Uy Le - Saigon Tếu: ‘Mình luôn đặt cái tôi trước gương, kiểm tra từng chỗ lồi lõm, méo mó.’
“Đúng là đôi lúc, mình không sợ những ý kiến trái chiều bằng suy nghĩ của chính mình.” – Uy Lê
Hài độc thoại (Stand-up comedy) là thể loại hài kịch, trong đó nghệ sĩ sẽ biểu diễn trực tiếp trước khán giả thông qua cách kể chuyện, pha trò, chơi chữ,… hoặc độc thoại mà không cần sự hỗ trợ của trang phục hay đạo cụ khác. Họ thường biểu diễn trong các câu lạc bộ hài, quán bar, hộp đêm, rạp hát hay rộng hơn là sân khấu. Hài độc thoại còn được phổ biến rộng rãi qua truyền hình, đĩa DVD, các trang mạng chia sẻ video như YouTube, TikTok,…Hiểu một cách khác, diễn viên hài độc thoại không đóng vai ai cả mà là chính bản thân họ.
Dù không phải là những người tiên phong mang bộ môn hài độc thoại đến thị trường Việt, nhưng Saigon Tếu dường như là cái tên đầu tiên mà khán giả nhắc đến khi nói về hài độc thoại tại Việt Nam. Nhất là sau khi Covid-19 xuất hiện và tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của chúng ta, tiếng cười dường như là thứ cần thiết hơn bao giờ hết, để ủi an và nuôi dưỡng cho sức khỏe tinh thần của tất cả mọi người.
Ra mắt với tên gọi Saigon Tếu vào tháng 3/2020, trong những ngày đầu hoạt động, nhóm đã gặp khá nhiều khó khăn vì trong nước chưa có câu lạc bộ hay đội nhóm hài độc thoại tiếng Việt nào để học hỏi. Nhưng nhờ vậy mà Saigon Tếu lại có thể chủ động xây dựng “bản sắc thương hiệu” với 3 giá trị cốt lõi được xác định ngay từ ban đầu: “Tếu” – “Chất” và “Tâm”. Trong đó, chất “Tếu” đến từ sự tinh nghịch, vui vẻ của các thành viên với mong muốn lan tỏa “vitamin lạc quan” đến các khán giả; “Chất” là cái chất riêng trong từng thành viên trong nhóm, được thể hiện qua những câu chuyện được lấy cảm hứng từ chính cuộc sống của các bạn; và “Tâm” để nói về sự đề cao việc quan tâm đến sức khỏe tinh tình của mọi người, để người nghe có thể đồng cảm, tin tưởng vào giá trị trị liệu và chữa lành của tiếng cười.
Hiện tại, Saigon Tếu đã có 20 thành viên, bao gồm 10 diễn viên hài độc thoại và còn lại là ekip sản xuất – hậu kỳ.
Là “đầu tàu” của nhóm hài độc thoại Saigon Tếu, Uy Lê hiện là Stand Up Comedian/Co-founder & Creative Director của nhóm. Anh từng có kinh nghiệm 5 năm trong ngành quảng cáo, giữ chức vụ Art Director, Brand Manager tại các công ty lớn. Uy luôn nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, thậm chí là phát triển một lĩnh vực hài độc thoại tại Việt Nam.
Ngoài trình diễn trực tiếp với các khán giả, Uy và Saigon Tếu còn nung nấu một kế hoạch to lớn hơn là xây dựng nên một cộng đồng yêu thích hài độc thoại tại Việt Nam. Nhóm cũng sẵn sàng “mang sân khấu hài độc thoại” lên các nền tảng số như YouTube, Facebook và TikTok trong thời kỳ giãn cách để mang tiếng cười đến với đông đảo khán giả hơn. Chính sự chăm chỉ của các thành viên đã giúp nhóm gặt hái được rất nhiều thành công. Uy Lê đã chia sẻ trong một bài phỏng vấn do Vietcetera thực hiện, thành công của nhóm không phải là những clip triệu views, mà đến từ những điều rất đơn giản.
“Trước khi thành lập Sài Gòn Tếu, mình đã Google search về hài độc thoại Việt Nam thì kết quả hoặc là không có gì, hoặc chỉ ra những từ khóa như ‘tục tĩu’. Nhưng giờ đây, kết quả hiển thị lại là ‘tiếng nói của người trẻ’ hay ‘sức khỏe tinh thần’.
Gần đây mình có nhận tin nhắn cảm ơn từ một cô hơn 40 tuổi. Cô ở Paris, nhưng vẫn xem Sài Gòn Tếu. Cô bảo xem để nhớ lại tiếng Việt. Mình có thể có nhiều sản phẩm viral với nhiều trăm ngàn like share, nhưng đôi khi cũng không bằng một tin nhắn cảm ơn. Đó là khoảnh khắc giúp mình biết mình đang làm gì đó đúng.”
Hình ảnh: Fanpage Saigon Tếu
Tuy nhiên, đằng sau sự hào quang, người nghệ sĩ cũng sẽ không tránh khỏi những ý kiến trái chiều. Khi nhận những bình luận về nội dung như “thiếu muối”, chủ đề “tục tĩu”,… Saigon Tếu chọn cách phản hồi bằng các sản phẩm của mình.
Cũng trong bài phỏng vấn của Vietcetera, Uy Lê thẳng thắn chia sẻ về áp lực của người “đầu tàu”:
“Khi mình đi thi, nếu thắng thì ‘vì là nhóm trưởng’, còn nếu thua thì ‘tại sao nhóm trưởng mà thua’. Dù muốn dù không, về lâu dài, mình sẽ vẫn ghi nhớ những nhận xét như thế. Nhưng mình luôn quan niệm ‘nếu bạn là một nghệ sĩ, hãy phản hồi bằng sản phẩm’. Mình tập trung vào hài độc thoại. Và mình làm một việc mà có lẽ sẽ nhiều người khuyên không nên làm: đọc hết comment, thậm chí còn bỏ vào sheet như thu thập dữ liệu vậy. Thông qua những nhận xét mang tính xây dựng là cách để mình biết có thể tiến bộ thêm như thế nào.”
Lắng nghe khán giả chưa đủ, Uy còn tìm cách để lắng nghe và phản biện chính bản thân mình. Trong một chia sẻ gần đây trên Facebook cá nhân, anh đã chia sẻ: “Mình là người thích phản tư”.
“Mình sẽ soi xét lại mọi thứ mình làm, mọi điều mình nói. Để phân tích đúng sai, hay dở, việc người khác hiểu và tiếp nhận mình như thế nào. Mình luôn đặt cái tôi trước gương, kiểm tra từng chỗ lồi lõm, méo mó. Thường mình sẽ chẳng bao giờ nghĩ cái gương đó biến dạng, mà mình luôn nghĩ những khuyết điểm đó là của mình, là thứ mình phải cố gắng sửa chữa.
Đến một lúc, khi nhận được một chút sự chú ý từ công chúng, mình có nhiều nỗi sợ hơn. Sợ bản thân biến thành một kẻ kiêu căng. Sợ mất kết nối với chính bản thân mình. Sợ trở thành một kẻ thiếu phản tư, dư phản biện. Vì vậy, mình càng lúc càng khắt khe với bản thân hơn. Đọc hết, nghe hết, cảm hết những điều tiêu cực về bản thân.
Mình đã tự hào về sự ‘đương đầu’ đó trong một thời gian dài. Cho đến một ngày nọ, bỗng nhiên mình đọc được một bài viết nói về ‘hyperreflexivity’. Trong bài viết có nói về việc: Suy nghĩ quá nhiều về bản thân có thể tạo thành một vòng lặp ‘siêu phản chiếu’, khiến ta mệt mỏi, thiếu tin tưởng vào khả năng của chính mình.”
Trong tập 31 PURE NOW, bạn sẽ có cơ hội lắng nghe Uy Lê chia sẻ chân thành về một trong những nỗi sợ của anh ấy khi phải chuyển từ hài độc thoại Tiếng Anh sang tiếng Việt, động lực để anh trở thành người đầu tàu khai mở và lan tỏa cụm từ “hài độc thoại” ở Việt Nam, cũng như những kế hoạch lớn mà anh đang ấp ủ cho Saigon Tếu nói riêng và hài độc thoại tại thị trường Việt Nam nói chung.
Nhớ đón chờ tập 31 PURE NOW Show do Balance sản xuất và 20h ngày 18/10/2022 nhé!
Nguồn: Tổng hợp
Biên tập và tổng hợp: May
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. PURE NOW - Talk show dành riêng cho cộng đồng sáng tạo sắp sửa ra mắt
- 2. Balance: ‘PURE NOW là mạng lưới kết nối và chia sẻ kiến thức cho cộng đồng sáng tạo.’
- 3. Adam Parry - khách mời mở màn talkshow Pure Now của Balance
- 4. Tập 1 - PURE NOW Show: Cuộc chuyển mình từ nhà thiết kế đồ họa sang giám đốc sáng tạo của Adam Parry.
- 5. Chris Catchpole - cái tên được xướng danh là ‘Phù thủy trong ngành sáng tạo’
- 6. Tập 2 - PURE NOW Show: ‘Dù được trả 1 đô hay 100 đô, bạn cần phải làm tốt nhất có thể’ - Chris Catchpole
- 7. John Saboe: ‘Phần thưởng của tôi là cuộc sống phong phú hơn nhiều so với những gì tôi bỏ lại phía sau.’
- 8. Tập 3 PURE NOW Show: ‘Tôi không thích tạo ra sản phẩm mang những giá trị hiển nhiên’ - John Saboe
- 9. Dong Wun Guan: ‘Đừng quá hà khắc rằng bản thân phải có đầy đủ năng lực để làm một việc gì đó.’
- 10. Tập 4 PURE NOW Show: Khi khép lại cái tôi, cũng là lúc bạn mở ra cơ hội khác - Dong Wun Guan.