Chủ nghĩa Khu vực Mĩ (American Regionalism) (Phần 3)

Trong phần cuối của loạt bài về chủ nghĩa Khu vực Mĩ, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu bao gồm Gothic Mĩ, Các hoạt động của thành phố với tàu điện ngầm, Đàn lợn giết một con rắn, Chuyến đi buổi đêm của Paul Revere, Giải phóng khỏi nhu cầu.

  • Tôi sẵn sàng đi xa tới mức nói rằng mình tin rằng niềm hi vọng của nghệ thuật bản địa Mĩ nằm ở sự phát triển của những trung tâm nghệ thuật vùng và cuộc cạnh tranh giữa chúng. Đó có vẻ là con đường duy nhất để xây dựng một nước Mĩ có ý thực nghệ thuật một cách trung thực.” – Grant Wood
  • Tôi có một niềm tin nội tại rằng với mọi giới hạn có thể của tâm trí tôi và những hậu quả đáng lo ngại do những quy trình của tôi gây ra, cho tất cả những vật lộn mâu thuẫn và sự thất bại mà tôi đã trải qua, tôi đã đạt tới được điều gì đó trong hình ảnh nước Mĩ và con người Mĩ của thời đại này.” – Thomas Hart Benton
  • Hội hoạ hiện đại Pháp cũng ổn thôi; nó đã tạo ra nhiều thứ đẹp đẽ và thú vị, hoàn toàn xứng đáng được tán dương, nhưng nó cũng đặt ra những thói quen phản hồi nơi những thế lực có thẩm quyền nghệ thuật mà đã hoạt động chống lại một sự tiếp cận tự do đối với những hình thức nghệ thuật khác.” – Thomas Hart Benton
  • Tôi vẽ mỗi ngày. Đôi khi tôi ghét vẽ, nhưng tôi vẫn tiếp tục vẽ, luôn nghĩ rằng trước khi kêu ca tôi sẽ thực sự học được cách vẽ – có thể là vẽ được tốt như một vài bậc hoạ sư xưa.” – Thomas Hart Benton
  • Tôi vẽ cuộc sống như cách tôi thích nó là.” – Norman Rockwell
  • Tôi vẽ cuộc đời tôi” – Andrew Wyeth

1930: Gothic Mĩ (American Gothic) của Grant Wood

Sơn dầu trên gỗ ép – Học viện nghệ thuật Chicago, Chicago, Illinois

Bức tranh mà ta lập tức có thể nhận ra này miêu tả một cặp đôi nghiêm nghị và xa cách, người đàn ông, tay phải nắm chặt cây chĩa dựng thẳng đứng, nhìn thẳng vào người xem, trong khi người phụ nữ đứng bên cạnh lại hướng mắt ra ngoài khung hình. Phía sau họ là một trang thôn theo phong cách Phục hưng Gothic của Mỹ chiếm trọn tầm nhìn. Cặp đôi có vẻ đơn giản này, sự nghiêm khắc của họ vang vọng trong chính bố cục của bức tranh, đã được sao chép và nhại lại không ngừng, do vậy trở thành một biểu tượng của văn hoá Mĩ.

Tính biểu tượng đặc trưng của American Gothic không phải ngẫu nhiên mà có, mà tái hiện mối quan tâm của Wood với những truyền thống vượt thời gian của các Bậc thầy Cổ điển. Với cấu trúc dạng lưới mở rộng từ ba cửa sổ của ngôi nhà (hai cửa sổ ở tầng một, một cái ở tầng hai) đến những đường thẳng đứng của ba đầu nhọn cây chĩa và tiếp tục xuất hiện ở cột thu lôi trên mái nhà, bức tranh tạo ra ấn tượng về sự tĩnh lặng – hay sự ngưng đọng. Tương tự, Wood kết hợp các nhân vật và phong cảnh với nhau: chiếc áo khoác màu đen của người đàn ông đóng khung những đường nét trên chiếc quần yếm, vọng lại hình dạng của cây chĩa, đồng thời hình dạng đó cũng có mặt trên hoa văn của tấm ốp bên ngoài của ngôi nhà. Những chi tiết lặp đi lặp lại như vậy xuất hiện xuyên suốt tác phẩm, như bộ váy của người phụ nữ có hoa văn giống với tấm rèm trên cửa sổ, hình dạng của những cái cây phía sau khu nhà tròn như đầu người phụ nữ. Các chi tiết được phác hoạ rõ nét kết hợp với việc miêu tả chân dung tả thực trên bối cảnh không rõ ràng đã giúp bức tranh thành công tạo ra một hình ảnh mang tính biểu tượng mà giám tuyển nghệ thuật Barbara Haskell đã nhận xét là có một “chiều kích tâm lí đầy mê hoặc” trong buổi triển lãm tại Bảo tàng Whitney năm 2018.

Mặc dù đứng ở tư thế trực diện với rất nhiều chi tiết mô tả nhưng bản thân những nhân vật này rất khó để giải mã. Người mẫu của cặp đôi là vị nha sĩ riêng và em gái Nan của hoạ sĩ – do ban đầu Wood dự định xây dựng hình ảnh là người cha và con gái. Tuy nhiên, vào thời điểm tác phẩm mới được ra mắt, hầu hết khán giả đều nghĩ họ là hai vợ chồng. Đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận về tính cách của từng đối tượng, mổ xẻ ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm khuôn mặt và trang phục. Ví dụ, người ta băn khoăn về chiếc váy lỗi thời kia, không rõ liệu Wood đang miêu tả một cảnh tượng trong quá khứ, về tính tằn tiện của một người phụ nữ trong thị trấn nhỏ hay gợi lên cảm giác cũ kĩ và làm bộ. Cảm giác mơ hồ mà tác phẩm gợi ra đã liên tục gây ra sự suy đoán, như nhà phê bình nghệ thuật Dennis Kardon thừa nhận vào năm 2018 rằng: “Dù sao thì, khi xem tranh tận mắt, người ta bị ấn tượng bởi những chi tiết, dấu hiệu và cấu trúc hình thức phức tạp làm suy yếu bất cứ cách đọc đơn giản nào”.

Được trưng bày tại cuộc triển lãm thường niên năm 1930 của Viện Nghệ thuật Chicago, bức tranh ngay lập tức đã khiến tên tuổi Wood trở nên nổi tiếng, mặc dù có xảy ra tranh cãi xem bức chân dung của Wood mang tính chân thật hay châm biếm. Gertrude Stein, nhà văn và nhà sưu tập nghệ thuật danh giá – người đã bênh vực, đấu tranh cho các tác phẩm của Picasso, Matisse, và các nghệ sĩ châu Âu hiện đại khác – đánh giá bức tranh là “một sự châm biếm tàn khốc”. Ban đầu nhiều người dân miền Trung Tây cảm thấy bị xúc phạm bởi tính chất lạc hậu mà bức tranh thể hiện, họ cho rằng nó gây ra một định kiến ​​bất lợi về người dân ở các thị trấn nhỏ. Mãi đến khi cuộc Đại suy thoái chấm dứt, bức tranh mới trở thành một biểu tượng miêu tả về vùng nông thôn của người Mĩ lao động cần mẫn. Bản thân Woods luôn giải thích rằng tác phẩm miêu tả một cách chân thành về Iowa đồng thời qua đó nhằm tôn vinh vùng đất mà ông yêu quý.

1930-31: Các hoạt động của thành phố với tàu điện ngầm (City Activities with Subway) của Thomas Hart Benton

Màu keo trứng tempera trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mĩ

Trái ngược với chủ đề nông thôn thường xuất hiện trong chủ nghĩa Khu vực, tấm này từ tác phẩm tranh tường Nước Mĩ ngày nay (America Today) tái hiện lại các khung cảnh của cuộc sống thành phố, được sắp xếp dưới dạng một chuỗi các đoạn hình ảnh giống như cắt dán ghép với nhau. Chia khung hình thành ba phần chính, Benton sắp xếp các cảnh tượng theo từng cặp đồng chủ đề một cách trực quan nhất. Ở góc trên bên trái là hình ảnh các vũ công burlesque biểu diễn trên sân khấu, đưa mắt xuống dưới một chút sẽ thấy một người đàn ông chơi violin, và phía dưới cùng là góc của một cặp đôi đang hôn nhau say đắm. Hướng lên góc trên bên phải có cảnh hai võ sĩ quyền anh đang thi đấu còn một nhóm khán giả dưới võ đài đứng cổ vũ nhiệt tình; trong khi ở phía dưới bên phải, chúng ta thấy những người đi tàu điện ngầm được miêu tả điềm tĩnh. Còn vùng trung tâm bức tranh mô tả một cuộc phục hưng tôn giáo, người phụ nữ mặc đầm hồng quỳ gối trước tấm biển “God is Love” (TD: Chúa là tình yêu) được xếp kế bên cặp đôi đang nhảy trên nền nhạc sống. Với màu sắc sống động và đường nét nhịp nhàng, các khung cảnh hoà quyện vào nhau gợi lên dòng chảy của cuộc sống thành phố trôi từ hoạt động này sang hoạt động khác, trong khi các chi tiết tả thực truyền tải sự đa dạng về môi trường đô thị. Lấy cảm hứng từ Art Deco, hình ảnh những khuôn đúc bằng nhôm có vai trò giới hạn và phân chia các cảnh với nhau, và cũng nhằm điều chỉnh nhịp điệu của hình ảnh. Hiệu ứng tổng thể, như Benton mô tả, là một biểu hiện của “ngôn ngữ của đường phố”.

Trường Nghiên cứu Xã hội Mới (The New School for Social Research) đã đặt làm tác phẩm cho phòng họp của trường, và mặc dù Benton không nhận được bất kì khoản tiền công nào, ông đã đúng khi cảm thấy dự án này có thể giúp sự nghiệp của mình phát triển. Nhìn chung, bức tranh tường đã đặt nền móng cho ý niệm của chủ nghĩa Khu vực khi Benton miêu tả quốc gia như một tập hợp đa dạng địa phận, với tám trong mười khung tranh tập trung vào các khu vực cụ thể, bao gồm Trung Tây, Tây và Nam. Ông sáng tác dựa trên những bản phác thảo của mình từ những chuyến du lịch khắp đất nước vào những năm 1920, vì vậy tác phẩm bao gồm một loạt các trải nghiệm, địa lí và lịch sử của Mĩ. Trải dài từ thành phố cho đến vùng nông thôn, bao gồm cả lao động nông nghiệp và công nghiệp, Benton cũng sử dụng các yếu tố dân trí thấp của văn hoá Mĩ, các hoạt động giải trí và thậm chí cả những khung cảnh có phần dung tục. Ông khẳng định rằng “mọi chi tiết trên từng bức tranh đều là những điều tôi đã biết và chứng kiến. Mỗi nhân vật đều là người thật trong cuộc sống hàng ngày.

Được vẽ trong những năm đầu của cuộc Đại suy thoái, bức tranh của Benton tạo ra một mô tả mang tính anh hùng về lao động, với rất nhiều nhân vật công nhân gợi nhớ đến những nhân vật cơ bắp trong tranh tường nhà nguyện Sistine của Michelangelo. Sự lí tưởng hóa lao động này được hoàn thiện bởi những mô tả tôn vinh công nghệ hiện đại, cho thấy rằng việc kết hợp giữa con người và máy móc sẽ dẫn đến tiến bộ và thịnh vượng.

Tác phẩm tranh tường tổng thể được hoàn thành dưới dạng một chuỗi các tấm toan, cho phép việc bán và di dời. Năm 1982, Trường học Mới đã bán chúng cho tập đoàn AXA đa quốc gia của Pháp – đơn vị này đã thực hiện một dự án trùng tu tác phẩm qui mô lớn và trưng bày chúng trong sảnh của họ. Năm 2012, loạt tranh được tặng cho Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, nơi đây chúng được bố trí mô phỏng lại y như tại vị trí ban đầu của chúng.

Kh. 1930: Đàn lợn giết một con rắn (Hogs Killing a Snake) của John Steuart Curry

Sơn dầu trên toan – Viện nghệ thuật Chicago, Chicago, Illinois, Mĩ 

Curry dựng nên một khung cảnh kịch tính về sự đấu tranh và hiểm nguy, tạo ra một cuộc chiến sinh tồn với một dàn động vật không ngờ tới, và không có lòng thương xót. Vài con lợn đang giao chiến với rắn chuông, nhưng chẳng ai chắc chắn bên nào sẽ giành phần thắng. Con rắn bị mắc vào bộ hàm của một con lợn và quằn quại vươn lên như sắp tấn công con lợn khác màu nâu đỏ ở trung tâm bức tranh. Các con khác lượn lờ ở vùng ngoại vi của bộ ba như những vị khán giả không rõ nét. Khung cảnh trống trải, chỉ xuất hiện duy nhất một cái cây với thân cây to dày, xoắn theo hướng chéo lên phía trên so với phần gốc. Tán lá xoè thấp một vùng bóng dày đặc, chia bố cục bức tranh theo đường chéo giúp người xem hướng sự chú ý vào cuộc tranh đấu. Hình dạng nhấp nhô và những chiếc lá rõ nét vẽ vọng lại trong cọ pháp mạnh mẽ của Curry làm bật lên sự chuyển động và cảm giác da thịt hữu hình trong những thớ cơ bắp gợn sóng của đám lợn.

Curry tạo nên cảnh tượng dựa trên kí ức thơ ấu, một sự việc có thể xảy ra ở miền Trung Tây nước Mĩ, ở đây những đàn lợn rừng rất hay lang thang trên những cánh đồng và có khả năng cao sẽ bắt gặp một con rắn chuông đồng cỏ. Hơn nữa cảnh vật còn mang tính biểu tượng tinh tế. Trên cây có một vài quả táo đỏ nhưng cũng xuất hiện một quả đơn lẻ nằm trên mặt đất ngập nắng, thêm con rắn và cây cổ thụ khiến ta liên tưởng đến Vườn Địa Đàng. Chúng ta làm nhân chứng cho một cuộc đấu tranh với tội ác nguyên thủy, nhưng trong tâm trạng đáng ngại. Không có chút hình ảnh nào về sự vô tội ở đây và cũng không có cả nhân vật chính. Bảy con lợn rất đáng sợ, trong khi đó cái cây chiếm trọn phần trên của bức tranh bằng một mảng tối, chỉ có thể nhìn thấy một dải bầu trời mây mù đầy đe dọa vắt qua. Trong số những người theo chủ nghĩa Khu vực, Curry là nghệ sĩ được biết đến nhiều nhất với sự chú trọng về sức mạnh kịch tính và cách biểu cảm. Như Grant Wood đã từng nhận xét vào năm 1941: “Ông ấy thích nhất là diễn giải hành động: cú lao xuyên không gian, tích tắc trước khi bị giết, khoảnh khắc lửng lơ trước khi cơn bão ập tới“. Thông qua ý thức đấu tranh cùng những nhân vật phản anh hùng, bức hoạ này đã phản ánh cung bậc cảm xúc mạnh mẽ của nỗi sợ hãi và tuyệt vọng trong thời kỳ Suy thoái.

1931: Chuyến đi lúc nửa đêm của Paul Revere (The Midnight Ride of Paul Revere) của Grant Wood

Sơn dầu trên Masonite – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mĩ

Bức tranh này sử dụng góc nhìn từ trên cao để kể lại câu chuyện của Paul Revere, nhà yêu nước người Mĩ, đã trở nên bất tử trong tác phẩm Chuyến đi lúc nửa đêm của Paul Revere (1863) của Henry Wadsworth Longfellow. Phía dưới bên trái bức tranh là Revere đang phi nước đại, băng qua nhà thờ có tháp chuông có thật tại Lexington Common ở Lexington, Massachusetts. Wood miêu tả về chuyến đi của Revere để cảnh báo về cuộc tấn công sắp xảy ra của quân đội Anh, nhấn mạnh vào kiến ​​trúc thuộc địa và cảnh quan hơn là hình ảnh của chính Revere.

Những ngôi nhà được chiếu sáng một cách không tự nhiên, nhìn như thể có ánh đèn sân khấu của lịch sử đang chiếu vào khung cảnh. Những ngôi nhà kì lạ nom giống như đồ chơi, những khóm cây xanh có hình khối hình học và con đường uốn lượn chạy dài từ đầu này sang đầu kia bức tranh tạo nên một khung cảnh như mơ. Hình ảnh nhỏ bé của Revere cũng có cảm giác hư cấu như vậy, con ngựa của anh ta dang rộng một cách phi luận lí theo cách mà các họa sĩ trước thế kỉ 20 thường vẽ. Đúng là thế, Wood đã mượn một con ngựa bập bênh gỗ của hàng xóm để làm mẫu, có lẽ để ám chỉ sự trớ trêu này. Mặc dù câu chuyện có thể được nhìn ra ngay lập tức nhờ những chi tiết rõ nét và chủ nghĩa hiện thực hội hoạ, nhưng nó không mang lại cảm giác hoàn toàn thực tế hay chính xác. Thay vào đó, chính sự oái oăm của tác phẩm đã khuếch đại bản chất huyền bí giống như chuyện kể dân gian trong truyền thuyết về Revere.

Tương tự như Truyện ngụ ngôn của Parson Weems (Parson Weems’ Fable) (1939), Wood đã kết hợp một cách sáng tạo kĩ thuật có tính hoàn thiện cao của các bậc thầy Phục hưng Bắc Âu với tầm nhìn đơn giản hoá và mang tính biểu tượng về truyền thuyết và hội họa dân gian của Mĩ. Trong khi ông tôn vinh những khoảnh khắc của lịch sử quốc gia, tác phẩm của ông lại có phần mơ hồ. Cuối cùng, bức tranh vẫn để ngỏ cho phần diễn giải, hoặc là một cách tái hiện dễ tiếp cận về một mốc quan trọng trong văn hóa và lịch sử Mĩ, hoặc như một cách để mỉa mai các câu chuyện hư cấu về các anh hùng quốc gia.

1943: Giải phóng khỏi nhu cầu (Freedom from Want) của Norman Rockwell

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Norman Rockwell, Stockbridge, Massachusetts 

Cũng được gọi là “Lễ Tạ ơn Mĩ”, bức tranh này là cảnh một đại gia đình tập hợp xung quanh bàn ăn tối, ai ai cũng đều đang cười, vui vẻ và tán gẫu. Được bố trí quanh vùng ngoại vi của bố cục, những khuôn mặt này giúp điều hướng thị giác người xem hướng lên phía trên, nơi một nhân vật người bà tinh tuý, khoác trên mình chiếc tạp dề hoàn hảo, đặt một con gà tây nướng trước mặt chồng mình, người chủ gia đình đầy hài lòng. Chiếc bàn trang nhã nhưng đơn giản, được bày biện bằng những đồ sành sứ và đồ bạc tốt nhất của gia đình, nhưng không hề xuất hiện các chi tiết trang trí bóng bảy hay là bằng chứng cho sở thích thượng lưu. Những đức tính giản dị của cuộc sống gia đình được thể hiện rõ ràng, cũng như lời hứa về thịnh vượng và may mắn. Như nhà sử học nghệ thuật Stephanie Plunkett đã nói: “Rockwell tự coi mình là một người kể chuyện bằng hình ảnh… sức mạnh lớn nhất của ông là khả năng nhìn thấu tâm hồn người Mĩ. Mọi người hưởng ứng tác phẩm của ông ấy bởi họ thấy được những điều tốt đẹp nhất của mình ở trong đó.

Vào thời điểm bức tranh được vẽ, lí tưởng này đang được ủng hộ rộng rãi như một phần của các nỗ lực thời chiến trong Thế chiến II. Khi các gia đình được yêu cầu cung cấp lương thực và những người thanh niên trẻ tuổi phải tham gia chiến đấu ở nước ngoài, tầm nhìn của Rockwell mang đậm tính hoài niệm và tuyên truyền. Tất cả đều có chủ đích: tấm hoạ này, cùng với Tự do ngôn luận (Freedom of Speech), Tự do tôn giáo (Freedom of Worship), Giải phóng khỏi nỗi sợ hãi (Freedom from Fear), là một phần của loạt tác phẩm thể hiện trực quan bài diễn văn về Bốn quyền tự do: Diễn văn Liên bang từ tháng 1 năm 1941 của Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Toàn bộ những tác phẩm đó được chuyển thành bản in trên trong bốn số liên tiếp vào năm 1943 trên tạp chí The Saturday Evening Post và trở nên phổ biến rộng rãi. Chúng còn được giới thiệu trong một chuyến tham quan triển lãm thành công, được tài trợ bởi tờ Post, được Bộ Tài chính Hoa Kỳ sử dụng cho việc bán trái phiếu chiến tranh. Nhờ được trưng bày trong các trường học, bưu điện và các tòa nhà công cộng khác, bốn triệu tấm áp phích của chuỗi tác phẩm đã được bán ra vào cuối Thế chiến II. Sự phổ biến của nó đã kéo dài đến cuối thế kỉ 20 với 25 triệu bản in.

Rockwell đã làm mờ đi ranh giới của hội hoạ và minh hoạ chủ nghĩa Khu vực, tạo ra những bức tranh dễ tiếp cận đại chúng nhờ việc tái bản. Điều này cho phép ông có lượng khán giả lớn hơn rất nhiều, các tác phẩm của ông đều được mua bởi khách hàng ở nhiều tầng lớp kinh tế xã hội khác nhau. Quả thật, trong số những nhà sưu tập tranh của Rockwell nổi tiếng nhất có Steven Spielberg và George Lucas, những đạo diễn phim chịu ảnh hưởng bởi khả năng “chắt lọc câu chuyện thành một khung hình” của người nghệ sĩ.

Nguyên bản tiếng Anh do Rebecca Seiferle tổng hợp và viết, Những người cộng sự của The Art Story hiệu đính. CM Ngô dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

American Regionalism Chủ nghĩa Khu vực Mĩ hội họa Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Một chút gợi nhớ, một chút bình yên trong tranh của Onyamamoto
Một chút gợi nhớ, một chút bình yên trong tranh của Onyamamoto
Là những phong cảnh đường phố bình dị, các bức tranh của Onyamamoto gợi lên sự bình yên sống động. Không tĩnh lặng nhưng cũng chẳng ồn ào, dường như…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
Khi nói về trường phái New York và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20, chúng ta không thể không nhắc tới chương trình giáo dục thiết kế…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…