Henri Matisse (Phần 1)

Matisse đã luôn thử nghiệm một cách đầy tỉ mỉ và kĩ lượng với nghệ thuật. Ông thử đi rồi thử lại mọi ý tưởng mình có, trong khi tuyên bố “tôi đã luôn cố gắng che giấu những nỗ lực và mong muốn rằng tác phẩm của mình mang một niềm vui nhẹ nhàng của tuổi xuân mà không bao giờ để cho bất cứ ai biết được công sức mà tôi đã bỏ ra là tới đâu.”

Matisse, người khai mở ra phong trào Dã thú – chủ nghĩa đã giải phóng màu sắc ra khỏi vai trò đại diện bắt buộc của nghệ thuật truyền thống, bậc thầy của màu sắc và những điệu nhảy – là đối tượng mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong loạt bài hai phần này.

Sơ lược về Henri Matisse

Henri Matisse được nhiều người coi là nghệ sĩ dùng màu vĩ đại nhất thế kỷ 20 và là đối thủ của Pablo Picasso nếu xét về tầm quan trọng cho những cải cách của mình. Ông nổi lên như một người theo trường phái Hậu Ấn tượng, và đạt được danh tiếng nổi bật đầu tiên là với tư cách một nhà lãnh đạo của phong trào Dã thú ở Pháp. 

Mặc dù quan tâm đến chủ nghĩa Lập thể, ông đã từ chối nó, và thay vào đó ông tìm cách sử dụng màu sắc để làm nền tảng cho các bức tranh mang tính biểu cảm, trang trí và thường đồ sộ. Như nhận định gây tranh cãi ông đã từng viết, Henri tìm cách tạo ra một tác phẩm nghệ thuật “tác động nhẹ nhàng, êm dịu đến tâm trí, giống như một chiếc ghế bành tốt”. 

Tranh tĩnh vật và khỏa thân vẫn là những chủ đề yêu thích trong suốt sự nghiệp của ông; Bắc Phi cũng là nguồn cảm hứng quan trọng, và cho đến cuối đời, ông đã đóng góp quan trọng vào tranh cắt dán (collage) với một loạt tác phẩm sử dụng hình dạng đầy màu sắc được cắt ra. Ông cũng được đánh giá cao với tư cách là một nhà điêu khắc.

Thành tựu

  • Matisse đã sử dụng màu không pha trộn và màu trắng của vải toan không bị che phủ để tạo ra bầu không khí tràn ngập ánh sáng trong các bức tranh Dã thú của mình. Thay vì dựng khối hoặc đổ bóng để tăng trọng lượng và cấu trúc cho các bức tranh của mình, Matisse đã sử dụng các vùng tương phản của màu nguyên chất, không pha trộn. Những ý tưởng này tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong suốt sự nghiệp của ông.
  • Nghệ thuật của ông quan trọng trong việc xác nhận giá trị của trang trí trong nghệ thuật hiện đại. Tuy nhiên, mặc dù được mọi người coi là một họa sĩ cống hiến cho niềm sung sướng và sự mãn nguyện, việc sử dụng màu sắc và họa tiết của ông thường gây mất phương hướng và không ổn định một cách có chủ ý.
  • Matisse bị ảnh hưởng nhiều bởi nghệ thuật từ các nền văn hóa khác. Từng xem một số cuộc triển lãm nghệ thuật châu Á và đã đi đến Bắc Phi, ông đã kết hợp một số đặc điểm trang trí của nghệ thuật Hồi giáo, nét góc cạnh của điêu khắc Châu Phi, và độ phẳng của các bản in Nhật Bản vào phong cách của riêng mình.
  • Matisse từng tuyên bố rằng ông muốn nghệ thuật của mình là một “sự cân bằng, thuần khiết, và thanh thản mà không có chủ đề gây phiền nhiễu và trầm uất”, và khát vọng này có ảnh hưởng quan trọng đối với một số người, chẳng hạn như Clement Greenberg, người đã tìm đến nghệ thuật để tìm nơi trú ẩn khỏi sự mất phương hướng của thế giới hiện đại.
  • Hình thể con người là trung tâm trong tác phẩm của Matisse cả trong điêu khắc và hội họa. Tầm quan trọng của nó đối với tác phẩm Dã thú của ông phản ánh cảm giác của ông rằng chủ đề này đã bị lãng quên trong trường phái Ấn tượng, và nó vẫn tiếp tục có vị trí quan trọng đối với ông. Có lúc ông đã phân mảnh hình tượng một cách thô bạo, lúc khác ông coi nó gần như là một yếu tố trang trí mang những đường cong. Một số tác phẩm của ông phản ánh tâm trạng và tính cách của những người mẫu, nhưng thường thì ông chỉ sử dụng chúng như một phương tiện cho cảm xúc của riêng mình, giảm thiểu chúng thành những kí hiệu trong các công trình đồ sộ của mình.
Điệu nhảy chưa hoàn thiện (The Unfinished Dance) (1931) – một tam liên hoạ đặc sắc và đồ sộ của Henri Matisse hiện đang đặt ở Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại của thành phố Paris, Paris, Pháp.

Tiểu sử của Henri Matisse

Tuổi thơ

Henri-Emile-Benoit Matisse sinh ra trong gia đình thuộc tầng lớp trung lưu có bố là Emile-Hippolyte-Henri Matisse, một nhà buôn ngũ cốc và vật liệu cứng, và mẹ là Anna Heloise Gerard. Ông lớn lên ở Bohain-en-Vermandois và đi học tại trường College de Saint Quentin, trước khi chuyển đến Paris để học luật. Năm 1889, ông trở lại Saint-Quentin với tư cách là một thư ký luật, mặc dù ông thấy công việc này tẻ nhạt và luôn phàn nàn về tình trạng lo âu. Cuối năm đó, ông bị đau ruột thừa và phải ở nhà vài tháng để hồi phục. Trong thời gian đó, ở tuổi 20, ông phát hiện ra sự cô lập và tự do được hoan nghênh của hội họa.

Đào tạo ban đầu

Bị cuốn vào niềm đam mê mới của mình, Matisse lại đến Paris vào năm 1891, lần này là để học nghệ thuật. Ông đã trượt kỳ thi tuyển sinh vào Trường Mỹ thuật Pháp (École des Beaux Arts), nhưng đã gia nhập một cách không chính thức vào xưởng vẽ của họa sĩ biểu tượng người Pháp Gustave Moreau vào năm 1892. Moreau nói với các học trò của mình, “Màu sắc phải được suy nghĩ, mơ ước, tưởng tượng.” Thái độ kiểu Biểu tượng này đối với hội họa đã góp phần vào việc Matisse sử dụng màu sắc đầy tính biểu cảm. 

Năm 1894, Matisse bất ngờ có một cô con gái, Marguerite, với người tình của ông, Caroline Joblaud. Cuối cùng, sau khi được nhận vào Trường Mỹ thuật Pháp vào năm 1895, ông tiếp tục học với Moreau cho đến năm 1898. Nhiều phong cách đã ảnh hưởng đến họa sĩ trong những năm này, từ tranh tĩnh vật hàn lâm của Jean-Baptiste-Simeon Chardin đến những bức vẽ với nét cọ phóng khoáng của trường phái Ấn tượng.

Năm 1898, sau khi kết thúc mối quan hệ với Caroline, Matisse kết hôn với Amélie Parayre. Moreau qua đời trong khi hai vợ chồng đang ở nước ngoài để hưởng tuần trăng mật, và Matisse đã phải vật lộn để tìm một giáo viên khác. Ông cũng phải đối mặt với thách thức phải nuôi dạy ba đứa con – ông và vợ có hai con trai, Jean vào năm 1899 và Pierre vào năm 1900. Bất chấp những khó khăn về tài chính, Matisse bắt đầu bộ sưu tập nghệ thuật tiên phong kéo dài suốt đời của mình và mua Ba người tắm (Three Bathers) (1879- 82) của Paul Cézanne từ phòng trưng bày của Ambroise Vollard. Bị ảnh hưởng bởi cách sử dụng màu sắc của những người theo trường phái Hậu ấn tượng và các bài viết của nhà phê bình nghệ thuật Paul Signac, Matisse đã chuyển qua quá trình khám phá trường phái Ấn tượng.

Henri và Amélie Parayre trong khoảng thời gian họ kết hôn (1898)

Thời kỳ trưởng thành

Matisse đã dành mùa hè năm 1905 ở Collioure, làm việc với André Derain để tạo ra một phong cách mới với những màu sắc không pha trộn và ánh sáng rực rỡ. Phong cách mới này được biết đến với tên gọi Dã thú, sau khi nhà phê bình Louis Vauxcelles mô tả cách sắp xếp các tác phẩm tại Salon d’Automne vào năm 1905 – một trưng bày quan trọng cho phong trào mới – với tên gọi “Donatello giữa những con thú hoang dã.” 

Matisse sớm được biết đến với tư cách là nhà lãnh đạo của Dã thú trên báo chí, được Louis Vauxcelles và các nhà phê bình khác gọi là “con thú đầu đàn”. Phong trào Dã thú, mặc dù tồn tại trong thời gian ngắn, đã tạo nên một trong hai hướng đi của nghệ thuật hiện đại. Năm 1905, Matisse gặp Pablo Picasso tại xưởng vẽ của Gertrude Stein. Hai nghệ sĩ bắt đầu một tình bạn và sự đối đầu suốt đời, mỗi nghệ sĩ đại diện cho một hướng khả thi mà nghệ thuật hiện đại có thể hướng tới sau cái chết của Paul Cézanne. Trong khi Picasso phá vỡ cấu trúc các vật thể thành các mặt phẳng Lập thể, Matisse tìm cách xây dựng hình dạng của vật thể thông qua màu sắc.

Bức Chân dung tự họa với chiếc áo phông kẻ (Self-Portrait in a Striped T-shirt) (1906) của Matisse

Đến năm 1907, các họa sĩ không còn làm việc theo phong cách Dã thú, thậm chí cả Matisse cũng không. Ông tiếp tục tạo ra các hình dạng đơn giản hóa dựa trên các mặt phẳng màu. Mối quan tâm của ông đối với nghệ thuật điêu khắc cũng tăng lên, đặc biệt là các tác phẩm ở Bắc Phi, có lẽ là nhờ những trải nghiệm của ông trong chuyến đi đến Algeria năm 1906. Ông đã sử dụng điêu khắc để giải quyết các vấn đề về hình ảnh, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến hình thể. Ông cũng nhận được sự hỗ trợ để mở một trường nghệ thuật vào năm 1908, dạy khoảng 80 sinh viên trong vòng ba năm. Và ông đã nhận được sự bảo trợ từ các nhà sưu tập nghệ thuật tiên phong, bao gồm cả nhà sưu tập người Nga Sergei Ivanovich Shchukin, người cuối cùng đã sở hữu hàng chục bức tranh của ông.

Người phụ nữ Algeria (Algerian Woman) (1909) của Matisse

Từ năm 1911 đến năm 1916, Matisse tập trung khắc họa hình thể người trong không gian nội thất được trang trí bằng thảm và đồ lưu niệm phương Đông. Mặc dù ông không phải tham chiến trong Thế chiến thứ nhất, sự nghiêm trọng của các sự kiện thế giới đã ảnh hưởng đến bức tranh của ông, tắt đi ánh sáng trong bảng màu của ông. Tuy nhiên, cho đến khi kết thúc chiến tranh, ông quay trở lại với màu sắc tươi sáng của mình, dẫn đến “Thời kỳ Nice” của ông từ năm 1917 đến năm 1930. Nhiều bức tranh trong số này sử dụng phần trắng của tấm vải toan để gợi ý về ánh sáng rực rỡ của miền nam nước Pháp.

Bức Chân dung tự họa (Self-Portrait) (1918)
Trong nhà, Nice (Interior, Nice) (1919) của Matisse

Năm 1930, Matisse trải qua thời kỳ khủng hoảng và chuyển đổi nghệ thuật. Không hài lòng với định hướng bảo thủ trong công việc của mình, trước tiên ông đã đến Tahiti, sau đó đến Mỹ ba lần trong ba năm. Ông dành ít năng lượng hơn cho việc vẽ giá vẽ, thay vào đó thử nghiệm với minh họa sách, thiết kế thảm và khắc trên kính. Năm 1931, ông được giao nhiệm vụ vẽ một bức tranh tường cho Quỹ Barnes ở Pennsylvania, mà ông đã hoàn thành vào năm 1933.

Sắp đặt tác phẩm Điệu nhảy (The Dance) (1931-33) của Matisse tại địa điểm tại Philadelphia của Quỹ Barnes, vào năm 2012

Những năm cuối đời

Việc Matisse ly thân với vợ vào năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ Hai xảy đến, và sức khỏe yếu, tất cả đều khiến Matisse lo lắng về định hướng công việc của mình. Sau cuộc đại phẫu năm 1941, ông phải ngồi trên xe lăn. Ông chuyển sang vẽ và cắt giấy, những phương tiện dễ quản lý hơn và mang lại tiềm năng thể hiện mới. Những bức tranh cắt giấy với Matisse tượng trưng cho sự tổng hợp của vẽ và hội họa.

Những bản cắt giấy đã khuyến khích Matisse đơn giản hóa các hình dạng hơn nữa, chắt lọc “đặc điểm cốt yếu” của đối tượng cho đến khi nó trở thành biểu tượng của chính nó. Ông đã sử dụng kỹ thuật cắt giấy để thiết kế cửa sổ kính màu cho Chapelle du Rosaire ở Vence, Pháp, và như một phương tiện riêng trong các tác phẩm quy mô lớn. Với sự giúp đỡ của các trợ lý, Matisse đã có thể tiếp tục làm việc vượt qua căn bệnh của mình. Vào ngày 3 tháng 11 năm 1954, Matisse qua đời vì một cơn đau tim.

Di sản của Henri Matisse

Các học giả trong những năm 1950 đã mô tả Matisse và Dã thú là tiền thân của chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng và phần lớn nghệ thuật hiện đại. Một số nhà Biểu hiện Trừu tượng tìm lại nguồn gốc của mình từ ông, mặc cho là vì những lý do khác nhau. Một số, như Lee Krasner, bị ảnh hưởng bởi các phương tiện đa dạng của ông; những bức tranh cắt giấy của Matisse đã truyền cảm hứng cho bà cắt những bức tranh của chính mình và lắp ráp lại. Các họa sĩ Trường màu, chẳng hạn như Mark Rothko và Kenneth Noland, đã bị ấn tượng bởi các trường màu sáng rộng của ông, như trong Xưởng vẽ màu đỏ (Red Studio) (1911). 

Mặt khác, Richard Diebenkorn quan tâm nhiều hơn đến cách Matisse tạo ra ảo ảnh về không gian và sự căng thẳng về không gian giữa chủ thể của ông và bức toan phẳng. Những người khác, như Robert Motherwell, không thể hiện ảnh hưởng của Matisse trực tiếp trong tác phẩm nghệ thuật của họ, nhưng bị ảnh hưởng bởi quan điểm của ông về màu sắc và hình dạng hội họa. 

Nghệ thuật của Matisse tiếp tục thu hút không chỉ các nghệ sĩ, mà còn cả các nhà sưu tập, những người đã mua tranh của ông với giá lên tới 17 triệu đô la. Và như một số triển lãm bom tấn gần đây và sắp tới cho thấy, ông tiếp tục trở thành nhân vật được yêu thích của công chúng trên toàn thế giới.

Dịch: Quang Khải

Cùng tác giả

#Tag

Henri Matisse Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…