Những hiểu lầm phổ biến về UX/UI

Hiện tại Việt Nam vẫn chưa có một trường chính thống nào đưa UX/UI thành một chuyên ngành để đào tạo. Nghĩa là việc hướng nghiệp cho các bạn trẻ còn bị bỏ ngỏ, phần lớn các bạn chỉ biết đến UX/UI khi đã học một ngành khác hoặc sau khi đi làm. Điều này khiến cho việc tiếp cận và phát triển gặp những khó khăn nhất định. Có lẽ, suôn sẻ nhất thường là những bạn có nền tảng xuất phát ở Graphic Design (Thiết kế đồ họa).

Vì là một ngành mới, nên có rất nhiều những thông tin không chính xác làm cho các bạn dễ hiểu lầm về UX/UI, rằng đây là một ngành rất tuyệt vời. Và rồi, UX/UI không mang lại nhiều thứ như các bạn từng kỳ vọng, điều này gây ra sự lãng phí nhiều năm tuổi trẻ chỉ vì các bạn đã chọn sai nghề.

1. UX và UI giống nhau, làm được một thứ là làm được cả hai

Định nghĩa về UX và UI đã có nhiều người nhắc đến, các bạn cũng có thể tìm hiểu với những từ khóa liên quan để đọc thêm. Vì tính chất khác nhau, UX/UI cũng đòi hỏi những phẩm chất rất khác nhau từ người làm như:

  • UX: cần phải biết về tâm lý, hành vi con người, kinh doanh (business) và thị trường. Tính cách: giải quyết vấn đề, ham học, giao tiếp tốt, đồng cảm, nhìn vào bức tranh toàn cảnh.
  • UI: có thẩm mỹ, các yếu tố thị giác và nguyên tắc thiết kế. Tính cách: tỉ mỉ, năng khiếu thẩm mỹ, kiên nhẫn, sáng tạo, ưa thích thử thách và không ngại với ý tưởng mới.

Do đó, nếu bạn muốn trở thành một UX/UI Designer thật thụ thì sẽ phải học và trau dồi rất nhiều loại kỹ năng khác nhau. Các kiến thức chuyên ngành phải luôn được thực hành và cập nhật liên tục vì cũng như công nghệ, UX/UI sẽ liên tục thay đổi. Đọc thêm về kỹ năng ngoài chuyên môn mà chúng ta nên đầu tư.

Bạn cũng cần phải có lộ trình phát triển cẩn thận cùng với môi trường phù hợp. Mình nghĩ nên tập trung một trong hai thật tốt, sau đó phát triển thêm cái còn lại, theo mô hình T-shaped (là mô hình mô tả những người có hiểu biết và kỹ năng chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể. Bên cạnh đó, họ vẫn liên tục học hỏi để mở rộng và phát triển đa dạng những kiến thức khác).

2. Làm UX/UI lương rất cao

Đây chính là một hiểu lầm thực sự nguy hiểm, hệ lụy của phong trào startup bong bóng trong những năm vừa qua đó là: khi nhận được đầu tư, với áp lực KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) và timeline (biểu đồ thời gian), các startup này đã bỏ ra rất nhiều tiền để tuyển nhân sự thật nhanh, khiến nhu cầu và mức lương ngành bị lạm phát.

Sự thật là khi được tuyển về, designer chỉ biết làm theo ý sếp, không thể đưa ra ý kiến riêng, công việc xoay quanh chức năng ở app này, tính năng ở app kia. Designer lúc này mất hẳn những kiến thức nền tảng, nguyên lý thiết kế nhưng lại được nhận một mức lương không tương xứng. Đến khi sản phẩm hoàn thành hoặc thị trường gặp vấn đề, những designer này sẽ là những người bị cho nghỉ đầu tiên.

Tai hại của việc này đó là khiến cho các bạn bị ảo tưởng vào năng lực bản thân, không thể tìm được công việc mới phù hợp với kỹ năng và đáp ứng được với nhu cầu lương mà các bạn đặt ra. Thế nên cứ quanh quẩn bao nhiêu năm nhưng các bạn vẫn không thể có thêm bước tiến lớn nào trong sự nghiệp.

Hãy tỉnh táo nhìn qua các ngành khác, chỉ cần bạn có thể vươn lên hàng đầu thì thu nhập cũng sẽ rất cao. Dù là nhiếp ảnh gia, đầu bếp, nhân viên pha chế hay thiết kế đồ họa thì vẫn có được mức lương tương xứng với kỹ năng. Với mình thu nhập như vậy mới là bền vững.

3. Làm UX/UI có thể thỏa sức sáng tạo

Điều này vừa sai và có thể sẽ đúng. Công việc của UX/UI chia làm hai giai đoạn: Problem Solving – Giải quyết vấn đề và Building Experience – Xây dựng trải nghiệm. 

Ở giai đoạn đầu, việc quan trọng nhất là sử dụng năng lực phân tích, tư duy logic và dựa vào các dữ liệu xoay quanh: business (kinh doanh), user (người dùng), market (thị trường) để xác định vấn đề đáng giải quyết rồi mới tìm giải pháp cho nó. Một vấn đề đáng giải quyết phải thỏa mãn hai yếu tố:

Vì thế, lúc này có thể không cần tới “sự sáng tạo”. Sau phần này, chúng ta sẽ nghĩ ra các giải pháp giải quyết vấn đề về mặt tính năng, đây là lúc bắt đầu cần “sự sáng tạo” có điều kiện.

UI Design sẽ nằm ở giai đoạn tiếp theo: Building Experience. Lúc bấy giờ Designer phải đưa được các giải pháp phù hợp với rất nhiều hạn chế khác nhau:

  • Hạn chế về công nghệ
  • Phải phù hợp với lợi ích kinh doanh
  • Phải phù hợp với thị hiếu thị trường
  • Phải phù hợp với tập khách hàng mục tiêu
  • Phải trong khoảng thời gian và công sức hợp lý
  • Phải đi theo các ông lớn trong ngành như facebook, google, apple,…

Danh sách này sẽ không dừng lại ở đây, chính vì thế bạn chỉ có thể thỏa sức sáng tạo khi làm các shot cá nhân trên Dribbble mà thôi. (Dribbble là một nền tảng tự quảng cáo và mạng xã hội cho các nhà thiết kế và sáng tạo kỹ thuật số.)

4. Làm UX/UI là thượng lưu của ngành Design

Nghe có vẻ kệch cỡm, nhưng mình từng thấy những bạn với title (chức danh) UX/UI coi thường ngành Design khác. Khi thị trường có nhu cầu cao, được săn đón nghĩa là công việc của mình đẳng cấp hơn hẳn.

Trước hết UX/UI Design có nguồn gốc xuất phát từ Industrial Design (Thiết kế công nghiệp), với lĩnh vực nghiên cứu Ergonomic (là bộ môn khoa học nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và môi trường làm việc của họ) chuyên sâu. Chỉ khi mạng internet phát triển với các thiết bị thông minh, xuất hiện một thế giới mới được gọi là Digital World – Thế giới số, thì UX/UI mới dần được hình thành. Do đó ngành này vẫn còn rất non trẻ, các khái niệm luôn liên tục thay đổi qua từng năm.

Và mình cho rằng, việc so sánh các ngành nghề với nhau là việc làm khá thừa thãi trong cuộc sống. Cứ làm tốt thứ mình theo đuổi và tận hưởng những thứ mình đang có đúng với năng lực là được rồi.

5. Làm UX/UI thì có thể tự do nơi làm việc

Thế giới phẳng và kết nối thông qua internet, vì thế có rất nhiều ngành đã có thể thoải mái làm việc mà không cần tới văn phòng. UX/UI Design đương nhiên cũng như vậy, tuy nhiên chỉ phù hợp nếu bạn là một designer trong một team:

  • Có quy trình làm việc tối ưu, chặt chẽ, giao tiếp giữa các thành viên tốt. Chưa kể thành viên đều là những người ở cấp bậc Senior (cấp cao), với tư duy – ý thức cao, có trách nhiệm với mục tiêu chung của cả team – của dự án.
  • Đang giải quyết một vấn đề tương đối đơn giản ít thay đổi theo thời gian, không đòi hỏi cả team phải thảo luận sâu – liên tục. Các giải pháp đưa ra thường chỉ là tham khảo từ những mô hình sẵn có từ trước.

Hoặc bạn là một UI Designer chỉ cần tập trung vào giai đoạn xây dựng trải nghiệm.

6. Làm UX/UI cũng dễ vì chỉ cần tham khảo là được

Có người nói đùa rằng quy trình làm UX/UI Design là: Nhận brief (bản tóm tắt yêu cầu) → nghiên cứu trên Dribbble/Behance → nghoệc ngoạc vẽ ra giấy vài layout → tìm cách thay đổi layout một chút để trông có vẻ sáng tạo → làm UI → lên Dribbble tìm kiếm style → đổ màu → mockup (mô hình giả) cool ngầu. Để giải thích cho điều này, trước hết chúng ta cần biết một ứng dụng sẽ có hai loại chức năng:

  • Chức năng cơ bản: là những chức năng gần như bắt buộc và xuất hiện ở tất cả các ứng dụng: đăng ký, đăng nhập, settings (cài đặt), walkthrough (hướng dẫn), …
  • Chức năng chính: là những chức năng quan trọng xác định lợi thế cạnh tranh và có sự khác nhau giữa các ngành: với khách sạn là booking (đặt chỗ), với e-commerce (thương mại điện tử) là mua sản phẩm, thanh toán,…

Như quy luật 80-20 cần phải tập trung thời gian và nguồn lực cho phần quan trọng thì việc Designer nghiên cứu những chức năng cơ bản là hoàn toàn bình thường. Nó giống như câu nói: đừng thiết kế lại cái bánh xe bò.

Nhưng nếu làm vậy cho các chức năng chính, điều này cực kỳ nguy hiểm vì đây là yếu tố sống còn của ứng dụng. Nó sẽ là nguyên nhân gây ra các vấn đề của sản phẩm như: không có sự khác biệt, không phù hợp với mục đích kinh doanh, không phù hợp với tập người dùng mục tiêu,… Nói chung, đối với các chức năng cốt lõi, Designer cần phải đào sâu nghiên cứu, phân tích sát sao hơn là tham khảo.

7. Làm UX/UI chỉ là công việc của team Design

Điều này có thể đúng ở UI Design, vì thẩm mỹ là yếu tố cần phải kết hợp giữa năng khiếu và những kiến thức chuyên ngành nghệ thuật. Nhưng UX thì khác, trải nghiệm của người dùng không dừng lại ở môi trường Digital (Kỹ thuật số), hay những tương tác trên thiết bị, mà nó bao phủ từ khi User Journey (Hành trình người dùng) – Hành trình người dùng bắt đầu (là khi user bắt đầu có nhu cầu) cho tới khi nó kết thúc (nhu cầu được thõa mãn).

Hành trình người dùng bắt đầu khi họ có nhu cầu phải đi tới một nơi nào đó, họ sẽ mở điện thoại, gọi xe, và hành trình này sẽ kết thúc khi người dùng đến nơi. Có thể mở rộng thêm review (đánh giá) và tip (tiền boa) cho tài xế. Nhưng phần lớn sẽ kết thúc khi họ bước ra khỏi xe.

Ví dụ từ Grab

Số thời gian người dùng mở ứng dụng ít hơn rất nhiều thời gian tổng của toàn bộ hành trình này, do đó để có thể tạo ra trải nghiệm tốt đòi hỏi toàn bộ các team – phụ trách tất cả các khâu tham gia vào quá trình thiết kế.

Các team này sẽ đặt mình vào vai trò của người dùng, kết hợp với các dữ liệu nhận được trong quá trình vận hành để cung cấp cho team Product những insight hoặc giải pháp phù hợp hơn.

Chính vì thế UX Design là công việc có thể dành cho tất cả mọi người.

Tác giả: Hoàng Nguyễn


Về chủ mục

Nguyễn Xuân Hoàng (Hoàng Nguyễn)

Sinh năm 1988 tại thành phố Hồ Chí Minh, Hoàng Nguyễn là một trong những cá nhân tiên phong trong lĩnh vực Product Design tại Việt Nam.

Anh đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển sản phẩm công nghệ, trong đó với hơn 5 năm thiết kế sản phẩm cho các công ty công nghệ tại Silicon Valley. Anh có 4 năm liền làm Giám khảo chuyên môn cho Behance Portfolio Review, Halography tại Việt Nam.

Hoàng Nguyễn hiện tại là Co-Founder và Product Design Coach tại GEEK Up – công ty phát triển sản phẩm công nghệ. Ngoài ra, anh từng viết bài cho GAM7, đóng góp nội dung sách: “EXPERIENCE – Xây dựng trải nghiệm trong thời đại khách hàng khó tính”, “Em muốn học thiết kế nhưng mẹ không cho!” và thường xuyên chia sẻ kiến thức chuyên môn cho cộng đồng.

Anh còn là Top Writer của 2 chuyên mục: Design, Creativity tại www.medium.com, nền tảng xuất bản kiến thức trực tuyến nổi tiếng nhất hiện nay.

Blog tiếng việt: https://hoang.moe/

Blog tiếng anh: https://hoangstories.medium.com/


Cùng tác giả

#Tag

Hoàng Nguyễn Nguyễn Hoàng product design Series Product design ux/ui ux/ui design

iDesign Must-try

Những cục tẩy vui nhộn của Kazuya Ishikawa
Những cục tẩy vui nhộn của Kazuya Ishikawa
Nếu bạn là một người thường xuyên sử dụng bút chì để sketch (phác họa), vẽ, hay đơn giản chỉ để ghi chú linh tinh thì chắc hẳn cục tẩy…
12 bài viết được yêu thích nhất tại iDesign năm 2022
12 bài viết được yêu thích nhất tại iDesign năm 2022
Trước khi kết thúc năm 2022 và bước sang năm 2023 đầy hứa hẹn, hãy cùng chúng mình điểm lại 12 bài viết được các độc giả yêu thích nhất…
Vai trò của Nghệ thuật trong Thiết kế sản phẩm
Vai trò của Nghệ thuật trong Thiết kế sản phẩm
Khi một nhà thiết kế bắt đầu làm việc, họ biết trước những gì mình phải đạt được. Họ được thúc đẩy bởi một mục tiêu, một kế hoạch, một…
Joshua Roberts: ‘Tôi tin rằng thẩm mỹ tối giản sẽ loại bỏ sự ồn ào và giúp các thương hiệu tiếp cận khách hàng của họ’
Joshua Roberts: ‘Tôi tin rằng thẩm mỹ tối giản sẽ loại bỏ sự ồn ào và giúp các thương hiệu tiếp cận khách hàng của họ’
Giữa bức tranh muôn màu của thế giới sáng tạo, không khó để tìm kiếm sự liên kết giữa các lĩnh vực khác nhau, nhưng làm thế nào để từ…
Xu hướng thiết kế UI/UX hậu Covid
Xu hướng thiết kế UI/UX hậu Covid
Đại dịch Covid đã làm thay đổi mọi quy trình trong xã hội và thiết kế UX/UI cũng không ngoại lệ. Mặc dù vaccine phần nào giúp chúng ta đẩy…
Tại sao khách hàng lại khó hài lòng đến như vậy?
Tại sao khách hàng lại khó hài lòng đến như vậy?
Có hàng nghìn meme, ảnh gif, video trên internet nói về việc thất vọng khi làm việc với Client (khách hàng). Đặc biệt hơn, nếu chúng đến từ những người…