James Ensor (phần 2)

Trong phần thứ hai của loạt bài về James Ensor, chúng ta tìm hiểu về di sản cũng như các tác phẩm của ông được sắp xếp theo trình tự thời gian.

  • “Lý lẽ và tự nhiên là kẻ thù của người nghệ sĩ.”
  • “Nghệ thuật của tôi ngả về văn chương. Những hình ảnh của tôi ngả về giới hạn của hội hoạ: Nhưng tại sao phải khái quát? Việc nhận ra một điều gì đó là khả thi, tuỳ theo những ấn tượng ta thu được từ góc nhìn này qua góc nhìn khác. Nhưng rất khó để tạo ra một quy tắc chung.”
  • “Tầm nhìn thay đổi khi nó quan sát.”

Di sản của James Ensor

Ensor đã nhận được rất nhiều sự công nhận trong cuộc đời mình nhờ vào kết quả của công cuộc cải tiến kỹ thuật nhằm phản biện xã hội. Những phát hiện của ông, sự độc lập khỏi truyền thống, và sự phá vỡ có mục đích đối với hiện thực – tất cả đều đặt ông vào một phạm trù của riêng mình. Các khía cạnh của tác phẩm mà ông đã thực hiện ảnh hưởng tới sự hình thành sau này của một số lượng lớn các phong trào nghệ thuật quan trọng, bao gồm Chủ nghĩa Biểu tượng, Dã Thú, Biểu hiện, Dada, và Siêu thực. 

Ví dụ, việc ông sẵn sàng phê bình xã hội mà ông đang sống đã ảnh hưởng tới một loạt các nghệ sĩ như Derain, Munch, và Picasso. Màu sắc táo bạo, mang tính biểu hiện, bám chặt vào nơi bề mặt của những tấm toan và từ chối lùi bước theo bất cứ một cung cách truyền thống nào của ông thì tác động tới những tác phẩm của Matisse, Bonnard, và những nhà Biểu hiện Đức.

Các tác phẩm nổi bật

1883: Chân dung họa sĩ đang đội mũ hoa

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Ensor, Ostend, Bỉ

Chân dung họa sĩ đang đội mũ hoa (Portrait of the Painter in a Flowered Hat) miêu tả Ensor ở góc nhìn ba phần tư, công khai đối diện ánh nhìn người xem. Việc ông sử dụng những nét vẽ lỏng lẻo, nom như lông vũ và sự sắp xếp của các vùng màu trên toan nhằm gợi ra khối lượng và sự nhấn mạnh vào việc phân biệt ánh sáng để gợi ra chiều sâu, tiêu biểu cho tác phẩm chân dung đương đại của những người theo trường phái Ấn tượng, những người đã vẽ ở Bỉ và Hà Lan từ những năm 1870.

Giống như nhiều nghệ sĩ trước mình, Ensor nhận được nguồn cảm hứng lớn từ truyền thống của các bậc thầy vĩ đại. Bức chân dung này gợi lại Bức chân dung tự họa với chiếc mũ (Self-Portrait with Hat) (1623-25) của họa sĩ Flemish Peter Paul Rubens. Mặc dù có những điểm tương đồng mơ hồ giữa hai hình ảnh, chúng thực sự khác nhau khá nhiều và có cảm giác rõ ràng rằng Ensor đang trêu đùa truyền thống của vị bậc thầy cổ điển, người mà ông cố mô phỏng vẻ ngoài. 

Chiếc mũ mà ông đội, được trang trí bằng những bông hoa và lông vũ màu phấn, là một phần của trang phục truyền thống của Bỉ được phụ nữ mặc trong lễ hội hóa trang mid-lent (mùa chay). Và mặc dù bộ râu ông có vẻ gần giống với râu của Rubens, nhưng ông lại vẽ những sợi râu như một ngọn màu lửa xanh bùng lên từ ria mép của mình theo một cách rất phi truyền thống. Mặc dù cả hai nhân vật được miêu tả đều có biểu cảm dữ dội, gợi ra điều gì đó về trạng thái tâm trí của họ, Ensor làm dịu đi bộ dạng không vui của chính khuôn miệng mình bằng sự vui tươi của chiếc mũ.

Các mô típ nhẹ nhàng của bức tranh này thể hiện sự chuyển đổi trong tác phẩm của Ensor từ “thời kỳ u tối” sang “thời kỳ sáng”, sự chuyển dịch từ Chủ nghĩa Hiện thực sang loại hình thức nào đó của một thực tại dị thường. Nó đánh dấu khởi đầu sự thử nghiệm của ông với các chủ thể vui tươi và các ý nghĩa thay thế.

1889: Chúa Giêsu tiến vào Brussels

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng J. Paul Getty, Los Angeles, California

Bức tranh Chúa Giêsu tiến vào Brussels (Christ’s Entry into Brussels) này, không nghi ngờ gì, là bức nổi tiếng nhất của Ensor, mô tả một đám đông người dự lễ hội đang nhấn chìm Chúa Giêsu đang ngồi trên một con lừa. Mặc dù theo chủ đề truyền thống, cách thể hiện của bức hoạ hoàn toàn lại không thế. Những phương tiện chính thức mà ông dùng để mô tả cảnh hỗn loạn này thách thức một sự hiểu dễ dàng về những gì đang được mô tả. 

Có một cảm giác mơ hồ về điểm nhìn đang biến mất. Ở tiền cảnh, những khuôn mặt quái gở, được vẽ như thể đeo mặt nạ, to lớn và dường như lao vào mặt người xem. Nhưng khi lùi vào hậu cảnh, tạo thành một chữ “V”, chúng nhòe đi thành những những chấm màu. Tuy nhiên, điều này được khắc chế bởi một cách tiếp cận hiện đại hơn để tạo khối lượng. Ensor làm phẳng các hình vẽ trên bề mặt của bố cục, phủ nhận phối cảnh mà ông đã xây dựng để làm cho hình ảnh ấn tượng và căng thẳng hơn. Thậm chí, có cảm giác rằng đám đông đang hơi xô về phía trước, sẵn sàng lao vào người xem và nhấn chìm ta bất cứ lúc nào. Các hình ảnh trong đám đông được mô tả từ nhiều góc độ, hình dạng và hình thức của chúng được giải cấu trúc, và thể tích của chúng được gợi ý thông qua sự xếp cạnh nhau của các mảng màu nguyên chất, không bão hòa, chưa được điều chế. Kỹ thuật đơn giản, gần như nguyên thủy này giống với kỹ thuật được sử dụng bởi Gauguin. Như Ensor đã mô tả: “Màu sắc của tôi được thanh lọc, chúng mang tính toàn vẹn và cá nhân.

Quốc vương Leopold II của Bỉ đã cải tạo lại Brussels thành một thành phố hiện đại với các di tích hoàng gia, mặt tiền dáng thuôn và những đại lộ mới rộng lớn theo mô hình của Haussmann ở Paris, nhưng vào cuối những năm 1880, đất nước rơi vào tình hình tương tự như Công xã Paris khét tiếng. Đất nước này đã phải vật lộn với sự áp bức về kinh tế và chính trị mà Ensor nắm bắt được bằng cách biến Brussels thành một vùng biển của rối ren và hỗn loạn.

Chúa Giê-su của Ensor phải đối mặt với công chúng Bỉ thay vì công chúng Jerusalem. Đám đông được miêu tả là sự pha trộn của giai cấp tư sản, tăng lữ và quân đội – về cơ bản là giai cấp thống trị. Các cá nhân được đeo mặt nạ minh họa để nhấn mạnh tính hời hợt của họ trong bầu không khí giống như lễ hội hóa trang – đồng thời như là một sự kiện mang tính tôn giáo nghiêm trọng vốn phải đang được mô tả. Sức mạnh và độ căng của đám đông cho thấy sự quan tâm của nghệ sĩ trong việc mang lại tiếng nói cho những người bị gạt ra bên lề xã hội, giúp họ có thể lên tiếng chống lại những nhân vật có quyền lực. Cảnh tượng hỗn loạn này đưa mất tiêu điểm ra khỏi hình tượng Chúa Giêsu. Thú vị là bản thân Chúa Giêsu đã được vẽ với những đặc điểm hình thể của chính nghệ sĩ, thể hiện sự đồng cảm của ông với nhân vật trong Kinh thánh này, và khắc hoạ có mục đích về bản thân mình như là một kẻ tử vì đạo.

Ensor nhận thấy việc sử dụng kiểu chủ nghĩa hiện thực xấu xí này mang tính thanh tẩy, và mặc dù thực tế là việc ông thể hiện mặt xấu xa của xã hội thông qua trò giễu nhại đầy thần bí đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt; ông đã sử dụng kỹ thuật này trong suốt sự nghiệp của mình. Theo cách ấy, tác phẩm của ông chia sẻ sự thôi thúc tiên phong đối với cuộc nổi loạn xã hội, chính thức, tự tôn và dự đoán nhiều phong trào hiện đại từ Dã thú đến Siêu thực, thậm chí cả Biểu hiện Trừu tượng.

1890: Những nhà tắm tại Ostend

Chì đen, chì màu và sơn dầu trên ván – Fondation Challenges, Paris, Pháp

Tại đây, Ensor vẽ một khung cảnh kỳ lạ, tưởng nhớ tới biển Ostend yêu dấu của mình. Trước thời điểm này, thị trấn Ostend đã trở thành một khu nghỉ mát bên bờ biển, nổi tiếng với sòng bạc, lối đi bộ lát ván, bãi biển và các phòng tắm phục hồi. Ensor sử dụng bút chì màu, bút màu và sơn dầu để thể hiện điểm nghỉ dưỡng kỳ quặc ấy trong bức Những nhà tắm ở Ostend (The Baths at Ostend). Ông thêm hiệu ứng trang trí bằng cách mô tả mặt nước và các hình tượng người bằng những đường nét rập rờn biến thành một biển tranh biếm họa, được vẽ trên nhiều mặt phẳng, đại diện cho khu nghỉ mát bên bờ biển bằng một cảnh tượng đông đúc. Ensor hạn chế sử dụng phối cảnh tuyến tính và thay vào đó, vẽ các nhân vật của mình trên toan với bảng màu hạn chế gồm màu đen, xanh lam và đỏ, tạo ra một không gian như trong mơ. 

Nói chung, Ensor miêu tả sân chơi mùa hè này dành cho tầng lớp trung lưu theo một cách đầy châm biếm. Ông vẽ các khách du lịch như những hình người biếm họa. Trong khi nhìn chung, cảnh được miêu tả có vẻ là một ngày vui vẻ, một ngày nắng đẹp nơi khách du lịch đang tận hưởng niềm vui, nó cũng miêu tả cảnh họ không mặc đồ và một vài trong số đó được quay ngược với đầu giữa hai chân của họ – giữa những hoạt động dung tục nào đó. Theo đó, khi nhìn cận cảnh, bức tranh này mang hơi hướng tức cười và chắc chắn nhất là có một hiệu ứng lộn xộn, nó đi ngược lại với phong cách trang trí xã hội mà giai cấp tư sản mong đợi. Tác phẩm của Ensor đưa ra một lời phê bình rất rõ ràng về mặt trận xã hội đương thời mà ông đã sống, là lời dự đoán cho những phong trào như chủ nghĩa Dada.

1888: Những mặt nạ đối đầu với cái chết

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, New York.

Những mặt nạ đối đầu với cái chết (Masks Confronting Death) minh chứng cho việc Ensor sử dụng mặt nạ để tiết lộ mặt trái của xã hội. Mặc dù sự thúc giục cho việc thêm vào thứ đạo cụ này có thể đến từ nhận thức của ông về chúng trong cửa hàng của gia đình mình, nhưng có lẽ ông bị thu hút nhất bởi khả năng của chúng trong việc vừa che giấu danh tính cụ thể của nhân vật được mô tả, đồng thời thêm vào một nốt của âm mưu và bí ẩn. 

Trong trường hợp này, các hình tượng mặt nạ thậm chí còn đáng sợ hơn hiện thân của cái Chết ở trung tâm. Trên thực tế, được che phủ trong một bộ quần áo trắng và dưới một chiếc mũ, cái Chết dường như thu mình lại khi đối mặt với sự chế giễu của xã hội. Sự xuất hiện của mặt nạ trong nghệ thuật hiện đại ban sơ gia tăng vào khoảng đầu thế kỷ này, khi người ta đã hiểu rõ khả năng như một công cụ biểu đạt của chúng. Trong khi mặt nạ của Ensor mang tính chế giễu nhiều hơn về bản chất, mặt nạ nguyên thủy đã được ghi nhận trong các tác phẩm của Gauguin, Derain và Picasso.

Trong hình ảnh này cái Chết nhìn thẳng vào người xem, thực sự đối diện với ta bằng ánh nhìn của mình.

Ensor đang vật lộn với cái chết gần đây của cha mình vào thời điểm tác phẩm được tạo ra và việc đưa mô típ vào có thể cho thấy nỗ lực của ông trong việc đối phó với sự hữu hạn của chính mình.

Khoảng 1910, lùi vào năm 1896: Sự báo thù của Hop Frog

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Kröller-Müller, Otterlo, Hà Lan

Tác phẩm này đại diện cho truyện ngắn cùng tên Sự báo thù của Hop Frog (The Vengeance of Hop Frog) (1845) của Edgar Allan Poe, trong đó nhân vật chính, một kẻ phải hầu tòa, là nạn nhân của sự bất công xã hội và giai cấp do nhà vua và giáo sĩ gây ra. Ensor chọn minh họa cảnh cuối cùng của câu chuyện khi Hop-Frog trả thù nhà vua và giáo hội tại một vũ hội hóa trang, cột họ lên một chiếc đèn chùm, phía trên bữa tiệc, và đốt cháy họ.

Ensor thể hiện một khung cảnh kỳ lạ chứa đầy các đường nét biểu cảm, kiểu dáng Ả Rập và màu phấn. Hơn nữa, nghệ sĩ sử dụng phối cảnh tuyến tính để tạo ra cảm giác có chiều sâu, ghi lại sự khổng lồ của không gian thu nhỏ bằng cách đóng khung cảnh trong một nhà hát có mái vòm. Nhiều hình tượng kỳ cục, bị chia nhỏ theo cách khiến chúng xuất hiện những khái niệm trừu tượng về con người hơn là những đại diện tả thực.

Ngoài việc đưa ra một cách châm biếm để làm nổi bật mặt tối của các nhân vật chính trị và tôn giáo trong xã hội hiện đại, cách diễn giải của Ensor về câu chuyện của Poe cho thấy sự thất vọng của ông khi nhận được bản án bất công và tàn nhẫn từ phía các nhà phê bình đương thời. Nói chung, việc Ensor dựa vào văn học như một nguồn cảm hứng cho tác phẩm của ông đã gắn ông với các nghệ sĩ Biểu tượng khác vào thời điểm đó như van Gogh và Gauguin.

1887: Cám dỗ của Thánh Anthony

Bút chì màu và vết cạo, với than chì, than, màu phấn và màu nước, được đặt có chọn lọc, với các yếu tố cắt và dán trên năm mươi mốt tờ giấy, gắn trên toan – Viện nghệ thuật Chicago

Bức tranh Cám dỗ của Thánh Anthony (The Temptation of Saint Anthony) của Ensor miêu tả Anthony Đại đế của Ai Cập (khoảng 251-356) chống lại sự cám dỗ của ma quỷ. Bức tranh hoành tráng bao gồm năm mươi mốt tờ giấy, được gắn cạnh nhau trên toan. Người ta cho rằng các bản vẽ riêng lẻ, đa dạng về bản chất nhưng đều có màu mang tính axit được ràng buộc bởi đường kẻ theo phong cách bất chấp thể tích, là một phần của cuốn sách vẽ lấy cảm hứng từ câu chuyện của Flaubert. Bằng cách đại diện cho Thánh Anthony được vây quanh bởi các nhân vật siêu thực, bao gồm, một nữ thần nhiều ngực, một nhân sư, những người phụ nữ khỏa thân, những người đàn ông tư sản, và nhiều nhạc cụ đã đưa ra một tuyên bố táo bạo về sự sa đọa của xã hội hiện đại.

Đại diện cho cuộc chiến của Thánh Anthony với ma quỷ có thể là phản ứng của Ensor trước những cám dỗ và mối quan tâm đạo đức của xã hội hiện đại. Chuyên gia về Ensor Susan M. Canning gợi ý rằng tính biểu tượng được thấy trong bức tranh, các yếu tố như sự bóp méo, phóng đại và rùng rợn, có thể dễ dàng nhận ra đối với người xem thế kỷ 19 như là dấu hiệu cho thấy sự thoái hóa của nhân loại trong xã hội hiện đại.

1891: Những bộ xương xâu xé một con cá trích muối

Sơn dầu trên toan – Musées Royaux des Beaux-Arts deosystemque, Brussels

Bức tranh này mô tả hai bộ xương tranh nhau một con cá trích muối trong phong cảnh vô định hình với bầu trời màu phấn. Bầu trời nhấn chìm hai nhân vật, có tông màu tối làm họ nổi bật trên nền – truyền cho tác phẩm một tính chất hài hước, vui nhộn. Trong khi những nét vẽ nom như lông vũ và bảng màu của bầu trời phần nào gợi lại chủ nghĩa Ấn tượng, chủ thể tuyệt vời, kì quái ở vùng đất không người thực sự dự đoán những điều sau này sẽ trở thành thực tế của nghệ thuật, chẳng hạn như trong chủ nghĩa Siêu thực.

Bức tranh đại diện cho hai nhà phê bình: Édouard Fétis và Max Sulzberger. Phản ứng tiêu cực của họ đối với tác phẩm nghệ thuật của Ensor đã khiến ông phải đưa họ vào trong nhiều bức tranh châm biếm. Trong tác phẩm cụ thể này, Ensor thể hiện mình như một con cá trích muối bị xé xác bởi những lời chỉ trích đầy thù hận của họ. Từ cá trích trong tiếng Pháp, “hareng-saur-close”, nếu được phát âm chuẩn, có vẻ giống như “nghệ thuật Ensor” hoặc “nghệ thuật của Ensor.”

Ý định của Ensor ở đây, cũng như trong nhiều tác phẩm khác của ông, rất rõ ràng: “Công việc yêu thích của tôi là làm cho người khác nổi tiếng, làm xấu họ, làm giàu cho sự xấu xí của họ.” Ensor đã phát hiện ra một hình ảnh biểu tượng về sự kỳ cục giúp ông có thể bình luận tốt nhất về sự bất công và hời hợt bao vây ông. Sự phát triển cái rùng rợn của ông là một phần và cốt lõi (qua tiết lộ của ông) về tình trạng bất ổn của xã hội.

Dịch: Nhung Ý Chi

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê James Ensor Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…