Keiichi Tanaami - Nghệ thuật đến từ những giấc mơ, kí ức và ảo giác

Khi nhắc đến những huyền thoại nghệ thuật đại chúng ở Nhật, người ta sẽ thường nghĩ đến Tadanori Yokoo, nhưng Keiichi Tanaami cũng là một nghệ sĩ đỉnh cao không thua kém đồng nghiệp của mình. Những tác phẩm của ông phản ánh nhiều về những kí ức mà ông từng trải qua thời thơ ấu.

Keiichi Tanaami sinh năm 1936 tại Tokyo, một trong những nghệ sĩ Pop Art hàng đầu của Nhật Bản vào thời hậu chiến. Ông sáng tạo trong đa dạng phương tiện nghệ thuật như thiết kế đồ họa, phim hoạt hình và họa sĩ. Ngày nay, ông vẫn là một trong những biểu tượng của nghệ thuật đại chúng tại Nhật.

Sự ảnh hưởng của chiến tranh trong tác phẩm

Năm ông 9 tuổi, Tokyo bị đánh bom trong cuộc Đại không kích năm 1945. Những hình ảnh chiến tranh khắc sâu trong tâm trí ông vào thời điểm này đã trở thành mô típ chính trong các tác phẩm nghệ thuật như tiếng gầm rú của máy bay ném bom Mỹ, ánh đèn pha quét bầu trời, những quả bom lửa rơi xuống từ máy bay, thành phố chìm trong biển lửa, hàng loạt người chạy,…

“Chiến tranh đã cướp đi tuổi thơ của tôi, khoảng thời gian đáng lẽ chỉ có ăn và chơi, nhưng bởi sự quái dị bí ẩn của chiến tranh; những giấc mơ của tôi là một vòng xoáy của nỗi sợ hãi và lo lắng, tức giận và cam chịu. Vào đêm không kích, tôi nhớ lại cảnh từng nhóm người chạy trốn khỏi những đỉnh núi trọc lốc. Nhưng rồi điều gì đó xảy ra với tôi: khoảnh khắc đó có thật không? Giấc mơ và hiện thực đều lẫn lộn trong ký ức của tôi, hằn dấu lại vĩnh viễn theo cách mơ hồ này.”

Keiichi Tanaami
“Mẹ và con”, 1973.
“Cá vàng”, 1973.

Ông bắt đầu học vẽ từ khi còn nhỏ và khi còn là một học sinh trung học, ông thường dành thời gian tại xưởng vẽ của họa sĩ vẽ hoạt họa sau chiến tranh là Kazushi Hara. Tuy nhiên, sau sự ra đi đột ngột của Hara, ông đã chuyển sang lĩnh vực mới bấy giờ là tiểu thuyết hình họa và tiếp tục theo học tại Đại học Nghệ thuật Musashino. Đã có những lời đồn về tài năng của ông được lan truyền vào thời sinh viên. Khi đang là sinh viên năm thứ hai vào năm 1958, ông đã được trao giải Lựa chọn Đặc biệt tại một cuộc triển lãm do nhóm thiết kế và minh họa có thẩm quyền tổ chức vào thời điểm đó. Một trong những người cố vấn của ông trong giai đoạn này chính là nhà thiết kế đồ họa huyền thoại Kiyoshi Awazu.

Trong những năm 60, ông đã làm việc với tư cách là một họa sĩ minh họa và nhà thiết kế đồ họa thành công, đồng thời tích cực tham gia vào hội Neo-Dada, một trong những phong trào nghệ thuật tiêu biểu của Nhật Bản thời hậu chiến. Cũng trong thời gian này, ông thực hiện các video đồ họa, một lĩnh vực còn mới trong giới nghệ thuật. Các tác phẩm phim hoạt hình ngắn của ông phần lớn được dựa trên phong cách kể truyện của Kamishibai.

Một trong số nhiều phim hoạt hình ngắn của Keiichi Tanaami.

Tanaami đã trích dẫn Sergei Eisenstein, đạo diễn điện ảnh tiên phong người Nga nổi tiếng với bộ phim “Chiến hạm Potemkin” (1925), là người có ảnh hưởng đáng kể đến chuỗi tác phẩm mà ông đã tạo ra trong thời kỳ này.

Cú sốc khi tiếp cận với nghệ thuật của Andy Warhol

Năm 1967, Tanaami thực hiện chuyến đi đầu tiên đến New York, nơi ông được chiêm ngưỡng các tác phẩm của huyền thoại Andy Warhol, và bị ấn tượng bởi những khả năng mới mà người phường Tây tạo ra trong thế giới nghệ thuật.

“Warhol đang trong quá trình chuyển đổi từ họa sĩ minh họa thương mại sang làm nghệ sĩ, và tôi đã tận mắt chứng kiến ​​và trải nghiệm những thủ pháp, phương pháp thâm nhập thế giới nghệ thuật của ông ấy. Các chiến lược của ông giống với các chiến lược mà các công ty quảng cáo hay sử dụng. Bằng việc sử dụng các biểu tượng đương đại làm mô típ trong các tác phẩm và cho các hoạt động khác của mình, kết hợp các phương tiện truyền thông như phim, báo chí và nhạc rock.

Nói cách khác, sự tồn tại duy nhất của Warhol là bán các tác phẩm của mình cho thị trường nghệ thuật. Tôi bị sốc vì điều này, đồng thời tôi coi ông ấy như một hình mẫu hoàn hảo cho bản thân. Giống như Warhol, tôi quyết định không giới hạn bản thân trong một phương tiện như mỹ thuật hoặc thiết kế, mà thay vào đó, tôi khám phá nhiều phương pháp khác nhau.”

“Hi-life”, 1966.

Ở thời kì đỉnh cao của văn hóa ảo giác (psychedelic) và nghệ thuật đại chúng, các tác phẩm đầy màu sắc của Tanaami đã được ca ngợi ở cả trong và ngoài Nhật Bản. “KHÔNG CÒN CHIẾN TRANH” là tác phẩm đoạt giải của ông từ cuộc thi thiết kế áp phích phản chiến năm 1968 do Tạp chí AVANT-GARDE tổ chức, ảnh bìa album cho các ban nhạc huyền thoại The Monkees Jefferson Airplane đã tạo được dấu ấn lớn mở đường cho Pop Art đến Nhật Bản.

Loạt tác phẩm châm biếm chính trị, khiêu dâm và một số chủ đề cấm kị khác của ông được thực hiện vào đầu những năm 70 đã trở thành một dấu ấn quan trọng tuyên bố Tanaami là nghệ sĩ Nhật Bản với con mắt dí dỏm về văn hóa Mỹ. Năm 1975, Tanaami trở thành giám đốc nghệ thuật đầu tiên của Tạp chí hàng tháng Playboy khi ra mắt tại Nhật.

Các tác phẩm của Tanaami từ thời kỳ này chủ yếu ở phương tiện phim ảnh và báo in, mang tính khiêu khích và thử nghiệm. Đặc biệt, các bộ phim của ông đã nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình, xuất hiện trong Liên hoan phim ngắn quốc tế Oberhausen ở Đức (1975, 1976), Liên hoan phim New York (1976) và Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Ottawa ở Canada (1976).

Đối mặt với sự sống và cái chết

Năm 1981, ở tuổi 45, ông bị phù phổi và một thời gian đứng trên bờ vực của sự sống và cái chết. Trong suốt thập niên 80 và 90, Tanaami đã tạo ra nhiều tác phẩm xoay quanh chủ đề “sự sống và cái chết” dựa trên trải nghiệm này. Ví dụ, hình dạng cây thông xuất hiện thường xuyên trong các tác phẩm của Tanaami xuất phát từ một ảo giác mà ông ấy trải qua trong thời gian bị bệnh. Tương tự như vậy, những con sếu, voi và phụ nữ khỏa thân xuất hiện cùng với hình xoắn ốc và các kiến ​​trúc giống như khu vườn thu nhỏ là đặc trưng cho các tác phẩm của ông từ thời kỳ này.

“Tôi đã chán lối sống của chính mình, uống rượu đến sáng và sau đó dành cả ngày để làm việc trong trạng thái tỉnh táo mê sảng. Có một thực tế là tôi không có niềm tin mạnh mẽ với thiết kế đồ họa và biểu hiện nghệ thuật, và chính tôi Tôi đã mất đi tự tin và đam mê với công việc của mình. Tôi đã trải qua những ngày tháng sống buông thả và thờ ơ, rồi hình phạt to lớn này giáng xuống tôi từ trên trời. Cuộc sống không phải là vĩnh cửu. Những suy nghĩ về cái chết, thứ mà tôi đã không chú ý nhiều cho đến thời điểm đó, và về cách sống cuộc đời tương đối ngắn ngủi này và tự đặt mình vào trung tâm mạch suy nghĩ của bản thân.”

Keiichi Tanaami

Tanaami đã trải qua ảo giác mỗi đêm trong suốt 4 tháng nằm viện. “Do tác dụng phụ của thuốc mạnh, cứ vào khoảng 7 giờ tối, tôi bị sốt cao đến mức rơi vào trạng thái mê sảng, và lúc đó tôi luôn có cùng một giấc mơ. Cho đến lúc này, tôi vẫn không chắc đó là ‘giấc mơ’ hay ‘ảo giác’. Mỗi đêm khi cơn sốt ập đến, tôi sẽ thấy một cảnh tượng giống hệt bờ biển Port Lligat thường xuất hiện trong các bức tranh của Salivador Dalí trên bức tường trắng dưới chân tôi. Tôi đã không mở một cuốn sách về các tác phẩm của Dalí trong suốt thời gian nằm viện của mình, cũng như không có bất kỳ hồi ức nào về việc đặc biệt xúc động trước bất cứ điều gì tương tự trong cuộc đời tôi. Những giấc mơ của tôi chắc hẳn đã bị xáo trộn với ảo giác do thuốc.”

“Marilyn Monroe”, 1984.
“Hành lang”, 1986.

Giấc mơ, kí ức và ảo giác là những từ khóa này rất quan trọng để diễn giải tác phẩm của Tanaami. Qua nỗi ám ảnh của mình, ông có thể tiếp tục từ vị trí mà ông đã tỉnh dậy ở giấc mơ trước. Tanaami bị ám ảnh bởi “những giấc mơ” và nói rằng cuối cùng ông cũng có thể kiểm soát giấc mơ của chính mình. Tuy nhiên, ông ấy dễ bị mất ngủ và nhận được chỉ định của bác sĩ để dừng lại.

Tiếp tục là niềm cảm hứng cho thế hệ trẻ

Năm 1999, các tác phẩm của Tanaami từ những năm 60 được tổ chức tại Phòng trưng bày 360° ở Tokyo. Cuộc triển lãm đã được đánh giá cao và các tác phẩm của Tanaami một lần nữa trở nên phổ biến trong giới văn hóa của người trẻ. Ông đã hợp tác với nhiều nhà thiết kế thời trang chẳng hạn như Mary Quant năm 2003, Paul SmithMoncler năm 2007, Manish Arora năm 2008, Lucien Pellat-Finet vào năm 2011, và với hãng Stüssy năm 2013. Song song với đó là thực hiện bìa album cho nhóm nhạc rock Super Furry Animals của Anh ‘Hey Venus! (2007) và Dark Days/Light Years (2009, hợp tác với Pete Fowler).

“Cây thông xoắn ốc”, 2009.

Kể từ năm 2006, việc giới thiệu các tác phẩm của Tanaami vào nền mỹ thuật trên toàn thế giới ngày càng mạnh mẽ, phản ánh bối cảnh nghệ thuật đương đại đang mở rộng. Mỗi năm, ông lại được quốc tế hoan nghênh hơn nữa khi ông trưng bày các tác phẩm tại các phòng trưng bày và bảo tàng trên khắp thế giới.

“Những bức tranh và tác phẩm điêu khắc của ông kết hợp các yếu tố của nghệ thuật đại chúng với ấn tượng khắc sâu từ thời thơ ấu. Chúng bao gồm những kỷ niệm về trải nghiệm ảo giác và những cơn sốt cao, từ thời Thế chiến thứ 2. Đồng thời, những tác phẩm này vẫn giữ gìn những truyền thống tôn giáo của châu Á, và mối liên hệ giữa lịch sử và văn hóa Nhật Bản (đặc biệt là nghệ thuật). Nghệ thuật của Keiichi Tanaami không chỉ là sự kết hợp đặc biệt của các yếu tố “phương Đông” và “phương Tây”, mà còn là dấu hiệu cho thấy những yếu tố đó được ‘trộn lẫn’ bên trong Bản thân nghệ sĩ.”

Lisa Werner-Art, 2009.

Tanaami làm giáo sư tại Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Kyoto từ năm 1991, nơi ông đã giúp đào tạo ra những nghệ sĩ trẻ mới như Tabaimo.

“Tại sao tôi lại bị thôi thúc muốn vẽ một bức tranh? Bây giờ tôi phải nghĩ về một câu hỏi đơn giản như vậy. Khi tôi còn nhỏ, tôi nghĩ về một bộ phim hoặc cảnh tôi vừa xem và biến nó thành một bức tranh. Đó là của niềm vui lớn nhất của tôi… Tôi có một trí nhớ rõ ràng về cảm giác ‘đụng chạm’ vào thời điểm đó. Niềm vui sướng khi chạm vào lớp màu vẽ vẫn còn đấy. Không dễ dàng để giải thích động cơ để vẽ một bức tranh là gì, và cho dù tôi có nghĩ về nó bao nhiêu đi nữa, tôi cũng không thể tìm ra câu trả lời rõ ràng. Có vẻ như chắc chắn rằng trải nghiệm thời thơ ấu đã có tác động nhất định. Tôi vẫn thích thú với cảm giác khó tả của bức tranh và cách kết hợp cảm hứng từ phim ảnh vào bức tranh. Thái độ của tôi đối với hội họa không hề thay đổi kể từ khi tôi còn là một đứa trẻ.”

Keiichi Tanaami
“Con voi đỏ và cá voi xanh”, 2017.

Xem thêm các tác phẩm khác tại website chính thức của Keiichi Tanaami.

Biên tập: Navi Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp

Cùng tác giả

#Tag

Andy War hội họa Nhật Bản Keiichi Tanaami Navi Nguyễn nghệ thuật đại chúng pop art Psychedelic Tadanori Yokoo

iDesign Must-try

Những bức vẽ cô bé có gương mặt ‘hờn dỗi cả thế giới’ trị giá triệu USD của Yoshitomo Nara
Những bức vẽ cô bé có gương mặt ‘hờn dỗi cả thế giới’ trị giá triệu USD của Yoshitomo Nara
Yoshitomo Nara sinh năm 1959 tại Aomori, là một trong những nghệ sĩ đương đại nổi tiếng nhất Nhật Bản. Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật và âm nhạc…
Những nghệ sĩ đằng sau danh họa Moses Rosenthaler trong ‘The French Dispatch’ của Wes Anderson
Những nghệ sĩ đằng sau danh họa Moses Rosenthaler trong ‘The French Dispatch’ của Wes Anderson
Một phần hậu trường của bộ phim The French Dispatch do Wes Anderson đã diễn ra thế nào?
Kenji Kawakami - Thiên tài đứng sau những sáng chế kì quặc
Kenji Kawakami - Thiên tài đứng sau những sáng chế kì quặc
Vì sao Nhật Bản lại có những phát minh kì quặc khó có thể áp dụng vào đời sống hàng ngày?
Hòn đảo Naoshima - Kỳ quan của nghệ thuật đương đại thế giới
Hòn đảo Naoshima - Kỳ quan của nghệ thuật đương đại thế giới
Hòn đảo Naoshima có những công trình đương đại nổi tiếng nào khiến nơi đây trở nên độc nhất trên thế giới?
Lịch sử thiệp Giáng Sinh: Ngành công nghiệp thiệp Giáng Sinh ở Mỹ (Phần 2)
Lịch sử thiệp Giáng Sinh: Ngành công nghiệp thiệp Giáng Sinh ở Mỹ (Phần 2)
Ngành công nghiệp thiệp Giáng Sinh tại Mỹ đã bắt đầu như thế nào?
Lịch sử thiệp Giáng Sinh: Khởi nguồn ở Anh (Phần 1)
Lịch sử thiệp Giáng Sinh: Khởi nguồn ở Anh (Phần 1)
Thiệp Giáng Sinh đầu tiên có ở quốc gia nào? Làm thế nào mà chúng ra đời?