Annemieke Mein - Yêu thương từ những điều nhỏ nhất của thiên nhiên
Annemieke Mein không chỉ dừng lại là một nghệ sĩ, bà còn có những hiểu biết sâu rộng về thiên nhiên xung quanh trước khi đặt tay vào nghệ thuật. Việc làm nghệ thuật như là một công cụ để bà khắc họa được những gì mình quan sát, và những hiểu biết đã giúp các tác phẩm phóng to hơn vào các sinh vật, đến những nơi mà mắt thường khó nhìn thấy.
Annemieke Mein (sinh năm 1944 tại Haarlem) là một nghệ sĩ thêu tranh người Úc gốc Hà Lan, chuyên khắc họa động vật hoang dã. Bà là nghệ sĩ thêu tranh đầu tiên, là thành viên của Hiệp hội Nghệ thuật Động vật Hoang dã của Australasia và Hiệp hội Nghệ sĩ Hiện thực Úc. Niềm yêu thích của bà đối với côn trùng thường được phóng to và hiển thị màu sắc với những kết cấu mà mắt thường không nhìn thấy được, cho người xem thấy được những khía cạnh khác của cuộc sống hàng ngày.
“Tôi được bà nội nuôi dưỡng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Bà tôi là kiểu phụ nữ làm việc và nấu ăn cả ngày. Sau đó, bà sẽ đan, dệt tất hoặc may vá vào ban đêm. Còn ông tôi thì hút xì gà và trong mỗi hộp thuốc thời đó đều có một bức tranh thêu và chúng trở thành đồ sưu tầm. Một bức tranh thêu bằng lụa tinh xảo về hoa, ong, bướm hoặc chim.”
Mein không chỉ là một nghệ sĩ thông thường, bà còn là một nhà sinh thái học, một nhà sưu tập, một nhà nghiên cứu và một nhà hoạt động vì thế giới tự nhiên. Bà từng trải qua những ngày thơ ấu của mình lang thang ngoài trời và bị cuốn hút bởi sự đa dạng phi thường của các loài động vật hoang dã ở Úc. Là một người di cư từ Hà Lan đến Úc, thiên nhiên đa dạng ở quốc gia này giống như một xứ sở diệu kì của bà. Từ khi côn trùng và cây cối trở thành bạn bè, bà bắt đầu phác thảo và sưu tầm chúng, đồng thời học cách sinh sản và nuôi bướm từ nhỏ.
“Bố mẹ tôi đều đi làm và đều rất bận. Trò chơi duy nhất của tôi là quan sát xem có thể tìm thấy bao nhiêu sinh vật sống trên thân cây cao su sau nhà. Khi các mùa trôi qua, tôi tìm thấy sâu bướm, bọ cánh cứng, những chiếc lá có lỗ trên chúng. Chúng nhiều vô tận. Nếu tôi nhìn vào mắt của côn trùng, mặc dù những ánh mắt đó là thật, nhưng cảm giác về vẻ đẹp của chúng lại trừu tượng.”
Vào thời trung học, không ngạc nhiên khi bà từng là một học sinh giỏi và giáo viên nghệ thuật đã khuyến khích bà trở thành một giáo viên thủ công và mỹ thuật. Bà bắt đầu được đào tạo tại Cao đẳng bang Melbourne. Tuy nhiên, vì không thể chấp nhận nghệ thuật trừu tượng đang thịnh hành lúc bấy giờ, bà đã nghỉ học chỉ sau ba tháng. Sau đó, Mein theo đuổi sự nghiệp y tá tại Bệnh viện Hoàng gia Melbourne và tốt nghiệp năm 1967. Công việc điều dưỡng đã nâng cao sự quan tâm của bà đối với sinh học và đã giúp bà vượt qua bất kỳ sự khó chịu nào trong quá trình thu thập và mổ xẻ các mẫu vật.
Sau khi kết hôn với một bác sĩ đa khoa vào năm 1968, chính sách địa phương đã không cho phép hai vợ chồng cùng làm một nơi làm việc. Để giải tỏa sự bất mãn đó, bà lao vào thực hiện nghệ thuật với một lượng lớn đồ thủ công từ gốm, đất sét, đồ thêu bằng len,… rồi treo chúng khắp nhà. Các tác phẩm của bà sau đó được săn đón rộng rãi trong các cuộc triển lãm thủ công. Tuy nhiên, có vẻ như những món đồ thủ công này không thỏa mãn được khả năng sáng tạo nghệ thuật của bà, không giống như những bức tranh dệt và tác phẩm điêu khắc trước đó.
Khi chuyển đến vùng Gippsland, Victoria vào năm 1971, sự nổi tiếng của bà ngày càng tăng và bà được công nhận là một trong những nghệ nhân tranh thêu hàng đầu thế giới. Các tác phẩm của bà là sự kết hợp của vải, màu và chỉ may với nhiều mảnh vải có kích thước khác nhau. Kĩ thuật của bà cũng vô cùng đáng nói khi kết hợp nhiều phương pháp may vá khác nhau gồm thêu máy, vẽ, nhuộm, đính kim sa,..
“Việc khuyến khích nhận thức về môi trường của và hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản thiên nhiên của chúng ta là một trong những nhu cầu quan trọng nhất của thời đại này.”
Bà nói về động lực làm nghệ thuật của mình.
“Tôi đã chứng kiến những thay đổi đáng lo ngại trong môi trường và chứng kiến những tác động của sự thờ ơ, thiếu hiểu biết, tham lam tài chính và hành vi phá hoại có tính toán trước. Thông qua các tác phẩm dệt may của mình, dù là tác phẩm điêu khắc, tác phẩm treo tường hay ‘đồ gia dụng’, tôi hy vọng sẽ giúp mọi người nhận thức rõ hơn về các loài sinh vật bản địa của chúng ta, đồng thời bày tỏ tình yêu và mối quan tâm của tôi đối với môi trường bản địa của chúng ta.”
Bà đã đạt được sự công nhận của quốc gia vào năm 1978 ở Úc. Bắt đầu từ giai đoạn này, các tác phẩm của bà đã được triển lãm rộng rãi và gây được nhiều tiếng vang lớn trong nước. Bên cạnh việc trưng bày, bà cũng đính kèm các tài liệu giáo dục để các người trẻ có thể được tiếp cận gần hơn đến sinh học thiên nhiên đa dạng ở Úc.
Mein đã có một bước tiến dài trong giai đoạn 1984-1985 khi bà được thuyết phục thiết kế và sản xuất sáu bức phù điêu lịch sử cho Bức tường Danh vọng trong trung tâm mua sắm dành cho người đi bộ mới ở Sale. Năm 1988, bà đã được trao Huân chương Australia ‘vì những hoạt động cho Nghệ thuật, đặc biệt là trong các tác phẩm điêu khắc dệt và phù điêu bằng đồng’.
Đáng buồn thay, sức khỏe của Annemieke Mein đã giảm sút trong vài năm qua và bà không thể hoạt động nghệ thuật được như trước. Căn bệnh thần kinh cảm giác hiếm gặp đã khiến bà không thể sử dụng máy khâu hoặc kiểm soát bút chì hoặc cọ vẽ. Đây là một đòn giáng nặng nề đối với bà vì bà luôn nghĩ rằng mình sẽ theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật cho đến cuối đời.
“Tôi nhớ cảm giác của vải lụa. Có rất nhiều cảm giác khác nhau trong lụa. Có loại lụa kéo thành sợi thô có thể tạo cảm giác thô ráp trên đầu ngón tay của bạn và có loại lụa thực sự mềm mại mà bạn muốn cạ vào như gò má của một đứa trẻ. Thật là trớ trêu rằng tôi rất thích sờ, rất tinh tường với chúng, và bây giờ tôi hoàn toàn không thể cảm nhận được nữa. Ban đầu tôi rất buồn, nhưng hãy nhìn xem tôi đã có một cuộc sống tuyệt vời như vậy, tôi sẽ không thay đổi. Bạn không thể có tất cả, bạn không thể sống mãi mãi.”
Ở tuổi 75, bà đã chuẩn bị bắt đầu một cuộc hành trình nghệ thuật khác của mình là tác phẩm điêu khắc một con sâu túi, trước khi chúng trở thành bướm đêm. Loài bướm đêm là sinh vật yêu thích của bà Mein, bà quan sát và tìm hiểu về cuộc đời của chúng như con của mình. Khi được hỏi về nghệ thuật của mình là gì, bà Mein trả lời: Tôi sẽ nói với nghệ thuật rằng: ‘Tôi yêu thế giới của bạn, tôi yêu bạn. Tôi yêu từng sinh vật nhỏ của bạn’.
Một số tác phẩm của Annemieke Mein:
Bài viết: Navi Nguyễn