John Steuart Curry (Phần 2)

Trong phần cuối cùng của loạt bài về John Steuart Curry, chúng ta sẽ tìm hiểu về di sản có vị thế phức tạp của ông và các tác phẩm tiêu biểu, bao gồm: Lễ rửa tội ở Kansas (Baptism in Kansas), Lốc xoáy trên bầu trời Kansas (Tornado Over Kansas), Lũ rắn giết một con rắn chuông (Hogs Killing a Rattlesnake), Ajax, Luật pháp đánh bại luật rừng (Justice Defeating Mob Violence), và Khúc dạo đầu bi thảm (Tragic Prelude).

  • Tôi đã cố gắng để được Kansas công nhận nhưng không mấy thành công. Một số người cho rằng điều này cho thấy sự khôn ngoan của người Kansas, trong khi những người khác, chắc chắn là thiển cận hơn, cho rằng lẽ ra tôi nên có số thể hiện cũng như vậy từ bang quê hương mình.
  • Giờ đây, ở tuổi 29, tôi đã trưởng thành. Tôi đã tìm ra truyền thống của mình. Tôi đã tìm ra Rubens.
  • Toàn bộ cuộc đời tôi đã tạo ra bởi những cảm nhận. Tôi từng đi ra ngoài vườn và bứt những dây cà chua thành từng mẩu để có thể ngửi chúng. Tôi từng đi ra ngoài đồng cỏ, tới những hố bùn nơi lũ chim câu tụ tập để có thấy chúng bay lên trời… Tôi yêu mùi của bụi ướt.

Tiểu sử của John Steuart Curry (tiếp)

Di sản của John Stueart Curry

Mặc dù Curry đã được hưởng sự thành công ngay khi còn sống và, không nghi ngờ, là một hoạ sĩ với quyền lực và mức độ quan trọng lớn, di sản của Curry có vị thế phức tạp trong dòng chảy ngay cả tới nay. Khoảng thời gian ông ở Wisconsin đã khuyến khích một loạt nghệ sĩ nông thôn và giúp khởi tạo một hội chợ nghệ thuật thường niên, nhưng sau khi ông mất, danh tiếng của ông đã bị Thomas Hart Benton và Grant Wood che khuất, những người có phong cách táo bạo và đặc trưng hơn. Chắc chắn, sự trỗi dậy của chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng càng làm giảm đi danh tiếng của ông. Rất nhiều người theo trào lưu này coi Curry và những người giống ông là bảo thủ về mặt chính trị và thẩm mĩ, đại diện cho mọi thứ mà nghệ thuật nên phản đối.

Với những người tiền tiến trẻ tuổi hơn, nghệ thuật nên hướng tới chủ nghĩa quốc tế thay vì chủ nghĩa khu vực và rũ bỏ ách thống trị của chủ nghĩa truyền thống. Trong khi những người đồng bào Kansas của Curry không đánh giá cao những bức tranh trường ở Toà nhà bang vào thời điểm đó, vào đầu những năm 1990, thượng viện bang đã thông qua nghị quyết “chính thức thừa nhận sự đối xử tồi tệ của cơ quan lập pháp” đối với nghệ sĩ, theo quan điểm của Hiệp hội Lịch sử Kansas, để đảm bảo danh tiếng của ông như một nghệ sĩ quan trọng. Nhiều nhà phê bình và sử học gần đây đã bắt đầu đánh giá lại thử nghiệm chính thức của Curry và việc ông sử dụng nhiều quan điểm khác nhau, đón nhận sự lúng túng về mặt kĩ thuật của ông như một đổi mới hình thức quan trọng.

Những tác phẩm tiêu biểu của John Steuart Curry

1928: Lễ rửa tội ở Kansas (Baptism in Kansas)

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Mĩ Whitney, New York, Mĩ

Tác phẩm Lễ rửa tội ở Kansas là thành công lớn đầu tiên của Curry, được tạo ra ngay sau khi ông quay lại Mĩ từ Paris và miêu tả một cảnh từ tuổi thơ ông. Năm 1915, vào một trong nhiều đợt hạn hán của khu vực, các cộng đồng ở Kansas nhận thấy mình phải sử dụng các bể chứa nước ở sân trang trại để làm lễ rửa tội. Ở trung tâm bức tranh, mục sư địa phương đang rửa tội cho một phụ nữ tóc vàng trong bộ áo choàng trắng. Sự kiện này được cả cộng đồng theo dõi – các gia đình, nông dân, cảnh sát, và động vật. Vượt ra ngoài vòng xoáy của con người, người ta có thể nhìn thấy những toà nhà của trang trị và phong cảnh rộng lớn ở đàng xa. Bầu trời rực rỡ ánh nắng, những cánh đồng và con đường trải dài tít tắt, trong khi chim bồ câu và quạ của Nô-ê bay ngang qua khung cảnh. Bức tranh vừa hoành tráng vừa thân mật.

Chủ đề của bức hoạ – tôn giáo, sự tái sinh, và đạo đức cộng đồng – là điểm chung của chủ nghĩa Khu vực, vì nó bác bỏ chủ nghĩa quốc tế đô thị để ủng hộ chủ nghĩa hiện thực vùng tâm nước Mĩ. Bố cục hình tam giác của vị linh mục nâng đỡ cơ thể người phụ nữ phản chiếu cấu trúc gỗ của những ngôi nhà trang trại kiên cố, tôn vinh sức mạnh của các thể chế và giá trị cốt lõi của nước Mĩ. Những chiếc ô tô có động cơ, một biểu tượng của chủ nghĩa tư bản và giới trẻ thành thị những năm 1920, được xếp ra rìa ngoài khung hình để nhường chỗ cho một dàn hợp xướng của cộng đồng.

Những khởi đầu cho phong cách sáng tác độc đáo của Curry và cảm nhận của ông về tiềm năng biểu đạt cũng xuất hiện. Sự kết hợp giữa tạo hình xoắn ốc chủ đạo và nhiều dạng tam giác – chân của linh mục, đường phối cảnh của con đường và cánh đồng, mai nhá, những tia nắng – tạo ra độ căng giữa cảm quan hoạt động và chuyển động và ổn định. Như nhà sử học Henry Adams giải thích, bố của của Curry “đồng thời thể hiện nỗi sợ hãi bị giam cầm và sợ không gian trống.

1929: Lốc xoáy trên bầu trời Kansas (Tornado Over Kansas)

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Muskegon, Michigan, Mĩ

Grant Wood nói về người đồng nghiệp-hoạ sĩ theo chủ nghĩa Khu vực của mình là “Ông ấy thích nhất là diễn giải hành động: cú lao xuyên không gian, tích tắc trước khi bị giết, khoảnh khắc lửng lơ trước khi cơn bão ập tới”. Không bức tranh nào thể hiện điều này rõ ràng hơn là cảnh đầy cơ bắp, hấp dẫn này, nơi một lốc xoáy gào thét hướng về một trang trại ở Kansas. Gia đình đang vội vã tìm chỗ trú ấn tràn xuyên tiền cảnh. Những toà nhà và những con người dường như nghiêng và lao vào trong chuyển động căng thẳng, đầy biểu cảm trong khung hình, gợi nhớ đến những nhân vật người đang ngã xuống trong một bức tranh của Paolo Veronese. Những chi tiết giàu cảm xúc, cẩn trọng như chậu hứng nước mưa, biểu cảm trên khuôn mặt người con trai cả đang bế những chú lợn con, và hoạ tiết vải chắp vá trên tấm chăn bông của đứa trẻ sơ sinh được bù đắp bởi sức mạnh to lớn của cánh tay xoáy của cơn lốc, bị đẩy mạnh vào mặt đất Kansas từ một bầu trời tối tăm. Gia đình di chuyển sang trái của khung hình, hướng về nguồn sáng và tránh xa bóng tối đang tụ tập.

Tác phẩm này mang lại cho Curry giải nhì trong Triển lãm tranh quốc tế thường niên của viện Carnegie, khẳng định vị thế của ông là hoạ sĩ mới nổi hàng đầu của thời đại mình. Đó là một bức tranh có sức mạnh phi thường, cả về lực đẩy tường thuật và bố cục giàu cảm xúc. Sự bất ổn và hỗn loạn cũng có thể mang tính tiểu sử, bởi cuộc hôn nhân của chính Curry đang gặp khó khăn vào thời điểm đó. Ở đây, phong cách của Curry cũng được rèn luyện từ sự bất ổn. 

Mặc dù bức tranh mang tính tượng hình và về con người, nhà sử học Henry Adams nhìn nhận bức tranh này là ở ngày mép của trừu tượng hoá, viết “Với những hình tượng căng phồng và những toà nhà như một bùng nổ, tác phẩm dường như có nguy cơ biến đổi chính nó thành một bố cục Lập thể tổng hợp. Bố cục truyền thông ở đây đã bị đẩy tới một giới hạn biểu cảm, tới ranh giới của việc trở thành một thứ gì đó hoàn toàn khác.

1930: Đàn lợn giết một con rắn đuôi chuông

Sơn dầu trên toan – Viện Nghệ thuật Chicago, Chicago, Mĩ

Curry được biết đến nhiều nhất nhờ những bức tranh và tranh tường có vị thế lịch sử và xã hội mạnh mẽ – những bức tranh khắc hoạ những con người thực tế, những cộng đồng thực tế, và những khu vực địa lí hữu hình. Thường có một cảm giác ma quái, một luồng điện trong không khí, một sức mạnh nguỵ-Kinh thánh. Nhưng chúng ta thường nhận biết được là mình đang là ai, ở đâu, lúc nào. Tuy nhiên, đôi khi, như trong bức Đàn lợn giết một con rắn đuôi chuông, và một bức tranh ra đời muộn hơn, Ajax, Curry đã dịch chuyển vào một không gian xa lạ với con người với biểu hiện mù mờ và mang tính ngụ ngôn.

Ở đây, bảy con lợn hung tợn hội lại từ mọi phía của khu rừng để tấn công một con rắn đuôi chuông cam chịu phán quyết. Quyền lực của lũ lợn ồn ào và toàn diện. Một con lợn hiện ra trong khung hình từ tiền cảnh, khiến người xem cảm thấy bị thôi thúc về phía trước với nguồn năng lượng cầm thú, thậm chí đồng loã trong cuộc săn này. Con rắn dựng người lên và nhe nanh một cách dũng cảm, cơ bắp cuồn cuộn dường như không thật, không giống bất cứ thứ gì khác trong khung cảnh khu rừng. Curry gạch và quệt sơn của mình mờ và mạnh hơn bình thường, thậm chí dùng móng tay cào lên toan để tạo ra hiệu ứng thô và có lông trên da của lũ lợn lòi.

Tán cây mang những quả chín đỏ, một trong số đó đã rụng xuống đất, tượng trưng cho khả năng sinh sản và sự sống ngay cả giữa những cơn đau đớn của cái chết. Khả năng ghi lại biểu cảm khuôn mặt của Curry ở đây được chuyển từ người sang lợn. Tiếng gầm gừ và đôi mắt tập trung của chúng toát lên cá tính và sức mạnh, và quan rắn cũng thế, có tiếng nói. Bạo lực và xanh tươi, với bố cục quanh lỗ tối trên thân cây ở tâm hình ảnh, bức tranh truyền tải cảm giác sống động về các lực lượng tự nhiên, nhịp đập dồn dập và năng lượng li kì ăn mừng nhịp đập và chu kì của sự sống – cái chết.

1936-37: Ajax

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Mĩ Smithsonian, Washington DC, Mĩ

Cái / búi đuôi nâu bồ hóng / một loại đuôi / sư tử; việc ấy thể hiện điều gì? / và Ajax của John Steuart Curry đang nhai / cỏ – không có khuyên / trên mũi của nó – hai con chim đậu trên lưng?” Bài thơ năm 1932 của Marianne Moore, The Buffalo (Con trâu) đã bày tỏ sự kính trọng tới con bò to lớn của Curry, Ajax. Được đặt theo tên của chiến binh Hy Lạp cổ đại thần thoại, kẻ thù của Hector và người sống sót sau Cuộc chiến thành Troy, con bò Ajax là một hình tượng có phạm vi và tầm vóc sử thi. Nó đứng ở đây, hoàn toàn thống trị, trên mảnh đất kín đáo của riêng mình, phía sau là những đồng bằng nhấp nhô, và được đóng khung bởi một đám mây dày, cuồn cuộn. Thiên đàng và mặt đất âm mưu định hình quyền lực của con bò. Theo quan sát của Moore, mũi của nó không đeo khuyên – một con bò đực chưa được thuần hoá, càng oai phong hơn vì sự điềm tĩnh và đĩnh đạc. Nó gần như mang tính địa chất, lục địa, ở kích thước to lớn của mình. Hai con chim bò hót líu lo trên tấm lưng thờ ơ của Ajax. Bạn và người cùng thời của Curry, Reginald Marsh, đã châm biếm rằng bức tranh này là một bức chân dung tự hoạ bí mật. Curry là một người đàn ông có thân thể chắc nịch, lực lưỡng, nhưng Marsh có lẽ cũng đang đề cập đến thực tế là hầu hết các bức tranh trưởng thành của Curry đều kết hợp một cú quét địa lí rộng lớn với một sự căng thẳng nội tâm sâu sắc.

Tất nhiên, ở đây, Curry thể hiện lí tưởng theo chủ nghĩa Khu vực của Grant Wood – “cảm giác về môi trường của một người và về giá trị của sống cũng như những gì bao quanh anh ta” – nhưng còn vượt xa hơn việc giải thiêng huyền thoại sử thi thông qua sự khắc nghiệt của thời điểm hiện tại. Khuôn mặt, bốn chân của con bò đã bám rễ chắc chắn vào nước Mĩ, nhưng lời tuyên bố tuyệt đối về sự hiện đại của nó là vượt thời gian và không gian. Marianne Moore là một nhà thơ đi đầu trong phong trào chủ nghĩa hiện đại, vì vậy việc bà nhắc đến Curry, một người theo chủ nghĩa khu vực truyền thống, có lẽ gây ngạc nhiên, nhưng cũng chỉ ra sức mạnh kì lạ và đơn nhất của Curry, vị trí độc nhất của ông trong thời đại hiện đại như một người tin vào chủ nghĩa bảo thủ với ý thức về sự phức tạp, hình thức, và tính đương đại của một người theo chủ nghĩa hiện đại. Ngôn ngữ của Ajax chắc chắn và tuyệt đối, nhưng những khả năng và ý nghĩa của nó vẫn phản ánh qua các thời đại.

1935-37: Luật pháp chiến thắng luật rừng (Justice Defeating Mob Violence)

Sơn dầu trên toan – Toà nhà Robert F. Kennedy, Bộ Tư pháp, Washington DC, Mĩ

Trong bức tranh tường này, được tạo ra cho Bộ Tư pháp như một phần của Dự án Nghệ thuật Liên bang, Curry trình bày một câu chuyện rõ ràng mô tả một băng nhóm điên cuồng hành quyết theo luật rừng và các lực lượng công lí hùng mạnh. Ông sử dụng các yếu tố hình tượng cổ điển để truyền đạt sức mạnh ngụ ngôn của người thẩm phán trong việc ngăn chặn các thế lực tuôn trào như biển của băng nhóm. Ở trung tâm bức tranh, một người đàn ông đeo mặt nạ cầm một sợi dây, như thể chuẩn bị vụt nó, nhưng ở tiền cảnh bên trái, một con chó giận dự và một chiếc ô tô ầm ĩ tạo nên yếu tố đe doạ nhất của đám đông. Trong đám đông xuất hiện một người đàn ông ta không ngờ tới, ăn mặc bảnh bao trong bộ vest bằng vải lanh, và hai người phụ nữ trẻ đang vẫy tay và chiêm ngưỡng cảnh tượng. Mặc dù chủ yếu mang tính chất ngụ ngôn, nhưng sự miêu tả xấu xa này về một phần tư duy nhất định của người Mĩ trái ngược với những phiên bản thôn dã và lí tưởng hơn về nông thôn nước Mĩ mà những người theo chủ nghĩa Khu vực đã mô tả.

Những nhân vật trong đám băng nhóm đang cúi mình và hung hăng, tư thế của họ phản chiếu tư thế phục tùng của người đàn ông bị buộc tội, đang bò, đầy máu, trên bậc thềm của toà án. Anh ta đã bị biến thành một con vật, hoặc có lẽ chính đám đông đang bị mất nhân tính bởi hành động của mình, quay cuồng thành một khối không thể phân biệt được ở trung tâm hậu cảnh, chìm trong ngọn lựa địa ngục hơn là thanh tẩy. Thẩm phán mang vẻ thanh thản, tư thế cũng hoành tráng như những cây cột Tân Cổ điển của toà án sau lưng ông. Cánh tay bào chữa và điều khiển của ông phản chiếu trong cành cây hoà bình ở giữa trên cùng của khung hình. Mặt nạ của nhân vật trung tâm với những khuôn mặt bị che khuất của các nhân vật khác cho thấy sự vô nhân tính và vô cảm của luật rừng của băng nhóm.

Nhà sử học nghệ thuật và người ca ngợi Curry – Lawrence Schmekebier đã mô tả bức tranh này “không phải là một biểu tượng… mà một tình huống phổ quát, có giá trị trong quá khứ cũng như tương lai.” Schmekebier xác định xu hướng của Curry là vượt ra khỏi hoàn cảnh trước mắt mình để bước vào một thứ gì đó giống như Thời gian của Đấng Mê-si, nơi quá khứ, hiện tại, và tương lai dường như xảy ra đồng thời. Băng nhóm là băng nhóm của mọi thời đại, và quan toà là hình tượng của Công lí Tuyệt đối.

Kh. 1938-40: Khúc dạo đầu bi thảm (Tragic Prelude)

Sơn tường màu sơn dầu và màu keo trứng – Toà nhà Bang Kansas, Topeka, Mĩ

Bức tranh sử thi hoành tráng cho tường Toà nhà Bang Kansas cho thấy nhân vật John Brown cao chót vót, nhà lãnh đạo dân quân theo chủ nghĩa bãi nô, ghê tởm chế độ nô lệ và chiến đấu dữ dội chống lại lực lượng Liên minh miền Nam trong Nội chiến Hoa Kì. Gió và lửa ngự trị trên chân trời Kansas phía sau ông. Nông dân và gia súc băng qua thảo nguyên, được tái sử dụng làm binh lính và thú chiến tranh. Các lực lượng từ Liên minh và Liên bang đụng độ ở khu vực giữa, khi Brown giẫm nát đối thủ dưới chân. Có thể thấy một gia đình người Mỹ gốc Phi bị mắc kẹt giữa đám quân miền Nam.

Miêu tả của Curry về Brown mang tính bản năng nhưng cũng đầy sắc thái. Rất nhiều người coi Brown như một anh hùng, nhiều người khác coi ông là kẻ sát nhân và kẻ khủng bố. Sau khi Brown bị kết án tử hình vì tội giết người, nhà văn theo chủ nghĩa Siêu nghiệm, Ralph Waldo Emerson, nói rằng ông sẽ “làm cho giá treo cổ vinh quang như Thánh giá,” và vì vậy Curry đã vẽ Brown thành một cây thánh giá hoành tráng, gầm lên bầu trời. Nhà tiên tri-người lính Brown khua một cuốn kinh thánh và một khẩu súng trường. Có máu trên cả hai tay ông. Curry đã vẽ một cơn thịnh nộ trong Cựu Ước thành nhân vật này, mang lại cho bức tranh một sức mạnh có tầm nhìn bên cạnh tính bạo lực tàn bạo của nó. Bức tranh này có ý nghĩa lâu dài như một sự khám phá những căng thẳng cốt lõi của bản sắc dân tộc Mĩ.

Nguyên bản tiếng Anh do Adam Heardman tổng hợp và viết, Valerie Hellstein hiệu đính, bổ sung phần Tóm lược và Thành tựu. Hương Mi Lê dịch sang tiếng Việt, minh hoạ, và viết lời đề tựa.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê John Steuart Curry Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
Khi nói về trường phái New York và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20, chúng ta không thể không nhắc tới chương trình giáo dục thiết kế…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…