Làm thế nào để thiết kế này đẹp hơn?
“Làm thế nào để thiết kế này đẹp hơn?” Là câu hỏi khó khăn nhất đối với Designer khi nhìn vào một thiết kế trên màn hình. Trả lời được nó, có thể bạn sẽ mở ra được kho báu vĩ đại của nhân loại về định nghĩa của cái đẹp.
Từ điển Oxford định nghĩa:
“Cái đẹp là sự kết hợp của những phẩm chất, như hình dạng, màu sắc hoặc hình thức, làm hài lòng các giác quan thẫm mỹ, đặc biệt là thị giác.”
Nhà triết học Kant từng nói:
“Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong đôi mắt của kẻ si tình.”
Khi bàn luận về sự xấu đẹp, chúng ta luôn thừa nhận nó phụ thuộc chủ quan vào người đưa ra đánh giá. Và vì thế giới quan của mỗi người khác nhau, nên ta cho rằng cái đẹp thật khó nắm bắt. Nếu vậy, ngành thiết kế đã trở nên vô vọng.
Sự thật là có những thứ được nhiều người công nhận nó đẹp, điện thoại iPhone gần như có thể làm hài lòng người ta ở bất cứ độ tuổi, hay thành phần xã hội khác nhau. Cái đẹp là có thật và Designer cần phải học cách nhận ra nó, thay vì theo đuổi một thứ khó nắm bắt, hãy thử thay đổi câu hỏi:
“Làm thế nào để thiết kế này tốt hơn?”
Minh họa bởi: https://ui8.net/drawer-design
1. Một thiết kế đẹp, trước hết phải là một thiết kế tốt
Nếu bạn đặt thước đo cho một thiết kế là đẹp, thì nghĩa là nếu nó đẹp hơn – nó sẽ tốt hơn.
Thật ra, dù làm bất cứ công việc gì, xu hướng tự nhiên của chúng ta là luôn muốn làm nó tốt hơn.
- Một người chạy bộ luôn muốn chạy xa hoặc nhanh hơn.
- Một người kinh doanh luôn muốn kiếm nhiều hợp đồng hơn.
- Một người bán bánh mì luôn muốn bán nhiều ổ bánh mì nhất có thể.
- Một người thiết kế sẽ muốn thiết kế tốt hơn.
Quay trở lại việc đẹp – xấu, để thuyết phục người khác thiết kế này là giải pháp phù hợp nhất sẽ dễ hơn rất nhiều khi bảo rằng đây là giải pháp đẹp nhất.
Khi “phù hợp nhất” sẽ là tốt nhất thì những điều ta có thể làm để một thiết kế tốt hơn là…
2. Một thiết kế tốt, thì giải quyết đúng vấn đề
Trong bài phát biểu “The three ways that good design makes you happy” Don Norman đã nhắc tới ví dụ:
Một chiếc máy ép trái cây được thiết kế mạ vàng rất đẹp, nhưng ông chỉ có thể để nó làm vật trang trí thay vì làm đúng công năng ban đầu – lý do là acid trong trái cây sẽ làm bay lớp vỏ mạ vàng.
Điều tạo ra sự khác biệt giữa tác phẩm nghệ thuật với sản phẩm thiết kế đó là vấn đề mà nó giải quyết.
- Trong khi tác phẩm nghệ thuật hướng về vấn đề của người làm ra nó (vì cái tôi, vì thích,…).
- Thì sản phẩm thiết kế hướng về vấn đề của người sẽ sử dụng nó.
Tìm được đúng vấn đề, bạn đã giải quyết được 70% công việc cần làm.
3. Một thiết kế tốt, thì đơn giản
Điều này đúng gần như với mọi ngành, giải đúng với một bài toán với ít bước nhất thì hay nhất, viết một bài blog ngắn gọn xúc tích thì khó nhất.
Khi mới bắt đầu, những thiết kế của mình thường rất rườm rà, nhét đầy những họa tiết rối rắm, màu mè để chứng minh mình có một chất riêng nào đó. Bây giờ nhìn lại tất cả những thứ đó, nó chẳng để giải quyết bất cứ vấn đề nào cả.
Chúng thật vô nghĩa!
Sự khó khăn khi theo đuổi thiết kế đơn giản đó là rất tốn công, những người thiết kế theo phong cách tối giản thường chia hai hướng:
- Một là vì lười, thường họ sẽ tìm cách sao chép sản phẩm của người khác.
- Hai là cực kỳ chăm chỉ, họ lao động một cách nghiêm túc thật sự trong công việc. Khi càng đơn giản, nhiệm vụ giải quyết vấn đề càng trở nên phức tạp.
Thiết kế đơn giản cũng khiến cho sản phẩm cuối cùng trông có vẻ dễ ăn, chắc hẳn không ít lần các bạn gặp trường hợp
“Cái này thì chị cũng làm được”.
“Vậy tại sao chị không nghĩ ra trước em đi?”
Sự thật là để đạt được vẻ ngoài đơn giản thường là kết quả của việc dày công tập luyện. Cũng giống như để Steinmetz vẽ được một nét trị giá 10.000 USD, ông đã mất nhiều năm tìm tòi và nghiên cứu về mô tơ.
4. Một thiết kế tốt, đã bị phá bỏ nhiều lần
Làm đúng một thứ ngay từ đầu? Có thể gọi đó là sự may mắn, nhưng những người chuyên nghiệp thì không tin may mắn có thể lặp lại nhiều lần. Họ biết rằng những giải pháp ban đầu thường ít khi hiệu quả ngay lập tức.
Thông thường, chúng ta sẽ có xu hướng thiên vị những thứ đầu tiên xuất hiện trong đầu, vì thế để bỏ được chúng – Designer cần phải rất tự tin.
Sai lầm hay giải pháp không hiệu quả là chuyện đương nhiên, nó là điều cần phải có cho sự tiến bộ. Điều cần làm là đừng mắc lại một sai lầm nhiều lần và có tư duy cởi mở để sớm nhận ra chúng.
5. Một thiết kế tốt, thì quen thuộc
Con người chúng ta thích sự điển hình và quen thuộc tới nổi các học giả đặt tên cho điều này là: koinophilia. Bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là “Koinos” – “Thông thường và “Philos” – “Tình yêu”.
Ý chỉ chúng ta yêu những gì có vẻ quen thuộc và chúng ta thấy những điều đó thật đẹp.
Bắt chước thiên nhiên, là cách an toàn nhất không phải vì nó đẹp, mà nó đã trải qua hàng trăm triệu năm để giải quyết các vấn đề và vì chúng là những thứ quen thuộc mà ta nhìn thấy hàng ngày.
Chẳng phải nhân loại đã có vô số phát minh học theo tự nhiên như: máy bay ban đầu trông giống như chim, cao su giác hút giống vảy bạch tuộc,… Là một nhà thiết kế, chúng ta có thể tham khảo các cấu trúc hình học, phối màu, không gian… từ thiên nhiên để đưa vào sản phẩm của mình.
6. Một thiết kế tốt, thì vui vẻ
Như có nói ở phần 2, thiết kế tốt thì phải giải quyết đúng vấn đề. Và khi những thứ khó chịu được giải quyết, chúng ta sẽ vui vẻ.
Khi một khách hàng vui vẻ với sản phẩm, dịch vụ thì họ sẽ quay trở lại, sẽ giới thiệu bạn bè và sẽ gắn bó lâu dài với chúng ta.
Vì thế, để biết được thiết kế có thật sự tốt hay không, hãy hỏi cảm xúc của những người sử dụng chúng.
Đây là những thứ mình nghĩ sẽ làm một thiết kế tốt hơn, các bạn có thể tham khảo thêm 10 nguyên tắc thế kế tốt của Dieter Rams.
Tác giả: Hoàng Nguyễn
Về chủ mục
Nguyễn Xuân Hoàng (Hoàng Nguyễn)
Sinh năm 1988 tại thành phố Hồ Chí Minh, Hoàng Nguyễn là một trong những cá nhân tiên phong trong lĩnh vực Product Design tại Việt Nam.
Anh đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển sản phẩm công nghệ, trong đó với hơn 5 năm thiết kế sản phẩm cho các công ty công nghệ tại Silicon Valley. Anh có 4 năm liền làm Giám khảo chuyên môn cho Behance Portfolio Review, Halography tại Việt Nam.
Hoàng Nguyễn hiện tại là Co-Founder và Product Design Coach tại GEEK Up – công ty phát triển sản phẩm công nghệ. Ngoài ra, anh từng viết bài cho GAM7, đóng góp nội dung sách: “EXPERIENCE – Xây dựng trải nghiệm trong thời đại khách hàng khó tính”, “Em muốn học thiết kế nhưng mẹ không cho!” và thường xuyên chia sẻ kiến thức chuyên môn cho cộng đồng.
Anh còn là Top Writer của 2 chuyên mục: Design, Creativity tại www.medium.com, nền tảng xuất bản kiến thức trực tuyến nổi tiếng nhất hiện nay.
Blog tiếng việt: https://hoang.moe/
Blog tiếng anh: https://hoangstories.medium.com/
Nguồn tham khảo
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Giới hạn của Sáng tạo và 6 Phương pháp tạo ra ý tưởng
- 2. 5 cấp độ của sáng tạo
- 3. Các loại định kiến thường gặp khi thiết kế (Phần 1)
- 4. Các loại định kiến thường gặp khi thiết kế (Phần 2)
- 5. Những hiểu lầm phổ biến về UX/UI
- 6. Những điều mình chưa học ở trường thiết kế
- 7. Thiết kế ứng dụng - thế nào gọi là tốt?
- 8. Designer, đây là những dấu hiệu bạn vẫn đang phát triển
- 9. Khi nào thì thiết kế sẵn sàng để gửi?
- 10. Khi thiết kế cũng cần lên đỉnh!