George Bellows (Phần 3)

Trong phần cuối cùng của loạt bài về George Bellows, chúng ta sẽ tìm hiểu những tác phẩm tiêu biểu còn lại của ông; bao gồm: Trận mã cầu ở Lakewood, Nổi lên và vỡ tan, Elsie, Emma, và Marjorie, khuôn thạch bản thứ hai, và Quý cô Jean.

  • Bạn sẽ không bao giờ biết được khả năng của bản thân cho đến khi bạn thử làm. Khi học hỏi về một chủ đề, dù là về hội hoạ, về công việc nội trợ, về xây dựng, hay về bất cứ hình thức nghệ thuật nào khác, hãy cân nhắc mọi phương pháp mà bạn có thể làm theo. Hãy thử mọi cách có thể. Hãy thận trọng. Hãy ngẫu hứng. Hãy thấu đáo và siêng năng. Hãy phóng đãng và bốc đồng, trí tuệ và cảm tính, ổn định và thất thường. Hãy khám phá những khả năng của bản thân. Hãy tự tin vào nỗ lực của chính mình!
  • Không có lí do gì mà một người phải chần chừ bắt đầu công việc dù chỉ một phút sau khi anh ta đã chắc chắn về kỹ thuật của bản thân, bởi cách để trở thành một họa sĩ chính là cầm cọ lên vẽ.
  • Con người có một ham muốn kì lạ trong đầu khiến họ ngộ tưởng rằng bản thân là quan thẩm phán của cái đẹp và liên tục đòi hỏi một cách ngớ ngẩn rằng mọi hình ảnh đều phải ‘xinh đẹp’.
  • Trong đầu tôi có hàng ngàn những hình ảnh tuyệt vời mà tôi không bao giờ có đủ thời gian để vẽ.
  • Có người gọi tôi là nhà cách mạng – tôi không biết liệu đó có đúng không. Trên hết, tôi là một hoạ sĩ, và một hoạ sĩ thì nắm giữ đời sống – nắm giữ một cái gì đó có thật, trong biết bao điều có thật. Việc đó khiến anh ta [họa sĩ] phải suy tư, và khi anh ta nói những suy tư ấy thành tiếng thì anh ta được gọi là nhà cách mạng. Tôi nghĩ tổng quát lại là như vậy.
  • Tự do là điều thiết yếu cho sự phát triển của tất cả nghệ thuật: tự do để sáng tạo, và tự do để bày tỏ.”

Các tác phẩm quan trọng của George Bellows (tiếp)

1910: Trận mã cầu ở Lakewood (Polo at Lakewood)

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Columbus, Ohio, Mĩ

Lấy bối cảnh trên một cánh đồng xanh dưới bầu trời giông bão, những vận động viên mã cầu đang cùng tham gia một môn thể thao trên lưng những con ngựa lông đen, nâu và trắng. Một đám đông của những quí bà và quí ông ăn diện chỉnh tề ở phía bên trái phần tiền cảnh của bức tranh đang theo dõi trận đấu. Tuy rằng Bellows đã thường xuyên khắc họa các sự kiện thể thao, trận mã cầu là một chủ đề mới mẻ đối với ông; một đề tài khác biệt hoàn toàn với đề tài về đời sống của tầng lớp lao động chiếm phần lớn các tác phẩm thuộc Trường phái Ashcan trước đó của ông. Bellows được giới thiệu với giới thượng lưu và các hoạt động giải trí nhờ Joseph B. Thomas, người đã mua ba bức tranh của ông vào năm 1908, và cũng là người mời Bellows đến tham dự một giải đấu [mã cầu]. 

Trận mã cầu ở Lakewood có qui mô lớn, với chiều cao gần 1,2m và rộng hơn 1,8m. Khi đứng trước bức tranh, người xem sẽ thấy rằng nó được tạo thành bởi những nét cọ lớn, gần như không tách biệt, và những vết sơn. Bellows truyền tải ấn tượng về tính tự phát với hình dạng của các nhân vật và với sự sắp đặt sáng và tối xen kẽ làm gia tăng cảm giác hành động kịch tính. Toàn bộ sự kiện này hẳn đã rất hấp dẫn Bellows. Sau này ông bình luận một cách châm biếm về trải nghiệm của mình: “Tôi muốn nói rằng những người siêu cấp giàu này có một sự bạo gan được giấu kín đáo trong túi ngực áo […] Nó là một trận đấu giống cây đèn thần của Aladdin […] Các cầu thủ có ngoại hình ưa nhìn; những chú ngựa thì rất đẹp. Tôi tin rằng họ đã đánh răng và tắm cho chúng bằng sữa dê. Thật là một đề tài tuyệt vời để vẽ.” 

1913: Nổi lên và vỡ tan (Churn and Break)

Sơn dầu trên ván gỗ – Bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Columbus, Ohio, Mĩ

Trong bức tranh Nổi lên và vỡ tan, những con sóng dữ dội, được thể hiện bằng các sắc xanh lam, xanh lục, và vàng, xô vào những tảng đá đen chiếm diện tích bên phải phần tiền cảnh. Bọt nước trắng xóa được tạo bởi những đợt sóng vỗ vào các tảng đá đã đem tới một sự tương phản gay gắt với cảnh quan được kết hợp bởi những đám mây bão đen kịt che phủ bầu trời phía trên. Đây là một trong nhiều bức tranh mà Bellows đã vẽ trong thời gian ông ở trên Đảo Monhegan tại Maine vào mùa hè năm 1913. Đây là giai đoạn sáng tạo rất năng suất của họa sĩ khi ông đã sáng tác không dưới 117 tác phẩm, từ những bức tranh hoàn thiện đến các bức phác thảo (nhiều bức trong số phác thảo đó đã được ông hoàn thành khi trở lại xưởng vẽ của mình ở New York).

Khoảng thời gian rời xa thực tế nghiệt ngã nơi thị quả thật là một liều thuốc bổ cho Bellows. Ông làm việc hiệu quả trong sự yên bình và tĩnh lặng mà hòn đảo xa xôi mang lại. Hơn nữa, ông có thể sáng tạo mà không bị ảnh hưởng bởi những người khác hay những can thiệp từ bên ngoài. Theo tác giả viết tiểu sử cho Bellows, Mary Sayre Haverstock, “người cố vấn của ông, Henri, không có ở cạnh để chỉ dẫn cho ông và cha của ông cũng đã ra đi. Do vậy, theo một cách nào đó, dù ông có nhận ra hay không, Bellows giờ đây đã có thể đưa ra quyết định của riêng mình một cách tự do hơn, về cả mặt nghệ thuật lẫn kinh tế”. Bellows bị thu hút bởi vô số các khả năng diễn tả bằng hình ảnh: “hòn đảo là vô tận với sự đa dạng tuyệt vời”, ông viết, “Nó sở hữu lượng vẻ đẹp đủ để đáp ứng cho cả một lục địa”. Ông say mê địa thế nơi đây tới mức ông đã quay lại hòn đảo này vào hai mùa hè sau đó, sáng tạo ra những bức tranh thiên nhiên nguyên sơ nhất của mình.

1921: Elsie, Emma và Marjorie, khuôn thạch bản thứ hai (Elsie, Emma and Marjorie, Second Stone)

In thạch bản

Có hai yếu tố thực tiễn đã ảnh hưởng đến quyết định của Bellows trong việc bắt đầu thực hành tranh in một cách nghiêm túc. Yếu tố đầu tiên là nhu cầu chu cấp tài chính cho vợ và hai con của ông – những bản in thạch bản được sản xuất đã nhanh chóng mang lại một nguồn thu nhập ổn định. Yếu tố thứ hai liên quan đến tính thẩm mĩ nhiều hơn. Bellows, người có xưởng vẽ nằm tại lầu cao trên con Phố 19 phía Đông, đã sớm nhận ra rằng những tháng mùa đông nơi thành thị đã lấy mất đi nguồn ánh sáng tự nhiên đáng tin cậy của ông, khiến việc khám phá những khả năng mới của màu sắc và bố cục trở nên khó khăn hơn. In thạch bản đã đem tới một giải pháp tức thời hơn, có tính công năng và sáng tạo hơn về mặt này.

Tuy nhiên, Bellows sáng tác phần lớn các bản in thạch bản vào nửa sau sự nghiệp của ông, và mặc dù phương thức [thể hiện nghệ thuật] này không được đặc biệt quan tâm bởi những người hâm mộ và những người theo chủ nghĩa thuần túy, các bản in như Elsie, Emma và Marjorie lại giúp họa sĩ trở nên nổi tiếng hơn với đại chúng. Cũng như các bức tranh vẽ của ông, các bức in thạch bản của ông bao gồm nhiều chủ đề khác nhau. Ví dụ, ngoài chủ đề đô thị đặc trưng của ông, các bản in thạch bản đầu tiên của Bellows (khoảng năm 1916) đã ghi lại dấu ấn bằng những các cảnh chiến tranh thống khổ (Bellows bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự bùng nổ của Thế chiến thứ nhất) và, thậm chí, một loạt tác phẩm về hình tượng khoả thân. 

Thế nhưng, bức chân dung gia đình này lại thuộc giai đoạn sau nữa, khi cuộc sống gia đình trở thành chủ đề nổi trội hơn cả trong các sản phẩm của người nghệ sĩ. Dù thiếu vắng thứ chủ nghĩa hiện thực nghiệt ngã gắn liền với tên tuổi của họa sĩ, những bức chân dung của ông thể hiện kiểu khoảng cách “quan sát” đã ghi dấu ấn trong tất cả các tác phẩm của ông. Eugène và Elsie Speicher, Robert và Marjorie Henri đều là những người bạn thân của George và Emma Bellows, và đây là một trong số những bức chân dung của nhóm mà ông đã thực hiện. Ba người phụ nữ được miêu tả trong tác phẩm đang ngồi trên trường kỉ và ghế bành trò chuyện, trong khi những người chồng của họ cũng đang đứng tán gẫu mải mê ở góc trên cùng bên trái của khung hình. Speicher, bản thân là một họa sĩ vẽ chân dung thành công, cũng là thành viên của khu thuộc địa nghệ thuật Woodstock mà sau đó Bellows sớm gia nhập. 

1924: Quý cô Jean (Lady Jean)

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập của Phòng trưng bày Nghệ thuật Đại học Yale, New Haven, Connecticut, Mĩ

Trong bức họa vẽ giai đoạn cuối này xuất hiện một bé gái mặc một chiếc váy sọc xanh lam, đeo găng tay ren đen, và đội mũ màu lam đậm, tay cầm một chiếc túi nhỏ màu đỏ. Cô bé đứng trong nhà với một tấm thảm hoa dưới chân, một góc của một chiếc ghế cũng có màu xanh lam có thể nhìn thấy ở phía bên trái và một cái tủ gỗ màu đỏ phía sau cô cùng một chiếc lọ hoa màu xanh ngay cạnh đó. 

Bên cạnh các bức họa cảnh hiện thực về cuộc sống thành thị, thể thao và phong cảnh, Bellows cũng đã vẽ nhiều bức tranh chân dung trong sự nghiệp của mình. Chủ thể ở bức tranh này là cô con gái chín tuổi Jean của Bellows. Gia đình rất quan trọng đối với Bellows, điều này được phản ánh trong bức chân dung dịu dàng này. Là hiện thân của sự ngây thơ, cô bé quay về phía người xem với một cái nhìn chằm chằm đến dữ dội. Đáng buồn thay, bức tranh này được vẽ chưa đầy một năm trước khi Bellows qua đời, biến cố mà rõ ràng sẽ thay đổi tuổi thơ vô tư của cô. 

Làm việc với người mẫu là một nỗ lực thú vị đối với Bellows, người đã từng tuyên bố: “Đó là cái điều kì lạ về người mẫu [vẽ]. Bạn có biết rằng có một số người mang sẵn vóc dáng của một bức họa trong các đường nét và cơ thể của họ, một số khác thì không“. Có lẽ đó là lí do tại sao  ông thường xuyên quay trở về với những bức tranh miêu tả về gia đình và bạn bè thân thương. Để tạo ra tác phẩm này, Bellows đã sử dụng đôi tay có kiểm soát hơn, từ bỏ lối vẽ phóng khoáng từng làm nên đặc trưng cho các bức tranh đường phố và phong cảnh của ông. Ngoài ra còn có một sự phức tạp chỉn chu hơn trong các lựa chọn màu sắc của tác phẩm khiến nó trở nên tiên tiến hơn về mặt bố cục; đặc biệt ở đây là cách mà màu đỏ của chiếc túi trong tay cô bé vọng lại màu đỏ của cái tủ phía sau và lọ hoa cao, mảnh mai màu xanh lam được nhấn mạnh trong những cột trụ xanh cao trên chiếc váy mà con gái ông đang mặc. Bellows đã dành toàn bộ cuộc đời nghệ thuật (dù ngắn ngủi) của mình cho việc khám phá những cách thức mới mẻ để nắm bắt được cái cốt lõi của cuộc sống Mĩ hiện đại. Chính tinh thần tiên phong của nhiệm vụ này đã giúp nghệ thuật vẽ chân dung của ông vượt qua các ranh giới đương thời về màu sắc và thiết kế. 

Nguyên bản tiếng Anh do Jessica DiPalma tổng hợp và viết, Antony Todd hiệu đính và bổ sung phần tóm lược và các thành tựu. Minx Trần dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

George Bellows hội họa Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Một chút gợi nhớ, một chút bình yên trong tranh của Onyamamoto
Một chút gợi nhớ, một chút bình yên trong tranh của Onyamamoto
Là những phong cảnh đường phố bình dị, các bức tranh của Onyamamoto gợi lên sự bình yên sống động. Không tĩnh lặng nhưng cũng chẳng ồn ào, dường như…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
Khi nói về trường phái New York và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20, chúng ta không thể không nhắc tới chương trình giáo dục thiết kế…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…