5 cấp độ của sáng tạo
Bài viết này có thể sẽ đem đến bạn một góc nhìn mới về sự sáng tạo, cũng như tìm được cấp độ của mình để chuẩn bị nâng cấp cho bản thân.
Sáng tạo là gì?
Đây là một câu hỏi khó cho những người đang làm việc trong các ngành liên quan tới sáng tạo. Nếu Google câu hỏi này, bạn sẽ tìm được vô vàn câu trả lời khác nhau, chẳng hạn như:
- Sáng tạo là tạo ra một điều gì đó mới
- Sáng tạo là kết nối nhiều thứ lại với nhau
- Sáng tạo là nghĩ ra một ý tưởng hoặc sản phẩm mới
Mình lại thích nhất định nghĩa dưới đây:
“Sáng tạo là một hành động biến những ý tưởng mới và hữu ích trở thành hiện thực. Sáng tạo bao gồm 2 quá trình: suy nghĩ rồi thực hiện.” – St.
Điều này có nghĩa là nếu bạn có một ý tưởng táo bạo, nhưng vì lý do nào đó lại không thể thực hiện được thì quả là đáng tiếc.
“If you have ideas but don’t act on them, you are imaginative but not creative.” – Linda Naiman
Như vậy, sáng tạo không chỉ xoay quanh việc nghĩ ra ý tưởng, mà còn là việc chúng ta sẽ làm gì để biến nó thành hiện thực. Với góc nhìn cá nhân, mình nghĩ có tổng cộng 5 cấp độ của sự sáng tạo:
Cấp 1: Copy
Việc chúng ta vẽ lại một bức tranh, chép lại thiết kế của designer khác cũng là một cách để sáng tạo. Tuy nhiên, đây là sáng tạo ở cấp độ thấp nhất, chỉ vì mục đích tập luyện. Chúng ta không nên dùng kết quả ở cấp độ này để kiếm tiền, hay tự nhận phần ý tưởng là của mình.
Cấp 2: Copy + Modify
Để cải thiện kỹ năng, việc chúng ta cần làm không chỉ là sao chép đơn thuần nữa, mà còn phải chỉnh sửa lại để phù hợp với ngữ cảnh sử dụng. Điều này nghĩa là chúng ta bắt đầu đưa những suy nghĩ bản thân vào việc tạo ra sản phẩm. Ở cấp độ này, sản phẩm đã bắt đầu có thể dùng để kiếm tiền, nhưng phần lớn công việc vẫn đang là sao chép, vì thế cần phải được định giá hợp lý.
Cấp 3: Copy + Modify + Improvement
Đây chính là lúc designer trưởng thành trong sự nghiệp. Mọi sản phẩm đều phải đặt trong hoàn cảnh mà nó được ứng dụng, designer còn phải tìm cách để cải tiến những ý tưởng đó trở nên tốt hơn.
Ví dụ ở cấp độ này, mình muốn sử dụng thiết kế của Aaron Iker.
Lấy cảm hứng từ thiết kế của mình, Aaron đã làm rất tốt việc sửa đổi và cải tiến nó. Thiết kế của anh ấy đơn giản và dễ triển khai thành sản phẩm hơn, khi đã giảm bớt các hiệu ứng chuyển động không cần thiết mà trên thực tế người dùng có thể không nhận ra.
Đạt được cấp độ này, bạn đã có thể được gọi là senior designer.
Cấp 4: Trend Maker
Là người có thể tạo ra xu hướng, kỹ năng chuyên môn của bạn phải ở cấp độ rất cao. Mỗi ý tưởng khi vào tay bạn đều được thực hiện một cách độc đáo, mang dấu ấn cá nhân. Và đặc biệt, nó phải đẹp dưới góc nhìn của phần lớn người khác. Khi đó sản phẩm của bạn đã tạo ra một “trend” mới để những designer khác được truyền cảm hứng, hoặc được khách hàng của họ yêu cầu làm ra các sản phẩm tương tự vậy.
Rất ít người có thể đạt được cấp độ này, họ là những người sinh ra có khả năng trời phú và nghiêm túc mài dũa những kỹ năng này qua năm tháng. Là người hâm mộ các sản phẩm của Apple và mình nghĩ Jony Ive sẽ là ví dụ tuyệt vời cho một designer ở cấp độ này.
Cấp 5: System Maker
Đây là cấp độ “thần thánh”, những người ở cấp độ này là những người tiên phong tạo ra những “giới hạn sáng tạo” và “phong cách định hình”, là nền tảng cho sự sáng tạo của người khác.
Trong hội hoạ ta có những trường phái nghệ thuật: ấn tượng, dã thú, lập thể, siêu thực,… trong công nghệ ta có “Human Interface Design – iOs” hay “Google Material Design -Android”.
Dù người thiết kế sản phẩm có theo phong cách nào thì ít nhiều vẫn phải tuân thủ theo các quy tắc của hai nền tảng ứng dụng này. Để ví dụ cho cấp độ này, không ai phù hợp hơn là huyền thoại Steve Jobs.
Đây là 5 cấp độ sáng tạo đến từ những kinh nghiệm và suy nghĩ của mình. Hy vọng rằng việc hiểu được các cấp độ sáng tạo sẽ giúp bạn xác định được chất lượng tác phẩm và biết mình sẽ tập trung phát triển như thế nào.
Tác giả: Hoàng Nguyễn
Về chủ mục
Nguyễn Xuân Hoàng (Hoàng Nguyễn)
Sinh năm 1988 tại thành phố Hồ Chí Minh, Hoàng Nguyễn là một trong những cá nhân tiên phong trong lĩnh vực Product Design tại Việt Nam.
Anh đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển sản phẩm công nghệ, trong đó với hơn 5 năm thiết kế sản phẩm cho các công ty công nghệ tại Silicon Valley. Anh có 4 năm liền làm Giám khảo chuyên môn cho Behance Portfolio Review, Halography tại Việt Nam.
Hoàng Nguyễn hiện tại là Co-Founder và Product Design Coach tại GEEK Up – công ty phát triển sản phẩm công nghệ. Ngoài ra, anh từng viết bài cho GAM7, đóng góp nội dung sách: “EXPERIENCE – Xây dựng trải nghiệm trong thời đại khách hàng khó tính”, “Em muốn học thiết kế nhưng mẹ không cho!” và thường xuyên chia sẻ kiến thức chuyên môn cho cộng đồng.
Anh còn là Top Writer của 2 chuyên mục: Design, Creativity tại www.medium.com, nền tảng xuất bản kiến thức trực tuyến nổi tiếng nhất hiện nay.
Blog tiếng việt: https://hoang.moe/
Blog tiếng anh: https://hoangstories.medium.com/
Nguồn tham khảo
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Giới hạn của Sáng tạo và 6 Phương pháp tạo ra ý tưởng
- 2. Làm thế nào để thiết kế này đẹp hơn?
- 3. Các loại định kiến thường gặp khi thiết kế (Phần 1)
- 4. Các loại định kiến thường gặp khi thiết kế (Phần 2)
- 5. Những hiểu lầm phổ biến về UX/UI
- 6. Những điều mình chưa học ở trường thiết kế
- 7. Thiết kế ứng dụng - thế nào gọi là tốt?
- 8. Designer, đây là những dấu hiệu bạn vẫn đang phát triển
- 9. Khi nào thì thiết kế sẵn sàng để gửi?
- 10. Khi thiết kế cũng cần lên đỉnh!