Chủ nghĩa Quang chiếu / Luminism (Phần 2)

Trong phần thứ hai của loạt ba bài về chủ nghĩa Quang chiếu, chúng ta tìm hiểu về điểm khởi đầu cuối cùng của trào lưu là hội hoạ phong cảnh Hà Lan thế kỷ 17; các khái niệm, phong cách, xu hướng; và phát triển hậu trào lưu.

  • Tôi đã một lần tận hưởng tự do tuyệt đối của đời nghệ sĩ phong cảnh, và tôi không thể nào quay lại với hội hoạ chân dung. Kể từ đó, định hướng nghệ thuật của tôi được xác định.” – Sanford Robinson Gifford
  • Một nghệ sĩ nên đánh mất chính mình khi vẽ thiên nhiên.” – Wiliam Sidney Mount
  • Hãy vẽ bầu không khí với tất cả các hiệu ứng của nó. Hãy vẽ bằng sự hồi tưởng những gì bạn đã thấy.” – Wiliam Sidney Mount
  • Dường như, chúng ta không đọc thơ ca của thi sĩ về mọi thứ mà là thơ ca của chính những điều ấy.” – John I. H. Baur

Chủ nghĩa Quang chiếu: Những điểm khởi đầu (tiếp)

Tranh phong cảnh Hà Lan thế kỷ 17

Các tác phẩm Quang chiếu chủ nghĩa đáng chú ý như Núi Đầu chim cú, Penobscot Bay, Maine (Owl’s Head, Penobscot, Maine) (1862) của Fritz Henry Lane và Khung cảnh sông Shrewsbury, New Jersey (View of the Shrewsbury River, New Jersey) (1859) của John Frederick Kensett đều cho thấy ảnh hưởng từ hội hoạ phong cảnh Hà Lan. Một số lượng lớn các nhà sưu tập người Mỹ đã trở thành nhà bảo trợ của các hoạ sĩ trường phái sông Hudson cũng sưu tầm tranh Hà Lan thế kỷ 17, và các tác phẩm của những người như Aelbert Jacobsz Cuyp, Aert van der Neer, Salomon van Rusdael, và Jacob van Rusydael đã được trưng bày công cộng.

Núi Đầu chim cú, Penobscot Bay, Maine của Fritz Henry Lane

Kết quả là, những người theo chủ nghĩa Quang chiếu chịu ảnh hưởng bởi chủ đề cảnh quan không khí tâm trạng của Hà Lan với các vùng nước như được thấy trong Phong cảnh sông với phà (River Landscape with Ferry) (1649) của Saloman van Rusydael, cũng như các bố cục theo chiều ngang của các nghệ sĩ Hà Lan nhấn mạnh chiều sâu không gian. Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa Quang chiếu ít coi trọng bầu trời hơn và thường nhấn mạnh vùng giữa (đất) với tầm nhìn của nó vào vùng nước.

Một trong các bức Phong cảnh sông với phà của Saloman van Rusydael

Các khái niệm, phong cách, và xu hướng của chủ nghĩa Quang chiếu

Chủ nghĩa Siêu nghiệm

Chủ nghĩa Siêu nghiệm là một trường phái triết học Mỹ được Ralph Waldo phát triển và giải thích bắt đầu từ bài luận Tự nhiên (Nature) xuất bản năm 1846. Chịu ảnh hưởng bởi thần học thuyết của chủ nghĩa Nhất thể cũng như triết học của Immanuel Kant và chủ nghĩa Lãng mạn châu Âu, chủ nghĩa Siêu nghiệm nhấn mạnh sự hiệp thông với tự nhiên như một mối liên hệ tới tri thức cao hơn hay “siêu nghiệm”, và chống lại các lực lượng suy đồi của các thể chế đối với các cá thể. Trong Tự nhiên, Emerson viết rằng linh hồn con người “không phải là một cơ quan… không phải là một năng lực, mà là ánh sáng…” Ánh sáng, như ông cảm nhận, khiến cho thế giới trở nên “trong suốt” để “ánh sáng của các luật lệ cao hơn” có thể chiếu xuyên qua nó. Emerson thành lập câu lạc bộ chủ nghĩa Siêu nghiệm vào năm 1836 tại Cambridge, Massachusetts và có nhiều nhà văn cũng như nhà tư tưởng hàng đầu thời bấy giờ tham gia.

Emerson đã trở thành một người bạn vong niên và có ảnh hưởng đối với Henry David Thoreau, người đã ghi lại cuộc sống giản dị tự lực của mình trong một căn nhà gỗ trong hai năm với cuốn Walden: Về cuộc sống trong rừng (Walden: On Life in the Woods) (1854) – cuốn sách đã trở thành văn bản nền tảng cho các phong trào môi trường và sinh thái sau này. Mặc dù không ai trong số các nhà Quang chiếu chủ nghĩa khám phá những thực hành cư trú như vậy, nhưng nhiều người trong số họ đã theo bước chân của Thoreau bằng cách sống hoặc dành các khoảng thời gian trong năm trên bờ biển Maine và bờ biển New York, nơi họ không chỉ tham gia vẽ tranh mà còn cắm trại, câu cá, và chèo thuyền. Sống không xa trung tâm thành phố, cũng giống như hồ Walden của Thoreau không xa thị trấn Concord, họ trải nghiệm thiên nhiên không phải là vùng hoang dã mà là sự phục hồi và cảm hứng.

Bìa cuốn Walden: Về cuộc sống trong rừng do em gái của Thoreau là Sophia vẽ, mô tả căn nhà gỗ đơn sơ của ông

Thông qua ảnh hưởng trực tiếp hoặc một sự đồng cảm với quan điểm của Emerson, các nhà Quang chiếu chủ nghĩa tập trung vào bản thân ánh sáng, hiệu ứng và bầu không khí nó tạo ra, vào vẽ nên những bức tranh giấu trọn vết cọ và dấu hiệu của quy trình nghệ thuật, để người xem có thể cảm thấy như Emerson viết, “đầu của tôi tắm trong không khí trong lành, và được nâng bổng vào vùng không vô tận, mọi sự vị kỷ tầm thường đều tan biến. Tôi trở thành một nhãn cầu trong suốt; tôi không là gì cả; tôi thấy mọi thứ; các dòng chảy của Bản thể Phổ quát luân chuyển trong tôi; tôi là một phần hoặc một hạt của Chúa.” Từ nền tảng triết học này, các nghệ sĩ phong cảnh thế hệ thứ hai của trường phái sông Hudson đã rời bỏ những mô tả thiên nhiên kịch tính và trác tuyệt để hướng tới một thiên nhiên tràn ngập ánh sáng thần thánh.

Một minh hoạ của Christopher Pearse Cranch (khoảng 1837) cho đoạn ‘nhãn cầu’ nổi tiếng của Emerson trong bài luận Tự nhiên

Hội hoạ cảnh sinh hoạt

Những tác phẩm Quang chiếu thời kỳ đầu như của William Sidney Mount và George Caleb Bingham kết hợp tranh sinh hoạt với các phong cảnh Quang chiếu. Cả Mount và Bingham đều là những hoạ sĩ cảnh sinh hoạt nổi tiếng, và tác phẩm nổi tiếng nhất của Bingham, Những người buôn lông thú xuôi dòng Missouri (Fur Traders Descending the Missouri) (khoảng 1845) miêu tả một cảnh sinh hoạt ở biên giới Hoa Kỳ nhưng truyền tải ánh sáng và bầu không khí Quang chiếu. Không như các hoạ sĩ Quang chiếu khác, Mount và Bingham nhấn mạnh vào hình tượng con người, sử dụng các đường viền mạnh bạo và một bảng màu rực rỡ hơn. Cách xử lý phong cảnh của họ mở đường cho chủ nghĩa Quang chiếu và các hoạ sĩ kế tiếp như Grant Wood và các hoạ sĩ cảnh quan Mỹ khác của những năm 1930.

Ngô non (Young Corn) (1931) của Grant Wood. Sơn dầu trên ván nhựa composite, bảo tàng Nghệ thuật Cedar Rapids. Grant Wood là nghệ sĩ hàng đầu của các phong trào nghệ thuật chủ nghĩa Khu vực và HIện thực xã hội Mỹ, một biểu tượng của nghệ thuật Mỹ đầu thế kỷ 20.

Tranh in và Nhiếp ảnh

Ngoài các bức tranh, nhiều nhà Quang chiếu chủ nghĩa cũng làm việc với các kỹ thuật tranh in như in thạch bản và khắc. Fritz Henry Lane nổi tiếng với cách chuyên gia in thạch bản và do đó, ông có kiến thức về sự chuyển sắc mà ông mang theo vào hội hoạ. Sự nhấn mạnh vào chuyển màu tinh tế đặt các tác phẩm của chủ nghĩa Quang chiếu riêng biệt với các hoạ sĩ trường phái sông Hudson nổi tiếng hơn như Bierstadt và Church vốn ưa chuộng độ tương phản ngoạn mục và hiệu ứng ánh sách kịch tính. Đồng thời, ở Mỹ từ những năm 1840, các bức ảnh daguerreotype được phổ biến rộng rãi và sự yêu thích với cảnh quan với mức độ rõ ràng đến tinh khiết được truyền tải dưới dạng chi tiết mô tả chính xác trong hội hoạ Quang chiếu.

Bản in Nhìn xuống thị trấn Gloucestar, Mass (khoảng 1835-36) của Fitz Hugh Lane cho thấy kỹ thuật bậc thầy của ông, với tư cách là một thợ in thạch bản, trong xử lý sắc độ và chi tiết.

Vào những năm 1840, nhiếp ảnh được gọi là “bản vẽ ánh sáng”, như nhà sử học Weston Naef giải thích, xuất phát từ ý tưởng rằng bức ảnh “được cho là vẽ hình ảnh của chính nó bằng công cụ ánh sáng“. Do sự hạn chế của công nghệ chụp ảnh vào thời điểm này, hầu hết các bức ảnh bao gồm các bức chân dung được chụp trong xưởng nơi ánh sáng có thể được kiểm soát. Chính trong thế hệ chứng kiến sự nổi lên của các họa sĩ theo trường phái Quang chiếu, các nhiếp ảnh gia như Carleton Watkins và Timothy O’Sullivan, cũng được truyền cảm hứng từ Emerson và Thoreau, đã sử dụng những tiến bộ công nghệ để đưa máy ảnh của họ ra ngoài trời nhằm ghi lại vẻ đẹp siêu nghiệm của thiên nhiên.

Tasayac, 1500m, Yosemite (1865-66) của Carleton Watkins. In bạc lòng trắng trứng

Các phát triển về sau – Hậu Quang chiếu

Chủ nghĩa Quang chiếu kết thúc vào nhưng năm 1870 nhưng đã tạo ảnh hưởng đến sự phát triển của chủ nghĩa Sắc thái (Tonalism) vào năm 1880. Chủ nghĩa Sắc thái nhấn mạnh vào bầu không khí và hiệu ứng ánh sáng nhưng ưu tiên bảng màu đậm hơn và các cảnh liên quan tới lúc chạng vạng hoặc dưới ánh trăng, như có thể thấy trong các tác phẩm của James Whistler và George Inness. Tuy nhiên, nhìn chung, các tác phẩm của trường phái sông Hudson, bao gồm các tác phẩm của những nhà Quang chiếu chủ nghĩa, không còn được ưa chuộng nữa khi các trào lưu nghệ thuật mới nổi lên vào đầu thế kỷ 20. Sự phục hưng một mối quan tâm đến chủa nghĩa Quang chiếu và trường phái sông Hudon diễn ra vào năm 1930 với hội hoạ Cảnh quan Mỹ nhấn mạnh vào các mô tả về cuộc sống nông thôn của Mỹ.

Theo sau việc định ra khái niệm chủ nghĩa Quang chiếu vào năm 1954, các cuộc triển lãm lớn và sách tiếp tục quảng bá tác phẩm, như đã thấy trong triển lãm của Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia Mỹ mang tên Ánh sáng Mỹ: Phong trào chủ nghĩa Quang chiếu 1850-75 (American Light: The Luminist Movement 1850-1875) do John Wilmerding giám tuyển năm 1980. Kết quả là những nhà Quang chiếu chủ nghĩa đã gây ảnh hưởng tới một số nghệ sĩ đương thời.

Nghệ sĩ theo trường phái Tối giản và Op Art Dan Flavin đã thừa nhận ảnh hưởng của John Frederick Kensett và Sanford Robinson Gifford. Ông nói rằng mình đồng cảm với “độ nghiêm ngặt của sự chính xác trong ghi liệu và ánh sáng trong tác phẩm của John Frederick Kensett.” Một vài người nghệ sĩ đáng chú ý vẽ từ toàn bộ truyền thống quang chiếu, như đã thấy trong tác phẩm Ánh sáng Mỹ (American Light) (1991) của nhà Hiện thực chủ nghĩa đương đại Jane Wilson, trong khi những người khác thừa nhận sự ảnh hưởng của các hoạ sĩ cụ thể – như Richard Tuttle, người theo chủ nghĩa Hậu Tối giản, người có thác phẩm lấy cảm hứng từ sự đam mê của ông với tác phẩm của Kensett.

Có thể thấy rõ ảnh hưởng của chủ nghĩa Quang chiếu trong các tác phẩm của Jane Wilson

Ian Hornik, một trong các nghệ sĩ sáng lập của chủ nghĩa Ảnh thực và chủ nghĩa Cực thực, thường trích dẫn Frederic Edwin Church và Martin Johnson Heade như những nguồn cảm hứng và ảnh hưởng liên tục, và nhà hậu hiện đại David Bierk đã tái diễn giải về mặt ý niệm các bức tranh hoa lan và chim ruồi của Heade. 

Đồng thời, một số nghệ sĩ bao gồm James Doolin, Aprile Gornik, Normal Lundin, Katherine Bowling, Keith Jacobshagen, Joan Nelson, Scott Cameron, Pauline Ziegen và Steven DaLuz, diễn giải lại chủ nghĩa Quang chiếu thành một khái niệm đương đại và thường được gọi là những nhà Tân Quang chiếu. Aprile Gornik đã nói “Tôi bắt đầu thấy rằng các nhà Quang chiếu chủ nghĩa… đã cố gắng tái tạo trải nghiệm về phong cảnh cho khán giả… Các bức tranh của họ không phải là sự miêu tả nhiều như là những cỗ máy phức tạp về hiệu ứng đặc biệt.” Các nhà đương đại đáng chú ý khác như Stephen Hannock người Mỹ và Matthew Draper người Scotland tiếp tục khám phá các tác phẩm và ảnh hưởng của các nhà Quang chiếu chủ nghĩa trong thực hành nghệ thuật của riêng họ.

(còn tiếp)

Nguyên bản tiếng Anh do Rebecca Seiferle tổng hợp và viết, Valerie Hellstein hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Hương Mi Lê dịch sang tiếng Việt, hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Chủ nghĩa quang chiếu Hương Mi Lê Lê Hương Mi Luminism Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler, một trong những người có đóng góp lớn vào lịch sử nghệ thuật nói chung và nước Mĩ hậu chiến nói riêng, đã tiên phong khởi xưởng hội…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko, tác giả của nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt nhất thế giới, đã phát triển phong cách đặc trưng của mình vào cuối những…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Liệu Mark Rothko là một thiên tài hay là một kẻ lừa đảo? Đây là câu hỏi mà các nhà sử học nghệ thuật và những người mê nghệ thuật…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
“Chúng ta bắt đầu với màu sắc”, đó là lời tuyên bố nổi tiếng của Rothko vào năm 1936 lúc ông viết một cuốn sách so sánh nghệ thuật của…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Nói rằng “Một hoạ sĩ là một biên đạo không gian”, Barnett Newman phát minh ra cái mà ông gọi là “zip”, một dải màu chạy dọc. Và như thế,…