Các loại định kiến thường gặp khi thiết kế (Phần 2)
Tiếp nối phần 1, mình sẽ tổng hợp những loại định kiến thường gặp còn lại để giúp các bạn có thể nhận biết và hiểu tường tận hơn.
Định kiến hay còn gọi là Thành kiến là những ý kiến, quan điểm về một sự vật nào đó được hình thành trước khi có đủ thông tin – dữ kiện để đánh giá nó. Chúng ảnh hưởng mạnh mẽ lên cách chúng ta cư xử và đưa ra quyết định, đặc biệt chúng sẽ khiến chúng ta đánh giá sai sự thật và từ đó đưa ra nhiều sự lựa chọn sai lầm.
9. The Backfire effect – Hiệu ứng phản tác dụng
Một khi bạn tin vào một điều gì đó, bạn sẽ cố gắng bảo vệ nó. Và khi niềm tin này bắt đầu bị thử thách, bạn thậm chí còn tin tưởng nó hơn nữa.
Hiệu ứng này phần lớn là do sự lười biếng trong tư duy của chúng ta, nói một cách đơn giản, tâm trí có xu hướng thích những thông tin dễ hiểu. Trong khi đó, để xử lý những thứ trái ngược với thông tin mình đã biết tốn rất nhiều công sức.
Khi đi kèm với Confirmation bias – Thiên kiến xác nhận, hiệu ứng này sẽ khiến chúng ta khó đón nhận những kiến thức mới cũng như lắng nghe góp ý để sửa chữa sai lầm.
Đọc thêm ở đây: https://www.brainpickings.org/2014/05/13/backfire-effect-mcraney/
10. The Barnum effect – Hiệu ứng Barnum
“Bạn sẽ gặp khó khăn khi bắt đầu một lĩnh vực mới, nhưng chắc chắn chỉ cần bạn cố gắng hết mình thì sẽ thành công. Vì bạn là một người rất nỗ lực và có khả năng tiềm ẩn, chỉ cần vượt qua được những cám dỗ thì sẽ làm được.”
Đây là dạng câu nói dành cho ai cũng đúng, và cũng là một ví dụ cho hiệu ứng Barnum, được đặt tên theo diễn viên xiếc Barnum. Người đã rất thành công nổi tiếng với câu nói:
“Tôi có một màn biểu diễn dành cho tất cả mọi người”.
Con người có xu hướng tin vào những lời mà họ muốn tin hơn là những gì được các tiêu chí khách quan kiểm chứng. Họ sẽ tự gắn mình với những lời đánh giá đó, hành động và cư xử như đúng những gì mà họ được tiếp nhận, mà quên mất rằng những đánh giá ấy đúng với số đông người nghe.
Hiệu ứng này thường dùng để thuyết phục người khác tốt hơn, bí quyết nằm ở chỗ bạn nói được những điều người kia muốn nghe, có tính tích cực nhưng không quá đi sâu vào vấn đề cụ thể. Lĩnh vực bói toán, tử vi là nơi ứng dụng hiệu ứng này nhiều nhất. Hiểu được nó, sẽ giúp bạn nhận ra đâu là những lời nhận xét đúng về bản thân mình.
Đọc thêm: https://www.kyleads.com/blog/barnum-effect/
11. The groupthink – Tư duy tập thể
Được đặt tên bởi nhà tâm lý học Irving Janis. Đây là một hiện tượng tâm lý xảy ra đối với một nhóm người, trong đó, các thành viên quá xem trọng sự hòa hợp và thống nhất trong nhóm dẫn đến không xem trọng việc đánh giá thực tiễn và đưa ra hành động.
Hiệu ứng này dễ khiến các tập thể “ảo tưởng sức mạnh”, nó khiến cho việc phân tích tính khả thi của một kế hoạch hay đúng sai của một quyết định bị sai lệch. Với tính thống nhất cao như vậy, các thành viên trong nhóm thường rất xem trọng ý kiến của người đứng đầu, và ngược lại xem nhẹ hoặc phớt lờ ý kiến của người khác.
Lâu dần, hiệu ứng này sẽ làm mất đi “Critical Thinking” của nhóm, những lựa chọn hướng giải quyết đưa ra cũng ít dần đi. Và thường sẽ chọn những phương án an toàn giữ được hòa khí nhất cho nhóm. Kết quả dần tệ đi và tan rã khi người đứng đầu bỏ cuộc.
Đọc thêm: https://www.verywellmind.com/what-is-groupthink-2795213
12. The Negativity bias – Định kiến tiêu cực
Khi cãi nhau với người khác, chúng ta có xu hướng tập trung chỉ nhìn vào mặt tiêu cực của người đó và quên mất đi những mặt tích cực khác. Thay vì thừa nhận điểm tốt, chúng ta lại cứ nhai đi nhai lại những điểm không hoàn hảo của đối phương. Ngay cả những lỗi nhỏ nhất cũng bị khuếch đại lên một cách rất nghiêm trọng.
Đấy là vì chúng ta bị tác động bởi định kiến tiêu cực, lý do là trong quá trình tiến hóa não bộ đã tạo ra thói quen tập trung vào những điều tiêu cực nhiều hơn tích cực để cố gắng giữ cho chúng ta an toàn.
Định kiến này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần của chúng ta, nó khiến chúng ta có những suy nghĩ đen tối, làm tổn thương các mối quan hệ với người thân. Ngăn cản góc nhìn lạc quan của cuộc sống, đây là định kiến mà mình cho rằng tất cả chúng ta cần phải nhận ra từ sớm và tìm cách thay đổi nó.
Học thói quen tạo ra danh sách Pros-Cons cho mọi vấn đề – chủ thể, sẽ giúp chúng ta đánh giá mọi thứ khách quan hơn.
Đọc thêm: https://www.verywellmind.com/negative-bias-4589618
13. Declinism bias – Định kiến giải mã
Là xu hướng tin rằng quá khứ luôn tốt đẹp, còn tương lai chỉ toàn những điều tồi tệ.
Định kiến này thường áp dụng trên quy mô tập thể, xã hội khi mà chúng ta luôn tin rằng những điều tồi tệ nhất sẽ đến sắp tới. Nó khiến chúng ta mất lòng tin vào tương lai, dân tộc và chính phủ, bị ám ảnh bởi “ngày tận thế”.
Đọc thêm: https://lifehacker.com/the-cognitive-biases-that-convince-you-the-world-is-fal-1822620516
14. The Framing effect – Hiệu ứng đóng khung
Đây là hiệu ứng rất hữu dụng trong ngành bán hàng, quảng cáo, tiếp thị. Vì não bộ sẽ đưa ra quyết định về thông tin dựa trên cách thông tin đó được trình bày.
Trong ngành thời trang, có một vài thuật ngữ như “Visual Merchandising” hay “Window Display” đều là nói về công việc trình bày, trang trí, sắp xếp mọi thứ trong và ngoài cửa hàng. Với mục đích thu hút khách qua đường cũng như tiêu tiền trong cửa hàng.
Việc mockup thiết kế của bạn vào các sản phẩm thực tế sẽ giúp bạn dễ thuyết phục khách hàng hơn.
Đọc thêm: https://thedecisionlab.com/biases/framing-effect/
15. Fundamental Attribution error – Thành kiến quy kết
Nếu bạn bị mất ngủ vào đêm trước, việc bạn đi trễ hoặc lờ đờ vào buổi sáng với bạn là điều bình thường. Nhưng nếu người khác cũng đi trễ, bạn sẽ dễ cho rằng là do họ lười biếng.
Đây là ví dụ cho hiệu ứng Quy kết, về việc chúng ta có xu hướng thiên vị bản thân khi quá coi trọng ảnh hưởng của hoàn cảnh lên thất bại của mình, nhưng lại đánh giá thấp yếu tố hoàn cảnh khi đánh giá vấn đề của người khác.
Đọc thêm: https://www.verywellmind.com/attribution-social-psychology-2795898
16. The Halo effect – Hiệu ứng hào quang
Việc bạn thích ai đó, hoặc họ hấp dẫn đến mức nào sẽ ảnh hưởng tới đánh giá của bạn về họ. Trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi, mình rất thích câu nói của một huấn luyện viên bóng chày, anh ấy cho rằng: “Một người giỏi trong lĩnh vực nào đó, không có nghĩa là họ giỏi tất cả.”
Phán đoán của chúng ta là sự tổng hợp và tự động kết nối các dữ kiện, vì thể để giữ được tính khách quan, chúng ta cần phải kiểm soát một cách có ý thức những ảnh hưởng xung quanh. Điều này đặc biệt quan trọng trong môi trường chuyên nghiệp.
Đọc thêm: https://www.verywellmind.com/what-is-the-halo-effect-2795906
Tác giả: Hoàng Nguyễn
Về chủ mục
Nguyễn Xuân Hoàng (Hoàng Nguyễn)
Sinh năm 1988 tại thành phố Hồ Chí Minh, Hoàng Nguyễn là một trong những cá nhân tiên phong trong lĩnh vực Product Design tại Việt Nam.
Anh đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển sản phẩm công nghệ, trong đó với hơn 5 năm thiết kế sản phẩm cho các công ty công nghệ tại Silicon Valley. Anh có 4 năm liền làm Giám khảo chuyên môn cho Behance Portfolio Review, Halography tại Việt Nam.
Hoàng Nguyễn hiện tại là Co-Founder và Product Design Coach tại GEEK Up – công ty phát triển sản phẩm công nghệ. Ngoài ra, anh từng viết bài cho GAM7, đóng góp nội dung sách: “EXPERIENCE – Xây dựng trải nghiệm trong thời đại khách hàng khó tính”, “Em muốn học thiết kế nhưng mẹ không cho!” và thường xuyên chia sẻ kiến thức chuyên môn cho cộng đồng.
Anh còn là Top Writer của 2 chuyên mục: Design, Creativity tại www.medium.com, nền tảng xuất bản kiến thức trực tuyến nổi tiếng nhất hiện nay.
Blog tiếng việt: https://hoang.moe/
Blog tiếng anh: https://hoangstories.medium.com/
Nguồn tham khảo
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Giới hạn của Sáng tạo và 6 Phương pháp tạo ra ý tưởng
- 2. 5 cấp độ của sáng tạo
- 3. Làm thế nào để thiết kế này đẹp hơn?
- 4. Các loại định kiến thường gặp khi thiết kế (Phần 1)
- 5. Những hiểu lầm phổ biến về UX/UI
- 6. Những điều mình chưa học ở trường thiết kế
- 7. Thiết kế ứng dụng - thế nào gọi là tốt?
- 8. Designer, đây là những dấu hiệu bạn vẫn đang phát triển
- 9. Khi nào thì thiết kế sẵn sàng để gửi?
- 10. Khi thiết kế cũng cần lên đỉnh!