Chủ nghĩa Quang chiếu / Luminism (Phần 3)

Trong phần cuối của loạt ba bài về chủ nghĩa Quang chiếu, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm nổi bật của phong cách này, bao gồm cả hội hoạ và nhiếp ảnh. Các tác phẩm sẽ cho thấy rõ việc chủ nghĩa Quang chiếu miêu tả chính ánh sáng là chủ thể chính với kỹ thuật hội hoạ bậc thầy, tạo ra bầu không khí Siêu nghiệm lắng đọng và lấp lánh.

Các tác phẩm nổi bật

1837: Pittsford bên kênh Erie của George Harvey

Màu nước – Bảo tàng Nghệ thuật Fenimore, Cooperstown, New York, Mỹ

Bức Pittsford bên kênh Erie (Pittsford on the Erie Canal) là phong cảnh Quang chiếu nguyên mẫu mô tả kênh đào Erie và tập trung vào vùng nước yên tĩnh của con kênh, phản chiếu ánh sáng của bầu trời toả sáng dịu nhẹ. Trên con đường rợp bóng cây dọc kênh, một kỵ sĩ trên lưng ngựa đang điều khiển hai con ngựa nữa, trong khi ở khoảng giữa phía dưới không gian, một chiếc thuyền hiện ra ở đoạn dòng nước uốn cong được biết đến với cái tên Khúc Cua Của Vua (King’s Bend). Ngọn đồi bên phải được ánh sáng mặt trời chiếu sáng một cách tinh tế, và một số đàn vịt bơi dọc bờ kênh. Bức tranh truyền tải một cảm giác thanh bình yên tĩnh, với con kênh chiếm tiền cảnh của bức tranh và thu hút ánh mắt của khán giả về phía chân trời nằm thấp nơi ta có thể nhìn thấy thị trấn nhỏ Pittsford dưới bầu trời mùa thu, không làm xáo trộn các cấu hình tự nhiên của vùng đất.

Tác phẩm này sử dụng kỹ thuật chấm màu sáng tạo của Harvey. Ông đặt các điểm màu nhỏ liền kề nhau để tạo hiệu ứng ánh sáng, một kỹ thuật đã định hình trước cả kỹ thuật Điểm chấm của trường phái Tân Ấn tượng. Bức tranh rất chi tiết một cách tự nhiên trong cách nó mô tả những con ngựa và con thuyền cũng như các dấu hiệu về mùa như lá cây đỏ thẫm trên cây bên trái và những cây non trơ trụi ở ngọn đồi bên phải. Sự nhấn mạnh vào bầu không khí, chủ đề tập trung vào một vùng nước phản chiếu bầu trời và dường như chảy thẳng vào đó, và bố cục mở thiên về các đường con khi mô tả con kênh và đường chân trời, cùng với tỉ lệ nhỏ gần gũi của bức toan, đã khiến tác phẩm trở thành nguyên mẫu cho tranh phong cảnh Quang chiếu trong vòng hai mươi năm sau đó.

1845: Đánh bắt lươn ở Setauket của William Sidney Mount

Sơn dầu trên toan

Tác phẩm Đánh bắt lươn ở Setauket (Eel Spearing at Setauket) của Mount thường được phân loại là tranh sinh hoạt, nhưng nó chia sẻ những khía cạnh Quang chiếu mà rồi những người khác sẽ phát triển đầy đủ hơn trong thập kỷ kế tiếp. Bức tranh miêu tả một hoạt động thông thường, và cũng miêu tả mặt nước tĩnh lặng phản chiếu vùng đất nông nghiệp ở hậu cảnh và ánh sáng tực rỡ của bầu trời. Bất chấp hành động của các nhân vật, khung cảnh mang một tâm trạng yên tĩnh không bị xáo trộn thường thấy trong hầu hết các tác phẩm Quang chiếu.

William Sidney Mount đôi khi bị chỉ trích vì mang một phẩm chất tỉnh lẻ nhất định, nhưng ông đã học tại Học viện Thiết kế Quốc gia ở New York và có thể thấy rõ nhận thức của ông về truyền thống nghệ thuật châu Âu trong bố cục hình tam giác và chủ nghĩa cổ điển trang nhã trong các nhân vật. Đồng thời, tác phẩm của ông cũng được hình thành tới phong cách ngây thơ Mỹ, nhấn mạnh vào đường viền rõ ràng và các yếu tố được đơn giản hoá, như thể hiện trong tính phù điêu sắc nét của hai hình tượng con người.

1845: Những người buôn lông thú xuôi dòng Missouri của George Caleb Bingham

Sơn dầu trên toàn – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

Bức tranh Những người buôn lông thú xuôi dòng Missouri (Fur Traders Descending the Missouri) miêu tả một chiếc thuyền độc mộc chờ hai người đàn ông và một chú gấu đen nhỏ, buộc ở một đầu thuyền, khi họ đang đi xuôi dòng sông Missouri tới St. Louis. Người đàn ông lớn tuổi hơn đội mũ Phrygian, một biểu tượng tự do của Pháp đánh dấu ông là một thương nhân người Pháp, đặt hình ảnh này vào một thời kỳ lịch sử trước đó, khi phần này của quốc gia là lãnh thổ Pháp với hoạt động chính là buôn bán lông thú. Người đàn ông trẻ hơn, dựa người vào hàng hoá ở giữa thuyền, là con trai của người đàn ông lớn tuổi. Quần áo và túi thuốc đính cườm ở gần anh cho thấy anh lai Mỹ bản địa.

Mặt nước đặc biệt tĩnh lặng và phản chiếu, với các đường ngang lấp lánh mô tả các dòng nước ẩn chạy quanh một khúc cây chìm gần hết ở tiền cảnh. Ở khoảng cách trung tâm bên trái, những thân cây nhô lên khỏi mặt nước, tạo thành một đường chéo tới hòn đảo đóng khung hai người đàn ông trên thuyền. Kết quả là, các nhân vật nổi lên rõ nét, khi phong cảnh trở thành một bầu không khí hài hoà của con sông, cánh rừng mờ ảo xa xăm, và bầu trời rực rỡ, do đó tạo nên một cấu trúc Quang chiếu điển hình.

1856: Ngoài khơi đảo hoang của Fitz Henry Lane

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Brooklyn, Brookylin, New York, Mỹ.

Ở tác phẩm Ngoài khơi đảo hoang (Off Mount Desert Island), Henry Lane mô tả một vịnh nhỏ yên tĩnh dọc bờ biển Maine, tại đó có một chiếc thuyền buồn lớn đậu ở phần trung tâm rìa phải bức tranh và một con thuyền nhỏ hơn ẩn trong bóng tối, trông gần như là được thêm vào sau. Nổi bật hơn cả là cảnh hoàng hôn toả sáng trong những đám mây hồng trồi lên từ những ngọn núi trên đảo phản chiếu xuống mặt nước biển. Sự thưa thớt của khung cảnh đảm bảo hiệu ứng thống trị của bầu trời và mặt nước.

Người nghệ sĩ đã thực hiện các chuyến du ngoạn mùa hè ở khu vực này từ cuối những năm 1840, và sự rộng lớn hoang sơ của phong cảnh đã trở thành một trong những chủ đề yêu thích của ông. Giống như hầu hết các cảnh biển Maine của ông, tác phẩm này nhấn mạnh vào bầu không khí và hiệu ứng cảm xúc của bờ biển. Ngoại trừ những chiếc thuyền và một vài con chim, khung cảnh hoàn toàn trống rỗng, do đó nâng cao cơ hội được hiệp thông với thiên nhiên mà không bị điều gì khác làm phiền. Ở đây, người ta có thể nhận thấy vài cái cây chết lởm chởm ở tiền cảnh và đi xa hơn vào trong khung cảnh là hòn đảo bên cạnh. Không giống như những hoạ sĩ trường phái sông Hudson như Albert Bierstadt và Frederich Church, Lane tránh xa các hiệu ứng kịch tính, thiên về bố cục và nhịp điệu tinh tế như được thấy trong cách ba đỉnh núi trên đảo hướng ánh nhìn của người ta đến con tàu phía chân trời. Ông cũng áp dụng điểm nhìn từ trên không, nhấn mạnh vào sự chuyển màu tinh tế, rút ra từ kinh nghiệm làm tranh in của ông, mang lại cho bức tranh của ông một cảm giác trữ tình.

1859: Cảnh sông Shrewsbury, New Jersey của John Fredrick Kensett

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Zimmerli ở ĐH Rutgers, New Brunswick, New Jersey, Mỹ

Bức Cảnh sông Shrewsbury, New Jersey (View of the Shrewsbury River, New Jersey) mô tả sông Shrewsbury, nhấn mạnh vào mặt nước trải dài tĩnh lặng trên một chân trời mỏng cong nhẹ, một đường ánh sáng màu vàng hầu như chìm vào những sắc độ xanh lam tinh tế của bầu trời không mây. Một vùng đất hình thành, được bao phủ bởi những mảng thực vật nằm dọc theo con sông và những chiếc thuyền buồm nhỏ nằm rải rác gần chân trời. Một chiếc phao đánh dấu điểm gần trung tâm bức tranh bằng màu đỏ tươi của nó, tương phản với màu lam nhạt trong bảng màu đặc trưng của Kensett.

Kensett chú trọng trải nghiệm chiêm nghiệm và thơ mộng với thiên nhiên, dựa trên chủ nghĩa tĩnh lặng. Và để đạt được hiệu ứng này, ông thường tối giản hoá cảnh quan thành các yếu tố căn bản. Ông tạo ra một sự nhấn mạnh vào các nét và hình khối mang lại cho phong cảnh một cảm quan trừu tượng hơn so với những gì quen thuộc. Kensett đã có thể tạo ra một cuộc gặp gỡ thân mật với thiên nhiên, nơi sự tĩnh lặng của phong cảnh trở thành một cách để kết nối với cảm giác nội tại về không gian và sự tĩnh lạng. Chủ nghĩa tối giản tiền hiện đại của ông có ảnh hưởng sâu sắc tới Richard Tuttle, một nhà Hậu Tối giản, người đã tuyên bố rằng ánh sáng với năng lượng tự sinh của Kensett  đã ảnh hưởng tới tác phẩm của chính ông.

1868: Vùng hoang dã của Sanford Robinson Gifford

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Toledo, Toledo, Ohio, Mỹ

Trong Vùng hoang dã (The Wilderness), một ngọn núi gồ ghề nổi bật trên đường chân trời và phản chiếu, như trong một chiếc gương, xuống mặt hồ trong suốt như thuỷ tinh ở dưới. Ở phần dưới bên trái, một nhân vật duy nhất, một ngư dân, hiện ra là một bóng người nhìn nghiêng đứng trước một tảng đá lớn nhô ra. Bề mặt phản chiếu hoàn thiện của bức tranh, như một hình ảnh trên kính – không có bất cứ dấu vết nào của nét cọ, tạo hiệu ứng cực kỳ cực kỳ sắc nét, trong khi màn sương mù bao trùm không gian phía trên chân trời phủ lên ngọn núi lấp lánh ánh vàng.

Người ngư dân Gifford hăng hái đã bị thu hút bởi việc dành nguyên mùa hè để câu cá vẽ tranh, và có lẽ đã tự vẽ mình vào góc bức tranh này. Cho dù nhân vật này có đại diện cho nghệ sĩ hay không, cá thể đơn độc này cũng đang trải nghiệm một cuộc gặp gỡ mật thiết với thiên nhiên khi tìm kiếm kiến thức nội tại mà những người theo chủ nghĩa Siêu nghiệm hiểu là do ánh sáng của tự nhiên ban tặng. Gifford theo sát phong cách của Church và Cole, hơn các nhà Quang chiếu chủ nghĩa khác, trong các mô tả của mình về phong cảnh trác tuyệt mang tính chiêm nghiệm. 

1868: Cơn dông trên vịnh Narragansett của Martin Johnson Heade

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Amon Carter, Fort Worth, Texas, Mỹ

Cảnh biển trong Cơn dông trên vịnh Narragansett (Thunderstorm over Narragansett Bay) nhấn mạnh vào một cơn dông đang kéo tới, với những đám mây cuồn cuộn trên đầu làm bầu trời bên phải tối đen, được thắp sáng bởi một tia sét lởm chởm duy nhất. Bất chấp cơn dông ấy, mặt nước đen kịt, trong vắt, phẳng lặng, và một số chiếc thuyền buồn ở bên trái lẫn bên phải đều như thể đang đứng yên. Hai nhân vật nhỏ bé đi về phía bờ, khỏi một chiếc thuyền cập cảng với cánh buồm trắng đổ sụp một phần. Bức tranh tạo ra cảm giác chờ đợi trong im lặng, một khoảng dừng đáng ngại ngay trước khi cơn dông bùng phát, và ở phần tiền cảnh hẹp sáng lên dưới ánh mặt trời ở bên trái, một vật có hình dạng như cây thánh giá đã đổ xuống.

Bức tranh này với sự nhấn mạnh vào sự thay đổi nhận thức tinh tế về ánh sáng và bầu không khí với một bố cục không gian đơn giản hoá là một tác phẩm mang tính biểu tượng của chủ nghĩa Quang chiếu tới độ chín muồi. Sắp xếp theo chiều ngang của bố cục, với hai phần ba dành cho bầu trời ngập dông bão, cho kết quả là một độ phẳng tối giản. Sự nhấn mạnh của Heade vào bầu không khí dông bão đặt tác phẩm của ông tác khỏi những quang cảnh thanh bình hơn của những nhà Quang chiếu chủ nghĩa khác, mặc dù ông cũng tránh cách xử lý quá kịch tính của những người theo chủ nghĩa Lãng mạn. Khi tác phẩm này được trưng bày vào năm 1868, một nhà phê bình báo chí đã nhận thấy nó “nặng nề và ớn lạnh”, tuy nhiên, chính sự quan sát và độ phẳng không nao núng này khiến tác phẩm trở nên khác biệt. Trong tác phẩm, cây thánh giá đổ và con tàu trở lại bờ biển trước cơn bão, một phép ẩn dụ phổ biến ở thế kỷ 19 về cuộc sống của con người, mang dấu hiệu của màu sắc ngụ ngôn và bi quan. Tác phẩm của Heade có vẻ hiện đại và tiếp tục tạo ảnh hưởng đến các nghệ sĩ đương đại như Keith Jacobshagen, người có các bức phong cảnh sơn dầu trên tấm đồng thường mô tả một phần tiền cảnh được chiếu sáng mạnh dưới bầu trời tối lấp đầy bức tranh.

Khoảng 1867: Đường trâu đi của Albert Bierstadt

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Mỹ thuật, Boston, Mỹ

Trong khi Bierstadt nổi tiếng nhất với các tác phẩm khổ lớn và kịch tính về miền Tây Mỹ, rất nhiều tác phẩm của ông mang nhiều nét của phong cách Quang chiếu. Trong Đường trâu đi (The Buffalo Trail), Bierstadt vẽ phong cảnh với đường chân trời thấp làm nổi bật vùng đồng bằng rộng mở. Ánh sáng từ mặt trời, bị che khuất bởi mây, phản chiếu rực rỡ trên dòng sông mà đàn trâu đang băng qua.

Trong nỗ lực nắm bắt hình ảnh bờ Tây cho những nhà bảo trợ ở bở Đông, Bierstadt cố gắng khai thác những cảm xúc dân tộc chủ nghĩa đi kèm với ý tưởng về Vận mệnh hiển nhiên của thế kỷ 19 cho rằng nước Mỹ nên mở rộng lãnh thổ từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Người nghệ sĩ chu du về phía Tây, thực hiện các bản phác thảo và tranh vẽ mà sau đó ông sẽ sử dụng để tạo ra những bức tranh tổng hợp hoành tráng trong xưởng riêng ở New York. Như giám tuyển John Wilmerding nhận định, “Một lý do khiến chủ nghĩa Quang chiếu rất phù hợp với hội hoạ và nhiếp ảnh vì nó thực sự liên quan tới việc đo lường một khung cảnh.” Bierstadt đã cho người xem một phong cảnh thiên nhiên được đo đạt, cân đối, và hài hoà, thu hút sự chú ý vào ánh sáng trung tâm của khung cảnh – chủ đề thực sự của một bức tranh Quang chiếu.

1876: Hoa lan Cattleya và ba con chim ruồi của Martin Johnson Heade

Sơn dầu trên ván gỗ gụ – Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington DC, Mỹ

Mặc dù trên danh nghĩa, Hoa lan Cattleya và ba con chim ruồi (Cattleya Orchid and Three Hummingbirds) có nhiều điểm chung với tranh tĩnh vật, một chủ đề khác thường với hầu hết những nhà Quang chiếu chủ nghĩa. Bức tranh này mô tả cận cảnh một bông hoa lan và ba con chim ruồi được đóng khung bởi một cành cây phủ đầy rêu nhô ra trước vùng nắng mặt trời chiếu sáng những đám mây. Hai con chim bên trái là chim ruồi họng tím, trong khi con chim lớn hơn đậu trên cành là chim ruồi đuôi đỏ (hay chim ruồi Sappho), được biết đến với bộ lông đuôi rực rỡ. Nghệ sĩ sử dụng các chi tiết tự nhiên chính xác trong cách xử lý lá hoa, đường gân cánh hoa, và độ xuyên thấu của một số cánh hoa hướng về phía trên bên phải, thu hút ánh nhìn của người xem vào bầu trời mang bầu không khí tâm trạng.

Heade bắt đầu khám phá chủ đề mới này sau nhiều chuyến đi tới Nam Mỹ bắt đầu từ năm 1863, nơi ông bị thu hút bởi ảnh hưởng của người bạn Frederick Edwin Church. Heade làm việc với một chuỗi tác phẩm gọi là Những viên ngọc quý của Brazil (The Gems of Brazil), Heade kết hợp quan sát tỉ mỉ về môi trường tự nhiên, chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm của Charles Darwin, với phong cảnh của chủ nghĩa Quang chiếu để truyền tải cảm giác về cái đẹp trác tuyệt của thiên ngay trong những sinh vật nhỏ nhất của nó.

1876: Hồ Wawayanda của Jasper Francis Cropsey

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Tưởng niệm Allen, ĐH Oberlin, Oberlin, Ohio, Mỹ

Cropsey, một nhân vật ở rìa của chủ nghĩa Quang chiếu, mô tả hồ Wawayanda ở New Jersey, sử dụng các màu sắc để xử lý những tán lá mùa thu ở bờ bên trái, ánh sáng lan toả của mặt trời đang lặn, và sự phản chiếu tinh tế của mặt hồ yên tĩnh. Bức tranh được chia đôi bởi đường chân trời, tạo sự chú ý ngang nhau vào hồ và bầu trời, nhằm truyền tải cảm giác đo lường và cân bằng. Những hình dạng mềm mại của núi và chân trời, vọng lại trong những ngọn đồi ở gần hơn, kéo sự chú ý về độ toả sáng của mặt hồ và hiệu quả tổng thể mang tính thôn dã.

Cropsey bắt đầu đến thăm khu vực này vào năm 1843, và bức tranh này thể hiện phong cách Quang chiếu trưởng thành của ông, truyền tải tâm trạng thanh thản và hân hoan. Với khán giả đương thời, tâm trạng đó liên quan đến kỷ niệm 100 năm nước Mỹ, vượt qua thời kỳ nội chiến và bước vào thời kỳ mở rộng kinh tế. Đồng thời, cũng có một hoài niệm về những cảnh quan nguyên sơ của quá khứ, và theo đó, người nghệ sĩ loại bỏ bất cứ dấu hiệu nào về sự cư trú của con người và thể hiện một hồ nước chỉ có một động vật nhỏ bơi ở khoảng giữa. Do đó, quan điểm của ông mang tính Lãng mạn, quay ngược thời gian để thể hiện một quan điểm có phần lý tưởng hoá, mặc dù tác phẩm của ông có sức ảnh hưởng chủ yếu nhờ sử dụng biến đổi màu sắc tinh tế để tạo ra sự đa dạng và liên kết về sắc độ.

1867: Mũi Sừng, hồ Columbia của Carleton E. Watkins

In bạc lòng trắng trứng

Trong khi chủ nghĩa Quang chiếu thường dùng chỉ một phong cách hội hoạ, các nhiếp ảnh gia cũng bắt đầu sử dụng các yếu tố Quang chiếu trong các bức ảnh chụp thiên nhiên khi họ tăng cường việc mang máy ảnh ra khỏi xưởng. Với tác phẩm Mũi Sừng, hồ Columbia (Cape Horn, Columbia River), Watkins trình bày một khung cảnh với góc nhìn mang tính cấu trúc cao về một vịnh nhỏ trên sông Columbia. Như trong nhiều bức tranh Quang chiếu, sự hiện diện con người, nếu có, là rất nhỏ bé. Ở đây, ta thấy một người đàn ông chuẩn bị đi thuyền trên sông nhưng phần lớn bị những vách đá dựng đứng sừng sững phía trên cha bóng. Dòng sông tĩnh lặng tới đáng kinh ngạc, và bề mặt vách đá phản chiếu trên mặt sông. Người ta nhận ra rằng độ sáng của nước đến từ sự phản chiếu của bầu trời bị rửa trôi bớt sắc độ (washed-out) ở phía trên. Trong khi bức ảnh ghi lại một khoảnh khắc cụ thể ở một địa điểm cụ thể, bố cục của Watkins với sự nhấn mạnh vào khả năng phản chiếu của mặt nước đã chơi đùa với sự mơ hồ của thế giới thực và thế giới phản chiếu, đồng thời gợi ra nhu cầu chiêm ngưỡng thiên nhiên trong tĩnh lặng mà những người theo chủ nghĩa Siêu nghiệm tán thành.

Nguyên bản tiếng Anh do Rebecca Seiferle tổng hợp và viết, Valerie Hellstein hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Hương Mi Lê dịch sang tiếng Việt, hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Chủ nghĩa quang chiếu hội hoạ Hương Mi Lê Lê Hương Mi Luminism Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler, một trong những người có đóng góp lớn vào lịch sử nghệ thuật nói chung và nước Mĩ hậu chiến nói riêng, đã tiên phong khởi xưởng hội…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko, tác giả của nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt nhất thế giới, đã phát triển phong cách đặc trưng của mình vào cuối những…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Liệu Mark Rothko là một thiên tài hay là một kẻ lừa đảo? Đây là câu hỏi mà các nhà sử học nghệ thuật và những người mê nghệ thuật…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
“Chúng ta bắt đầu với màu sắc”, đó là lời tuyên bố nổi tiếng của Rothko vào năm 1936 lúc ông viết một cuốn sách so sánh nghệ thuật của…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Nói rằng “Một hoạ sĩ là một biên đạo không gian”, Barnett Newman phát minh ra cái mà ông gọi là “zip”, một dải màu chạy dọc. Và như thế,…