Nam June Paik - Cha đẻ của video art và những tiên đoán về tương lai của công nghệ

Trong dòng chảy của lịch sử nghệ thuật, các nghệ sĩ đã không ngừng tìm kiếm và thử nghiệm nghệ thuật với nhiều hình thức biểu đạt khác nhau với mục đích đưa nghệ thuật đến rộng rãi hơn tới công chúng. Công nghệ ra đời như một phương tiện giúp các nghệ sĩ dễ dàng đưa những tác phẩm nghệ thuật của mình tiếp cận với khán giả hơn. Sự xuất hiện của video art bấy giờ như một lời tiên đoán cho vị thế của nó trong bối cảnh nghệ thuật đương đại. Một trong những nghệ sĩ tích cực thử nghiệm với loại hình nghệ thuật này và được nhiều người coi là người tiên phong trong nghệ thuật video là Nam June Paik.

“Tôi muốn định hình khung vẽ màn hình TV chính xác như Leonardo, tự do như Picasso, sặc sỡ như Renoir, sâu sắc như Mondrian, dữ dội như Pollock và trữ tình như Jasper Johns, – Nam June Paik.

Giải thích về cụm từ “video art”: Video art là một hình thức nghệ thuật mà trong đó công nghệ video được sử dụng như một phương tiện để truyền đạt ý tưởng, cảm xúc và thông điệp của người nghệ sĩ thông qua cả hình ảnh và âm thanh. Nghệ thuật video nổi lên vào cuối những năm 1960 khi công nghệ video tiêu dùng mới như máy ghi băng video có sẵn bên ngoài việc phát sóng của các doanh nghiệp. Video nghệ thuật có thể có nhiều dạng: bản ghi được phát sóng; các tác phẩm được xem trong phòng trưng bày hoặc bảo tàng; tác phẩm được phát trực tuyến, phân phối dưới dạng băng video hoặc DVD ; và các buổi biểu diễn có thể kết hợp một hoặc nhiều máy thu hình, màn hình video và máy chiếu, hiển thị hình ảnh và âm thanh trực tiếp hoặc được ghi lại.

Tóm tắt tiểu sử Nam June Paik

Chân dung Nam June Paik

Nam June Paik (1932–2006) là một nghệ sĩ trình diễn, nghệ sĩ video, nhạc sĩ, nhà điêu khắc và cũng là nhà văn. Trong suốt cuộc đời mình, nghệ sĩ người Mỹ gốc Hàn đã dành phần lớn thời gian để làm việc ở Đức và Hoa Kỳ. 

Từ năm 1952 đến năm 1956, Paik học âm nhạc và thẩm mỹ tại Đại học Tokyo. Ngay sau đó, ông chuyển đến Munich và tiếp tục học nhạc tại Đại học Ludwig-Maximilians. Trong những năm 1960, Paik là thành viên của phong trào nghệ thuật thử nghiệm Fluxus, nhờ đó ông đã tạo ra các tác phẩm trình diễn, phim thử nghiệm và kể cả âm nhạc. Ngoài việc sáng tác và biểu diễn âm nhạc, Paik đã thử nghiệm với các chương trình phát sóng trên truyền hình và được công nhận rộng rãi là nghệ sĩ đầu tiên sử dụng truyền hình và video để thể hiện nghệ thuật.

Tác phẩm “Fractal Turtle Ship” (1993) của Nam June Paik

Năm 1964, Paik chuyển đến New York và bắt đầu mối quan hệ hợp tác lâu dài với nghệ sĩ cello Charlotte Moorman. Mặc dù sử dụng nhiều phương tiện khác nhau để sáng tác và có một kho tàng tác phẩm đồ sộ, Paik được biết đến nhiều nhất với các tác phẩm sắp đặt video sử dụng máy thu hình. Paik thu thập và sửa đổi những chiếc tivi cũ, đôi khi đổ đầy nước và cá vàng, nến hoặc các loại đồ vật vào chúng; Paik cũng thường giữ nguyên chúng nhưng sẽ thay hệ thống dây điện và mạch điện để thay đổi màu sắc và màn hình của tivi. Nhiều tác phẩm video như thế này được trưng bày cả theo nhóm hoặc riêng lẻ, có mặt trong triển lãm năm 1963 mang tên “Exposition of Music – Electronic Television” (tạm dịch: Triển lãm Âm nhạc – Truyền hình Điện tử)

Các tác phẩm của Paik hiện được đưa vào các bộ sưu tập công cộng trên khắp thế giới, chẳng hạn như Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Quốc gia ở Seoul, Hàn Quốc, Bảo tàng Nghệ thuật Châu Mỹ ở Washington, DC, Bảo tàng Nghệ thuật Fukuoka ở Fukuoka, Nhật Bản, Bảo tàng Nghệ thuật Moderne de la Ville de Paris, Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Smithsonian ở Washington, DC và Trung tâm Nghệ thuật Walker ở Minneapolis, MN.

Người đầu tiên đặt nền móng cho video art và tầm nhìn vượt thời gian về công nghệ

Nam June Paik là được công nhận rộng rãi là người sáng lập nghệ thuật video. Ông có một tầm nhìn vượt thời gian về tiềm năng của công nghệ và tác động của nó đến văn hóa, nghệ thuật và con người. 

Paik bắt đầu thử nghiệm TV trong nghệ thuật của mình vào đầu những năm 1960. Trong suốt năm 1963 và 1964, các kỹ sư Hideo Uchida và Shuya Abe đã chỉ cho Paik cách can thiệp vào dòng điện tử trong TV màu, công việc đã dẫn đến bộ tổng hợp video Abe-Paik, một yếu tố quan trọng trong công việc truyền hình sau này của ông.

Triển lãm cá nhân đầu tiên của ông vào năm 1963 trưng bày 13 chiếc TV đã được chế tác. Sau đó, ông sẽ chế tạo robot từ TV và chỉ đạo các chương trình phát sóng của riêng mình. Paik coi TV là một cách để tiếp cận mọi người thông qua trải nghiệm được chia sẻ, bất kể họ ở đâu trên thế giới.

Tác phẩm “TV Clock” (1963) của Nam June Paik

Trong tương lai của Paik, TV cuối cùng sẽ trở thành một “hệ thống điện thoại đa phương tiện cho 1001 ứng dụng mới”. Bạn có thể sử dụng nó để xem các chương trình, thực hiện cuộc gọi video, đi mua sắm và hơn thế nữa.

Paik cũng lạc quan cho rằng, trong tương lai, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng tạo và chia sẻ video. Ông nhận ra rằng những chiếc máy ảnh giá cả phải chăng đã mang đến cho mọi người cơ hội thể hiện sự sáng tạo của mình.

Năm 1969, Paik đã tuyên bố: “Tôi muốn định hình khung vẽ màn hình TV chính xác như Leonardo , tự do như Picasso , sặc sỡ như Renoir , sâu sắc như Mondrian , dữ dội như Pollock và trữ tình như Jasper Johns”. 

Vào năm 1974, trong một tiểu luận của mình mang tên “Lập kế hoạch truyền thông cho xã hội hậu công nghiệp – Thế kỷ 21 chỉ còn 26 năm nữa” cho Quỹ Rockefeller, Paik đã đề xuất một khái niệm mới ‘Electronic Super Highways’ (tạm dịch: Siêu xa lộ điện tử) với niềm tin rằng với “mạng lưới” này, sự kết nối vượt qua mọi khoảng cách địa lý sẽ trở nên dễ dàng với việc ứng dụng các công nghệ vệ tinh hay cáp quang. Paik không phải người đầu tiên nghĩ về một mạng lưới số hóa toàn cầu nhưng ông là một trong những người đầu tiên thấy được giá trị to lớn của nó đối với nhu cầu giao tiếp hàng ngày của con người. Hai mươi năm sau, Phó Tổng thống Al Gore đã phổ biến thuật ngữ “Information superhighway” (tạm dịch: Siêu xa lộ thông tin), tuyên bố nó là của riêng mình. Paik đã nói đùa để đáp lại, “Nhà Trắng đã đánh cắp ý tưởng của tôi”.

Tác phẩm “Electronic Superhighway: Continental U.S., Alaska, Hawaii” (tạm dịch: Siêu xa lộ điện tử: Lục địa Hoa Kỳ”, Alaska, Hawaii) (1995) của Nam June Paik

Trong khoảng thời gian 1973-1988, Paik đã tạo ra bốn chương trình truyền hình trực tiếp dự đoán rằng một ngày nào đó, chúng ta có thể truy cập các sự kiện thế giới chỉ bằng một nút bấm. Buổi phát sóng đầu tiên, Global Groove, mở đầu bằng thông báo:

Đây là một cái nhìn về một thế giới mới, khi bạn có thể bật mọi kênh truyền hình trên thế giới và các hướng dẫn truyền hình sẽ dày bằng danh bạ điện thoại Manhattan.

Ở chương trình truyền hình vệ tinh cuối cùng của Paik có tên “Wrap Around the World” (tạm dịch: Vòng quanh thế giới), thậm chí còn tham vọng hơn khi đã đạt hơn 50 triệu người xem ở 10 quốc gia, từ Hoa Kỳ đến Châu Á và Liên Xô. Vào thời điểm mà việc đi lại ở Khối phía Đông gần như là không thể, nghệ thuật của Paik đã phá vỡ “Bức màn sắt” để truyền đi những hình ảnh về David Bowie trò chuyện cùng Ryuichi Sakamoto bằng tiếng Nhật hay một trận cưỡi voi đá bóng tại Thái Lan.

Hai nhạc sĩ người Anh và Nhật Bản David Bowie và Ryuichi Sakamoto gặp nhau trên màn ảnh trong chương trình phát sóng năm 1984 đầy tham vọng của Nam June Paik, “Wrap Around the World

Paik tin rằng công nghệ cần phải hài hòa với thiên nhiên. Trong tác phẩm nghệ thuật “TV Garden” của mình, ông đã đặt hàng chục chiếc TV giữa một rừng cây nhiệt đới. Sắp đặt này đưa người xem đắm mình trong thế giới tự nhiên trong khi ngắm nhìn những video trên những chiếc màn hình TV.

Tác phẩm “TV Garden” của Nam June Paik

Paik nhận thấy rằng mọi người sẽ xem việc thực vật kết hợp với TV là một “nghịch lý”. Nhưng, đối với ông ấy, điều này càng quan trọng hơn để chứng tỏ rằng cả hai có mối liên hệ với nhau. Paik cho rằng nhiều người đã nghĩ truyền hình là mối đe dọa với hệ sinh thái. Nhưng trong trường hợp này, truyền hình là một phần của hệ sinh thái, ông đã cho mọi người thấy công nghệ và hệ sinh thái có thể liên kết mà không hề triệt tiêu nhau.

Nam June Paik là một nghệ sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử phát triển nghệ thuật trong vòng 40 năm qua. Trong nghệ thuật của mình, Paik coi công nghệ là một cách để mở ra thế giới và kết nối mọi người ở các quốc gia khác nhau – vượt ra ngoài biên giới quốc gia và sự khác biệt về văn hóa. Nghệ thuật của Paik đã đặt nền móng cho video art và ảnh hưởng to lớn với nền nghệ thuật đương đại, tạo tiền đề và khuyến khích những thế hệ nghệ sĩ sau tiếp tục tham gia, khám phá và định hình văn hóa truyền thông.

Dịch và tổng hợp: May

Cùng tác giả

#Tag

may Nam June Paik nghệ thuật đương đại video art

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…