Cùng liên kết vũ trụ với thế giới đan xen của Chiharu Shiota
Trong hai thập kỷ qua, Chiharu Shiota đã tạo ra một vũ trụ được dệt từ các sợi dây, một vật liệu đã trở thành phương tiện đặc trưng của cô trong việc tạo ra các tác phẩm sắp đặt quy mô lớn đầy rực rỡ, thơ mộng và cũng rất ám ảnh.
Chiharu Shiota sinh ra và lớn lên tại Osaka, Nhật Bản năm 1972, cô theo đuổi ngành hội họa tại Đại học Kyoto Seika. Ngay từ sớm, Shiota nhận ra rằng sẽ rất khó để triển lãm trong các phòng trưng bày hoặc viện bảo tàng ở Nhật Bản, vì trở thành nghệ sĩ không được coi là một lựa chọn nghề nghiệp nghiêm túc ở quê nhà. “Tôi biết mình còn quá trẻ để có được bất kỳ thành công nào ở Nhật Bản với tư cách là một nghệ sĩ,” cô nhớ lại. “Tôi biết mình cần phải đến Mỹ hoặc Châu Âu để tiếp tục việc học và để có cơ hội thể hiện tốt hơn trong công việc của mình. Khi tôi được quốc tế công nhận nhiều hơn, thì Nhật Bản cũng công nhận tôi nhiều hơn. Tôi nghĩ nhiều nghệ sĩ khác cũng trải qua điều tương tự”.
Chính vì điều này, cô đã chuyển đến sống và làm việc tại Berlin, Đức năm 1997. Ở đây, cô được đào tạo dưới sự chỉ đạo của nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng Marina Abramović. Mặc dù ban đầu Shiota học tập để trở thành một họa sĩ, cô đã nhanh chóng thoát khỏi bức tranh hai chiều ngột ngạt và bị cuốn vào vũ trụ ba chiều vô tận của nghệ thuật trình diễn và sắp đặt. “Trong năm thứ hai học hội họa, tôi cảm thấy bế tắc. Tôi không thể tiếp tục con đường này nữa. Tôi có cảm giác rằng hội họa có quá nhiều lịch sử, nhưng đó không phải là một phần lịch sử của tôi”. Sau một giấc mơ mà cô đang vật lộn bên trong một bức tranh ngập trong sơn dầu đến nỗi không thở được, cô đã nghĩ ra “Becoming Painting” bằng cách đổ loại sơn màu đỏ độc hại lên toàn bộ cơ thể, khiến da mình bị bỏng. Đây là một dự án sắp đặt năm 1994 để cho phép cô hiểu rằng mình có thể làm nghệ thuật với cơ thể của bản thân.
Khi bắt gặp các tác phẩm sắp đặt của Chiharu Shiota, người xem giống như bước vào một không gian khác: chúng ta có thể tưởng tượng mình đang ở bên trong một mạng nhện hoành tráng, dưới một cánh buồm khổng lồ, trong hang động hoặc dưới sóng biển. Là một người kể chuyện, chia sẻ những khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời mình, cô ấy biến những suy nghĩ, trải nghiệm và nỗi sợ hãi thân thiết nhất của mình thành nghệ thuật, đầu tư cả cơ thể và tâm hồn vào những tác phẩm.
“Nghệ thuật của tôi rất mang tính cá nhân! Tất cả tác phẩm của tôi bắt đầu từ một trải nghiệm hoặc cảm xúc, và sau đó tôi mở rộng cảm giác này thành một thứ gì đó phổ quát. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thấy điều này khi họ quan sát những sắp đặt. Một số người có thể cảm nhật được sự kết nối mà tác phẩm thể hiện, nhưng một số người khác thì không.” Cô chia sẻ.
“Với một nghệ sĩ, tôi là một cá thể, nhưng với xã hội là một tập thể. Bạn không thể sống mà không kết nối với những người khác. Điều đó là không thể; chúng ta cần phải kết nối. Nhưng tôi tin nghệ thuật giúp bạn trở lại là chính mình. Nếu bạn gặp quá nhiều người, bạn có thể đánh mất bản thân, nhưng nếu bạn nhìn vào nghệ thuật, nghe nhạc hoặc đọc sách, bạn có thể liên hệ với một cảm giác và hiểu bản thân một lần nữa, và bạn trở lại làm một cá thể.”
“Chìa khóa là vật dụng quen thuộc và rất có giá trị trong việc bảo vệ cong người và những không gian quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Họ cũng truyền cảm hứng cho chúng ta để mở cánh cửa đến những thế giới chưa được biết đến. Với những suy nghĩ này, tôi muốn sử dụng những chiếc chìa khóa do mọi người cung cấp và chúng chứa những ký ức khác nhau do được sử dụng trong một thời gian dài. Khi tôi tạo ra tác phẩm trong không gian, ký ức của họ cũng sẽ trùng lặp với ký ức của chính tôi như lần đầu tiên. Những ký ức chồng chéo này sẽ kết hợp với những ký ức của mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến xem triển lãm, giúp họ có cơ hội giao tiếp theo một cách mới và hiểu rõ hơn về cảm xúc của nhau.”
Bằng cách sử dụng cảm xúc của mình, mục tiêu của cô là kết nối vũ trụ bên trong của mình với vũ trụ bên ngoài. Nghệ thuật của cô giúp cô hiểu bản thân, cảm xúc của mình và kết nối với những người khác, kể cả những người xa lạ. Lấy ví dụ như việc tiếp quản gian hàng Nhật Bản tại Venice Biennale 2015, cô đã cô kéo những sợi chỉ đỏ dày đặc, ngoằn ngoèo, móc vào những chiếc chìa khóa han gỉ bên trên những chiếc thuyền cũ nát. Tác phẩm nói về những cuộc di cư đương đại và băng qua biển cả cảm xúc để đến một nơi không xác định, cô ấy đã kết hợp những đồ vật hàng ngày, mỗi đồ vật chứa đựng lịch sử riêng của con người để lại.
Vào năm 2017, Shiota nhận thức sâu sắc về thời gian của mình, sau khi căn bệnh ung thư của cô đã tái phát sau 12 năm thuyên giảm. Điều này khiến cô nhận ra sự sống và cái chết có mối liên hệ mật thiết như thế nào. Cô nhận ra rằng sức mạnh của mình bắt nguồn từ cuộc đối đầu với tử thần lần này, và biến những đau khổ mà cuộc sống phải gánh chịu thành một điều gì đó mới mang lại hy vọng.
Tuy nhiên, các tác phẩm gần đây của cô ấy mang tính cá nhân hơn so với việc kết nối với mọi người. Bằng cách đề cập đến những trải nghiệm của bản thân, cô đặt câu hỏi về cách cơ thể mình liên kết với vũ trụ và ý thức của cô sẽ đi đâu sau khi cơ thể biến mất.
“Ban đầu, tôi nghĩ rằng nếu tôi chết, mọi thứ về tôi cũng sẽ chết, nhưng bây giờ tôi biết chỉ có cơ thể chứ không phải tâm trí của tôi.”
Với những đường lưới của mình, Shiota không phác thảo hay dựng mô hình chi tiết trước khi làm, cô chỉ đơn giản để sợi chỉ dẫn dắt bản thân. Cô giải thích: “Khi tôi tạo tác phẩm sắp đặt, nó giống như vẽ tranh trong không khí. Khi bạn vẽ trên giấy, bạn không phác thảo những gì bạn sẽ vẽ. Bạn bắt đầu vẽ thế thôi. Nếu vẽ sai một nét trên giấy, bạn có thể xóa đi, và khi tôi vẽ sai với đường chỉ, tôi có thể cắt nó đi ”. Cô so sánh việc đan chỉ như một quá trình thiền định và cho phép bản thân được dẫn đi bởi mạng lưới, tạo ra các tác phẩm nghệ thuật trực tiếp trong không gian bảo tàng hoặc phòng trưng bày.
Cô thường làm việc với một nhóm từ 5 – 10 trợ lý trong khoảng 14 ngày cho một tác phẩm. Các chuyển động của cô rất nhanh chóng và tỉ mỉ, như một cuộc đấu tranh và sợi chỉ đại diện cho suy nghĩ hiện tại của cô ấy. Khi gặp khó khăn, các sợi chỉ bị rối một cách thất thường và nhiều nút thắt được hình thành. Khi cô ấy có tâm trạng cân bằng, các sợi chỉ được đan ra đều đặn hơn.
Bên cạnh các mạng lưới thể hiện xã hội con người, màu sắc là điều quan trọng nhất: màu đỏ tượng trưng cho dòng chảy của máu qua các động mạch hoặc con đường của số phận trong văn hóa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, màu đen tượng trưng cho khám phá trời đêm, bệnh tật, cái chết và nỗi đau, và màu trắng là biểu tượng của hy vọng, cuộc sống, sự thuần khiết và vô hạn.
Một số tác phẩm khác của Chiharu Shiota:
Xem thêm một số tác phẩm khác của cô tại website và Instagram.
Chiharu Shiota từng dự kiến triển lãm ở Việt Nam vào năm 2020, nhưng vì Covid-19 nên buổi triển lãm đã bị hoãn. Hy vọng Chiharu Shiota sẽ mang những tác phẩm đặc sắc của mình đến Việt Nam khi tình hình dịch bệnh trở nên khả quan hơn!
Biên tập: Navi Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp.
Nguồn tham khảo
- 1. Web-Spinning Artist Chiharu Shiota Creates Moving And Haunting Installations Out Of Wool - https://www.forbes.com/sites/yjeanmundelsalle/2021/07/19/web-spinning-artist-chiharu-shiota-creates-moving-and-haunting-installations-out-of-wool/?sh=74798f29669f
- 2. The Venice Questionnaire 2015 #7: Chiharu Shiota - https://artreview.com/2015-venice-7-chiharu-shiota/