James Whistler (Phần 3)

Trong phần cuối của loạt bài về James Whistler, chúng ta sẽ tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu còn lại của ông, bao gồm: Biên khúc tông xám và đen, số 1: Chân dung mẹ của người nghệ sĩ, Dạ khúc: Lam và vàng kim – Cầu Battersea cũ, Dạ khúc tông đen và vàng kim: Pháo hoa rơi, Hòa âm tông lam và vàng kim: Phòng con Công, và bức Venice nhỏ trong loạt tranh in Bộ Venice đầu tiên.

  • Tự nhiên chứa đựng các yếu tố, với màu sắc và hình khối, của mọi hình ảnh, cũng như bàn phím đàn bao gồm tất cả các nốt của mọi âm nhạc. Nhưng họa sĩ được sinh ra để lựa và chọn… để kết quả có thể đẹp đẽ – cũng như khi nhạc sĩ tập hợp các nốt nhạc của mình và hình thành nên những hợp âm của mình, cho đến khi anh ta tạo ra hòa âm huy hoàng từ hỗn mang…” – James Whistler
  • Nghệ thuật nên độc lập với mọi trò câu khách – phải đứng một mình và thu hút cảm quan nghệ thuật của mắt hoặc tai, mà không làm lẫn lộn điều này với những cảm xúc hoàn toàn xa lạ với chúng, như sự tận tâm, sự thương hại, tình yêu, lòng ái quốc và những gì tương tự. Tất cả những điều này không liên quan gì tới nghệ thuật; và đó là lý do tại sao tôi nhất quyết gọi tác phẩm của mình là những ‘biên khúc’ và ‘hoà âm’” – James Whistler
  • Bằng cách sử dụng từ ‘Dạ khúc’… tôi có mong muốn duy nhất là bày tỏ một quan tâm nghệ thuật, loại bỏ bất cứ quan tâm mang tính giai thoại bên ngoài nào có thể gắn với hình ảnh. Một bức “Dạ khúc” trước tiên là biên khúc của nét, hình khối và màu sắc.” – James Whistler
  • Một bên là hình ảnh Whistler trước công chúng – kẻ nông cạn, kẻ hoài nghi, kẻ lười biếng tài giỏi, xuề xòa, phù phiếm và bất cẩn; một bên là hình ảnh Whistler của xưởng vẽ – người lao động nghiêm túc, không mệt mỏi, buồn thảm, nô lệ cho chính nghệ thuật của mình, một kẻ thù cay đắng của mọi sự giả tạo, một hiện thân của sự đơn giản hoá gần như đến mức tự ti, một hoá thân của mục tiêu nghiêm túc và chân thành.” – William Merrit Chase

Các tác phẩm tiêu biểu của James Whistler (tiếp)

1871: Biên khúc tông xám và đen, số 1: Chân dung mẹ của người nghệ sĩ (Arrangement in Grey and Black No. 1: Portrait of the Artist’s Mother)

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Orsay, Paris, Pháp

Tác phẩm thường được biết đến ngắn gọn là Chân dung mẹ của người nghệ sĩ, với Anna McNeill Whistler mặc một chiếc váy dài màu đen với chiếc mũ ren trắng đơn giản, ngồi nghiêng, nhìn thẳng về phía trước và nắm một chiếc khăn tay màu trắng trong lòng. Trên bức tường phía sau bà là một bản sao bức Quang cảnh sông Thames của Whistler. Họa tiết hoa văn lấy cảm hứng từ Nhật Bản trên tấm rèm treo bên trái biểu thị mối quan tâm nổi tiếng của nghệ sĩ đối với thẩm mỹ Nhật Bản. Chữ ký hình con bướm cách điệu của Whistler xuất hiện ở góc trên cùng bên phải của tấm rèm này. Việc sắp xếp các hình khối trông có vẻ đơn giản nhưng thực tế nhờ sự cân bằng cẩn thận giữa các hình dạng. Ví dụ, các dạng hình chữ nhật của bức tranh trên tường, của tấm rèm bên trái, và sàn nhà giúp hình khối của người mẫu ổn định hơn.

Người phụ nữ sùng đạo Anna McNeill Whistler, đã sống cùng con trai trong ngôi nhà của con tại London bảy năm khi bà được con trai đề nghị tạo dáng cho ông vẽ sau khi một người mẫu hủy một buổi hẹn. Ở tuổi 67, mẹ của Whistler cảm thấy khó để duy trì tư thế đứng trong một khoảng thời gian dài nên nghệ sĩ đã chuyển bà sang tư thế ngồi để bà cảm thấy thoải mái.

Năm 1891, bức tranh trở thành tác phẩm đầu tiên của Mỹ được chính phủ Pháp mua. Điều này đã nâng cao danh tiếng của Whistler và giúp ông được bảo trợ bởi những người Mỹ giàu có. Được coi là một bức tranh mang tính biểu tượng, Chân dung mẹ của người nghệ sĩ là một trong số rất ít tác phẩm, bao gồm Tiếng Thét (The Scream) của Edvard Munch và Gothic Mỹ (American Gothic) của Grant Wood, có thể được giới  thưởng thức nghệ thuật thượng lưu đánh giá cao đồng thời gây được tiếng vang với số đông mà không cần giải thích nhiều. Nó được rất nhiều người diễn giải là biểu tượng của tình mẫu tử, sự tang tóc (do màu sắc được sử dụng) hoặc chủ nghĩa khắc kỷ trong Thanh giáo Mỹ (do trang phục của người mẹ). Hình ảnh đặc biệt này đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm khác, bao gồm Chân dung Bessie của Albert Herter và bức tranh Henry Ossawa Tanner vẽ chính mẹ mình. Từ đó tới nay, tác phẩm này đã nhân rộng sự hiện diện của mình một đáng kể trong văn hóa đại chúng, xuất hiện trong nhiều phim điện ảnh, phim hoạt hình và quảng cáo.

Chân dung của Bessie (Portrait of Bessie), vẽ Elizabeth Newton (1892) của Herter
Chân dung mẹ của Henry Ossawa Tanner (1897)

Kh. 1872 – 1875: Dạ khúc: Lam và vàng kim – Cầu Battersea cũ (Nocturne: Blue and Gold – Old Battersea Bridge)

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập của bảo tàng Tate, Vương quốc Anh

Tác phẩm thứ năm trong chuỗi tác phẩm Dạ khúc của Whistler, bao gồm vô số tranh in khắc a-xít, tranh phấn màu và tranh sơn dầu được tạo ra trong những năm 1870, Dạ khúc: Lam và vàng kim – Cầu Battersea Cũ mở ra tầm nhìn ra sông Thames của London vào ban đêm. Một trụ cầu Battersea hiện ra lờ mờ ở tiền cảnh của bức tranh cùng với tòa tháp của nhà thờ cổ Chelsea và cây cầu Albert mới xây hiện ra ở xa. Vượt ngoài cây cầu, pháo hoa xuất hiện dưới dạng những vẩy màu trên bầu trời. Để vẽ những bức tranh như này, Whistler đã đi thuyền dọc theo dòng sông vào đầu buổi tối, vừa đi vừa phác thảo. Ông dựa vào trí nhớ cũng như những bản phác thảo sơ bộ đó để tạo ra những khung cảnh trong không khí đầy yên tĩnh và thanh bình bằng lớp sơn màu mỏng.

Sự ngưỡng mộ của nghệ sĩ đối với thẩm mỹ Nhật Bản thể hiện rõ qua những điểm tương đồng về bố cục giữa tác phẩm và bức Dưới cầu Mannen ở Fukagawa của Katsushika Hokusai, một trong những họa sĩ ukiyo-e yêu thích của Whistler. Tác phẩm này được coi là “mang nhiều tính Nhật Bản nhất” trong số các bức Dạ khúc của Whistler vì những hình thức được đơn giản hoá và ở dạng hình bóng của nó đã tạo ra một bố cục phẳng hai chiều. Bức tranh Cầu Battersea cũ được tạo ra trong lúc Whistler kiện John Ruskin về tội phỉ báng như một bằng chứng cho việc nghệ sĩ đã thành công tạo ra một ấn tượng nghệ thuật hay ký ức về một khoảnh khắc thoáng qua. Như vậy, Whistler lập luận, bản thân đối tượng trở nên không quan trọng và mối quan hệ giữa màu sắc và hình thức mới là tối quan trọng.

Dưới cầu Mannen ở Fukagawa (Under Mannen Bridge at Fukugawa) (kh. 1830-34)

Tác phẩm được đặt là “dạ khúc” sau khi ông trùm vận tải biển và nhà bảo trợ nghệ thuật giàu có Frederick Leyland mô tả bức tranh như vậy, Cầu Battersea cũ làm nổi bật các biến thể đa dạng của màu xanh lam điểm xuyết thêm vàng kim. Thiên hướng của Whistler là làm mờ các hình khối và nhấn mạnh sự khác biệt tinh tế giữa các sắc độ màu, khiến những Dạ khúc của ông trở thành một trong những thể nghiệm sớm nhất về trừu tượng hoá. Tác phẩm đã khiến những người bạn theo trường phái Ấn tượng của ông quan tâm đến việc khám phá mối quan hệ giữa các màu sắc khác nhau, và gây ảnh hưởng tới nhà soạn nhạc Hiện đại người Pháp Claude Debussy, người đã tạo ra một bản hoà nhạc với tiêu đề là Ba dạ khúc (Three Nocturnes) vào năm 1899.

1875: Dạ khúc tông đen và vàng kim: Pháo hoa rơi (Nocturne in Black and Gold: The Falling Rocket)

Sơn dầu trên ván gỗ – Viện Nghệ thuật Detroit, Michigan, Mỹ

Là tác phẩm cuối cùng trong chuỗi Dạ khúc của Whistler và là một trong sáu bức mô tả vườn Cremorne ở London, Dạ khúc tông đen và vàng kim: Pháo hoa rơi thể hiện cảnh bắn pháo hoa trong bầu trời đêm. Thay vì cung cấp hình ảnh cụ thể, nghệ sĩ truyền tải hiệu ứng của pháo hoa trên mặt sông. Khi làm như vậy, ông đã thành công nắm bắt một cảm quan phấn khích và ăn mừng. Sử dụng những nét cọ quét và lỏng tay ở các sắc độ của màu lam đậm và lục, ngắt quãng bởi những mảng màu sáng nhỏ, bố cục này thể hiện nguyên tắc của trường phái Thẩm mỹ – “nghệ thuật vị nghệ thuật” bằng cách truyền đạt điều mà Whistler mô tả là “tâm trạng mơ màng, trầm ngâm” thay cho một tường thuật rõ ràng.

Mặc dù hiện nay, tác phẩm được coi là một trong những ví dụ điển hình về sự trừu tượng hoá của Whistler, bức Pháo hoa rơi đã không được đón nhận nồng nhiệt trong lần đầu trưng bày. Một số khán giả đặt ra nghi vấn về giá trị của đối tượng đề tài nom rối rắm; trong khi những người khác không thích thứ mà họ nhìn nhận là kỹ thuật vẽ liều lĩnh và bất cẩn. Khi John Ruskin đưa ra một đánh giá tiêu cực về bức tranh này vào năm 1877, Whistler đã kiện nhà phê bình nghệ thuật về tội phỉ báng, đồng thời đưa ra bức tranh này cùng với những bức Dạ khúc khác của ông làm bằng chứng trước toà. Việc Ruskin lên án tác phẩm của nghệ sĩ như là đại diện cho “trường phái hiện đại” trên thực tế là chính xác. Phương pháp gõ cọ vẩy màu lên tranh để tạo ra pháo hoa  của Whistler trong Pháo hoa rơi được các nghệ sĩ hiện đại sau này sử dụng, trong đó đáng chú ý nhất là Jackson Pollock.

1876-77: Hòa âm tông lam và vàng kim: Phòng con Công (Harmony in Blue and Gold: The Peacock Room)

Sơn dầu và lá vàng trên toan, da và gỗ – Phòng trưng bày nghệ thuật Freer, Viện Smithsonian, Washington DC. Trong hình là trung tâm của căn phòng với bức tranh Hồng và bạc: Công chúa từ xứ sở của sành sứ (Rose and Silver: The Princess from the Land of Porcelain) (1863-64)

Mặc dù được biết đến nhiều nhất nhờ các tác phẩm hội hoạ, Whistler đã được nhà bảo trợ Frederick Leyland đề nghị tư vấn kiến ​​trúc sư Thomas Jeckyll trong việc thiết kế nội thất phòng ăn trong ngôi nhà của Leyland ở London. Căn phòng được tạo ra đặc biệt để trưng bày bộ sưu tập đồ sứ Trung Quốc đầy ấn tượng của Leyland và một bức vẽ thời đầu của Whistler, Công chúa từ xứ sở của sành sứ, được đặt tại vị trí đầy tôn kính phía trên bệ lò sưởi. Nhưng những điều chỉnh của Whistler nhiều hơn so với dự kiến của Leyland và căn phòng được mọi người biết đến với tên gọi là Hòa âm tông lam và vàng kim: Phòng con Công

Whistler đã chọn bức tranh lấy cảm hứng từ Nhật Bản của mình làm chủ đề cho căn phòng, tô điểm cho các đường gờ và sơn tường bằng hoa văn trang trí cũng như sửa lại lớp da phủ tường bằng một chút sơn màu vàng để làm nổi bật màu sắc trong bức tranh của ông. Những sửa đổi nhỏ này đã được Leyland chấp thuận. Nhưng khi ông trùm vận chuyển đi Liverpool, Whistler đã thực hiện nhiều thay đổi khác, bao gồm phủ đầy các bức tường bằng da Cordoba thế kỷ 16 bằng sơn màu xanh Phổ và dán lá vàng lên giá đỡ. Những cải tiến này đã được thực hiện mà không có sự chấp thuận của Leyland, gây ra bất đồng giữa hai người về khoản bồi thường thỏa đáng cho dự án. Whistler bày tỏ sự thất vọng của mình với Leyland bằng cách vẽ một bức tranh tường mô tả hai con công đang đánh nhau, được cho là đại diện cho nghệ sĩ và người bảo trợ. Whistler không bao giờ nhìn thấy căn phòng thêm lần nữa và mối quan hệ của ông với Leyland cũng không bao giờ lành lại.

Nội thất được trang trí công phu cho thấy hiểu biết sâu sắc của Whistler về thẩm mỹ Nhật Bản, đồng thời khẳng định nghệ sĩ là người đi trước trong phong cách Art Nouveau sẽ phát triển chỉ trong vài thập kỷ sau đó. Được tôn vinh như một ví dụ tinh tuý về thẩm mỹ Anh – Nhật, Phòng Con công đã thu hút các họa sĩ trường phái Biểu hiện Trừu tượng sau này, ví dụ như Robert Motherwell và David Smith, những người cố gắng hiểu rõ hơn về ý niệm ”tính nhất thể của nhân loại với bản chất phổ quát” của phương Đông. Thông qua bức tranh tường về hai con công đang chiến đấu mang tựa đề Nghệ thuật và Tiền bạc, tác phẩm của Whistler cũng trở thành một minh chứng quan trọng trực quan cho niềm đam mê mãnh liệt của nghệ sĩ, trong việc bảo vệ tác phẩm và quá trình sáng tạo của mình, dù thường gây tổn hại đến mối quan hệ của ông với những người bảo trợ và các nhà phê bình.

1880: Venice nhỏ (Little Venice)

Tranh in khắc a-xít – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, New York

Với chiều cao và chiều rộng chưa đầy 1 ft (30,48 cm), Venice nhỏ (1880) là một trong số hơn 50 bức tranh in khắc a-xít mà Whistler đã tạo ra để mô tả thành phố Venice trong thời gian lưu trú mười bốn tháng ở Ý vào năm 1879. Vào thời điểm này những bức tranh in này được trưng bày ở London, ông đã gây dựng được tiếng vang với tư cách là một họa sĩ bậc thầy. Các tác phẩm đã được đón nhận nồng nhiệt và cho thấy sự thành thạo của Whistler trong nhiều phương tiện nghệ thuật. Tại đây, Whistler mô tả các yếu tố tự nhiên là nước và không khí chiếm ưu thế trong khu đô thị tương đối nhỏ. Bức tranh in phản ánh cách tiếp cận hội họa theo chủ nghĩa hiện đại của ông, như thể hiện trong việc ông sử dụng các đường nét lỏng tay và giàu biểu cảm để ghi lại cái đẹp thanh khiết thay cho một hình ảnh địa hình đơn thuần của thành phố.

Venice nhỏ là một bức trong loạt tranh in khắc a-xít có tên chung là Bộ Venice đầu tiên (First Venice Set) trong triển lãm của Hiệp hội Mỹ thuật ở London năm 1880. Bộ tác phẩm này đã giúp Whistler gây dựng lại danh tiếng của mình sau vụ kiện phỉ báng Ruskin. Nghệ sĩ đã tránh các điểm tham quan du lịch, thay vào đó ghi lại hình ảnh những con kênh nhỏ và khu dân cư của thành phố – “Venice của người Venice“. 

Khi làm vậy, Whistler đã giúp nâng cao giá trị nghệ thuật của những nơi này và thiết lập một bộ biểu tượng mới cho thành phố. Thử nghiệm của Whistler với mực, sắc độ, và giấy, cũng như việc sử dụng nét một cách tiết kiệm và thói quen lau tấm khắc để tạo hiệu ứng không khí mờ ảo là những kỹ thuật mà các nghệ sĩ hiện đại sau này, như Mortimer Menpes và John Marin, đã áp dụng trong tác phẩm của họ. 

Nguyên bản tiếng Anh do những cộng sự của The Art Story tổng hợp và viết, Sarah McCain hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Thuý An dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê James Whistler Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…