Henri Toulouse-Lautrec (Phần 1)

Toulouse-Lautrec có thể được nhớ đến nhiều nhất như là một bậc thầy về áp phích Art Nouveau, nhưng cá nhân kỳ thú này chỉ cao có một mét rưỡi, là một kẻ cuồng tiệc tùng, một khách thường xuyên lui tới nhà thổ, một người thỉnh thoảng mặc đồ giả gái, và một người bạn tốt của tất cả những cư dân bên lề xã hội – từ những kẻ kỳ quái trong gánh xiếc tới người đồng tính và gái mại dâm.

Quả thật thế, trong hình dáng bé nhỏ dị thường và hài hước ấy ẩn chứa một tâm hồn dịu dàng yêu thương và một tài năng hội hoạ xuất chúng đầy màu sắc. Toulouse-Lautrec chưa chắc đã là một nhân vật nổi tiếng với số đông, nhưng những tấm áp phích của ông là kinh điển và đi đầu cho áp phích quảng cáo thời kỳ Hiện đại; những bức phác hoạ cũng như những bức tranh của ông là miêu tả chân thành sống động và đầy tình cảm về những con người bị coi thường cũng như bị hắt hủi của xã hội Paris đầu thế kỷ 20 – những người ông coi là gia đình của mình.

Trong loạt bài hai phần về Henri Toulouse-Lautrec, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhân vật tài giỏi cực kỳ đáng mến này.

  • “Bonnat nói với tôi, ‘Tranh của cậu không tệ, nó kiểu cách, nhưng kể cả chúng không tệ đến thế, chúng vẫn chắc chắn là gớm ghiếc.’ Bởi vậy tôi đã phải thu hết lấy cản đảm của mình để bắt đầu lại lần nữa…”
  • “Tình yêu là khi mê đắm được đắm mê chiếm lấy bạn nhiều tới mức bạn cảm thấy bạn có thể chết vì nó.”
  • “Tất nhiên một người không nên uống nhiều, nhưng nên uống thường xuyên”
  • “Một người mẫu chuyên nghiệp giống như một con cú nhồi bông vậy. Những cô gái này mới sống động.” – Toulouse nói về những người phụ nữ trong các nhà thổ.

Tóm lược về Henri de Toulouse-Lautrec

Ngoài việc là nghệ sĩ thiết kế các áp phích huyền thoại cho Moulin Rouge, Toulouse-Lautrec còn là một quý tộc, một người lớn, và rất giỏi tiệc tùng, người đã phát minh ra loại cocktail có tên là Động đất (Earthquake) (nửa absinthe, nửa cognac). Ông có những thú vui như là ăn diện (như những cô gái geisha và chú hề, là một vài trong số những bộ trang phục dự tiệc gây chú ý của ông) và thường xuyên ghé thăm các nhà thổ ở Paris, nơi ông là khách V.I.P. Giống như những con côn trùng bị mắc kẹt trong hổ phách, những bức tranh, bản vẽ và tất nhiên là những tấm áp phích nổi tiếng của Toulouse-Lautrec đã giữ lại được trường năng lượng, sự pha trộn giữa các tầng lớp xã hội và các nền văn hóa, cũng như những thăng trầm của cuộc sống đô thị ở Paris thế kỷ 19.

Bức ảnh chụp Toulouse-Lautrec trong bộ đồ geisha năm 1892 bởi người bạn của ông, Maurice Guilbert

Thành tựu

  • Toulouse-Lautrec là nghệ sĩ đầu tiên nâng tầm quảng cáo lên vị thế của một tác phẩm nghệ thuật. Đây là một sự thay đổi phi thường trong lịch sử nghệ thuật, xóa bỏ ranh giới giữa nghệ thuật cao cấp (hội họa, điêu khắc) và nghệ thuật thấp cấp (áp phích, logo và các hình thức văn hóa thị giác khác). Thừa nhận rằng một số kiệt tác vĩ đại nhất của ông lại là áp phích cho các hộp đêm không làm giảm giá trị của chúng theo bất kỳ cách nào. Ngược lại, nó thiết lập tiêu chuẩn vàng cho các nghệ sĩ thương mại vĩ đại từ Alphonse Mucha đến Andy Warhol.

Trái ngược với gần như tất cả các nghệ sĩ khác trong cùng nhóm với mình, Toulouse-Lautrec không gặp khó khăn gì khi kiếm sống. Điều này chủ yếu là do các chủ doanh nghiệp ở Paris nhận ra rằng họ có thể kiếm tiền được từ tầm nhìn độc đáo (hiện đại) của ông. Trái ngược với những nghệ sĩ từng làm việc cho các nhà sưu tập tư nhân, gallery, hoặc chính phủ, ông lại làm việc cho ngành kinh doanh giải trí, những nơi mà nguồn thu chính đến từ bán đồ uống và bán vé. Jane Avril, một trong những người bạn thân nhất của ông và là một trong những vũ công quán rượu được yêu thích nhất ở Montmartre, sau này đã viết: “Chắc chắn rằng tôi nợ ông ấy sự nổi tiếng nhận được từ tấm áp phích đầu tiên của ông về tôi.”

Một áp phích về Divan Japonais – một trong nhiều quán cà phê hoà nhạc mà Toulouse-Lautrec thường lui tới vào cuối thế kỷ 19. Ở đây xuất hiện hai ngôi sao ưa thích của ông là Jane Avril ở vị trí ghế khán giả, bên cạnh nhà văn Édouard Dujardin, và trên sân khấu là Yvette Guillbert.
  • Nhờ người gia sư thời thơ ấu – cũng là một nhà trị liệu nghệ thuật – người đã khuyến khích ông chuyển năng lượng của mình từ cưỡi ngựa sang vẽ (một đam mê an toàn hơn cho đứa trẻ đang chống chọi với bệnh tật). Niềm đam mê từ sớm với hoạt động thể chất của Toulouse-Lautrec đã được truyền tải trực tiếp vào nghệ thuật của ông. Như một dạng trí nhớ của cơ bắp, năng lượng thể chất hay chính là sự phấn khích đến nghẹt thở cùng với tính chất của thể thao được thể hiện qua đường nét ngoằn ngoèo đã được chuyển hóa thành nghệ thuật trong các tác phẩm của ông. 
  • Bằng ý chí kiên cường, Toulouse-Lautrec đã biến khuyết tật của mình thành một siêu năng lực. Vào thời điểm mà xã hội coi người khuyết tật không gì hơn là một giống loài quái đản, Toulouse-Lautrec đã sử dụng ngoại hình độc đáo của mình để biến thành lợi thế cho bản thân. Nó cho phép ông biến mất vào một đám đông hoặc các góc của phòng ngủ, nhìn thấy những người khác mà không bị nhìn thấy.
  • Những quan sát đáng chú ý của Toulouse-Lautrec về những người bên lề xã hội gần như chắc chắn xuất phát từ địa vị của ông như một người ngoài cuộc. Những người hát tình ca, vũ công, diễn viên nhào lộn và gái mại dâm mà Toulouse-Lautrec đã quen biết chính là gia đình mà ông nhận nuôi. Ông đồng cảm với họ và vẫn luôn coi họ là những người sánh ngang với mình.
  • Không chỉ đơn giản là một người làm quảng cáo và một nghệ sĩ xuất sắc, Toulouse-Lautrec còn là một nhà sử học thị giác không chính thức về cuộc sống đô thị ở Paris vào Thời kỳ tươi đẹp (Belle Époque). Bộ phim “Moulin Rouge” và các tác phẩm khác về thời kỳ này dựa trên Belle Époque, đều thừa hưởng lượng thông tin lớn có được từ các áp phích, bản in và tranh của ông.

Tiểu sử của Henri de Toulouse-Lautrec

Tuổi thơ và thời đi học

Henri Marie Raymond de Toulouse-Lautrec Monfa (cái tên dài phản ánh địa vị xã hội cao cấp của ông) sinh ra trong một gia đình quý tộc ở miền Nam nước Pháp. Lớn lên trong môi trường nhiều đặc quyền, ông yêu động vật và có ngựa để cưỡi. Đến năm 8 tuổi, ông mắc phải một căn bệnh bẩm sinh khiến xương yếu đi. Sau hai tai nạn nghiêm trọng khi cưỡi ngựa, chân của ông đã ngừng phát triển. Ở chiều cao đầy đủ của mình, Toulouse-Lautrec cao tầm 152cm, với phần trên của một người đàn ông và đôi chân của một đứa trẻ. Ông chống gậy và sống trong đau đớn suốt quãng đời còn lại của mình.

Bức ảnh chụp Toulouse-Lautrec trong bộ đồ chú hề, được chụp năm 1894

Thời kỳ đầu

Không thể tham gia vào các cuộc cưỡi ngựa và những thú vui khác cùng những quý tộc khác ở cùng độ tuổi và sở trường của mình, Toulouse-Lautrec đã tham gia các buổi học nghệ thuật với một người hướng dẫn địa phương, Rene Princeteau, người đã giúp ông truyền tải niềm đam mê cưỡi ngựa của mình sang hội hoạ. Những bức vẽ đầu tiên của ông là về ngựa, và sự năng động của đường nét trong Hai người cưỡi ngựa trên lưng ngựa (Two Riders on Horseback) (1879) cho thấy năng khiếu của ông trong việc quan sát và chuyển đổi hành động lên giấy, bìa cứng hoặc vải toan. Đó là khoảng thời gian ông phát hiện ra trường phái Ấn tượng. Degas cũng có tình yêu của đối với ngựa và đã trở thành nguồn ảnh hưởng ban đầu quan trọng nhất cho Toulouse-Lautrec. Có thể thấy rõ nguồn ảnh hưởng này trong đường nét thanh lịch, mang tính cử chỉ, cách nắm bắt chuyển động, sức hút ngay lập tức và từ sớm của ông đối với các đối tượng đô thị có phần không đứng đắn.

Người phụ nữ và người đàn ông trên lưng ngựa (A Woman and a Man on Horseback) (1879). Bộ sưu tập của Lesley và Emma Sheafer. Chì xanh, than trên giấy.

Tránh xa École des Beaux-Arts truyền thống và danh giá (nơi vẫn dạy sinh viên cách vẽ theo phong cách của thời Phục hưng Ý), khi đến Paris vào năm 1882, Toulouse-Lautrec đã tìm kiếm (và cũng đủ khả năng chi trả) nơi đào tạo một-một trong các studio nhỏ của Leon Bonnat và Bernard Corman. Những giáo viên này đã thúc đẩy các phương pháp đào tạo và thử nghiệm không chính thống. Các học sinh của Cormon bao gồm những kẻ nổi loạn Vincent van Gogh và Emile Bernard, những người đã trở thành bạn của Toulouse-Lautrec. 

Lần đầu tiên không có bảo mẫu đi kèm, cậu thiếu niên Toulouse-Lautrec thỏa sức ăn chơi ở Paris, đắm mình trong cuộc sống về đêm đầy màu sắc nơi đây. Bất chấp những vật lộn thường trực về sức khỏe của mình, ông luôn là linh hồn của bữa tiệc. Vô cùng quyến rũ, lịch thiệp, dí dỏm và châm biếm, ông trở thành một nhân vật cố định trong các quán rượu, quán bar, rạp xiếc và nhà thổ ở Montmartre, nơi ông biết tên từng người gái mại dâm (họ, ngược lại, cũng trìu mến gọi ông là “Bình cà phê” – một ám chỉ trìu mến cho sự hào phóng của người nghệ sĩ nhỏ bé). 

La Goulue ở Moulin Rouge (La Goulue at the Moulin Rouge) (1891-92). Hiệp hội Tài nguyên Nghệ thuật New York. Sơn dầu trên bìa. La Goulue, tên thật là Louise Weber cũng là một ngôi sao trình diễn đã được Toulouse-Lautrec khắc hoạ rất nhiều lần trong tranh của ông.

Học hỏi từ những người bạn và người cố vấn ở Paris, những người đã làm hết mình và chơi cũng hết mình, ông đã phát triển phương pháp tốc hoạ đáng ấn tượng để tạo ra những quan sát từ cuộc sống. Khi ngồi trong rạp hát hoặc rạp xiếc, ông phác thảo các nghệ sĩ biểu diễn. Khi ở trong nhà thổ, ông phác họa những cô gái điếm. Giống như những người theo trường phái Ấn tượng, ông thích vẽ ngay tại hiện trường, trước vật thể, bắt đầu và hoàn thành các tác phẩm của mình tại chỗ. Không giống như những người theo trường phái Ấn tượng, (ngoại trừ ngoại lệ đáng chú ý là Degas), những người hướng đến những cảnh giải trí của tầng lớp thượng trung lưu, Toulouse-Lautrec chọn khai thác cuộc sống về đêm ở thành thị, càng tai tiếng càng tốt.

Vóc dáng nhỏ bé của người nghệ sĩ cho phép ông tàng hình ở một mức độ nào đó để có thể quan sát người khác từ khoảng cách rất gần. Gái mại dâm và những người biểu diễn, đã quen với việc bị đánh giá, không e dè ông chút nào. Chân dung cô gái điếm có biệt danh La Casque d’Or (Mũ vàng ròng) trong Gái đứng đường (The Streetwalker) (1890-91) của ông thể hiện sự thẳng thắn chưa từng có trong cách tiếp cận và phản ánh mức độ mà các người mẫu tin tưởng ông.

Gái đứng đường (The Streetwalker) (1890-91). Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ. Sơn dầu trên bìa.

Có lẽ vì Toulouse-Lautrec luôn cảm thấy mình như một người ngoài cuộc, ông đã xây dựng một nhóm bạn gồm những người cũng ở bên lề xã hội, những người mà ông đối xử vô cùng hào phóng; và ngược lại họ cũng chăm nom ông. Những vũ công, nghệ sĩ múa và biểu diễn xiếc sống và làm việc trong khu phố Montmartre phóng túng của Paris đã trở thành bạn của ông.

Thời kỳ trưởng thành

Thành công thương mại đến sớm với người nghệ sĩ trẻ tài năng, biến ông trở thành một kiểu hiện tượng nổi tiếng chỉ sau một đêm. Quả thực, ba nghìn bản áp phích đầu tiên của Toulouse-Lautrec cho Moulin Rouge đã được treo khắp thành phố vào một buổi tối tháng 12 và đám đông đã đổ về quán rượu, bị kích thích bởi hình ảnh đáng nhớ này. Đánh giá cao thành quả của người nghệ sĩ (và để đảm bảo rằng ông sẽ sẵn sàng làm việc cho họ trong tương lai), quán rượu đã dành riêng một chỗ ngồi và trưng bày những bức tranh của ông trên tường của họ.

Thời điểm Toulouse-Lautrec đến Paris cũng cùng lúc với sự bùng nổ hoạt động ở khu giải trí Montmartre và có một bước nhảy vọt về sự tinh vi của ngành kinh doanh quảng cáo. Nhận thấy dòng người lớn di chuyển từ vùng nông thôn đến Paris (những người thuộc tầng lớp lao động tìm được việc làm trong rạp xiếc, quán bar và quán cà phê của thành phố, và những tầng lớp có tiền có nguồn lực), các chủ doanh nghiệp và những người làm giải trí đã cạnh tranh với nhau để giành lấy khách hàng, những người nương theo lời truyền miệng để lựa chọn hình thức giải trí về đêm. 

Bức ảnh chụp người nghệ sĩ vào năm 1894 bởi Paul Sescau

Áp phích bởi vậy nhằm mục đích tạo ra tiếng vang tới một nhóm khách hàng hay thay đổi và dễ mất tập trung, những người chọn tham dự một sự kiện dựa trên việc họ có thích áp phích hay không. Toulouse-Lautrec có mọi thứ cần để kích thích sự quan tâm đến những địa điểm này: những hình dạng năng động, đầy màu sắc, bắt mắt, thể hiện được những đặc điểm cơ bản của địa điểm và những người biểu diễn. Những nơi này về sau đã in và treo áp phích quảng cáo của ông theo cấp số hàng nghìn, để rồi chúng đã trở thành món sưu tầm của các nhà sưu tập trong suốt cuộc đời của ông. Nhà phê bình theo chủ nghĩa vô chính phủ Felix Fenéon đã xuất bản một bài báo với hướng dẫn rõ ràng về cách gỡ một trong những áp phích của Toulouse-Lautrec xuống trước khi keo dán kịp khô.

​​Áp phích khét tiếng nhất của Toulouse-Lautrec về Moulin Rouge và La Goulue (1891)
Một áp phích cũng rất nổi tiếng của Toulouse-Lautrec, khắc hoạ Aristide Bruant, một ca sĩ, nghệ sĩ hài kịch, và chủ quán rượu. Chính Bruant đã đặt hàng Toulouse-Lautrec làm áp phích này để quảng cáo cho việc biểu diễn của ông ở quán Les Ambassadeurs. Ban đầu, quản lý của quán tỏ ý không thích thiết kế của Toulouse-Lautrec nhưng Bruant nhất quyết đòi sử dụng nó và nếu nó bị từ chối thì ông sẽ không biểu diễn nữa. Kết quả là áp phích này đã được treo khắp thành phố Paris, vẫn được ưa thích tới tận ngày hôm nay, và buổi biểu diễn của Bruant lúc bấy giờ thì cực kỳ thành công.

Thời kỳ sau này

Một khi các chủ doanh nghiệp biết đến tài năng của Toulouse-Lautrec, ông, vốn không phải người khó kiếm tiền, đã có nguồn công việc không giới hạn. Về cơ bản, ông đã có một công việc lý tưởng: có thể tùy chọn những buổi biểu diễn mà ông muốn đến, thường là miễn phí vào cửa. Ông tiếp tục thiết kế áp phích cho Moulin Rouge, và là khách VIP trong hầu như bất kỳ buổi biểu diễn nào khác ở Paris mà ông yêu thích: các tiết mục xiếc, Jardin de Paris và các hộp đêm khác. Ông cũng là một người thường xuyên đến các nhà thổ của thành phố, nơi ông nhân cơ hội tận dụng dịch vụ của gái mại dâm, những người đối xử với khách hàng của họ bằng một mức độ tử tế và nhân văn mà ông vốn không thường nhận được. 

Chân dung góc nghiêng của Toulouse-Lautrec (1901), Michel Manzi 

Ông đã đáp lại bằng sự hào phóng về tài chính và một loạt tranh tên là Họ (Elles) (1896) cung cấp một mức độ hiểu biết sâu sắc về kinh doanh mại dâm không dễ thấy được trong bất kỳ nghiên cứu nào khác từ thời kỳ đó. Ông còn chuyển đến ở những nơi này trong một thời gian ngắn, khiến người khác nhướng mày khi được ông cung cấp địa chỉ. Một cô gái thỉnh thoảng hành nghề mại dâm mà đã làm người mẫu cũng như học nghệ thuật từ Toulouse-Lautrec là Suzanne Valadon, sau này cô đã có một sự nghiệp đáng chú ý với tư cách là một nghệ sĩ thị giác.

Một vài tác phẩm trong loạt tranh Họ
Căn phòng xanh (The Blue Room) (1923) của Suzanne Valadon. Bảo tàng quốc gia về Nghệ thuật Hiện đại, trung tâm Georges Pompidou, Paris, Pháp. Sơn dầu trên toan. Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của Valadon.

Toulouse-Lautrec mất năm 1901, vài tuần trước sinh nhật lần thứ 37 của ông. Nguyên nhân có lẽ là do nghiện rượu và bệnh giang mai. Dẫu phải chịu đựng khủng khiếp, Toulouse-Lautrec không phải là người cảm thấy tiếc cho bản thân, và ta cũng không cần phải vậy. Một phần của niềm vui sâu sắc khi nhìn vào tác phẩm của ông nằm ở cách mà tác phẩm thừa nhận giá trị của thời đại chúng ta. Giống như một người qua đường trên phố, ngay cả khi chúng ta chỉ có một giây để nhìn, ta sẽ nhận ra điều gì đó từ nó. Hiện lên từ đường nét đồ họa rực rỡ, không ngừng chuyển động của Toulouse-Lautrec chính là niềm say mê với sự sống của ông.

Dịch: Quang Khải

Cùng tác giả

#Tag

henri toulouse lautrec Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…