Chủ nghĩa Khu vực Mĩ (American Regionalism) (Phần 2)
Trong phần thứ hai của loạt bài về chủ nghĩa Khu vực Mĩ, chúng ta tiếp tục tìm hiểu về những sự khởi đầu của trào lưu: nhà phê bình nghệ thuật Thomas Craven, hoạ sĩ Thomas Hart Benton, và cuộc Đại khủng hoảng. Sau đó, chúng ta tìm hiểu về hai thể loại tranh quan trọng đối với trào lưu này: tranh tường và tranh minh hoạ. Cuối cùng, chúng ta tìm hiểu về những phát triển hậu trào lưu và bắt đầu với tác phẩm nổi bật đầu tiên – Lễ rửa tội ở Kansas của John Steuart Curry.
Những sự khởi đầu của chủ nghĩa Khu vực Mĩ (tiếp)
Thomas Craven và Thomas Hart Benton
Trong thập niên 30, nhà phê bình nghệ thuật Thomas Craven cùng với người bạn thân thiết của mình là Benton đã trở thành những tiếng nói nổi bật và lỗi lạc nhất cho chủ nghĩa Khu vực Mỹ. Được thúc đẩy bởi sự kết hợp của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bài ngoại, Craven đã bắt đầu công khai chê bai nghệ thuật và nghệ sĩ tiền tiến châu Âu (và những người Mĩ được họ truyền cảm hứng) trong khi tung hô Benton như là “Hoạ sĩ Mĩ vĩ đại”. Cuốn sách Men of Art (Những người đàn ông của nghệ thuật) (1931) của Craven khi ấy đã trở thành cuốn sách nghệ thuật bán chạy nhất thập kỉ. Chủ trương của Craven là các hoạ sĩ châu Mĩ nên “vứt bỏ gông xiềng của châu Âu, nổi dậy chống lại những nhóm thương gia, nhà buôn nhỏ lẻ và những người lý tưởng hoá bí truyền đang kiểm soát kiểu cách và thị trường nghệ thuật Mĩ”. Tác phẩm và sức ảnh hưởng của Craven, tiếp tục được mở rộng nhờ cuốn sách Modern Art: The Men, the Movements, the Meaning (Nghệ thuật Hiện đại: Con người, Phong trào, Ý nghĩa) (1934), đã khiến cho chủ nghĩa Khu vực Mỹ trở thành một cuộc thập tự chinh mang tính đạo đức và ái quốc cứu rỗi hội hoạ Mĩ khỏi chủ nghĩa hiện đại châu Âu.
Cuộc Đại khủng hoảng và sự kiện Dust Bowl
Chủ nghĩa Khu vực Mĩ đạt đỉnh cao trong giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1935, cùng với tinh thần biến động và đổi mới đã đánh dấu cuộc Đại khủng hoảng. Bắt đầu từ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mĩ vào năm 1929 mà được gọi là “Thứ Ba đen tối”, kinh tế toàn cầu bước vào thời kì suy thoái: ngân hàng phá sản, thương mại quốc tế giảm hơn 50% và tỉ lệ thất nghiệp tăng lên 25%. Vỡ mộng với những lời hứa hẹn, đối diện với những thất bại của nền công nghiệp hiện đại và ước mơ về một thành phố lớn, nhiều người tin rằng giải pháp duy nhất đó là quay lại với vùng tâm của đất nước – cùng đạo đức, sự lao động chân chính và lối sống giản dị vốn được cho là gắn với nó. Hội hoạ Chủ nghĩa Khu vực Mĩ đã liên kết cảm giác hi vọng và hoài niệm ấy với việc loại bỏ sự nguỵ tạo đô thị và chủ nghĩa tinh hoa quốc tế.
Để chiến đấu với biến động kinh tế của cuộc Đại khủng hoảng, Franklin Delano Roosevelt đã mở ra một loạt các chương trình liên bang vào thập niên 1930 nhằm tạo công việc cho những người thất nghiệp và các chương trình xã hội giúp đỡ những người chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng. Cơ quan Quản lý Tiến độ Công việc (The Works Progress Administration), thành lập vào năm 1935, đã cung ứng việc làm cho các hoạ sĩ trong các dự án công tại các thị trấn trên khắp nước Mĩ. Các hoạ sĩ vẽ tranh tường cho các bưu điện, bệnh viện, ga tàu điện ngầm, tòa nhà chính phủ của các bang quốc gia và trường học. Những bức tranh tường mà Grant Wood làm cho trường trung học cơ sở Callahan ở Des Moines, Iowa và Đại học Bang Iowa đều được tài trợ bởi WPA. WPA cũng tuyển dụng khá nhiều người theo đuổi chủ nghĩa Khu vực Mĩ với tác phẩm mang tính dân tuý, tượng hình được hội đồng tuyển chọn ưa chuộng và cho là phù hợp với các địa điểm công cộng. Như lời của tổng thống Roosevelt, các công dân “đã nhận ra trong những năm gần đây rằng họ cũng là một phần của nghệ thuật. Họ tìm thấy chính thị trấn của mình trong những bức tranh do con cái và hàng xóm của họ vẽ”.
Trong giai đoạn này, có một trào lưu khác trong nền nghệ thuật Mĩ cũng đang dần nổi lên là chủ nghĩa Hiện thực Xã hội. Những nghệ sĩ như Ben Shahn, hay còn được công chúng gọi là “những người theo chủ nghĩa hiện thực đô thị”, tập trung chủ yếu vào mô tả môi trường sống tại thành thị một cách tả thực nhưng trong tác phẩm lại thể hiện niềm quan tâm đến các vấn đề chính trị nhiều hơn. Vì cả chủ nghĩa Khu vực Mĩ lẫn chủ nghĩa Hiện thực Xã hội đều chú tâm vào miêu tả chân thực về cuộc sống thường ngày, gọi chung là Hội hoạ Sinh cảnh Mĩ (American Scene Painting). Và thật vậy, dù cả hai trường phái đều có một số điểm tương đồng trong phong cách và chủ đề, nhưng chủ nghĩa Khu vực Mĩ có xu hướng nhấn mạnh hơn vào các chủ đề hoài cổ hoặc những phong cảnh cuộc sống nông thôn trong khi chủ nghĩa Hiện thực Xã hội lại muốn làm sáng tỏ những bất công, thiệt thòi mà dân nghèo phải chịu đựng trong xã hội hiện đại.
Chủ nghĩa Khu vực Mĩ: Những khái niệm, phong cách và xu hướng
Tranh tường
Benton là một trong những người tiên phong cho thể loại tranh tường theo chủ nghĩa Khu vực Mĩ, mặc dù các tác phẩm của ông được các tổ chức có danh tiếng đặt hàng độc lập, theo gương Trường học Mới ở New York. Sự thành công của bộ tranh tường Nước Mĩ ngày nay (American Today) (1930-31) dẫn tới các dự án mới, trong đó có bức Nghệ thuật cuộc sống ở Mĩ (Arts Of Life In America) (1932) vẽ cho thư viện của bảo tàng Nghệ thuật Mĩ Whitney và bức Sự phát triển văn hoá và công nghiệp của Indiana (The Cultural and Industrial Progress of Indiana) (1933) cho Triển lãm Thế kỉ về sự tiến bộ ở Chicago (Chicago Century of Progress Exposition). Curry là người đầu tiên trong hàng loạt người theo chủ nghĩa Khu vực Mĩ có các dự án được WPA tài trợ, ông đã vẽ hai tác phẩm cho Bộ Tư Pháp Mĩ là Sự dịch chuyển của cư dân về phía Tây (Movement of the Population Westward) (1937) và Sự đối đầu giữa luật pháp và luật rừng (Law Versus Mob Rule) (1937).
Tranh cãi về nghệ thuật công cộng là chuyện thường xuyên xảy ra; ví dụ như việc Benton đã miêu tả một cuộc tập trung của nhóm KKK trong bức Sự phát triển Văn hoá và Công nghiệp của Indiana đã gây ra nhiều chỉ trích dữ dội, tranh tường Mở đầu bi kịch (Tragic Prelude) (1938-1940) mà Curry vẽ cho Tòa nhà Quốc hội Bang Kansas cũng đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của công chúng vì miêu tả một người theo chủ nghĩa bãi nô tên là John Brown và chỉ được hoàn thành sau khi có sắc lệnh của chính phủ.
Tranh minh hoạ
Phong cách của Chủ nghĩa Khu vực rất thích hợp để vẽ minh hoạ trên các tạp chí nổi tiếng hàng đầu và các ấn bản sách đặc biệt. Những tác phẩm của Norman Rockwell cho The Saturday Evening Post (Nhật báo tối thứ bảy) nổi tiếng nhất thuộc thể loại này; tranh của ông được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1916 và trong các thập kỉ tiếp theo ông vẽ tổng cộng 323 tranh bìa cho tờ tạp chí. Tác phẩm của Rockwell gây chú ý nhờ khả năng kể chuyện tài tình và sự cá nhân hoá các nhân vật mang đặc trưng riêng, thường được miêu tả với nét hài hước; tờ Post đã viết rằng Rockwell không đi tìm kiếm sự “hoàn hảo” mà ông đi tìm những gương mặt và nhân vật chân thực. Trước khi chủ nghĩa Khu vực Mĩ được công nhận là một phong trào chính thức, tác phẩm của Rockwell đã phản ánh được tính thẩm mĩ và đề tài, cũng như đặt nền móng cho sự phổ biến của trào lưu.
Từ năm 1921 đến năm 1926, Curry chủ yếu làm việc cho hai tờ tạp chí The Saturday Evening Post và Boy’s Life (Cuộc sống nam giới) với cương vị là hoạ sĩ vẽ minh hoạ. Sau này, ông cống hiến hết mình cho hội hoạ, nhưng tác phẩm hội hoạ của ông vẫn tiếp tục dựa trên các phương pháp bố cục học được từ minh hoạ để tạo ra tác động cảm xúc. Trong những năm 1930, Benton góp phần hoàn thiện phiên bản đặc biệt cho ba cuốn sách của Mark Twain; biên tập viên Joan Stack đã nhận xét Benton “trân trọng Twain như một tâm hồn đồng điệu, một người cũng được truyền cảm hứng bởi vùng đất và con người ở Missouri nhiều như chính ông”. Năm 1937, Wood vẽ minh hoạ cho cuốn tiểu thuyết mang tên Main Street (Phố chính) (1920) của Sinclair Lewis, nhà văn Mĩ đầu tiên đạt Giải Nobel. Cuốn sách viết về cuộc sống thực tế đầy nghiệt ngã ở thị trấn nhỏ thuộc miền Trung Tây.
Những phát triển sau này – Hậu Chủ nghĩa Khu vực Mĩ
Giữa thập niên 30, khi chủ nghĩa phát xít dần trỗi dậy tại Đức và Tây Ban Nha, và nền hoà bình bị đe doạ, bản chất chống Do Thái trong việc thúc đẩy chủ nghĩa Khu vực Mĩ mang tính bài ngoại của Craven gây ra chỉ trích rằng phong trào này là phản động và cổ hủ. Những công kích nhắm đến những người tiền tiến châu Âu của ông đã liên kết chủ nghĩa hiện đại với ảnh hưởng của người Do Thái, như thể hiện qua cách Craven mô tả Alfred Stieglitz – người đã thúc đẩy tiền tiến châu Âu tại Mĩ – là “một người Do Thái đến từ Hoboken không có một chút kiến thức nào, hay bất cứ bận tâm nào, đến bối cảnh lịch sử của nước Mĩ”. Đến năm 1935, Wood đã viết bài luận Revolt Against the City (Cuộc nổi dậy chống lại thành phố) để bênh vực chủ nghĩa Khu vực Mĩ khỏi những cáo buộc này; ông lập luận rằng việc hướng tới nước Mĩ và nguồn gốc nông nghiệp của quốc gia là nguyên nhân dẫn đến lối nghệ thuật độc lập cũng như sự phát triển phong cách cá nhân của ông, chứ không phải do bác bỏ các phong trào và lí thuyết nghệ thuật khác lớn hơn.
Vào năm tiếp theo, nhà phê bình nghệ thuật Meyer Schapiro viết bài luận Race, Nationality, and Art (Chủng tộc, Dân tộc và Nghệ thuật) (1936) để lên án các nhà phê bình chống Do Thái, nhất là Craven, khi chủ nghĩa Khu vực Mĩ ngày càng gắn liền với chủ nghĩa dân tộc cực đoan và sự cuồng tín nhỏ nhen. Bên cạnh đó, khi các chính phủ toàn trị ở châu Âu và Nga công kích chủ nghĩa hiện đại là suy đồi và đề cao những phong cách hội hoạ tả thực (đặc biệt là các chủ đề liên quan đến nông nghiệp), danh tiếng của tranh tượng hình vì vậy cũng hoen ố. Khi cuốn sách nổi tiếng Avant-Garde and Kitsch (TD: Tiền tiến và sáo rỗng) của Clement Greenberg xuất bản năm 1939, biện hộ cho nghệ thuật tiền tiến và định nghĩa chủ nghĩa hiện thực là dễ bị làm cho hủ bại thành tuyên truyền và sáo rỗng, được cho là “một sự mô phỏng hèn hạ của văn hoá đích thực” – chủ nghĩa khu vực Mĩ chính thức bị loại bỏ. Người ta cho rằng Jackson Pollock, một nhà Biểu hiện trừu tượng hàng đầu, khi ấy cũng là một trong những học sinh của Thomas Hart Benton – cuộc nổi dậy của Pollock do vậy lại càng khó có thể toàn vẹn hơn được nữa.
Sau cái chết sớm và đột ngột của Grant Wood vào năm 1942 và John Steuart Curry vào năm 1946, chủ nghĩa Khu vực Mĩ như là một phong trào đã kết thúc. Thế giới nghệ thuật rộng lớn hơn dần dịch chuyển khỏi các phong cách tường thuật và tả thực, mặc dù vẫn còn những hoạ sĩ như Andrew Wyeth and Norman Rockwell tiếp tục tạo ra các tác phẩm tượng hình vào thập niên 70, nhưng họ lại không được coi là một phần của trào lưu chủ nghĩa Khu vực Mĩ.
Bất chấp việc chủ nghĩa Khu vực Mĩ đã bị thất sủng nhanh chóng, nó vẫn còn sức ảnh hưởng đến nhiều nghệ sĩ sau này, bao gồm Elizabeth Catlett, George Tooker và Harry Hickey, những người đã noi gương Grant Wood. Các tác phẩm của Wyeth được cho là quan trọng đối với hoạ sĩ Peter Doig và nhiếp ảnh gia James Welling, trong khi Tansey và John Currin lại tham khảo tranh của Norman Rockwell. Tuy nhiên, nhìn chung, chủ nghĩa Khu vực Mĩ không còn được ưa chuộng nữa dù cho nhiều tác phẩm của trào lưu này đã trở thành những biểu tượng văn hoá đại chúng: bức tranh Gothic Mĩ (American Gothic) của Wood và bức Giải phóng khỏi nhu cầu (Freedom from Want) của Rockwell đã được sử dụng rộng rãi trên các chiến dịch quảng cáo, được lên sóng truyền hình, phim ảnh và thậm chí góp mặt trong những nội dung biếm hoạ.
Từ thập kỉ 90 trở đã chứng kiến một sự quan tâm trở lại đối với các hoạ sĩ chủ nghĩa Khu vực Mỹ; đáng chú ý là cuộc triển lãm Grant Wood vào năm 2018 tại Bảo tàng Nghệ thuật Whitney ở New York, sự kiện này đã khiến mọi người nhìn nhận và đánh giá lại các tác phẩm của Grant Wood.
Những tác phẩm nổi bật
1926: Lễ rửa tội ở Kansas (Baptism in Kansas) của John Steuart Curry
Trong một lễ rửa tội ngâm mình toàn thân, vị thuyết giáo đứng trong một cái thùng lớn bằng gỗ, nắm chặt vai một thiếu nữ mặc đồ trắng và đang chuẩn bị nhấn cô xuống nước. Phía bên trái, dân chúng đứng tham dự khoác trên mình bộ trang phục đẹp nhất vào ngày Chủ nhật, và một người đàn ông đang đọc sách cầu nguyện. Còn phía bên phải là nhóm phụ nữ mặc đồ trắng đứng nghiêm trang trong lúc chờ đến lượt mình được làm lễ rửa tội.
Cảnh tượng này gây được sự chú ý mạnh mẽ nhờ những chi tiết chân thực: một chiếc ô tô đậu ở góc trái, những con chó trang trại phía xa bên phải, dòng xe ngựa kéo lấp ló đằng sau đám đông, phía sau nhà kho màu đỏ là hầm chứa hạt và cối xay gió, gần đó là ngôi nhà trang trại hai tầng sơn màu xanh lam. Tác phẩm của Curry cân bằng giữa phong cách chi tiết và thẳng thắn dường như tường thuật lại các sự kiện – với những mức độ diễn giải mang tính ẩn dụ và ngụ ngôn lớn hơn. Việc nhấn mạnh vào các sự kiện hiển hiện làm lu mờ những tia sáng biểu tượng đóng khung hai con chim, một con màu trắng (gợi ra hình ảnh Thánh Linh được cho là sẽ giáng xuống những người được rửa tội) và con kia màu tối (đại diện cho tội lỗi bị gột rửa trong buổi lễ).
Khi bức tranh được trưng bày vào năm 1928 tại Phòng trưng bày Corcoran ở Washington, D.C., báo New York Times đã lên tiếng ca ngợi tác phẩm và khiến Curry trở thành một hoạ sĩ lớn. Sự yêu thích đến từ thủ đô dường như trái ngược lại với thái độ của những người được coi như là khán giả thực thụ của chủ nghĩa Khu vực. Thật vậy, trong khi tác phẩm gắn liền về mặt đề tài và hình ảnh với quê hương Kansas của người nghệ sĩ, nó rất ít được người dân nơi đây đón nhận bởi họ cảm thấy bị miêu tả một cách rập khuôn là “những kẻ ngộ Kinh thánh”. Thay vào đó, những cư dân miền Đông và New York là nhóm người yêu thích tranh của Curry nhất, họ thấy được trong đó một cái nhìn mới mẻ và đôi khi gây sửng sốt về cuộc sống của người Mĩ. Đối với những người ngoài cuộc này, sức hấp dẫn đó đến từ một hình ảnh chân thực của nước Mỹ, xa lạ nhưng đầy hoài niệm. Như nghệ sĩ Harry Wickey đã viết, “Người ta tin rằng câu chuyện mà Curry (đã) vẽ đã thực sự xảy ra. Với tôi, điều này đã đáp ứng được niềm hi vọng và lời tiên tri của Walt Whitman về một nền nghệ thuật bản địa thực sự vĩ đại phát triển từ cuộc sống của người Mĩ.“
Nguyên bản tiếng Anh do Rebecca Seiferle tổng hợp và viết, Những người cộng sự của The Art Story hiệu đính. CM Ngô dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại
- 2. Art Nouveau (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 3. Art Nouveau (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 4. Art Nouveau (Phần 3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật
- 5. Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
- 6. Gustav Klimt (Phần 2) - Tiểu sử và thành tựu
- 7. Gustav Klimt (Phần 3) - Các tác phẩm nổi bật
- 8. Arts & Crafts (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 9. Arts & Crafts (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 10. Arts & Crafts (3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật