Chủ nghĩa Sắc độ/ Tonalism (Phần3)

Trong phần cuối của loạt bài ba phần về chủ nghĩa Sắc độ, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm và tác giả tiêu biểu còn lại của trào lưu, bao gồm khung cảnh ban ngày của Twatchman, Inness hé lộ tính biểu tượng Lãng mạn, Blakelock đậm tính thử nghiệm, mô típ lặp mang tính nhịp điệu của Tryon, sự bí ẩn ngụ ngôn của Ryder, chuyển thể nhiếp ảnh của Steichen, và tính tối giản của Beckett.

  • Nó trông giống như Barbizon, vùng đất của Millet… Vùng đất này từng được con người canh tác và trồng trọt, và sau đấy được trao trả về với vòng tay của mẹ thiên nhiên. Nó chỉ đợi được vẽ lại.” – Henry Ward Ranger
  • Một bầu trời đầy mây khiến nó trở nên huyền bí và làn sương gia tăng bí ẩn. Cứ thử tượng tượng mọi thứ khơi gợi tới nhường nào…” – John Henry Twachtman

Tác phẩm và nghệ sĩ của trào lưu chủ nghĩa Sắc độ (tiếp)

1885: Arques-la-Bataille của John Henry Twachtman

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

Twachtman sử dụng những hình thức tự nhiên của cảnh sông này để tạo ra một vùng đất của sự hài hòa và cân đối, tạo ra sức mạnh cảm xúc cho phong cảnh khiêm tốn này. Những đường nằm ngang của bờ sông và đồi xám xanh mờ ảo ở phía sau gợi lên dòng chảy nhẹ nhàng của dòng suối Béthune, khi nó chảy vào sông Arques. Người xem được dẫn vào cảnh này bởi bờ đất tiền cảnh đầy lau sậy và cỏ dài tạo ra sự đối trọng là những đường thẳng dọc tự nhiên, trong khi hình ảnh phản chiếu của ngọn đồi chia con sông theo chiều ngang giữa thành những tông màu xám nhạt và đậm. Những không gian rộng lớn của những sắc thái xanh lam và xanh lục lì bệt làm phẳng không gian hình ảnh, tạo ra cảm giác gần như trừu tượng. Được vẽ bằng lớp sơn mỏng, tác phẩm này dựa vào những biến đổi sắc độ tinh tế thay vì tương phản kịch tính.

Vào năm 1884, Twachtman đang học tại Académie Julian ở Paris khi ông thuê một nhà nghỉ mùa hè ở Arques-la-Bataille (Normandy) để tập trung vẽ những cảnh ở thung lũng sông này. Từ những bản phác thảo sơ bộ và tả thực, ông đã tạo ra tác phẩm Arques-la-Bataille ở xưởng riêng tại Paris vào năm sau. Ở xa phong cảnh gốc cho phép ông tự do hơn trong việc sắp xếp và trừu tượng hoá các thành phần cá thể để tạo ra một mô tả thống nhất hơn.

Giống như nhiều họa sĩ Mỹ thời đó, những người đã học tập hoặc du hành trong các giới nghệ thuật ở châu Âu, Twachtman chịu ảnh hưởng bởi cả những tác phẩm của Whistler và những bản in mộc bản của Nhật. Những nhà phê bình của thời đại đó tuyên bố rằng, nếu như Whistler vẽ đêm, thì Twachtman vẽ ngày. Việc chuyển đổi ánh sáng thành những mặt phẳng màu sắc phẳng, được bố cục theo lưới nhưng bất đối xứng, phản ánh phong cách của những bản in Nhật mà cũng được những người theo chủ nghĩa Ấn tượng nghiên cứu. Tác phẩm của Twachtman, mặc dù tương tự về chủ đề, vẫn là một sản phẩm được thực hiện cẩn thận trong xưởng, không giống như cách vẽ lỏng nét cọ và phong thái ứng biến của những nhà Ấn tượng chủ nghĩa đương thời. Khi ông trở về Mỹ, những bức tranh Pháp này được coi là kiệt tác của ông và đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá phong cách trường phái Sắc Độ.

1887: Bình minh (Sunrise) của George Inness

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

Mặt trời đang lên trong cảnh quan mục vụ mờ ảo này, hé lộ một nhân vật đơn lẻ đi dọc theo con đường quê. Trong khoảnh khắc chuyển đổi ngắn ngủi từ đêm sang ngày, hình dạng của những cái cây xa xăm mờ vào những đám mây nơi mặt trời toả sáng được những cành không lá đóng khung. Bóng tối làm giảm độ bão hoà của màu xanh lục tiền cảnh, làm nổi bật sự cô đơn và bí ẩn của hình dáng đơn độc này. Cọ pháp mềm mại và bảng màu gồm những họ màu gần nhau của Inness làm mềm các ranh giới của từng yếu tố, tạo ra một cảnh vật đủ cụ thể để là một nơi chốn thực sự, nhưng vẫn mơ hồ và phi thời gian.

Tiềm năng biểu trưng của tác phẩm này phản ánh sự ảnh hưởng của nhà khoa học và triết gia siêu nghiệm, Emanuel Swedenborg. Được rửa tội trong nhà thờ của Swedenborg, những tác phẩm phong cảnh đoạn sau sự nghiệp của Inness cố tình tạo ra một mối quan hệ giữa thiên nhiên và tâm linh. Tận dụng những hiệu ứng cảm xúc và bầu không khí của phong cách chủ nghĩa Sắc độ, ông đã cố gắng truyền đạt “hiện thực của những điều không thể nhìn thấy.” Do đó, các tác phẩm của ông tìm cách mô tả một trạng thái chiêm nghiệm nội tâm, một cuộc gặp gỡ thân mật với thiên nhiên, và tái tạo cảm giác đó cho người xem. Khả năng chuyển màu bậc thầy và các hình dạng đơn giản, trừu tượng của ông biến đổi hình dạng con người và hai cái cây ở trung tâm thành những lính gác gần như tương đương nhau, đang chiêm ngưỡng bình minh lên.

Kh 1885: Ánh trăng (Moonlight) của Ralph Albert Blakelock

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Sheldon, Nebraska, Mỹ

Phong cảnh độc đáo này chủ yếu chịu chi phối của phần tiền cảnh gần như đen tuyền, chỉ được phá vỡ bởi vùng hồ tắm trong ánh trăng. Nhìn sang bên phải, hình dạng của một bóng cây đen đóng khung vùng sáng loang lổ trên bầu trời, nơi mặt trăng hiện lên như một quả cầu sáng nhạt. Blakelock được biết đến với chủ nghĩa Sắc độ mang tính thể nghiệm của mình, nơi ông xa rời lối tiếp cận tường thuật của những người đương thời và các bức tranh với cọ pháp mượt mà của họ. Thay chỗ những chuyển sắc điển hình từ màu xanh dương, xanh lá cây và xám trong tác phẩm này là đen đơn sắc nặng nề được chuyển đổi dưới ánh trăng màu vàng; sự tương phản màu sắc rõ ràng được kết hợp thông qua việc xen kẽ của những nét cọ gợn sóng, tạo ra một kết cấu trừu tượng.

Phong cách kiểu không hoàn thiện rõ nét làm biến dạng chủ thể của ông và gia tăng bản chất bí ẩn của chúng. Thật vậy, tâm trạng do tác phẩm gợi lên chủ yếu được thể hiện những hình thức căn bản của đất, nước và bầu trời – những gì phong cảnh được giảm thiểu xuống còn lại. Trong một quy trình tốn thời gian và mang tính thể nghiệm cao, Blakelock xây đắp bề mặt của bức tranh, sau đó mài và làm bóng bề mặt, thường sử dụng nhiều lớp sơn bóng dày. Kết cấu lông vũ có thể thấy rõ nhất trong cách ông xử lý bầu trời trong ánh trăng. Sự nhấn mạnh về bề mặt vật lý của bức tranh, kết hợp với mô tả của những hình bóng, gợi ra đồng thời cả không gian phẳng của bề mặt tranh và một không gian có chiều sâu có thể nhận ra được.

1894: Đầu xuân (Early Spring) của Dwight William Tryon

Sơn dầu trên gỗ – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

Biến đổi phong cảnh để tạo ra mô típ lắp có nhịp điệu được thấy rõ ràng trong các bức tranh trường phái Sắc độ của Tryon. Phong cảnh này, mô tả một cánh đồng màu xanh nhạt với một cái đầm lầy nhỏ ở trung tâm, được bố cục tinh tế bằng các đường ngang và dọc. Đường chân trời, sáng lên dưới ánh bình minh, được nhấn mạnh với các đường song song của ranh giới phủ cây của cánh đồng và những đám cỏ rải rác trong tầm nhìn. Dãy cây cao tạo ra một đà dọc vào bầu trời màu xám xanh nhạt, trong khi tán cây tạo ra một rặng ngang khác. Những đường song song này được dự định để hoạt động như cấu tứ của âm nhạc, một khái niệm lý thuyết độc đáo của trường phái Sắc Độ của Tryon. Tryon nói về hội họa rằng, “càng ít bắt chước thì càng nhiều khơi gợi, và do vậy càng thi vị.

Đi xa hơn nữa, mỗi hình dạng trong bức tranh này dường như hấp thụ màu sắc từ môi trường xung quanh: màu xanh của đồng cỏ nhận lấy những sắc tối của đất, ao phản chiếu ánh sáng của bình minh, cây cối hấp thụ màu vàng của bầu trời và màu lục và lam của đồng cỏ. Kết quả là, bức tranh có một sự hài hòa lan tỏa làm tăng cường tính biểu tượng của chủ đề tác phẩm: sự thức giấc của buổi sáng được phản ánh bởi một phong cảnh yên tĩnh đáng chiêm nghiệm, nhưng là một cái gì đó hòa âm với khởi đầu của niềm vui.

Ảnh hưởng của những đường dọc và ngang của Tryon có thể được thấy trong các tác phẩm đương đại của Wolf Kahn, như Xanh lục ở đáy, xanh lam ở đỉnh (Green at the Bottom, Blue at the Top) (2016), mô tả một hàng cây dương vĩ chiếm toàn bộ bức tranh từ trái sang phải. Trong phiên bản của Kahn, bảng màu trường phái Sắc độ được thay thế bởi sự tiến triển của màu xanh lá và cam rực rỡ.

Xanh lục ở đáy, xanh lam ở đỉnh của Wolf Kahn

Kh. 1895: Phong cảnh với cây và gia súc (Landscape with Trees and Cattle) của Albert Pinkerton Ryder

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian, Washington DC, Mỹ

Cảnh quan yên bình với ba con bò, đứng yên lặng trong ao nước sáng lên dưới nắng, trở nên sống động cách đóng khung hình ảnh bất thường và năng động của Ryder: những cây xoắn và quấn lấy nhau mọc lên ở bên trái, vươn lên phần trên của bức tranh để hòa quện với đám lá cây và màu sắc xoáy từ bên phải. Hiệu ứng giống như mắt bão, với một vùng trung tâm yên tĩnh được bao quanh bởi chuyển động năng động.

Cảnh quan nông thôn gợi nhớ về Rừng Fontainebleau, buổi sáng (Forest of Fontainebleau, Morning) của Théodore Rousseau (1849-1851), mô tả gia súc đang uống nước từ một ao rừng, được nắng vàng chiếu sáng. Tuy nhiên, Ryder mang đến cho sự diễn giải này cảm giác bí ẩn đặc trưng của ông. Sử dụng cảm quan màu sắc hài hòa và bầu không khí mù sương của chủ nghĩa Sắc độ, ông cũng giảm thiểu các yếu tố của cảnh và tạo ra một khung cảnh phân mảnh. Thân cây quấn quýt truyền tải một cảm giác năng lượng vũ trụ, trong khi vòng tròn trung tâm và mặt đất tan rã làm cho cảnh tượng có cảm giác như một huyễn ảo hoặc một cái nhìn vào thế giới khác. Với tính nguyên khối và đơn giản của mình, ba con bò đề xuất một cái gì đó nguyên thủy và mang tính biểu tượng. Phẩm chất tầm nhìn này phân biệt Ryder và các nghệ sĩ trường phái Sắc độ khác và tạo ảnh hưởng đến sự phát triển của chủ nghĩa Biểu tượng. Trong nhóm trường phái Sắc độ, những bức tranh vẽ khơi gợi và mang đậm tính hội hoạ của ông đã gieo bóng dài nhất vào thế kỷ 20, ảnh hưởng đến nhiều nghệ sĩ, bao gồm cả Marsden Hartley và Jackson Pollock.

1904: Toà nhà Flatiron (The Flatiron) của Edward Steichen

Gôm bichromate trên bản in bạc platinum – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

Những đặc tính của trường phái Sắc độ nhanh chóng được các nhiếp ảnh gia Như hoạ tiếp nhận, họ tạo ra các sắc thái màu và hình thức mềm mại và trừu tượng bằng cách điều chỉnh quá trình phơi sáng và in ảnh của họ. Steichen, người cũng vẽ theo phong cách trường phái Sắc độ, minh họa cho chuyển thể nhiếp ảnh này trong hình ảnh lãng mạn hoá tòa nhà Flatiron ở New York. Công trình mới xây dựng, hiện đại bằng gang đúc, được làm mềm trong bức ảnh chụp lúc hoàng hôn, đóng khung bởi những vệt đen của một cái cây trụi lá, tiền cảnh lấp lánh trong mưa, một hình thù con người mờ ảo, và đường viền của những toà nhà xa xăm. Hình khối tam giác đặc trưng của toà nhà Flatiron như một tảng đá monolith đen, từ từ nhô lên ở trung tâm của bản in.

Chịu ảnh hưởng của bố cục tranh khắc gỗ Nhật Bản, Steichen tạo ra sự tương phản giữa bức màn tinh tế của các cành cây và hình khối hình học tối thẫm của các toà nhà để mô tả thành phố như một giấc mơ thơ mộng bí ẩn. Đỉnh của toà nhà vang vọng lại hình dạng của người đàn ông ở tiền cảnh, truyền tải một cảm giác về hình thức nguyên tố lặp lại và một mối liên kết giữa ông ta và môi trường đô thị của mình.

Trong khi Steichen đã sử dụng lấy nét mềm và thời gian phơi sáng dài để đạt được hiệu ứng như hoạ, ông cũng đã chỉnh sửa bức ảnh vật lý để nâng cao thẩm mỹ này. Sử dụng các lớp gôm ả rập và kali bichromat chứa hạt màu mà ông đã thêm vào bản in platinum nguyên bản, Steichen đã thêm vào màu sắc gợi nhớ những bức Dạ khúc của Whistler. ông đã tạo ra ba bản in khác nhau của hình ảnh này, bản đầu tiên vào năm 1905 và hai bản, bao gồm bản ở hình minh hoạ, vào năm 1909. Mỗi bản là một cuộc khám phá về các giá trị màu sắc khác nhau; bản này nhấn mạnh một màu xanh lam ngả lục. Cả về hình thức và kỹ thuật, sự thành thạo của Steichen khi sử dụng ngôn ngữ trường phái Sắc độ trong nhiếp ảnh đã ảnh hưởng đến các nhiếp ảnh gia sau này như Edward Weston, Imogen Cunningham, và Ansel Adams trong cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ để thiết lập nhiếp ảnh là một hình thức mỹ thuật.

1931 Những chuyến xe qua (Passing Trams) của Clarice Beckett

Sơn dầu trên bìa – Phòng trưng bày nghệ thuật Bắc Úc, Adelaide, Úc

Hai xe điện đi qua nhau giữa một con đường thành phố tuyết phủ, được đóng khung bởi các toà nhà với các dải ánh sáng rực rỡ mờ dần vào sương mù mùa đông. Hậu cảnh đô thị được gợi lên bởi bóng một ngọn tháp ở bên trái và những bóng mờ ảo xa xăm của các cấu trúc và ánh sáng heo hắt. Beckett đã đơn giản hóa hình dạng để trừu tượng hóa thành phố, khiến nó gần như không thể nhận ra. Các xe điện trở thành hai khối lập phương mờ đục, các toà nhà chỉ là những hình dạng tam giác của bóng tối, và bầu trời là không gian trống dạng một tam giác lớn ngược lên chiếm đến hai phần ba phần trên của bức tranh. Các ngọn đèn trên các toà nhà là những vệt sơn màu cam hồng nhạt toả sáng trong một tác phẩm nếu không có chúng thì chỉ sự biến điệu của các sắc thái xám.

Giảm thiểu những toà nhà đồ sộ thành những hình khối mơ hồ, người xem được đặt vào một không gian không chắc chắn và không thân thiện. Đèn pha của hai xe điện ở trung tâm trở thành tâm điểm chú ý; chúng ta đứng trên con đường, cố nhìn cho rõ. Cảm giác bị lấn át bởi trận bão tuyết biến cảnh vật thường nhật này trở thành một khung cảnh cơ bản và cuộc đấu tranh chống lại những nguyên tố tự nhiên. Beckett mang đến cho trường phái Sắc độ một cảm quan tối giản đã khiến cho tác phẩm của bà có ảnh hưởng đến sự phát triển của chủ nghĩa Tối giản và nghệ thuật Ý niệm ở Úc.

Nguyên bản tiếng Anh do Rebecca Seiferle tổng hợp và viết, Sarah Archino hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Nhung Ý Chi dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Chủ nghĩa sắc độ Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Tonalism

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…