là một trải nghiệm luyến ái. Hình ảnh đôi môi trong bức tranh là nguồn cảm hứng cho logo của Phim kinh dị Rocky (The Rocky Horror Picture Show) và nhiều hình ảnh khác mang tính biểu tượng của văn hóa đại chúng. Bàn cờ vua còn xuất hiện trong nhiều tác phẩm của nghệ sĩ khác – Duchamp, Picabia, và Man Ray, tất cả bọn họ đều yêu thích bộ môn này. Man Ray cho rằng ô lưới kẻ vuông là “nền tảng của các môn nghệ thuật… chúng giúp bạn hiểu rõ cấu trúc, nắm vững quy tắc trật tự.” Bên cạnh đó ông cũng có những thiết kế bộ cờ vua, ảnh chụp bàn cờ, quân cờ và người chơi.

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp và viết bởi Jin Jung, biên tập bởi Những người cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt bởi CM Ngô. Đề tựa tiếng Việt và hình ảnh minh hoạ bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Man Ray Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…