Dada và Nhiếp ảnh Siêu thực (Phần 2)

Trong phần thứ hai của loạt bài về Dada và nhiếp ảnh Siêu thực chúng ta tìm hiểu những phát triển mang tính kế thừa của chúng cũng như những tác phẩm tiêu biểu đầu tiên. 

  • Những dữ liệu nhiếp ảnh… vẫn là, VỀ CĂN BẢN, PHƯƠNG TIỆN ĐẦY CHẤT THƠ AN TOÀN NHẤT và quy trình nhanh chóng nhất để nắm bắt những chất ngấm thấu vi tế nhất tồn tại giữa thực tại và siêu thực tại. Sự thật đơn thuần của chuyển vị nhiếp ảnh có ý nghĩa như một phát minh toàn vẹn: sự thâu tóm một thực tại bí mật” – Salvador Dalí
  • Những nhiếp ảnh gia, hoạt động trong những điều khoản của cảm quan Siêu thực, gợi ra sự phù phiếm của việc cố gắng hiểu thế giới và thay vào đó đề xuất rằng chúng ta sưu tầm chúng.” – Susan Sontag
  • Siêu thực ngự trị nơi trung tâm của công nghiệp nhiếp ảnh: ở chính tại sự kiến tạo ra một hiện thực ở cấp độ hai, hẹp hơn nhưng kịch tính hơn hiện thực mà được tiếp nhận bằng tầm nhìn tự nhiên.” – Susan Sontag
  • Không gì chứng minh được sự thật của Siêu thực nhiều như nhiếp ảnh. Ống kính Zeiss có những năng lực gây kinh ngạc hoàn toàn không ngờ tới!” – Salvador Dalí

Những phát triển sau này – Hậu Dada và Nhiếp ảnh Siêu thực

Mặc dù trào lưu Siêu thực đã lụi tàn vào giữa những năm 1930, nhưng nhiếp ảnh Siêu thực đã có một tuổi thọ đáng ngạc nhiên. Các nghệ sĩ như Claude Cahun tiếp tục tạo ra tác phẩm theo cách tương tự, nếu không muốn nói là y hệt, vào những năm 1940. Tương tự, Man Ray tiếp tục làm việc trong lĩnh vực nhiếp ảnh, thường chụp những thành viên quan trọng của thế giới nghệ thuật trong những bức chân dung khác thường. 

Bạn muốn gì tôi?” (“Que me veux-tu?” bởi Claude Cahun, 1928. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại của thành phố Paris, Paris, Pháp. Cahun nổi danh từ khi còn sống ngoài việc là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, một nhà Siêu thực, thì còn là một queer hoàn toàn công khai và một nhà hoạt động xã hội. Những hình ảnh tự hoạ của bà thể hiện rõ sự xoá nhoà ranh giới thông thường giữa tính nữ và tính nam.

Một số nhiếp ảnh gia chụp cảnh đường phố như Henri Cartier-Bresson và Helen Levitt sẽ mượn các quan niệm của chủ nghĩa Siêu thực để khám phá sự kỳ lạ trong những khoảnh khắc quyết định (decisive moments) trong thường nhật của họ. Chủ nghĩa Siêu thực cũng có thể được tìm thấy trong các tác phẩm đầu tiên của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh giữa thế kỷ như Irving Penn, Richard Avedon và Diane Arbus.

Một bức ảnh chụp ở New York của Helen Levitt năm 1940. In bạc gelatin. Bà có rất nhiều bức ảnh chụp cảnh nô đùa của những đứa trẻ trên phố mang lại một cảm quan Siêu thực đặc biệt.

Nhiều nghệ sĩ trong số này đã có ảnh hưởng đáng kể đến các thế hệ sau này. Khả năng của máy ảnh vừa che giấu vừa để lộ, đồng thời tạo ra một loại thực tế khác – lần đầu tiên được các nhiếp ảnh gia theo trường phái Siêu thực đẩy đến giới hạn của nó – là điều tiếp tục truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ ngày nay. Đặc biệt, những nghệ sĩ đã làm việc với các vấn đề về giới tính và tình dục tiếp tục có tác động. Ví dụ, Claude Cahun được coi là người có ảnh hưởng chính đối với một số nghệ sĩ nữ làm việc với nhiếp ảnh, chân dung tự họa và hóa trang, chẳng hạn như Cindy Sherman và Gillian Wearing.

Đeo mặt nạ/Mặt nạ Wearing (Wearing Masks) (2000), chân dung tự họa của Gillian Wearing

Hơn nữa, một số nghệ sĩ đương đại cho rằng các nhiếp ảnh gia theo trường phái Siêu thực có ảnh hưởng do sở thích chụp những thứ không giống như chúng xuất hiện lần đầu. Ví dụ, tác phẩm Nuôi dưỡng bụi (1920) của Man Ray và Duchamp đã trực tiếp truyền cảm hứng cho tác phẩm À cause de l’élevage de poussière (Do sự sinh sản của bụi) của Sophie Ristelhueber, bức ảnh chụp từ trên không của cô năm 1991 về sa mạc Kuwait ngay sau khi lực lượng Iraq bị trục xuất.

Các tác phẩm tiêu biểu

1919-20: Cắt xuyên qua thời kỳ bụng bia Weimar cuối cùng ở Đức với con dao bếp của Hannah Höch

Cắt ghép ảnh

Mặc dù là một trong những tác phẩm đầu tiên của Höch, bức cắt ghép ảnh đầy tham vọng Cắt xuyên qua thời kỳ bụng bia Weimar cuối cùng ở Đức với con dao bếp (Cut with the Kitchen Knife Through the Last Weimar Beer-Belly Cultural Epoch in Germany) này trông thật lạ so với tiêu chuẩn thông thường của bà vì nó đặc biệt lớn, với kích thước khoảng 89 x 145 cm. Tác phẩm đã được trưng bày trong Hội chợ Dada Quốc tế lần thứ nhất, diễn ra ở Berlin vào năm 1920, và nó được cho là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất trong triển lãm. Ở góc trên cùng bên phải, Höch đã dán các hình ảnh của những nhân vật “phản Dada” của chính phủ Weimar và các đại diện của đế chế cũ. Ở những nơi khác trong tác phẩm, những người ủng hộ Dada đã được biết tới, chẳng hạn như Raoul Hausmann, được sắp xếp tương phản với những nhân vật này.

Hiệu ứng ban đầu là một sự hỗn loạn về thị giác, tuy vậy, một kiểu tường thuật vô lý bắt đầu phát triển khi ta duy trì chú ý. Một nhân vật bị biến đổi thành một thứ gì đó khác bằng cách sự thêm vào của một đoạn báo bị giải ngữ cảnh, chẳng hạn như bộ ria mép mang tính biểu tượng của Kaiser được thay thế bằng một cặp đô vật lộn ngược. Tác phẩm gói gọn chủ nghĩa chiết trung và những nét lập dị của chủ nghĩa Dada, nhưng cũng đưa ra một tuyên bố chính trị rõ ràng chống lại sự xác lập ngoan cố; nó là một sự tôn kính đối với sự chống đối vô chính phủ được chế tác cẩn thận.

Tác phẩm minh họa một cách điêu luyện việc sử dụng kỹ thuật cắt ghép ảnh theo trường phái Siêu thực cùng với kỹ thuật lấy từ ngữ và hình ảnh từ báo chí đã có từ lâu để tạo ra một tuyên bố mới mẻ, mang tính lật đổ, mang tính sáng tạo cao vào thời điểm đó.

1920: Nhân giống bụi của Marcel Duchamp

In bạc gelatin – Bảo tảng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

Đây là một ví dụ quan trọng của nhiếp ảnh Siêu thực thời kỳ đầu, vượt qua ranh giới giữa Dada và chủ nghĩa Siêu thực vào đầu những năm 1920. Đó là bức ảnh do Man Ray chụp một phần kiệt tác của Marcel Duchamp. Thậm chí, cô dâu bị lột trần bởi những gã độc thân của cô ta (The Bride Stripped Bare by Her Bachelors, Even) (1915-1923) sau khi nó nằm yên ba năm bám bụi trong xưởng của Duchamp. Nhân giống Bụi (Dust Breeding) là một ví dụ ban đầu quan trọng về đồng sáng tác trong chủ nghĩa Siêu thực; nơi hai nghệ sĩ đã sử dụng sự kết hợp của hình ảnh để bất chấp việc diễn tả theo nghĩa đen và tạo ra một tác phẩm mới hoàn toàn cùng nhau, trong đó một phương tiện chất vấn và thách thức phương tiện cái khác.

Mặc dù theo nghĩa đen, Nhân giống bụi là một bức ảnh chụp cận cảnh một bề mặt đầy bụi nơi các đường nét trong kiệt tác của Duchamp khi xem qua chỉ có thể coi là vừa đủ để thấy, nỗ lực thu được tạo cảm giác giống như một bức ảnh chụp trên không. Khi tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên (trên tạp chí Siêu thực thời đầu tên Văn chương), nó đã được chú thích một cách hài hước là Nhìn từ máy bay (View from an Aeoroplane). Điều này cho thấy mục đích của Man Ray là sử dụng nhiếp ảnh kết hợp với ngôn ngữ để đánh lừa mắt người xem và bóp méo khả năng nhận thức của người xem thông qua gợi ý tâm thức. Đây là một trong số ít những bức ảnh được xuất bản trên một tạp chí Siêu thực trước năm 1924, gợi ý về tầm quan trọng của nó như một ví dụ ban đầu về nhiếp ảnh Siêu thực.

Nhiếp ảnh gia đương đại Sophie Ristelhueber chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những bức ảnh của Man Ray và tác phẩm này nói riêng. Bà lập luận rằng, “sự thay đổi liên tục giữa cái lớn vô hạn và cái nhỏ vô hạn có thể làm người xem mất phương hướng. Nhưng đó là một minh họa tốt về mối quan hệ của chúng ta với thế giới: chúng ta có trong tay các kỹ thuật hiện đại để nhìn mọi thứ, nắm bắt mọi thứ, nhưng chúng ta lại không thấy gì.

1924: Vĩ cầm của Ingres của Man Ray

In bạc gelatine – Bảo tàng Getty, Los Angeles, Mỹ

Vĩ cầm của Ingres (Le Violon d’Ingres) là một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất trong nghệ thuật hiện đại. Để tạo ra tác phẩm này, Man Ray đã chụp một bức ảnh của một trong những người mẫu yêu thích của ông, Kiki, và để cô tạo dáng (bao gồm cả cách cuốn khăn trên tóc) giống như thể ở trong một bức tranh của Ingres. Sau đó, ông vẽ hai ký hiệu “f” được sao chép từ thân của một cây đàn vĩ cầm lên bản in, trước khi chụp ảnh lại lần nữa. Đây là một ví dụ lớn về thao tác hậu kỳ được sử dụng để tạo hiệu ứng Siêu thực trong nhiếp ảnh thời ấy.

Thao tác của Man Ray mang lại cho tác phẩm nhiều tầng ý nghĩa. Bằng cách chụp ảnh lại bản in, Man Ray từ bỏ hình ảnh gốc bằng những chỉnh sửa thao túng của mình đối với nó, kết quả là cơ thể người phụ nữ không thể tách rời khỏi những hình tượng giống như cây đàn vi-ô-lông trên đó. Điều này gây nhầm lẫn cho cách hiểu của người xem về hình ảnh: những vết đen đó được vẽ hoặc xăm trực tiếp lên da của cô ấy hay thực tế chúng ta đang nhìn một người phụ nữ với những lỗ thủng trên lưng giống như cơ thể của một cây đàn vi-ô-lông? Sự nhầm lẫn như vậy chỉ ra sự bất định cố hữu của hình ảnh nhiếp ảnh thường được các nhiếp ảnh gia theo trường phái Siêu thực khám phá.

Nhà sử học nghệ thuật David Bate cũng lập luận rằng hình ảnh này là một ví dụ điển hình về sự phá vỡ mang tính Siêu thực chủ nghĩa đối với các vấn đề nhiếp ảnh của sự bắt chước và vật ra ký hiệu/được ký hiệu: “Bình diện biểu thị của bức ảnh tự nó đã bị phá vỡ […]. Không còn thuần túy bắt chước, bức ảnh gây nhầm lẫn giữa trạng thái và quy ước thông thường của một bức ảnh chụp so với thực tế. Nó dẫn lối cho sự kỳ ảo.

1925: Mặt tiền cửa hàng ở đại lộ Gobelins của Eugène Atget

 In lòng trắng trứng mờ – Bảo tàng J. Paul Getty, Los Angelse, California, Mỹ

Đây là một trong những hình ảnh vui tươi hơn của Atget mà ông đã tạo ra vào cuối đời, mặc dù là theo nguyên mẫu của loạt ma-nơ-canh liên tục, mang tính biểu tượng của ông trong các cửa sổ trước cửa hàng. Các nhân vật thời trang tạo dáng trong tủ trưng bày như thay thế con người, giới thiệu những mốt thời thượng trong ngày. Những cử chỉ phóng đại của chúng tạo nên một hoạt cảnh kỳ quặc, được làm phức tạp hơn nữa bởi nhiều hình ảnh phản chiếu khác nhau trong cửa sổ. Những cành cây, một tòa nhà đối diện với mặt tiền cửa hàng và chân của Atget chồng lên cảnh để tạo ra các hình dạng và tham chiếu mới. 

Việc xử lý ánh sáng này là kết quả của một kỹ thuật bậc thầy. Các không gian, vật thể và tông màu đen đan xen đồng thời hợp nhất và tách rời bức ảnh. Sự pha trộn của hình ảnh, giữa hư cấu và thực tế, gợi lên những cõi mơ mộng, rời rạc, trong đó góc nhìn của người xem bị thách thức bởi điều đó là sự thật và điều được tưởng tượng. Do đó, tác phẩm của Atget đã được những người theo chủ nghĩa siêu thực ủng hộ và được chấp nhận như một phần của phong trào.

Dịch: Nhung Ý Chi

Cùng tác giả

#Tag

chủ nghĩa dada Hương Mi Lê Lê Hương Mi may nhiếp ảnh siêu thực Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler, một trong những người có đóng góp lớn vào lịch sử nghệ thuật nói chung và nước Mĩ hậu chiến nói riêng, đã tiên phong khởi xưởng hội…
Triển lãm Lựa chọn của Grapevine 2024
Triển lãm Lựa chọn của Grapevine 2024
Nối tiếp thành công của các mùa trước, từ ngày 14/06/2024, triển lãm thường niên The Grapevine Selection – Lựa chọn của Grapevine 2024 giới thiệu gần 40 tác phẩm…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko, tác giả của nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt nhất thế giới, đã phát triển phong cách đặc trưng của mình vào cuối những…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Liệu Mark Rothko là một thiên tài hay là một kẻ lừa đảo? Đây là câu hỏi mà các nhà sử học nghệ thuật và những người mê nghệ thuật…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
“Chúng ta bắt đầu với màu sắc”, đó là lời tuyên bố nổi tiếng của Rothko vào năm 1936 lúc ông viết một cuốn sách so sánh nghệ thuật của…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…