Lịch sử về những nghệ nhân làm diều qua ống kính của Mami Kiyoshi

Sự hợp tác của Cecile Laly và nhiếp ảnh gia Mami Kiyoshi đã giúp giới thiệu được những nghệ nhân cuối cùng còn lại của một tập tục đã có từ thế kỷ thứ 8 của Nhật Bản. Bằng cách kết hợp các thuật ngữ dako (con diều) và wa (Nhật Bản), tiêu đề của bộ ảnh WADAKO – Những câu chuyện về Diều của Nhật Bản đã cho thấy những người thuộc lĩnh vực này chiếm một vị trí đặc biệt trong xã hội Nhật Bản ra sao.

Mami Kiyoshi là một nhiếp ảnh gia được đào tạo tại Đại học Nghệ thuật Musashino và có tác phẩm thường xuyên được triển lãm ở Pháp, và trong loạt ảnh này được thực hiện vào năm 2018, cô ấy chụp những nghệ nhân làm diều bên trong xưởng làm việc của họ.

Làm sống lại di sản của dòng họ và của địa phương

Ở Nhật Bản, diều được gắn liền với lãnh thổ và bản sắc nơi đó. Những tấm giấy biết bay này được cho là xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 8, khi nó được nhập khẩu từ các hòn đảo ở Đông Nam Á qua Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim của con diều lại là ở giữa thời kỳ Edo (1603-1868) và nửa đầu thế kỷ 20. Đối với người cao tuổi, diều đặc biệt gắn liền với vài ngày nghỉ lễ sau Tết dương lịch và ngày 5 tháng 5 dành cho người trẻ ở Nhật.

Bình minh ngày xuân, Utagawa Kuniteru.

Trong tiếng Nhật, có một số từ dùng để chỉ diều. Ngày nay được sử dụng nhiều nhất là “tako”, có nghĩa là “bạch tuộc”, và thứ hai được sử dụng nhiều nhất là “ika”, có nghĩa là “mực”. Trận chiến ngữ nghĩa theo chủ đề đại dương này phản ánh sự cạnh tranh giữa thủ đô cũ (Kyoto) và thủ đô mới (Tokyo). Tuy nhiên, Tokyo và con bạch tuộc dường như đã chiếm thế thượng phong, và trong cộng đồng chơi diều quốc tế, người ta hay nói “bạch tuộc bay” để chỉ những con diều của Nhật Bản.

Như Cecile Laly giải thích trong cuốn sách Từ bầu trời đến bảo tàng: Hoạt động của những người say mê thả diều ở Nhật Bản từ 1960-70 rằng chiến tranh thế giới thứ hai đánh dấu một bước chuyển biến lớn. Trong thời kỳ này, giấy ‘washi’ của Nhật vốn là vật liệu cần thiết để làm diều trở nên khan hiếm. Hơn nữa, một số nhà sản xuất và nhà cung cấp đã phải tham gia chiến tranh. Sau cuộc chiến, xã hội Nhật Bản trải qua một quá trình phát triển sâu sắc, đồng nghĩa với việc phương Tây hóa các hoạt động giải trí, đồng thời quá trình đô thị hóa cũng hạn chế văn hóa làm diều.

Bức ảnh chụp năm 1942 cho thấy xưởng của gia đình Sudo ở Sanjō, tỉnh Niigata. Người bên trái là Sudo Heijirō (thế hệ thứ 4) và người bên phải là trợ lý Sone Tsuneo lúc này mới 16 tuổi. Trong hình, họ đang vẽ hình ảnh một binh sĩ Nhật.

Bất chấp sự hiện diện mạnh mẽ của diều trong ký ức tập thể người Nhật, kể từ nửa sau thế kỷ 20, diều không còn thu hút trẻ em như trước đây. Có hai lý do cho sự suy giảm phổ biến này: một là trẻ em không còn đủ không gian thả diều ở các thành phố lớn, và quan trọng hơn, trẻ em thích đồ chơi được sản xuất và đồ công nghệ để khoe với bạn bè cùng trang lứa. Hệ quả là trong nửa sau của thế kỷ 20, số lượng những người làm diều chuyên nghiệp đã giảm đi đáng kể.

Trong khi vào đầu thế kỷ trước, có vài trăm xưởng trên khắp Nhật Bản, thì ngày nay chỉ còn lại khoảng 15 xưởng. Hơn nữa, ở thời điểm hiện tại, hầu hết các nghệ nhân đã tương đối lớn tuổi và không có người học việc để tiếp quản xưởng sau này. Do đó, phần lớn các xưởng chuyên nghiệp cuối cùng này (trong đó xưởng lâu đời nhất đã tồn tại khoảng 200 năm) đều được cảnh báo là sẽ biến mất trong tương lai gần.

Bảo tàng diều đầu tiên ở Tokyo, Nhật Bản. Nhà siêu tập diều lâu năm là Modegi Shingo đã đi đến từng vùng của Nhật Bản để thu thập các mẫu thiết kế diều. Có đến 400 mẫu diều được trưng bày tại viện bảo tàng.
Modegi Shingo cắt băng khánh thành bảo tàng diều ở Tokyo năm 1977. Điều này đánh dấu viện bảo tàng diều đầu tiên ở Nhật Bản và trên thế giới.

Những tác phẩm nghệ thuật của riêng mỗi gia đình

Bộ ảnh WADAKO – Những câu chuyện về Con Diều Nhật Bản giới thiệu những cuộc gặp gỡ với các nghệ nhân, tiết lộ những câu chuyện cá nhân của họ và đưa ra cái nhìn thoáng qua về cuộc sống đời tư của họ. Tại Hamamatsu, tỉnh Shizuoka, một thành phố tổ chức lễ hội thả diều lớn để kỷ niệm ngày ra đời của những đứa trẻ, tại đây họ sẽ thấy một người cha dẫn con mình đến tiệm làm diều. Các gia đình đặt mua những con diều mang hình ảnh quận họ sống, sau đó tên của con cái được viết ở phía dưới bên trái và biểu tượng của gia đình ở phía trên bên phải.

Giám đốc Bảo tàng diều Modegi Masaaki (trái) và tổng biên tập tạp chí của Hiệp hội Diều Nhật Bản Ijichi Eishin (phải) và cựu sáng lập bảo tàng Modegi Shingo (giữa) tại Bảo tàng Diều Tokyo. Vì bố của ông từng là một đầu bếp, nên giám đốc Masaaki cũng nối nghiệp bố bên cạnh quản lý bảo tàng.

Diều truyền thống của Nhật Bản là những đồ vật được làm thủ công bằng giấy và tre. Chúng cũng là những đối tượng kết nối sâu sắc với nền văn hóa bản địa. Có hàng trăm loại diều khác nhau ở Nhật Bản, từ hình dạng của bộ khung đến các bức vẽ, và thậm chí cả tên của chúng. Hình tượng của chúng thường được liên kết với các truyền thuyết dân gian ở địa phương. Đối với việc xây dựng của họ, nó đòi hỏi nhiều kỹ năng để chăm sóc cây tre, vì nó cần phải thực hiện bức tranh trang trí với chất lượng hình ảnh của nó. “Mọi người đánh giá cao hình ảnh trang trí, vì vậy họ đôi khi mua riêng bức tranh hình dáng diều để treo trên tường (không đóng khung), giống như một bức tranh hoặc bức tranh khắc.”

Kimura Kaoru là một nhà sưu tập diều đến từ Osaka. Bộ sưu tập của ông gồm hơn 3.000 đồ vật và bản in, hầu hết trong số đó đã được gửi tại Bảo tàng Lịch sử Osaka khoảng 3 năm trước. Kaoru chỉ giữ ở nhà những đồ vật mà ông gắn bó nhất. Ông luôn nghiên cứu nguồn gốc của từng món đồ vật mà ông sở hữu.
Makiguchi Atsushi và bộ sưu tập diều ở nhà. Hơn 600 con diều của ông là những con diều khổng lồ thường được dùng trong những cuộc thi thả diều diễn ra ở các vùng.

Trong WADAKO, Cecile LalyMami Kiyoshi kết hợp nghiên cứu, tư liệu, chụp ảnh và bày tỏ lòng tôn kính đối với những cá nhân này, giúp cho những câu chuyện của họ sống mãi.

Chân dung những nghệ nhân

Với mỗi bức ảnh mà Mami Kiyoshi chụp, cô đều sắp xếp sao cho cá tính của mỗi nghệ nhân đều được thể hiện trong một không gian bức ảnh.

Nghệ nhân Takeuchi YoshihiroTatsuishi Azusa tại xưởng diều Magoji.

Ở Kita-Kyushu, quận Fukuoka, những bức ảnh cho ta cái nhìn thoáng qua về vũ trụ của xưởng Magoji, do Yoshihiro Takeuchi (thế hệ hai) và con gái Azusa (thế hệ ba) điều hành. Doanh nghiệp được thành lập từ thời ông nội Magoji trước đó. Thời xưa, cụ làm việc với vợ mình là Kimino. Sau đó, khi con trai Yoshihiro tiếp quản xưởng cũng làm việc với vợ mình là Hideko. Sau khi vợ ông mất, con gái của họ tiếp quản. Yoshihiro học làm diều từ nhỏ bằng cách quan sát ông của mình, và Azusa cũng học khi quan sát mẹ mình. Trong số tất cả các mẫu trang trí được sản xuất, linh vật của xưởng Magoji là hình con ve sầu (một con diều góc phải bên trên là con ve sầu do Yoshihiro làm).

Nghệ nhân Ono Takashi tại xưởng Ono-sho-tako-ten

Ono Takashi là thế hệ thứ ba làm việc trong xưởng diều được mở ra vào những năm 1920 bởi ông cố của ông là Ono Shoji. Vào những năm 1920, ông Shoji bắt đầu làm katsuobushi (cá ngừ vằn khô và trộn) khi chuyển đến Tokyo. Ngoài thời gian làm việc, ông bắt đầu làm những con diều bán tại một cửa hàng đồ chơi và tại chợ diều được tổ chức vào tháng 2 hàng năm tại đền Oji Inari, phía bắc Tokyo.

Sau Shoji, con trai ông ta là Takami, rồi cháu trai ông ta là Takashi đã giữ cho xưởng tồn tại và tiếp tục thực hiện các đơn đặt hàng. Vì Takashi là một người thợ chuyên nghiệp, ông đã làm ra số lượng lớn diều. Đằng sau ông là một lượng thùng lớn gồm các con diều. Đối với cụ Takashi, làm diều là một công việc, nhưng ông cũng thích thả diều trên bờ sông Edogawa.

Fukushima Yukie (trái) và con gái Goto Hikaru ở xưởng Tako-hachi.

Yukie là thế hệ thứ 5 làm việc tại xưởng Tako-Hachi. Những con diều, sách mẫu và shita-e (bản phác thảo) dưới nền nhà được thực hiện bởi Tatsusaburo, thế hệ thứ 3 của xưởng. Những con diều và tài liệu là cuộc sống hàng ngày của mẹ con, nhưng hai người không chọn kế nghiệp vì họ yêu thích con diều, thay vào đó họ làm để lưu giữ di sản của gia đình. Trong bức ảnh, cả hai đều nhìn lên và hướng ra ngoài khung hình, nghĩ về cuộc sống và khát vọng của họ bên ngoài thế giới của con diều.

Bức ảnh được chụp trong căn phòng nằm trên lầu nơi Yukie làm việc. Còn con gái Hikaru làm việc ở một không gian khác. Cách trang trí của căn phòng này với bức tường màu hồng và rèm hoa tương phản với lối trang trí của các xưởng khác trong loạt ảnh này. Đặc trưng của hai mẹ con là diều Suruga, có hình khuôn mặt của các chiến binh và diễn viên kịch kabuki. Hikaru là một otaku nhỏ và đang mặc một bộ kimono tượng trưng cho nhân vật cô thích có tinh thần bushido. Còn bà Yukie là một người phụ nữ kín đáo.

Ishikawa Noboru đứng trước gara diều của mình.

Ishikawa Noboru là một nghệ nhân diều nghiệp dư trong 40 năm. Nhờ những cuốn sách về diều do Enshu Yokosuka xuất bản, Noboru đã tự mày mò học hỏi để làm ra 11 con diều theo các phong cách khác nhau này; tất cả chúng đều có mặt trong bức ảnh. Niềm tự hào lớn nhất của anh là con diều Tomoe khổng lồ cao khoảng 4 mét. Bức ảnh được chụp trước nhà để xe của anh ấy, nơi anh ấy đặt diều và vật liệu làm diều của mình.

Niềm đam mê thả diều của anh trong vùng ai cũng biết. Anh đã tổ chức một số cuộc triển lãm diều của mình, và đôi khi anh nhận được đơn đặt hàng từ những người nghiệp dư khác trong nước.

Xưởng gia đình Itō-san-chi-no-tako-kōbō.

Itō-san-chi-no-tako-kōbō là một xưởng làm diều gia đình. Họ là những người tạo ra con diều yoko-ten, một chữ Hán tự màu đỏ nghiêng một bên. Ở Hamamatsu nơi họ sống, lễ hội thả diều được liên kết với lễ kỷ niệm ngày sinh của những đứa trẻ. Các gia đình đặt mua diều có biểu tượng của khu phố mình, sau đó tên của con họ được thêm vào ở phía dưới bên trái và biểu tượng của gia đình được đặt ở phía trên bên phải. Họ đã làm được hàng chục con diều đại diện các quận khác nhau tham gia lễ hội Hamamatsu năm 2018.

Hai người đang đứng là ông Ito Yasuo (trái) và con trai ông Koki (phải). Họ là con rể và cháu của cụ cố Ito Heizo (di ảnh bên phải), một người được cả cộng đồng diều Nhật Bản yêu quý. Ba người làm việc đang ngồi là anh rể Suzuki Tsuneo (trái), con rể Ito Wataru (giữa), và Watanabe Heiichi, bạn thân của cụ cố Ito Heizo.

Yanase Juzaburo trong xưởng Yanase Chochin.

Trong tiếng Nhật, “chochin” có nghĩa là đèn lồng. Xưởng diều này được thành lập hơn 100 năm trước bởi ông cố của ông là Yanase Juta, một samurai làm việc trong cung điện. Sau Juta, con trai của ông là Katsuta, sau đó là cháu trai Matsutaro mở ra xưởng diều, và đến lượt Juzaburo là đời thứ 4. Mười một loại diều do Ensho Yokosuka thiết kế hầu hết được tạo ra bởi tổ tiên của Juzaburo. Những con diều đặt ở phía trước giữa những chiếc đèn lồng được làm bởi Juzaburo; còn những chiếc được treo trên tường là của cha và ông nội ông làm.

Juzaburo là một thợ vẽ giỏi từ nhỏ khi ông cùng cha làm đèn lồng, diều và diều cá chép. Thời đó, trong vùng có vài xưởng làm đèn lồng, nhưng khi ông 32 tuổi và cha mất, xưởng của ông là nơi duy nhất còn lại. Juzaburo không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp quản. Tuy nhiên, Juzaburo không còn nhận được đơn đặt hàng nào nữa

Koura Yuji và xưởng diều của ông.

Koura Yuji là một nghệ nhân nghiệp dư, vì ông từng là một thợ sơn thuyền. Ông đã tự tay mình xây dựng xưởng vào năm 2009. Ông cũng cho phép gia đình tham gia vào các hoạt động làm diều: các con gái của ông đã giúp làm ra xưởng; các cháu của ông đôi khi giúp làm diều.

Điểm đặc biệt của những con diều ở Nagasaki là chúng được gọi là “hata”, và có hình dạng kim cương với phần trang trí của cánh diều không được sơn mà là những mảnh giấy được cắt và sau đó dán lại với nhau. Màu sắc sử dụng thường là xanh lam, đỏ và trắng, nhưng Yuuji cũng thường xuyên sử dụng màu đen và vàng. Ngoài ra, vì chúng là diều để dùng cuộc thi nên thường có một dây đặc biệt gọi là “bidoro”, được phủ bằng bột thủy tinh để cắt dây của đối thủ.

Nhà gỗ của Endo Hiromi.

Endo Hiromi là một nhà làm diều nghiệp dư và cũng là một người tham gia tích cực trong Trận chiến Diều khổng lồ ở Shirone. Cha của ông là một người thợ làm chiếu tatami. Trong bức ảnh chụp, ông đang ngồi ở lối vào nhà trong tư thế chào đón khi vẫy một con diều nhỏ.

Hiromi thường ra nước ngoài để tham gia các lễ hội và nói về diều Nhật Bản. Ông cũng đã làm nhiều đồ vật và áp phích để giải thích về diều cho khán giả mới làm quen. Cánh diều Rokkaku lớn bên trái và một chiếc bị vò nát trên mặt đất đều do Hiromi chế tạo. Chiếc thứ hai là một con diều khổng lồ của đội diều “Yakusha” mà ông là thành viên. Để làm ra những chiếc diều, ông đã làm việc với đối tác là Kazama Masao, một họa sĩ vẽ diều nổi tiếng trong thành phố.

Sudo Kenichi ở trong xưởng Sudō-ika-ya.

Sudo Kenichi là thế hệ thứ 3 làm việc tại xưởng Sudo-ika-ya, sau ông nội và cha của ông. Từ trước đến nay, ông vừa làm thêm và vừa làm diều, nhưng từ năm 2018, ông đã dành toàn bộ tâm trí cho việc làm diều. Ở ngoài cùng bên phải của bức ảnh, có một chiếc đèn lồng nguyên mẫu bắt nguồn từ hình dạng cánh diều khổng lồ Rokkaku. Bên trái cũng có một cây kèn trumpet, ông đã chơi nhạc cụ từ khi còn nhỏ và rất đam mê âm nhạc.

Trong xưởng của mình, Kenichi cũng có nhiều dụng cụ đã được các bậc tiền bối sử dụng, chẳng hạn như bút vẽ và mực trong hộp tự chế, hoặc hộp than dùng để nắn tre. Sự tiếp nối của các mô hình diều của xưởng Sudo-ika-ya được minh họa thông qua cánh diều mô tả nhân vật huyền thoại Shoki. Bức tranh con diều không gắn khung trên nền nhà do ông nội vẽ, con diều trên bức tường phía trên bên trái do bố ông vẽ và bức tranh đặt bên cạnh lồng đèn do Kenichi vẽ.

Căn nhà của nhiếp ảnh gia Murooka Katsutaka

Murooka Katsutaka là một nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh bằng diều. Là một kiến ​​trúc sư, ông thích phát minh và chế tạo đồ vật. Ông bắt đầu quan tâm đến nhiếp ảnh diều với mong muốn chụp những bức ảnh từ một góc nhìn cao để nghiên cứu khu đất mà ông sẽ xây dựng. Ông cũng muốn chụp ảnh các tòa nhà của mình từ trên cao và khám phá địa hình của những nơi bị cấm vào. Ông đã xuất bản một số cuốn sách về nhiếp ảnh trên con diều.

Khi gặp thử thách, ông viết vào sổ tay những ý tưởng, bản phác thảo và phép tính của mình để giải quyết vấn đề. Cuốn sổ mới nhất của ông đang nằm trên mặt đất. Trên cầu thang ở phía trước bên phải là đồ nghề của ông, bao gồm cả máy khâu, một vật thiết yếu để làm diều. Mặc dù Katsutaka sử dụng hình tượng truyền thống của Nhật Bản cho những chiếc diều của mình, ông đã tạo ra sự kết hợp của nhiều thể loại bằng cách sử dụng các vật liệu đương đại, chẳng hạn như ripstop cho cánh buồm và sợi carbon hoặc sợi thủy tinh cho khung diều. Phương châm của ông là kết hợp truyền thống và hiện đại để tạo ra những truyền thống mới!

Xem thêm các bộ ảnh khác của Mami Kiyoshi trên trang web chính thức của cô.

Biên tập: Navi Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp

Cùng tác giả

#Tag

con diều làm diều Mami Kiyoshi Navi Nguyễn nghệ nhân nhật bản nghệ thuật nhật bản nghề truyền thống wadako đồ thủ công

iDesign Must-try

Những nghệ sĩ đằng sau danh họa Moses Rosenthaler trong ‘The French Dispatch’ của Wes Anderson
Những nghệ sĩ đằng sau danh họa Moses Rosenthaler trong ‘The French Dispatch’ của Wes Anderson
Một phần hậu trường của bộ phim The French Dispatch do Wes Anderson đã diễn ra thế nào?
Kenji Kawakami - Thiên tài đứng sau những sáng chế kì quặc
Kenji Kawakami - Thiên tài đứng sau những sáng chế kì quặc
Vì sao Nhật Bản lại có những phát minh kì quặc khó có thể áp dụng vào đời sống hàng ngày?
Hòn đảo Naoshima - Kỳ quan của nghệ thuật đương đại thế giới
Hòn đảo Naoshima - Kỳ quan của nghệ thuật đương đại thế giới
Hòn đảo Naoshima có những công trình đương đại nổi tiếng nào khiến nơi đây trở nên độc nhất trên thế giới?
Lịch sử thiệp Giáng Sinh: Ngành công nghiệp thiệp Giáng Sinh ở Mỹ (Phần 2)
Lịch sử thiệp Giáng Sinh: Ngành công nghiệp thiệp Giáng Sinh ở Mỹ (Phần 2)
Ngành công nghiệp thiệp Giáng Sinh tại Mỹ đã bắt đầu như thế nào?
Lịch sử thiệp Giáng Sinh: Khởi nguồn ở Anh (Phần 1)
Lịch sử thiệp Giáng Sinh: Khởi nguồn ở Anh (Phần 1)
Thiệp Giáng Sinh đầu tiên có ở quốc gia nào? Làm thế nào mà chúng ra đời?
Từ lá thư từ chối họa sĩ nữ của Walt Disney cho đến vị trí của phụ nữ trong ngành nghệ thuật
Từ lá thư từ chối họa sĩ nữ của Walt Disney cho đến vị trí của phụ nữ trong ngành nghệ thuật
Câu chuyện đằng sau việc nữ giới luôn bị lép vế trong ngành công nghiệp phim hoạt hình.