Tôi muốn nghe gì khi phỏng vấn?
Từ hồi còn làm ở Enginethemes, tôi đã bắt đầu tham gia vào các buổi phỏng vấn tìm designer mới cho công ty. Bây giờ thì việc phỏng vấn ứng viên mới cũng trở nên thường xuyên hơn, tôi nhận thấy hầu hết các ứng viên đều đang có thói quen nói điều mình muốn nói, nhưng lại không phải là điều người tuyển dụng muốn nghe.
Quy tắc cơ bản nhất của design là phải biết mình design cho ai, cũng giống như việc phỏng vấn cần phải biết nói điều mà người hỏi muốn nghe. Vậy thì tôi muốn nghe gì khi phỏng vấn?
- Thông thường mở đầu một buổi phỏng vấn sẽ là: “Em giới thiệu về mình đi, đừng nói mấy thứ trong CV nhé vì anh đọc cả rồi”. Tuy nhiên, thường thì các bạn tiếp tục nói lại về học hành, kinh nghiệm, sở thích,… những điều mà CV đã có.
- Là một Designer, chúng ta không nên tiếp cận vấn đề một cách cứng nhắc, các khía cạnh khác nhau giúp chúng ta có nhiều góc nhìn khác nhau từ đó đưa ra giải pháp cũng phong phú hơn. Buổi phỏng vấn sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu lúc đấy bạn bắt đầu chia sẻ tới những câu chuyện khác như:
– Khoảnh khắc nào đã đưa bạn tới với ngành design
– Hình ảnh một designer hoàn hảo trong bạn là gì
– Thể loại âm nhạc bạn nghe khi design
– Hay thậm chí, hỏi ngược lại tôi muốn nghe về điều gì ở bạn chẳng hạn (Hãy cẩn thận nếu để tôi chọn lựa nhé)
- Nhiều bạn chia sẻ mình từng là UX/UI Designer ở công ty trước. Nhưng khi được hỏi UX là làm gì, các bạn lại không tự tin trả lời về chúng. Chúng ta không bàn tới chuyện đúng sai ở đây, vì mỗi công ty sẽ có tổ chức vị trí công việc khác nhau. Nhưng tôi hy vọng các bạn sẽ giải thích gọn gàng được UX ở công ty cũ là làm gì.
- Có thể chỉ là làm wireframe, chỉnh sửa một vài flow cho nó dễ dùng hơn, hay là design cho app đẹp hơn cũng được. Tôi sẽ không đánh giá việc bạn có thật sự đang làm UX hay không, điều tôi cần biết đó là bạn đã trải qua những kinh nghiệm gì với tốc độ ra sao.
- Nó cũng giúp tôi hiểu được bạn đang cần gì để tiếp tục phát triển bản thân.
- Tôi không đánh giá cao các bạn sau khi được hỏi ngay lập tức trả lời. Điều đó thể hiện xu hướng vội vàng giải quyết vấn đề trước khi thật sự hiểu về nó. Hãy chậm lại một chút, kiểm tra xem đã đủ thông tin hay chưa, hãy hỏi lại để có đủ dữ liệu phân tích và giải quyết. Có thể tham khảo thêm problem solving ở note này (https://www.facebook.com/notes/hoàng-nguyễn/problem-solving-life-and-design-skill/2424193637631449/)
- Khi bị tôi challenge về giải pháp, hoặc đưa ra một giải pháp khác của bạn. Hãy phân tích pros và cons (ưu điểm và nhược điểm) của từng cái rồi bảo vệ quan điểm của mình. Những thử thách mà tôi đưa ra điều không có một giải pháp nào là hoàn hảo, nhưng các bạn thường có xu hướng tin vào giải pháp của tôi là tốt hơn chỉ vì tôi là người đưa ra thử thách. Và nếu tiếp tục suy nghĩ như vậy sẽ khiến các bạn khó có thể bảo vệ design của mình trước khách hàng hoặc sếp sau này.
- Nếu thuận lợi, bạn sẽ làm việc ở công ty sắp tới trong một thời gian dài. Vì thế hãy kiểm tra xem công ty này có hợp với mình không đã chứ? Hợp như thế nào bạn có thể tham khảo thêm ở note này (https://www.facebook.com/notes/hoàng-nguyễn/ta-muốn-sự-nghiệp-như-ta-muốn/2417028991681247/).
- Tôi cũng sẽ rất vui nếu tự nhiên bạn hỏi thêm về công ty như:
– “Em thấy dưới tầng trệt có quán cafe, không biết nhân viên thì có được giảm giá không?”
– “Em thấy trên facebook có Geek Adventure, không biết nó là gì vậy anh?”
- “Em có câu hỏi gì cho anh về công việc hay công ty không?” Tôi thường xuyên hỏi câu này, nhưng gần như các bạn đều nghĩ rằng đã có đủ thông tin mà không hỏi gì thêm. Nếu có hỏi thì chỉ hỏi những câu như “giờ làm việc tới mấy giờ, team có bao nhiêu người, khi nào thì có kết quả”.
- Đừng nghĩ đi làm vì mình cần một công việc. Mối quan hệ giữa công ty và nhân viên nên là win-win, nghĩa là mình cống hiến cho công ty phát triển và công ty cũng phải tạo điều kiện cho mình phát triển. Ngoài ra, nó còn cho tôi thấy bạn là một con người có chí hướng và ham học hỏi.
- Hãy thử thách lại tôi về việc sẽ đào tạo bạn như thế nào, hay ít nhất hãy để tôi cho bạn biết ở công ty bạn sẽ học thêm điều gì.
- Đừng cố gắng nói những cái mình không biết, hoặc chưa hiểu rõ vì không khó để nhận ra điều đó.
- Nếu không muốn trả lời câu hỏi nào, hãy cứ thẳng thắn nói ra việc đó.
- Và thật thà sẽ không làm mất thời gian của nhau.
“Job Interviews are like first dates.” (tạm dịch: Phỏng vấn xin việc giống như những buổi hẹn hò đầu tiên.) – Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp bạn tìm được mối quan hệ ưng ý.
Tác giả: Hoàng Nguyễn
Về chủ mục
Nguyễn Xuân Hoàng (Hoàng Nguyễn)
Sinh năm 1988 tại thành phố Hồ Chí Minh, Hoàng Nguyễn là một trong những cá nhân tiên phong trong lĩnh vực Product Design tại Việt Nam.
Anh đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển sản phẩm công nghệ, trong đó với hơn 5 năm thiết kế sản phẩm cho các công ty công nghệ tại Silicon Valley. Anh có 4 năm liền làm Giám khảo chuyên môn cho Behance Portfolio Review, Halography tại Việt Nam.
Hoàng Nguyễn hiện tại là Co-Founder và Product Design Coach tại GEEK Up – công ty phát triển sản phẩm công nghệ. Ngoài ra, anh từng viết bài cho GAM7, đóng góp nội dung sách: “EXPERIENCE – Xây dựng trải nghiệm trong thời đại khách hàng khó tính”, “Em muốn học thiết kế nhưng mẹ không cho!” và thường xuyên chia sẻ kiến thức chuyên môn cho cộng đồng.
Anh còn là Top Writer của 2 chuyên mục: Design, Creativity tại www.medium.com, nền tảng xuất bản kiến thức trực tuyến nổi tiếng nhất hiện nay.
Blog tiếng việt: https://hoang.moe/
Blog tiếng anh: https://hoangstories.medium.com/
Nguồn tham khảo
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Giới hạn của Sáng tạo và 6 Phương pháp tạo ra ý tưởng
- 2. 5 cấp độ của sáng tạo
- 3. Làm thế nào để thiết kế này đẹp hơn?
- 4. Các loại định kiến thường gặp khi thiết kế (Phần 1)
- 5. Các loại định kiến thường gặp khi thiết kế (Phần 2)
- 6. Những hiểu lầm phổ biến về UX/UI
- 7. Những điều mình chưa học ở trường thiết kế
- 8. Thiết kế ứng dụng - thế nào gọi là tốt?
- 9. Designer, đây là những dấu hiệu bạn vẫn đang phát triển
- 10. Khi nào thì thiết kế sẵn sàng để gửi?