Angelica Kauffman (Phần 2) - Thời kỳ trưởng thành, những năm về sau và di sản

Thời kỳ trưởng thành

Trong những chuyến du hành tới Ý, Kauffman đã có một sự gặp gỡ quan trọng. Vào tháng 10 năm 1765, bà gặp quý bà Bridget Wentworth Murray, vợ của một sứ thần người Anh ở Venice. Bà ấy đã thuyết phục Kauffman cùng trở lại London. Sau đó, Kauffman đặt chân đến thủ đô London vào năm 1766 và ở đó trong 15 năm tiếp theo của cuộc đời. Gần như ngay khi vừa tới nơi, bà đã gặp hoạ sĩ có tầm ảnh hưởng Joshua Reynolds và hai người trở thành bạn vong niên. Công chúa Augusta xứ Wales và là mẹ của Vua George III cũng tới thăm xưởng của bà, cuộc viếng thăm đã dẫn tới đơn đặt hàng một bức chân dung về người con gái cả của Augusta, nữ Công tước của Brunswick. Bức chân dung này được ca ngợi rộng rãi trên báo chí và giúp Kauffman được nhận thêm nhiều đơn đặt hàng hơn. Thậm chí đã có một bản in mezzotint cho bức hoạ này. Như vậy, bằng những phương tiện công nghệ mới được thiết lập, tin tức về kỹ năng của Kauffman được lan xa hơn nữa.

Bức hoạ vẽ Augusta cùng con trai của mình bởi Angelica Kauffman, hoàn thiện năm 1767

Rời xa cha mình để tới London, bà đã viết cho ông ngay sau khi tới nơi và đã bình luận về danh tiếng như một con dao hai lưỡi: “Ở đây con được mọi người biết đến và quý trọng. Con không chỉ phải duy trì tính cách của mình để phù hợp với công việc, mà mọi thứ khác cũng phải được sắp xếp cho phù hợp với sự đúng đắn cần thiết, nếu một người muốn được khác biệt.” Để tuân thủ sự đúng đắn đó, ở Florence, bà được chia phòng riêng, không cùng với các nghệ sĩ nam khi sao chép các tác phẩm. Ở Anh, việc sự đoan chính cũng quan trọng như thế đã được bộc lộ ra.

Trong phần lớn sự nghiệp của mình, Kauffman sống với cha. Tuy nhiên, bà đã đến London một mình, danh tiếng của bà suýt thì bị hoen ố khi bà kết hôn với Frederick de Horn vào năm 1767. Bị đồn là bất lực và ông chắc chắn là đã có hai vợ, người ta cho rằng vị Bá tước Thuỵ Điển giả mạo này đã lừa Kauffman cưới ông ta để ông có thể ở lại Anh. Cuộc hôn nhân khủng khiếp sớm bị bãi bỏ với sự hỗ trợ tài chính từ cha của Kauffman. Tiếp đó, những mối liên hệ của Kauffman với hoàng gia Anh và thậm chí hơn thế, với Joshua Reynolds – một nhân vật thành công và được trọng vọng đã cùng nhau giúp sớm giảm bớt mọi sự kỳ thị của xã hội về vụ chia cắt này. Danh tiếng của bà tiếp tục phát triển mà không bị tổn hại gì.

Kauffman đã đề xuất với Vua George III rằng nên thành lập một Học viện Hoàng gia về Hội hoạ và Điêu khắc ở London. Lời mời gọi của bà đã dẫn tới việc bà trở thành một trong hai nữ đồng sáng lập duy nhất của Học viện Hoàng gia thành lập vào mùng 10 tháng 12, năm 1768, bên cạnh Reynolds và khoảng 30 người sáng lập khác. Thành viên sáng lập nữ còn lại là Mary Moser.

Một bức chân dung của Mary Moser, vẽ bởi George Romney

Sử gia nghệ thuật theo chủ nghĩa nữ quyền Whitney Chadwick đưa ra ý kiến rằng đặc ân này được trao vì “cả hai đều là con gái của người nước ngoài và cả hai đều đang hoạt động tích cực trong nhóm của những hoạ sĩ nam có công trong việc thành lập Học viện Hoàng gia.” Trong một bức tranh nổi tiếng của Zoffany, những viện sĩ nam đang cùng nhau bàn luận xung quanh những người mẫu nam khoả thân, trong khi hai người phụ nữ lại xuất hiện như những bức tranh chân dung trên tường, theo một số nghĩa là không thể chạm tới và được trình bày như về mặt lý thuyết hơn là thực tiễn. Tuy nhiên, bất chấp sự bất bình đẳng rõ ràng này, Học viện vẫn hỗ trợ và quan trọng với Kauffman. Bà triển lãm lần đầu ở Học viện năm 1769 và tiếp tục triển lãm cho tới cuối những năm 1790, một sự hiện diện chính thức đã hỗ trợ rất nhiều trong việc đảm bảo các đơn đặt hàng sáng tác quan trọng.

Bức họa Những viện sĩ của Học viện Hoàng gia (The Academicians of the Royal Academy) (1771 – 72) của Johan Joseph Zoffany. Có thể thấy rằng tất cả những người sáng lập nam giới đều có mặt trực tiếp, trong khi hai nữ thành viên bao gồm Kauffman, chỉ xuất hiện như những bức tranh ở trên tường (phía bên phải tranh).

Ngoài các bức họa lịch sử, Kauffman còn vẽ chân dung các tiểu thuyết gia, nhà viết kịch, nhà thơ, diễn viên, chính khách, triết gia và hoàng tộc, nhiều người trong số đó là bạn của bà. Bà có nhiều người bảo trợ quan trợ, bao gồm Thống đốc Áo, Đại Công tước và Đại Công tước phu nhân của nước Nga, Nữ hoàng Caroline, Vua Ferdinand của Naples và Hoàng tử Poniatowski của Ba Lan. Tuy nhiên, giới tính vẫn là một trở ngại tiếp diễn trong sự nghiệp của bà.

Thật vậy, người ta suy đoán rằng tất cả những sự hấp dẫn thể chất của bà cuốn hút đàn ông – bao gồm cả việc đã đính hôn với Nathaniel Dance ở Ý, một lời cầu hôn hiển nhiên từ Reynolds và một sự tán tỉnh với nghệ sĩ tranh in William Ryland. Bất chấp những suy đoán như vậy, bà đã không tái hôn cho tới tận lúc người chồng đầu tiên của bà qua đời (rất lâu sau khi họ chia tay). Năm 1781, bà cưới hoạ sĩ Venice Antonio Zucchi, người bà gặp tại Anh khi ông đang làm việc với các đơn đặt hàng ở đây cùng kiến trúc sư người Scotland Robert Adam.

Chân dung của Antonio Zucchi do vợ ông vẽ

Nhìn chung, Kauffman đã làm rất tốt trong việc tránh các vụ bê bối, trong khi đó những nữ nghệ sĩ vẽ chân dung cùng thời khác bao gồm Élisabeth Louise Vigée Le Brun lại không may mắn như vậy.

Kauffman cũng thích nghi rất tốt với thị hiếu của người Anh. Chịu ảnh hưởng bởi nghệ thuật Tân Cổ điển và văn học lãng mạn Anh, bà sản xuất những bức tranh có nguồn gốc từ những văn bản của Alexander Pope hay từ Homer, cũng như các tác phẩm cổ điển như Zeuxis lựa chọn mẫu cho bức tranh vẽ Helen thành Troy (Zeuxis Selecting Models for his Painting of Helen of Troy) (1764).

Bức Zeuxis lựa chọn mẫu cho bức tranh vẽ Helen thành Troy, sơn dầu trên toan, hiện đang ở Thư viện Tưởng niệm Annmary Brown, Đại học Brown, Rhode Island, Mỹ

Vào khoảng năm 1770, bà bắt đầu tập trung chủ yếu vào các bức tranh lịch sử và cùng với Benjamin West (một số ít hoạ sĩ lịch sử thành công làm việc tại Anh), bà là một trong những thành viên đầu tiên của Học viện Hoàng gia triển lãm tranh lịch sử Anh và khiến thể loại này phổ biến. Sự nổi tiếng của Kauffman trong lĩnh vực này cho thấy những tham vọng lớn của bà bởi thể loại tranh lịch sử được xếp hạng trên chân dung, tĩnh vật, và phong cảnh. Một bản in khắc được lưu hành vào năm 1780 miêu tả cảnh Kauffman ở nơi làm việc, báo trước vị trí của bà như một nghệ sĩ có uy tín và nổi tiếng.

Trong suốt cuộc đời, bà hưởng thụ sự độc lập về tài chính trong tư cách một hoạ sĩ nữ bởi kỹ năng của bà không có gì để bàn cãi. Nhà viết nhật ký đương đại Joseph Farington ước tính rằng tổng khối tài sản bà tích trữ được trong 15 năm sự nghiệp ở Anh lên tới đến khoảng 14,000 bảng Anh, một con số khổng lồ vào thời kỳ bấy giờ. Trong khi những người phụ nữ cùng thời của bà đã kết hôn và có con, ở tuổi 30, Kauffman thể hiện trong số lượng lớn các chân dung tự hoạ của mình rằng bà khác biệt với người khác, ở sự cống hiến của mình đối với nghệ thuật.

Bức Telemachus và những nàng tiên Nymph của Calypso (Telemachus and the Nymphs of Calypso) (1782), một bức tranh lịch sử Tân Cổ điển điển hình của Angelica Kauffman

Những năm về sau

Sau cuộc hôn nhân thứ hai, Kauffman trở lại Ý, định cư ở Rome với Zucchi vào năm 1782. Mặc dù bà đã tận hưởng 15 năm của mình ở Anh, Kauffman cảm thấy hội hoạ lịch sử được đánh giá cao hơn ở lục địa, do vậy sẽ dễ dàng hơn cho bà để xây dựng một cơ sở khách hàng tốt và nhận được các đơn đặt hàng thường xuyên nếu bà chuyển tới đó. Khi ở London, bà đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng và bà được cho là “một trong những người phụ nữ có văn hoá cao nhất châu Âu.”

Vào năm 1786, Kauffman tham gia những buổi gặp gỡ đầu tiên của Học viện những người Arcadia, một nhóm nhà thơ La Mã. Thông qua Học viện này bà đã gặp những nhà thơ người Đức Johann Wolfgang Goethe và Johann Gottfried von Herder. Goethe viết một cách trìu mến về “tài năng tuyệt vời” của bà và nói tiếp về người bạn hoạ sĩ của mình, rằng “cô ấy nhạy cảm với tất cả những gì chân thực và đẹp đẽ, cô ấy quá đỗi khiêm tốn.” Vào năm 1790, bà cũng vẽ bức Một cảnh ở Arcady (A Scene in Arcady) theo một bài thơ của người bạn George Keate. Bà đã trao đổi thư từ cá nhân với Keate cũng như với nhiều nhà thơ và nhà văn khác, bao gồm Friedrich Gottlieb Klopstock đầy ấn tượng.

Màn 3, cảnh 3 từ vở Iphigenia ở Tauris của Goethe. Một phác hoạ của Kauffman về buổi ra mắt phiên bản cuối cùng của vở kịch tại Weimar năm 1802. Goethe, đóng vai Orestes, ngồi ở giữa.

Kauffman tiếp tục vẽ và hoạt động xã hội cho đến đầu những năm 1800. Nhà điêu khắc Antonia Canova nằm trong nhóm những người thường viếng thăm bà ở Rome và trở thành một người bạn tốt của bà. Trong lúc đó, ở Anh, danh tiếng của Kauffman vẫn tiếp tục. Những nhà xuất bản và những nghệ sĩ tranh in rất có hứng thú với tranh của bà, đặc biệt là nhà chạm khắc kiểu nét (line engraving) William Wynne Ryland người đã tạo ra các bản sao và phổ biến những tác phẩm của Kauffman rộng rãi. Thật vậy, những bức hoạ của bà thậm chí đã tạo cảm hứng cho một quy trình in ấn trang trí mới – một quy trình in ấn mà các điểm được chạm khắc hay khắc a-xít được sử dụng để tạo nên các sắc độ khác nhau. Bản sao các bức tranh của Kauffman thường được treo tại những địa điểm thời thượng nhất ở London.

Kauffman qua đời vào ngày 15 tháng 11, năm 1807. Bạn của bà, nhà điêu khắc lừng danh Canova đã chuẩn bị cho đám tang. Đây được coi là tang lễ lớn nhất và có sự tổ chức công phu nhất dành cho một hoạ sĩ ở Rome kể từ cái chết của Raphael. Toàn bộ Học viện thánh Luca (Accademia di San Luca) đã tham dự, cùng với những người trong giáo hội và những nghệ sĩ âm nhạc đại tài.

Mảng tường kỉ niệm ở nhà thờ Basilica di Sant’Andrea delle Fratte ở Rome nơi Antonio và Angelica Kauffman được chôn cất

Di sản của Angelica Kauffman

Thường được miêu tả là “một nhà tiên phong”, Angelica Kauffman đã trở nên thành công, nổi tiếng nhanh chóng ở bất cứ nơi nào bà đi qua và sở hữu một di sản lâu đời. Trong cuộc đời mình, bà là một trong những nghệ sĩ truyền thần đắt giá nhất và được săn đón nhất chỉ sau người bạn, người đồng nghiệp lớn của bà, Ngài Joshua Reynolds. Kỹ năng và sự cống hiến của bà với hội hoạ là phi thường và không bao giờ cạn, do vậy, rất nhiều tự chuyện và bài viết đã được viết về sự nghiệp của bà.

Mặc dù là hoạ sĩ lành nghề và là một nữ doanh nhân xuất sắc, những thế kỷ sau đó đã không dễ dàng chấp nhận Kauffman đúng như những gì bà làm. Những hoạ sĩ Lãng mạn và bình dị như John Constable có niềm tin rằng Trường phái Anh sẽ không thể đạt được bất cứ sự phát triển nào cho đến khi sức ảnh hưởng của Kauffman giảm bớt (theo cách này, đã tách riêng bà ra) và thời kỳ Victoria đã không quan tâm tới tác phẩm của bà. Người bạn Goethe của Kauffman là người ủng hộ hết mình cho tài năng của bà, nhưng ông cũng nhận xét rằng tài năng thực sự của bà phần nào bị giảm bớt bởi những bản sao rẻ tiền và bởi hiệu ứng của sự thương mại hoá quá đà trong sự nghiệp của bà.

Chân dung tự hoạ với tượng bán thân của thần Athena (Self – portrait with the Bust of Minerva) (1780) của Angelica Kauffman

Tuy nhiên, bất chấp những cạm bẫy của danh tiếng, Kauffman vẫn là một nghệ sĩ nữ cực kỳ ấn tượng và vô cùng quan trọng. Trong khi bà sử dụng thần thoại, các nàng thơ nữ, ngụ ngôn để minh hoạ cho sức mạnh, địa vị bình đẳng những đàn ông và phụ nữ; mãi đến tới thế kỷ 20, các nghệ sĩ mới bắt đầu khắc họa những sự thần bí nữ giới và những nữ thần rộng rãi hơn. Khi được miêu tả trước đó bởi những nghệ sĩ nam, các hình tượng nữ thường thụ động và được sử dụng để làm sáng tỏ một ý tưởng nào đó. Kauffman có một sự ảnh hưởng rất lâu đời, sự ảnh hưởng đó cũng đã tiếp tục phát triển qua các đời và sự tiến bộ của nghệ thuật tự hoạ.

Dịch: Hương Mi Lê


Về chủ mục

Lê Hương Mi (Hương Mi Lê) | mi-mimi

Sinh năm 1991 tại Hà Nội, hiện Mi là giảng viên môn Lịch sử Thiết kế Đồ họa và môn Typography tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, là dịch giả, biên tập sách và nhà quản lý dự án nghệ thuật tự do. Mi làm việc với các đơn vị như Thái Hà Books, Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, viện Nghiên cứu Hán-Nôm, VCCA… Bên cạnh đó, Mi cũng là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác, hoạt động dưới cái tên mi-mimi.

Mi từng theo học Thiết kế Truyền thông tại Học viện Nghệ thuật Thị giác, Frankfurt, Đức và Nhân học tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội, Việt Nam.

Một số sự kiện nghệ thuật mà Mi từng tham gia với tư cách nghệ sĩ: Animal Theater 2019 – Á Space (Hà Nội), Poetry Plus – Performance Plus 2019 – Mot+++ (TP HCM), Khi Đàn Chim Trở Về / When the Birds Fly Home – Triển lãm Nhiếp ảnh và Kể chuyện, đồng sáng tác – Bảo tàng Phụ Nữ (2016, Hà Nội).

Cùng tác giả

#Tag

Angelica Kauffman Antonia Canova Học viện Hoàng gia về Hội hoạ và Điêu khắc ở London Hương Mi Lê Johann Wolfgang Goethe Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Zeuxis lựa chọn mẫu cho bức tranh vẽ Helen thành Troy Zeuxis Selecting Models for his Painting of Helen of Troy

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…