Caspar David Friedrich (Phần 2): Các tác phẩm nổi bật

Trong phần thứ hai và cũng là phần cuối của loạt bài về Caspar David Friedrich, chúng ta tìm hiểu những tác phẩm nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của ông, sắp xếp theo trình tự thời gian. Những bức tranh của ông đều giàu tính biểu tượng, bộc lộ xuất sắc cái trác tuyệt và thần tính của tự nhiên. Đồng thời cũng ẩn chứa rải rác trong đó cả những quan điểm mang tính chính trị với thể chế nước Đức đương thời, lẫn những tự sự và suy nghĩ về cuộc đời cá nhân người nghệ sĩ nói riêng cũng như thân phận con người nói chung. Bao trùm suốt sự nghiệp của Friedrich là sự đơn độc không ngừng sâu thêm, tính khiêm nhường, sự nhẫn nại, thái độ kính cẩn, nhưng cũng tuyệt đối kiên quyết với chính mình, đầy lòng yêu thương con người và say mê lao động nghệ thuật.

  • “Tôi phải đầu hàng trước những gì bao quanh mình, tôi phải nhập làm một với những đám mây và đá tảng của tôi để được là mình. Tôi cần sự đơn độc để có thể giao tiếp với thiên nhiên.”
  • “Nghệ thuật phải xuất phát từ nội tại của một người và phụ thuộc vào giá trị đạo đức, tinh thần của anh ta.”
  • “Có thể là vinh dự tuyệt vời khi có một đám đông lớn ở cạnh mình. Nhưng chắc chắn vinh dự còn lớn hơn nữa khi có một đám đông nhỏ và được chọn lựa ở bên ta.”
  • “Hoạ sĩ không nên chỉ vẽ từ những gì ở trước mặt anh ta, mà còn từ những gì anh ta nhìn thấy ở phía trong mình. Nếu anh ta không nhìn thấy gì ở bên trong, anh ta không nên vẽ những gì anh ta nhìn thấy trước mặt.”
  • “Hãy nhắm đôi mắt trần của mình lại, và anh có thể nhìn thấy bức tranh của anh bằng con mắt tinh thần. Rồi hãy mang ra ánh sáng những gì anh đã nhìn thấy trong bóng tối, khi đó nó có thể tác động theo chiều ngược lại, từ cái bên ngoài vào cái bên trong.”
  • “Tôi cần phải ở một mình để thưởng ngoạn và cảm nhận tự nhiên được trọn vẹn.”

1807 – 08: Thập tự giá trên đỉnh núi

Tranh sơn dầu – Bộ sưu tập của Gemaldegalerie Neue Meister, Dresden, Đức

Thường được nhắc đến như là Bàn thờ ở Tetschen (The Testchen Altar), Thập tự giá trên đỉnh núi (The Cross in the Mountains) của Friedrich phác họa một đỉnh núi được phủ bởi những cây thông, nằm trên đó là một cây thánh giá lớn. Bầu trời đầy mây được mô tả bằng các sắc độ đỏ, hồng và tím nhạt dần từ trên xuống dưới của bức tranh. Năm chùm ánh sáng tỏa ra từ một đường chân trời xa xăm nằm ẩn.

Bức tranh đặt trong một chiếc khung cầu kỳ, được thiết kế bởi nghệ sĩ nhưng được chạm khắc bởi người bạn của ông, Gottlieb Christian Kuhn. Khung hình có một loạt các biểu tượng Kitô giáo, bao gồm đầu của năm thiên thần nhỏ, một ngôi sao, nho và dây leo, ngô, và con mắt của Chúa.

Là một trong những bức tranh đầu tiên của Friedrich, bức tranh này là hiện thân của nhiều mô-típ và chủ đề Lãng mạn mà ông sẽ đề cập trong suốt sự nghiệp của mình, đáng chú ý nhất là tính biểu tượng quan trọng của bản thân phong cảnh. Thật vậy, mặc dù bức tranh thờ có bao gồm một cây thánh giá, bản chất tâm linh của tự nhiên mới là thứ được nhấn mạnh.

Friedrich mô tả tác phẩm của mình: “Trên đỉnh cao là cây thánh giá, được bao quanh bởi những cây linh sam mãi xanh và những cây thường xuân mãi xanh vây quanh chân cây thánh giá. Mặt trời rực rỡ đang lặn xuống, và Đấng Cứu Thế trên thập tự giá tỏa sáng trong ánh hoàng hôn đỏ rực… Thập tự giá đứng trên một tảng đá, vững chắc không gì lay chuyển được như đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê-su. Những cây linh sam vươn lên xung quanh thập tự giá, luôn xanh tươi và vĩnh cửu, như niềm hy vọng của loài người vào Ngài, Đấng Christ chịu đóng đinh.” Đây là một sự tái hiện mang tính đột phá về thể loại tranh phong cảnh, trao cho nó một tầm ý nghĩa tiềm năng mới. Nó phản ánh niềm tin của Friedrich rằng thần tính của Chúa có thể được tìm thấy rõ ràng nhất trong tự nhiên.

Dù Friedrich rất sùng đạo, mong muốn vẽ ra một hình ảnh có thể thể hiện quyền năng của Chúa đầy đủ hơn là khả năng của ngôn từ, cách tiếp cận của ông đã gây nhiều tranh cãi. Khi nghệ sĩ mở xưởng vẽ của mình cho công chúng vào năm 1808, cho phép họ ngắm tác phẩm này, nhà phê bình nghệ thuật thế kỷ 19 Wilhelm von Ramdohr lập luận rằng phong cảnh không thể hoạt động như một bức tranh thờ. Friedrich và những người ủng hộ ông đã công khai bảo vệ bức tranh và kết quả là cuộc tranh luận đã giúp xây dựng danh tiếng của Friedrich.

1808: Sương sớm trên đỉnh núi

Tranh sơn dầu – Bộ sưu tập của Thuringer Landesmuseum Heidecksburg, Rudolstadt, Đức

Bức tranh đơn giản về một đỉnh núi nhuốm mình trong màn khói trắng của sương sớm bình minh, được bao quanh bởi những cây thông như thấy như không và những mỏm đá nhô cao thể hiện lý tưởng của Friedrich về phong cảnh Lãng mạn. Cái nhìn từ xa, đầy hùng vĩ của thiên nhiên hoành tráng này ngụ ý mối liên kết với một quyền năng cao hơn, đặc biệt về quy mô và cách sử dụng ánh sáng của nó. Ở đây, một đám mây đứt quãng cho phép ánh sáng xuyên qua, như thể đang chiếu sáng đỉnh núi bằng một thứ ánh sáng thần thánh.

Để đạt được thông điệp tôn giáo này, việc khắc họa màn sương là một biểu tượng quan trọng đối với nghệ sĩ. Như ông giải thích: “Khi một cảnh quan bị bao phủ bởi sương mù, trông nó có vẻ lớn hơn, tuyệt vời hơn, tăng cường sức mạnh của trí tưởng tượng và kích thích sự mong đợi, chẳng khác gì một người phụ nữ đeo mạng che mặt. Con mắt và trí tưởng tượng cảm thấy mình bị thu hút bởi khoảng cách mơ hồ hơn là khoảng cách gần và xa trước mặt chúng ta.” Đặt chúng ta trước không gian rộng lớn dường như không có tiền cảnh này, ông muốn để người xem đắm chìm vào trải nghiệm của thế giới tự nhiên; một trường đoạn kịch tính mà ông cảm thấy được thể hiện một cách gần gũi nhất vẻ đẹp và quyền năng của Đức Chúa Trời. Cách tiếp cận này đã tạo ra khả năng mới cho hội họa tôn giáo, không dựa trên biểu tượng trực diện của Cơ đốc giáo, mà là sự tiếp xúc trực tiếp với sự tuyệt vời ngoài tầm kiểm soát của con người.

1808 – 10: Nhà sư bên bờ biển

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập của Nationalgalerie, Staatliche Museen zu Berlin, Berlin, Đức

Được cho là một trong những tác phẩm quan trọng và nổi tiếng nhất của Friedrich trong các tác phẩm của ông, bức tranh Nhà sư bên bờ biển (The Monk by the Sea) đã đưa tên tuổi của nghệ sĩ lên tầm quốc tế khi nó được trưng bày cùng với Tu viện trong rừng sồi (The Abbey in the Oak Woods) (1808 – 10) tại một cuộc triển lãm nghệ thuật năm 1810 ở Berlin.

Bao trùm ba phần tư trên cùng của bức tranh là một khung cảnh trống trải rộng lớn, với bầu trời xanh dương xám và biển màu xanh lá. Tiền cảnh là vùng đất màu be không bằng phẳng, nơi mà ở ngay bên trái của trung tâm là một người đàn ông đang đứng. Mặc dù anh ta quay lưng lại với phía người xem, nhưng người ta có thể nhận ra anh ta bằng chiếc áo choàng dài, sẫm màu của một nhà sư. Toan phủ đầy mảng màu lớn, được chấm phá bởi những nét vẽ nhỏ màu trắng để biểu thị một vài ngọn sóng và những chú chim trên trời. Đây là một kiệt tác của chủ nghĩa tối giản và hạn chế hình ảnh, trong khi vẫn gợi cảm giác sửng sốt, ngạc nhiên và khiêm tốn.

Việc cặp tranh này được đón nhận tích cực đã góp phần giúp Friedrich được bầu làm thành viên của Học viện Berlin và thu hút sự yêu mến của Hoàng tử Friedrich Wilhelm Ludwig của Phổ, người đã mua hai bức tranh trưng bày cho bộ sưu tập hoàng gia; một danh dự đầy thanh thế. Tuy nhiên, ngoài những tán dương, công trình này thể hiện tinh thần thử nghiệm của Friedrich. Cách tiếp cận truyền thống đối với tranh phong cảnh đã không còn. Nhìn lướt qua, cấu trúc bố cục có vẻ không đồng đều và thiếu tiêu điểm phối cảnh. Thay vì minh họa lại một khung cảnh, Friedrich đã tạo cơ hội cho người xem trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc, chỉ được gợi ra bởi họa sĩ. Nếu ông đưa thêm chi tiết vào, người xem chắc sẽ bị cuốn vào việc tạo ra một lời kể hoặc một câu chuyện, nhưng với mức cùng lắm là tối thiểu này, chúng ta cảm nhận chỉ với thông tin đầy cảm tính.

Cách tạo cảnh quan mới này củng cố ý tưởng rằng người xem nên chiêm ngưỡng sự trác tuyệt của thế giới tự nhiên và suy ngẫm nó như một biểu hiện của tâm linh. Tiềm năng thể hiện ý nghĩa sâu sắc trong một lối vẽ thưa thớt, không mang tính tường thuật này rồi sẽ rất quan trọng đối với chủ nghĩa trừu tượng hiện đại. Đặc biệt, bức tranh này liên quan tới những bức tranh thuộc Trường màu sắc sau Thế chiến II của Mark Rothko, cũng nhằm mục đích trau dồi trải nghiệm tâm linh tinh thần cho người xem.

Trong khi Friedrich thường vẽ phong cảnh mà không có sự hiện diện của con người, bức tranh này thể hiện cách tiếp cận thứ hai của ông trong việc truyền tải ý nghĩa sâu sắc hơn và kết nối với người xem vào bức tranh phong cảnh: cách dùng một đại diện hoặc một thế thân. Hình tượng đơn độc quay lưng và hòa vào cảnh quan, được gọi là “Ruckenfigur“, là một trong những cách thể hiện chủ yếu của chủ nghĩa Lãng mạn Đức, phân biệt nó với chủ nghĩa Lãng mạn Pháp và Anh.

Mặc dù trên bình diện quốc tế, chủ nghĩa Lãng mạn chủ yếu tập trung vào mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên, các họa sĩ Anh có xu hướng nhấn mạnh những phong cảnh hoài cổ hoặc phong cảnh cổ kính hơn, trong khi các họa sĩ Pháp thường gợi về khát vọng chinh phục thiên nhiên của con người; cách tiếp cận của người Đức lại khắc họa nỗ lực của con người trong việc hiểu thiên nhiên và nói rộng ra là thần thánh. Sự ưa chuộng về kết nối cảm xúc giữa người xem và hình ảnh này đã thay thế các phương pháp tiếp cận theo nghĩa đen hoặc mang tính minh họa hơn, được thể hiện bằng phong cảnh đầy tâm trạng của Friedrich, thường đẩy người xem vào thiên nhiên hoang dã.

1808 – 10: Tu viện trong rừng sồi

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập của Nationalgalerie, Staatliche Museen zu Berlin, Berlin, Đức

Một nghiên cứu về màu sắc tinh tế, được thể hiện bằng các sắc thái nhẹ nhàng của nâu, vàng và trắng, bức tranh này mô tả những tàn tích đổ nát của một tu viện mang phong cách Gothic nằm giữa một cánh đồng cằn cỗi với những cái cây không lá. Đường nét của các dấu chữ thập và bia mộ nằm rải rác xung quanh bức tường còn lại của lối vào tu viện với cửa sổ mỏng cao của nó. Có thể nhìn thấy dáng hình xơ xác của một vài nhà sư sắp đi qua phần còn lại của nơi từng là lối vào nhà thờ, có lẽ đang hành hương để khóc thương những người đã khuất.

Friedrich thường đưa những dấu vết của kiến ​​trúc Gothic, ở đây dưới dạng tàn tích tu viện, vào trong các tác phẩm của mình. Điều này phản ánh niềm tự hào dân tộc về các di tích của Gothic Đức trong quá khứ, những thứ đặc biệt có ý nghĩa trong những năm Napoléon chiếm đóng. Gothic cũng là một thời kỳ đã thấm nhuần ý nghĩa tinh thần vào một loạt các sản phẩm nghệ thuật. Những người theo chủ nghĩa Biểu hiện của Đức ở thế kỷ 20 rồi cũng sẽ nhìn lại Gothic như một nguồn sức mạnh quốc gia và tôn giáo.

Ngoài ra, bức tranh này cho thấy Friedrich sử dụng thành thạo không gian âm và sự vắng mặt để tạo ra cảm giác mất mát và khao khát. Việc miêu tả cảnh đổ nát và cây cối cằn cỗi gợi đến cái chết và sự ruồng bỏ, được kết hợp bởi bảng màu xỉn và lặn và sự cân bằng trong bố cục không đồng đều. Giống như bức Nhà sư bên bờ biển của ông, phần lớn bức tranh chỉ mô tả bầu trời trống rỗng. Tuy nhiên, thông điệp không phải là hư vô: ánh sáng dịu nhẹ gợi ra mặt trời chiếu xuống những đám mây; những cây sồi cằn cỗi nhưng không chết. Có một lời hứa về sự tái sinh và phục sinh.

1818: Kẻ lang thang trên biển sương mù

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập của Kunsthalle Hamburg, Hamburg, Đức

Kẻ lang thang trên biển sương mù (Wanderer above a Sea of Fog) (đôi khi còn được gọi là “Biển sương”) miêu tả một người đàn ông đơn độc, ăn mặc chỉnh tề và cầm gậy đi bộ, đứng trên tảng đá nhô ra và nhìn ra dải đất rộng lớn khắc nghiệt. Anh ta hoàn toàn đứng yên, chỉ có mái tóc của anh bị một cơn gió vô hình làm rối tung, ngược lại với vùng đất hỗn loạn đang khuấy động dưới chân anh ta. Ở hậu cảnh là bầu trời đầy mây trắng và đường viền của những đỉnh núi hầu như không thể nhìn thấy qua màn sương. Khi người đàn ông chiêm nghiệm về sự rộng lớn trước mặt, cái trác tuyệt của thiên nhiên được thể hiện không ở trong một cái nhìn bình lặng, thanh thản, mà ở sức mạnh tuyệt đối của những gì các thế lực tự nhiên có thể làm được.

Friedrich được biết đến là người đã đưa những tuyên bố chính trị vào bức tranh của mình, thường được mã hóa theo những cách tinh tế. Trang phục mà nhân vật này mặc đã được những sinh viên và những người khác mặc trong các cuộc Chiến tranh Giải phóng của Đức; vào thời điểm vẽ bức tranh này, quần áo bị cấm bởi chính phủ cầm quyền mới của Đức. Bằng cách cố ý khắc họa hình ảnh trong bộ trang phục này, ông đã công khai về mặt hình ảnh, mặc dù dè dặt, ý đồ chống lại chính phủ đương thời.

Tuy nhiên, bản chất chính trị của công việc này không dừng lại ở đó; tác phẩm của ông (đặc biệt là bức tranh này) đã được chế độ Đức Quốc xã tiếp nhận và lạm dụng như một biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc Đức. Bởi vì Friedrich thay thế những hình ảnh mang tính minh họa theo nghĩa đen nhiều hơn bằng thông điệp mang tính gợi mở đơn thuần, các bức tranh của ông dễ dàng được diễn giải lại để phù hợp với các ý đồ chính trị mới. Phải mất hơn ba thập kỷ, vào những năm 1980, tác phẩm của ông mới một lần nữa được xem và đánh giá cao mà không có dấu vết của chủ nghĩa Quốc xã.

1819: Trên thuyền buồm

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập của Bảo tàng Hermitage, St.Petersburg, Nga

Bức Trên thuyền buồm (On the Sailing Boat) của Caspar David Friedrich khắc họa hình ảnh mũi tàu hướng về phía chân trời. Hai nhân vật, một người đàn ông mặc vest, đội mũ màu xanh dương và một người phụ nữ mặc váy hồng có cổ ren trắng, nắm tay nhau trong khi dõi về phía trước. Bên phải của bức tranh chủ yếu khắc họa tập trung cận cảnh cánh buồm và cột buồm của con thuyền. Từ xa, người xem có thể nhận ra đường nét mờ nhạt của các tòa nhà, in bóng trong sương mù. Phần rộng lớn nhất của bức tranh được bao phủ bởi một bầu trời màu vàng rực rỡ.

Khác với công thức phong cảnh thông thường của ông, tác phẩm này, với lối kể đầy ngụ ý và cách sử dụng biểu tượng truyền thống hơn, ông đã tạo ra sự kết nối giữa người xem bức tranh và khung cảnh. Chúng ta là một hành khách trên con tàu, một nhân chứng cho cặp đôi gan dạ trong chuyến hành trình của họ. Bức tranh này được thực hiện một năm sau cuộc hôn nhân của Friedrich với Caroline Bommer và cho thấy sự chuyển đổi của ông từ những hình vẽ đơn độc sang mô tả đôi khi là một cặp đôi. Thông thường, những hình tượng phụ nữ này được dựa trên hình ảnh của vợ ông; trong bức tranh này, cặp đôi được cho là chân dung của hoạ sĩ và vợ. Giàu tính biểu tượng, bàn tay đan cài của họ ám chỉ cuộc hội ngộ hạnh ngộ mới, hạnh phúc và sự hiện diện của họ trên con tàu đang chuyển động là một phép ẩn dụ cho cuộc sống mới mà họ đang bắt đầu.

Bất chấp ý nghĩa biểu tượng thông thường này, cách tiếp cận bố cục của Friedrich vẫn còn khá mang tính thử nghiệm, đặc biệt là trong việc ông sử dụng bố cục không cân bằng. Trục thẳng đứng của con tàu và trục nằm ngang của đường chân trời không được sắp xếp theo tỷ lệ truyền thống, và hình ảnh con tàu được thu nhỏ lại rõ ràng đã phá vỡ những kỳ vọng đương thời về việc tạo nên một phong cảnh đẹp như tranh vẽ.

1820 – 21: Sáng sớm

Tranh sơn dầu – Bộ sưu tập của Bảo tàng Bang Lower Saxony, Hanover, Đức

Là một tác phẩm nhỏ chỉ 20.3 x 30.5 cm, Sáng sớm (Morning) được dự định là một phần của một chuỗi tranh về các thời điểm trong ngày. Đó là khung cảnh tĩnh mịch gợi lên buổi sớm mai. Màn sương nằm phía dưới, quấn quanh những cây thông ở phần đất giữa, nhưng nằm ngoài ánh mặt trời đã ló dạng trên những ngọn núi phía xa. Ở tiền cảnh, một bóng người đơn độc chèo thuyền, có lẽ đang xuất phát từ ngôi nhà nhỏ có mái lấp ló trong sương mù. Bầu trời ngập tràn màu sắc do mặt trời mọc: vàng, cam, tím và hồng dịu.

Mặc dù Friedrich cẩn thận tái hiện những cảm giác của thế giới tự nhiên, nhưng các bức tranh của ông được tạo ra lại ở trong xưởng vẽ, dựa trên những bức phác thảo đơn giản được thực hiện ngoài trời. Chúng là những bố cục tưởng tượng, trong đó Friedrich đã sử dụng các yếu tố để nhấn mạnh mang tính kịch tính hoặc biểu tượng.

Về sau, khi ông ngày càng trở nên cô lập và trầm cảm, những cảnh quan như thế này cũng cho phép ông chiêm nghiệm về sự sống và cái chết. Điều này đã được khẳng định trong các bài viết của ông về loạt bài này, trong đó ông nói: “Hôm nay lần đầu tiên vùng quê bình thường đầy vinh quang than khóc với tôi về sự suy tàn và chết chóc, nơi mà trước đây nó chỉ mỉm cười với tôi về niềm vui và sự sống. Bầu trời u ám và đầy bão tố, và hôm nay lần đầu tiên nó phủ chiếc áo mùa đông đơn sắc của mình lên những ngọn núi và cánh đồng đáng yêu vốn đầy màu sắc. Tất cả thiên nhiên nằm trước mắt tôi đã cạn kiệt sắc màu.”

Cùng với những bài viết thể hiện tâm trạng của ông khi ông sáng tác những bức tranh kiểu này, quyết định tạo ra những tác phẩm này như chuỗi tranh giúp chúng được xem xét như một biểu hiện trực quan của việc kiểm chứng sự sống từ điểm đầu đến điểm cuối (hoặc buổi sáng đến buổi tối). Như một sự thể hiện thơ mộng về cuộc sống, chúng là hình ảnh đại diện cho quan điểm Lãng mạn về cuộc sống, cái chết, và thánh thần

1823 – 24: Biển băng

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập của Kunsthalle Hamburg, Hamburg, Đức

Lấy bối cảnh là bầu trời xanh sống động, tâm điểm của bức tranh là xác một con tàu đâm vào băng và những tảng đá ven bờ. Ở bên phải của toan có thể nhìn thấy một phần nhỏ của thân tàu nhô ra từ những tảng băng vỡ.

Tính biểu tượng của bức tranh này đã được diễn giải trên các cấp độ chính trị, tự truyện và tâm linh. Chắc chắn, cảnh tượng về sự tàn phá này gợi một ý nghĩa sâu xa hơn; tác phẩm không được liên kết với bất kỳ nguồn lịch sử hoặc văn học nào. Một số người đã xem nó về mặt chính trị như một tuyên bố chống lại chính phủ Đức. Theo học giả Norbert Wolf, “Con thuyền buồm bị tảng băng dần dần nghiền ngát trong một phong cảnh địa cực không có dấu hiệu của sự sống con người, có thể được hiểu như một phép ẩn dụ đầy xúc động về một thảm họa ở quy mô lịch sử, nhờ đó những ám chỉ được mã hóa về mặt hình ảnh tới sự đổ vỡ và hy vọng, hủy diệt và tái sinh, kết hợp thành một cuộc biểu tình mang tính biểu tượng chống lại ‘mùa đông chính trị’ áp bức đang bao trùm nước Đức dưới thời Metternich.”

Các học giả khác đã hiểu theo diễn giải mang tính tự truyện trong bức tranh đề cập đến sự mất mát của người anh trai yêu quý của họa sĩ trong một tai nạn thời thơ ấu. Chính Friedrich đã trượt vào hố băng và anh trai của ông đã chết khi cố gắng cứu ông. Chúng ta biết rằng, trong những năm cuối đời, Friedrich thường sử dụng các bức tranh của mình để suy ngẫm những câu hỏi về mất mát và cái chết, liên quan đến những bi kịch thời thơ ấu của ông.

Về cơ bản, sự phá hủy con tàu nhân tạo dưới bàn tay của thiên nhiên hùng mạnh và không khoan nhượng phù hợp với sự ngưỡng mộ và kính sợ của Friedrich đối với thế giới tự nhiên. Trong vùng biển băng giá khốc liệt này, sự táo bạo và tự tin của con người bị tiêu tan như món đồ chơi trẻ em trước sức mạnh to lớn của băng. Chúng ta hóa nhỏ bé bởi những sức mạnh ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Bức tranh này không dễ hiểu và không được đánh giá cao khi nó mới được tạo ra. Nó không tuân theo kỳ vọng rằng khung cảnh hủy diệt như vậy nên được dựng đẹp như tranh vẽ hoặc được đạo đức hóa một cách công khai. Nhiều người đương thời không hiểu tác phẩm và một nhà phê bình đã viết :”Giá như bức tranh băng ở Bắc Cực sẽ tan chảy một lần và mãi mãi.”

1835: Các giai đoạn của cuộc đời

Tranh sơn dầu – Bộ sưu tập của Museum der bildenden Kunste, Leipzig, Đức

Trong Các giai đoạn của cuộc đời, năm con tàu đang trên biển, hướng về một chân trời xa xôi. Chúng phản chiếu hình ảnh của năm nhân vật được mô tả trên bờ cỏ ở tiền cảnh: hai đứa trẻ nhỏ, một trai và một gái được một phụ nữ trẻ dõi theo, trong khi người đàn ông trung niên quay lại từ mặt nước để nói chuyện với người đàn ông lớn tuổi trong áo khoác, mũ và gậy chỉnh tề. Được sáng tác từ những năm cuối đời Friedrich, khi nghệ sĩ gần như sống trong cô độc, các học giả đã lập luận rằng người đàn ông lớn tuổi là một bức chân dung tự họa và những bức khác tượng trưng cho cháu trai của Friedrich và ba đứa con của ông.

Bức tranh này là một trong những tác phẩm cuối cùng của nghệ sĩ trước khi những nét vẽ phức tạp không cho phép ông vẽ tiếp tranh sơn dầu. Một câu chuyện ngụ ngôn về sự chảy trôi của thời gian và hành trình của đời người, các giai đoạn khác nhau của cuộc đời được lặp lại trong năm con tàu di chuyển từ bờ (bắt đầu, sinh ra) đến chân trời (chết, vô cùng), cũng như trong thời gian được mô tả từ thời thơ ấu cho đến khi về già. Như thường thấy trong bức tranh của Friedrich, bầu trời ngự trị phần lớn bức tranh, chuyển từ sắc xanh lam sang một mảng màu cam và vàng rộng ở trung tâm, đặt thời gian trong ngày vào đầu buổi tối. Khi mặt trời lặn và những con tàu ra khơi, có một cảm giác bình yên, trọn vẹn và chấp nhận.

Dịch: Nhung Ý Chi

Cùng tác giả

#Tag

Biển băng Các giai đoạn của cuộc đời Caspar David Friedrich Hương Mi Lê Kẻ lang thang trên biển sương mù Lê Hương Mi Nhà sư bên bờ biển Sáng sớm Series Lịch sử thiết kế đồ họa Sương sớm trên đỉnh núi Thập tự giá trên đỉnh núi Trên thuyền buồm Tu viện trong rừng sồi

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…