Lập thể (Phần 2)

Trong phần thứ hai của chuỗi ba bài về Lập thể, ta tìm hiểu khái niệm, phong cách, và xu hướng, cũng như những phát triển hậu trào lưu. Trước đó, ta điểm qua một vài phần trích dẫn thú vị đến từ những hoạ sĩ và những nhà bảo trợ nghệ thuật về chủ nghĩa này.

  • “Lập thể giống như đứng ở một điểm nhất định của một ngọn núi và nhìn xung quanh. Nếu bạn đi lên cao hơn, mọi thứ sẽ trông khác đi; nếu bạn xuống thấp hơn, lần nữa chúng cũng sẽ trông khác. Lập thể là một điểm nhìn.” – Jacques Lipchitz
  • “Lập thể không phải là một hiện thực mà bạn có kiểm soát. Nó giống như một mùi hương, ở trước mặt bạn, sau bạn, bên cạnh bạn, mùi hương ở khắp mọi nơi nhưng bạn không thực sự biết nó đến từ đâu.” – Pablo Picasso
  • “Mục tiêu mà tôi đặt ra cho chính mình khi tạo nên lập thể? Để vẽ và không gì hơn thế… với một phương pháp liên kết với suy tưởng của tôi… Không phải cái tốt hay cái thật; cũng không phải cái hữu dụng hay cái vô dụng.” – Pablo Picasso
  • “Điều cuốn hút tôi vô cùng – và đó là giới hạn tiến bộ chính của Lập thể – là cách làm sao trao cho không gian mới mà tôi chỉ biết mơ hồ này một biểu hiện vật chất. Bởi vậy tôi đã bắt đầu vẽ tĩnh vật là chủ yếu, bởi vì về bản chất nó chứa một không gian của xúc giác, thậm chí có thể nói là thủ công… đó đã là thứ hội hoạ Lập thể sớm nhất – nhiệm vụ tìm kiếm không gian.” – Georges Braque
  • “Nếu tôi gọi Lập thể là một trật tự mới, thì nó không chứa bất cứ ý tưởng cách mạng hay phản động nào… Một người không thể trốn thoát khỏi thời đại của anh ta, dù anh ta có thể mang tính cách mạng tới nhường nào.” – Georges Braque
  • “Lập thể di chuyển xung quanh một vật thể để nắm bắt nhiều diện dạng liên tiếp của nó, mà sẽ bị đun chảy thành một hình ảnh đơn nhất được tái tạo trong thời gian.” – Juan Gris
Một tác phẩm của Sonia Delaunay
  • “Có một truyền thống về việc miêu tả một vũ công bị đóng băng trong một tư thế được chọn, giống như một cú nhá máy ảnh. Tôi phá bỏ truyền thống này bằng cách đặt chồng chất lên nhau những tư thế, hòa trộn ánh sáng và chuyển động, xô đẩy những mặt phẳng.” – Sonia Delaunay
  • “Những sự phóng đại khổng lồ của một vật thể hoặc của một mảnh trao cho nó một tính cách mà nó chưa từng có trước đó, và theo cách ấy, nó có thể trở thành phương tiện của một sức mạnh tạo hình và trữ tình hoàn toàn mới.” – Fernand Leger
  • “Hãy để cho hình ảnh bắt chước không gì cả, hãy để cho nó đại diện – một cách trần truồng – cho chính lý do tồn tại của mình.” – Jean Metzinger
  • “Dù là khi Juan Gris phá vỡ một vật thể, hay Picasso thay thế chúng bằng những vật thể do chính ông phát minh ra, hay khi một ai đó khác thay thế phối cảnh hình nón bằng một hệ thống dựa trên những mối quan hệ giữa các đường vuông góc với nhau, tất cả những điều đó chỉ để cho thấy rằng Lập thể không sinh ra từ một lý thuyết chuyên chế [mot d’ordre]; mà nó chỉ xác lập giữa một vài hoạ sĩ với niềm mong mỏi được hoàn thiện một thứ nghệ thuật lẽ ra không thể sống sót sau sự kết án của Pascal.” – Jean Metzinger
  • “Lập thể là một sự tấn công vào góc nhìn mà đã được biết đến và sử dụng trong 500 năm qua. Đó là sự thay đổi lớn, rất lớn, đầu tiên. Nó khiến cho người ta hoang mang: họ nói, ‘Mọi thứ đâu có trông như vậy!’” – David Hockney
  • “Anh ta đã bắt đầu sự vật lộn kéo dài về việc không biểu hiện ra những gì anh ta có thể nhìn thấy mà biểu hiện những thứ anh không thấy, tức là những thứ mà tất cả mọi người đều chắc chắn là có thấy nhưng không thực sự thấy.” – Gertrude Stein nói về nghệ thuật ban đầu của Picasso
  • “Về bản chất, hội hoạ chưa bao giờ là một tấm gương của thế giới bên ngoài, nó cũng không bao giờ giống như nhiếp ảnh; nó đã luôn là một sự kiến tạo của những dấu hiệu luôn được đọc đúng bởi những người đương thời… Những người Lập thể tạo ra những dấu hiệu mà, không bàn cãi gì, là mới, và đó là lý do tại sao những bức tranh của họ lại khó đọc như vậy.” – Daniel-Henry Kahnweiler
  • “Hình ảnh về một vật thể cũng nhiều như số con mắt nhìn vào chúng; số lượng hình ảnh căn bản về nó cũng nhiều như số tâm trí nhận biết được nó.” – Metzinger và Gleizes, trong cuốn Về Lập thể 

Lập thể: Khái niệm, Phong cách và Xu hướng 

Các giai đoạn phát triển khác nhau của phong cách Lập thể được dựa trên tác phẩm của Picasso và Braque hơn là dựa trên tác phẩm của nhóm Salon Cubists. Tên và ngày tháng chính xác của các giai đoạn vẫn được tranh luận và liên tục được nhìn nhận lại cho đến ngày nay.

Chủ nghĩa Lập thể sơ khai (1908-09) 

Giai đoạn đầu của phong trào này đến sau cuộc triển lãm của Paul Cézanne vào năm 1907 khi nhiều nghệ sĩ được tái tiếp cận hoặc lần đầu tiên tiếp cận với tác phẩm của Cézanne, người đã sống ở Aix-en-Provence thuộc miền Nam nước Pháp trước khi qua đời và đã không được triển lãm ở Paris trong nhiều năm. Một số nghệ sĩ tham dự buổi triển lãm đã chịu ảnh hưởng bởi những bức tranh thiếu tính ba chiều, chất lượng chất liệu của cọ pháp và việc sử dụng nét vẽ đồng nhất của ông. Tác phẩm của Braque Những ngôi nhà ở L’Estaque là một ví dụ điển hình cho kiểu Lập thể này. 

Chủ nghĩa Lập thể phân tích (1910-12) 

Trong giai đoạn này, chủ nghĩa Lập thể đã phát triển một cách có hệ thống cao. Sau đó, nó được biết đến như là thời kỳ Phân tích của phong cách, dựa trên việc quan sát chặt chẽ các đối tượng trong bối cảnh hậu cảnh của chúng, thường thể hiện chúng từ các điểm nhìn khác nhau. Picasso và Braque giới hạn chủ thể của họ trong các thể loại truyền thống như chân dung và tĩnh vật, đồng thời cũng giới hạn bảng màu của họ ở các tông màu đất và xám lặng để giảm bớt sự rõ ràng giữa các hình dạng phân mảnh của hình thể và vật thể. Tuy các tác phẩm của họ thường có bề ngoài giống nhau, nhưng theo thời gian sở thích riêng biệt của họ đã được thể hiện. Braque có xu hướng thể hiện các vật thể bùng nổ hoặc bị kéo ra xa khỏi nhau thành từng mảnh, trong khi Picasso làm cho chúng như có từ trường, với lực hút các phần tử của không gian hình ảnh vào trung tâm của bố cục. Các tác phẩm theo phong cách này bao gồm Đàn vĩ cầm và bảng màu (Violin and Palette) (1909) của Braque và Ma Jolie (Nàng đẹp của tôi) (1911-12) của Picasso.

Vào cuối giai đoạn này của Chủ nghĩa Lập thể, Juan Gris bắt đầu có những đóng góp cho phong cách: ông duy trì sự rõ ràng sắc nét ở những hình khối của mình, cung cấp các gợi ý về lưới bố cục và đem lại nhiều màu sắc hơn cho một phong cách vốn đơn sắc và khắc khổ.

Chủ nghĩa Lập thể Tổng hợp (1912-14) 

Năm 1912, cả Picasso và Braque đều bắt đầu đưa các yếu tố khác lạ vào các tác phẩm của mình, tiếp tục những thử nghiệm của họ dưới nhiều góc nhìn. Picasso đã kết hợp tấm giấy dán tường mô phỏng cách mặt ghế đan vào Tĩnh vật với mặt ghế đan (Still Life with Chair-Caning) (1912), do đó khởi xướng nghệ thuật cắt dán theo trường phái Lập thể, và Braque bắt đầu dán giấy báo lên toan vẽ của mình, mở ra khám phá về giấy dán (papier-collé) cho phong trào. 

Điều này phần nào đó có thể do sự không thoải mái ngày càng tăng của các nghệ sĩ đối với sự trừu tượng triệt để của chủ nghĩa Lập thể Phân tích, tuy nhiên cũng có thể lập luận rằng những thử nghiệm Tổng hợp này đã tạo ra một sự quay lưng thậm chí triệt để hơn so với các miêu tả không gian thời Phục hưng và hướng tới một cách thể hiện mang tính ý niệm hơn của các vật thể và hình thể. Các thử nghiệm của Picasso với điêu khắc cũng được tính như là một phần của phong cách Lập thể Tổng hợp vì chúng sử dụng các yếu tố cắt dán.

Tĩnh vật với mặt ghế đan (Still Life with Chair-Caning) (1912) của Picasso

Chủ nghĩa Lập thể Pha lê (1915-22) 

Như một phản ứng với sự hỗn loạn của chiến tranh, nhiều nghệ sĩ Pháp có xu hướng rút lui khỏi thử nghiệm cấp tiến, và khuynh hướng này không chỉ diễn ra ở chủ nghĩa Lập thể. Một sử gia nghệ thuật đã mô tả giai đoạn này của chủ nghĩa Lập thể là “sản phẩm cuối của quá trình đóng cửa dần dần các khả năng.” 

Ví dụ, trong Ba người phụ nữ (Three Women) (1921) của Fernand Léger, các đối tượng được miêu tả có cạnh phân chia sắc nét thay vì làm giống các mảnh ghép chồng lên nhau của một bức phù điêu thấp (basso-relievo – phần trạm nổi lên ít từ phần nền); Léger cũng không cố thể hiện các đối tượng từ nhiều góc độ khác nhau. Chủ nghĩa Lập thể Pha lê gắn liền với tranh của nhóm Salon Cubist cũng như với các tác phẩm của Picasso và Braque. Chủ nghĩa Lập thể Pha lê là một phần của xu hướng lớn hơn được gọi là Quay lại với trật tự (còn được gọi là Chủ nghĩa Cổ điển giữa các cuộc chiến) gắn với các nghệ sĩ trong School of Paris hay Trường phái Paris.

Ba người phụ nữ (Three Women) (1921) của Fernand Léger

Những phát triển sau đó – Hậu chủ nghĩa Lập thể

Phòng Lập thể ở Triển lãm Quốc tế về Nghệ thuật Hiện đại, cũng được biết đến với cái tên Cuộc triển lãm Armory, ở Viện Nghệ thuật Chicago, Chicago, Mỹ, năm 1913.

Chủ nghĩa Lập thể nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu vào những năm 1910, phần lớn là do cách tiếp cận có hệ thống trong việc thể hiện hình ảnh xét dưới độ cởi mở mà nó mang lại trong việc miêu tả các đối tượng theo những cách mới. Các nhà phê bình có những quan điểm khác nhau về liệu những người theo chủ nghĩa Lập thể có quan tâm đến việc thể hiện hình ảnh theo một cách khách quan hơn – tiết lộ nhiều hơn đặc tính cốt yếu của nó – hay liệu họ chủ yếu quan tâm đến sự biến dạng và trừu tượng. 

Phong trào là gốc rễ của một loạt các phong cách đầu thế kỷ 20 bao gồm chủ nghĩa Kiến ​​tạo, chủ nghĩa Vị lai, chủ nghĩa Siêu việt, Orphism và De Stijl. Nhiều nghệ sĩ quan trọng đã trải qua thời kỳ Lập thể trong quá trình phát triển của họ, có lẽ đáng chú ý nhất là Marcel Duchamp với tác phẩm Khoả thân đi xuống cầu thang (Nude Descending a Staircase) (1912) khét tiếng thu hút nhiều sự chú ý và nhiều đánh giá tiêu cực tại Triển lãm Armory 1913 ở Thành phố New York. 

Khoả thân đi xuống cầu thang số 2 (Nude Descending a Staircase no. 2) (1912) của Duchamp. Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, Philadelphia, Mỹ. Sơn dầu trên toan.

Những ý tưởng trong phong trào cũng được đưa vào các hiện tượng phổ biến hơn, như thiết kế và kiến ​​trúc Art Deco. Các phong trào sau này như chủ nghĩa Tối giản cũng chịu ảnh hưởng bởi việc sử dụng lưới theo phong cách Lập thể, và rất khó để hình dung sự phát triển của nghệ thuật phi đại diện nếu không có những thử nghiệm của những người theo trường phái Lập thể. Giống như các phong trào nghệ thuật thay đổi mô hình khác của nghệ thuật thế kỷ 20, như Dada và Pop Art, chủ nghĩa Lập thể đã lay chuyển nền tảng của việc làm nghệ thuật truyền thống bằng cách lật tẩy truyền thống Phục hưng và thay đổi tiến trình lịch sử nghệ thuật bằng những âm vang kéo dài sang thời kỳ hậu hiện đại.

Dịch: Nhung Ý Chi

Cùng tác giả

#Tag

hội hoạ Hương Mi Lê lập thể Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…