Ruth Asawa - Cuộc đời nghệ thuật từ một nghệ sĩ đan dây đến nghệ nhân điêu khắc
Một trong những nghệ sĩ gốc Á đã tạo được dấu ấn lớn tại nước Mỹ không chỉ về nghệ thuật mà cả giáo dục, đó chính là Ruth Asawa. Bằng tinh thần vượt lên mọi nghịch cảnh của chiến tranh và phân biệt chủng tộc, bà đã để lại nhiều tác phẩm điêu khắc bằng dây có sức ảnh hưởng lớn đến thế hệ sau.
Gần đây, Ruth Assawa đã được nêu tên trong Đại sảnh Danh vọng California năm 2021. Đây là giải thưởng vinh danh được thành lập năm 2006 tại Bảo tàng California bởi cựu Thống đốc Arnold Schwarzenegger và Đệ nhất phu nhân Maria Shriver để tôn vinh những con người đã thể hiện tinh thần đổi mới của California và đã ghi dấu ấn trong lịch sử. Những người được nêu tên đến từ mọi tầng lớp xã hội và đã đạt được những thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực, bao gồm nghệ thuật, giáo dục, kinh doanh và lao động, khoa học, thể thao, từ thiện và dịch vụ công.
Cuộc sống khó khăn ở đất Mỹ
Ruth Asawa (1926-2013) là một nhà điêu khắc sinh ra tại Norwalk, California. Cha mẹ của bà đều là những người nhập cư từ Nhật Bản đến Mỹ. Bà bắt đầu quan tâm đến nghệ thuật khi còn nhỏ. Hồi còn đi học, bà thường được giáo viên tiểu học khuyến khích tạo ra các tác phẩm nghệ thuật của riêng mình. Kết quả là Asawa đã nhận được giải nhất trong một cuộc thi nghệ thuật của trường vào năm 1939.
Cũng phải nói thêm, việc sinh sống ở một quốc gia xa lạ khiến gia đình của Asawa gặp không ít khó khăn. Cha của Ruth thì bị FBI bắt vào năm 1942 và giam tại trại tạm giam ở New Mexico. Em gái Nancy (Kimiko) thì không thể quay lại Mỹ sau chuyến viếng thăm gia đình ở Nhật Bản, vì Mỹ đã ngăn cấm việc nhập cảnh của công dân Mỹ từ Nhật trong giai đoạn chiến tranh. Còn riêng Ruth thì phải vào trại tập trung dành riêng cho người Nhật, kể cả bà là một công dân Mỹ.
Ruth may mắn vì thời gian bị giam giữ của bà chỉ kéo dài 18 tháng. Một tổ chức có tên là Hội đồng Di dời Sinh viên Mỹ gốc Nhật đã trao cho bà học bổng để theo học đại học ở Milwaukee, Wisconsin. Đối với Ruth, đi thực tập là bước đầu tiên trên hành trình đến với thế giới nghệ thuật, điều đã thay đổi sâu sắc con người bà và những gì bà nghĩ là có thể xảy ra trong cuộc sống.
“Tôi không thù hận về những gì đã xảy ra. Tôi không trách ai cả. Đôi khi điều tốt nhất lại đến sau nghịch cảnh. Tôi sẽ không phải là con người của ngày hôm nay nếu không có thời gian trong trại tập trung, và tôi thích con người này của mình.”
Ruth Asawa nói về khoảng thời gian trong trại tập trung khi bước sang 68 vào năm 1994.
Giấc mơ trở thành một giáo viên Mỹ thuật của bà cũng gian nan không kém khi nhiều trường đại học từ chối sinh viên là người gốc Nhật. Trong một lần du lịch đến Mexico, bà đã gặp giáo viên Clara Porset, một nhà thiết kế nội thất đến từ Cuba. Porset đã nói với Asawa về trường Cao đẳng Black Mountain nơi có người quen đang giảng dạy. Đây là trường cao đẳng được thành lập bởi những giảng viên có tư tưởng tiến bộ như John Dewey, Albert Einstein, Walter Gropius và Carl Jung. Asawa kể lại:
“Tôi được biết là điều đó sẽ rất khó khăn cho tôi, với những ký ức về chiến tranh vẫn còn nguyên vẹn, và để làm việc trong một trường công lập. Tính mạng của tôi thậm chí có thể gặp nguy hiểm. Nhưng đây là một món quà trời cho, vì nó đã khuyến khích tôi theo đuổi sở thích của mình trong nghệ thuật, và sau đó tôi đăng ký vào trường Cao đẳng Black Mountain ở Bắc Carolina.”
Từ năm 1946 đến 1949, bà học tại trường Cao đẳng Black Mountain với Josef Albers, người quen mà Porset giới thiệu. Asawa học cách sử dụng các vật liệu phổ biến và bắt đầu thử nghiệm với dây bằng nhiều kỹ thuật. Giống như tất cả sinh viên trong trường, Asawa tham gia các khóa học về nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau và cách tiếp cận liên ngành này đã giúp hình thành hoạt động nghệ thuật của bà.
Ngôi trường được bảo vệ vì sự cô lập ở vùng nông thôn, họ đã thành công trong việc tạo ra một môi trường học an toàn. Theo Asawa: “Các giáo viên ở đó là những nghệ sĩ thực hành, không có sự tách biệt giữa việc học, thực hành các công việc hàng ngày và liên quan đến nhiều loại hình nghệ thuật. Tôi đã ở đó 3 năm và gặp những người thầy tuyệt vời, những người đã cho tôi đủ nhiệt huyết đến hết cuộc đời – họa sĩ Josef Albers, nhà phát minh Buckminster Fuller, nhà toán họa Max Dehn và nhiều người khác. Thông qua họ, tôi hiểu được toàn bộ yếu tố cần thiết để trở thành một họa sĩ.”
Bắt đầu sự nghiệp
Vào những năm 1950, khi còn là sinh viên, bà đã thực hiện một loạt các tác phẩm điêu khắc bằng dây móc mang nhiều tính trừu tượng. Bắt đầu với các thiết kế giỏ xách, bà dần khám phá các hình dạng mang tính sinh học rồi treo trên trần nhà. Kỹ thuật đan móc dây này được bà học trong chuyến đi thực tế ở Toluca, Mexico, nơi dân làng sử dụng một kỹ thuật tương tự để làm giỏ trứng bằng cách đan dây. Mặc dù quá trình thực hiện các tác phẩm này mang tính lặp lại nhiều lần, nhưng việc lên ý tưởng rất phức tạp.
“Tôi quan tâm đến thứ này vì tính gọn gàng của đường nét, tạo ra một thứ gì đó trong không gian, bao bọc nó mà không ngăn nó đi ra ngoài, nó vẫn giữ được sự trong suốt. Tôi nhận ra rằng nếu mình tạo tác phẩm bằng cách liên kết và đan xen, thì tất cả chỉ bằng một đường nối và nó có thể đi đến bất cứ đâu.”
“Chúng tôi luôn thấy bà ấy làm nghệ thuật, đó là một phần cuộc sống hàng ngày của bà. Tôi chưa bao giờ nghĩ bà ấy làm nghệ thuật như một hoạt động riêng biệt. Thậm chí, chúng tôi không cần phải giữ im lặng để bà có thể tập trung. Không gian làm nghệ thuật của bà luôn ở trong nhà chúng tôi…”
Aiko Cuneo chia sẻ về cuộc sống hàng ngày của mẹ.
Sau chuyến thăm Mexico, giáo viên mỹ thuật của Asawa nói rằng rằng sở thích vẽ thông thường của bà đã bị thay thế bằng niềm đam mê sử dụng dây như một cách vẽ trong không gian. Các tác phẩm điêu khắc bằng dây vòng của bà khám phá mối quan hệ của nội tâm và những gì bên ngoài. Chúng được bà mô tả là thể hiện các trạng thái vật chất khác nhau: trong và ngoài, đường nét và thể tích, quá khứ và tương lai.
Năm 1954, Asawa được mời giải thích về tác phẩm của mình cho buổi triển lãm đầu tiên tại Phòng trưng bày Peridot ở New York. Điều khiến tác phẩm của bà khác biệt với những nhà điêu khắc còn lại là sự nhẹ nhàng và trong suốt của chúng, cũng như chuyển động của chúng khi bị treo lơ lửng trên trần nhà. Bà viết: “Một tấm lưới đan không khác gì một lá thư thời trung cổ. Một đoạn dây liên tục, tạo thành các khối bao bọc bên trong, nhưng tất cả các hình khối đều có thể nhìn thấy được (trong suốt). Cái bóng sẽ tiết lộ hình ảnh chính xác của vật thể”.
Cũng trong những năm 1950, Asawa đã tìm kiếm biện pháp để làm sạch các tác phẩm điêu khắc bằng dây kim loại làm từ đồng thau và sắt bắt đầu bị xỉn màu hoặc oxy hóa. Một số doanh nghiệp đã bác bỏ yêu cầu này vì không đáng để họ đầu tư. Nhưng cuối cùng bà đã tìm thấy C&M Plating Works, họ đã giúp bà thử nghiệm các phương pháp làm sạch lớp gỉ. Họ cũng giúp bà tìm ra cách để có được kết cấu và màu sắc xanh bị gỉ tương tự trên các tác phẩm điêu khắc bằng dây. Qua quá trình thử nghiệm và thất bại, họ đã đảo ngược quá trình mạ điện. Sau khi bà tạo thành tác phẩm điêu khắc bằng dây đồng và ngâm chúng trong bể chứa hóa chất nhiều tháng, các tác phẩm xuất hiện những lớp da sần sùi, màu xanh lá cây và có kết cấu đầy màu sắc tương tự như san hô hoặc vỏ cây.
Năm 1962, Asawa bắt đầu thử nghiệm các tác phẩm điêu khắc bằng dây lấy cảm hứng từ tự nhiên, chúng ngày càng mang tính hình học và trừu tượng khi bà phát triển trong lúc làm việc. Bà mô tả những tác phẩm này bằng các thuật ngữ như “cây” và “phân nhánh”. Bà bắt đầu làm ở phần lõi từ 200 đến 1000 dây, sau đó chia thành các nhánh bằng cách sử dụng tham khảo các hình thù có trong tự nhiên. Cũng như các tác phẩm khác, những dạng dây buộc này cho phép bà tự do khám phá “mối quan hệ giữa bên ngoài và bên trong phụ thuộc lẫn nhau, không thể tách rời”.
Người phụ nữ của những đài phun nước.
Bà bắt đầu nhận hoa hồng cho các tác phẩm điêu khắc quy mô lớn trong không gian công cộng và thương mại ở San Francisco và các thành phố khác. Awasa đã lắp đặt tác phẩm điêu khắc công cộng đầu tiên Andrea (1968) ở Quảng trường Ghirardelli, với hy vọng tạo ra ấn tượng rằng nó đã luôn ở đó. Tác phẩm này mô tả hai nàng tiên cá bằng đồng đúc trong một đài phun nước, một người đang cho con bú, bắn tung tóe giữa rùa biển và ếch.
Tuy nhiên, đã có nhiều tranh cãi về thẩm mỹ, nữ quyền và nghệ thuật công cộng khi sắp đặt. Lawrence Halprin, kiến trúc sư cảnh quan, người đã thiết kế không gian bên bờ sông, đã mô tả tác phẩm điêu khắc như một vật trang trí trên bãi cỏ ngoại ô và yêu cầu dỡ bỏ tác phẩm. Asawa phản bác: “Đối với người già, nó sẽ gợi lại những giấc mơ về thời thơ ấu của họ, và đối với người trẻ, nó sẽ mang lại cho họ điều gì đó để họ nhớ khi về già.” Nhiều người San Francisco, đặc biệt là phụ nữ, đã ủng hộ tác phẩm điêu khắc nàng tiên cá của Asawa và bảo vệ được nó.
Gần Quảng trường trên phố Stockton, bà đã tạo ra một đài phun nước bằng cách huy động 200 học sinh nhào nặn hàng trăm hình ảnh về thành phố San Francisco bằng bột, sau đó đúc lại bằng sắt. Trong nhiều năm, bà tiếp tục thiết kế các đài phun nước công cộng khác và được biết đến ở San Francisco với biệt danh “người phụ nữ đài phun nước”.
Cống hiến cho giáo dục nghệ thuật ở trẻ em
Asawa là một người ủng hộ nhiệt tình cho giáo dục nghệ thuật như một trải nghiệm mang tính chuyển đổi và trao quyền, đặc biệt là cho trẻ em. Năm 1968, bà được bổ nhiệm làm thành viên của Ủy ban Nghệ thuật San Francisco và bắt đầu vận động các chính trị gia và các tổ chức từ thiện để hỗ trợ các chương trình nghệ thuật có lợi cho trẻ nhỏ và người dân. Asawa đã giúp đồng sáng lập Hội thảo Nghệ thuật Alvarado dành cho trẻ em vào năm 1968.
Ảnh chụp bởi Laurence Cuneo.
Cách tiếp cận của Alvarado là tích hợp nghệ thuật và làm vườn, phản ánh quá trình giáo dục của Asawa thời trong trại tập trung. Bà tin tưởng vào kinh nghiệm thực hành dành cho trẻ em và theo phương pháp “vừa học vừa làm”. Bằng sự tin tưởng vào việc học hỏi từ các nghệ sĩ chuyên nghiệp, điều mà bà đã áp dụng từ việc học hỏi từ các nghệ sĩ thực hành tại Cao đẳng Black Mountain. 85% ngân sách của chương trình được dành cho việc thuê các nghệ sĩ và nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp để học sinh có thể học hỏi kinh nghiệm. Điều này được tiếp tục vào năm 1982 khi Trường Nghệ thuật San Francisco ra đời, và hiện = được đổi tên thành Trường Nghệ thuật Ruth Asawa San Francisco để vinh danh bà vào năm 2010.
“Một đứa trẻ có thể học điều gì đó về màu sắc, về thiết kế và cách quan sát các đối tượng trong tự nhiên. Nếu bạn làm được điều đó, bạn sẽ nhận thức rõ hơn về những thứ xung quanh mình. Nghệ thuật sẽ làm cho con người trở nên tốt hơn, có kỹ năng hơn trong suy nghĩ và cải thiện bất cứ công việc nào, hoặc bất cứ lĩnh vực nào. Nó làm cho một con người trở nên rộng mở hơn”.
Vào cuối đời, Asawa nhận ra giáo dục nghệ thuật là trọng tâm trong cuộc đời bà. Ruth Asawa qua đời vì tuổi già vào ngày 5 tháng 8 năm 2013, tại nhà riêng ở San Francisco lúc bà 87 tuổi.
Biên tập: Navi Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp