/meo meo/ Mèo và cuộc đời bi kịch của Louis Wain
Trái với sự trung thành và niềm tin yêu tột độ nơi đáy mắt của chó, mèo lại có một công thức riêng để đánh gục trái tim chúng ta. Trong nghệ thuật cũng nổi lên biết bao nhiêu kẻ sẵn sàng quy hàng và dâng hiến cả cuộc đời nghệ thuật của mình dành cho lũ mèo. Mức độ tùy biến linh động, sắc thái từ kiêu kỳ, lãnh đạm đến ngơ ngẩn, lắm lúc lại vô cùng đáng yêu, được tái hiện đa dạng trong các tác phẩm là minh chứng cho tình yêu mãnh liệt ấy. Hãy cùng chúng mình điểm mặt những kẻ cuồng mèo trong lịch sử nghệ thuật qua loạt bài /meo meo/ nhé!
Louis William Wain (1860-1939) sinh ra tại Clerkenwell ở Luân Đôn trong một gia đình có 5 người con, Louis là con trai duy nhất. Khi còn trẻ, ông thường xuyên trốn học và dành phần lớn thời thơ ấu của mình để lang thang khắp phố Luân Đôn. Sau giai đoạn này, Louis học tại Trường Nghệ thuật Tây London và cuối cùng trở thành giáo viên ở đó trong một thời gian ngắn. Ở tuổi 20, ông đã phải nuôi mẹ và 5 chị em gái sau khi cha qua đời.
Trước Wain, loài mèo ở Anh thường bị coi khinh, nhưng tác phẩm của ông đã đem lại cái nhìn nhân đạo và giúp chúng thể hiện rằng mèo là những động vật đáng được yêu thích, ngưỡng mộ và thậm chí là được yêu mến. Những bức tranh minh họa của ông nổi tiếng đến mức trong suốt đầu thế kỷ 20, hầu hết các ngôi nhà đều có ít nhất một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông, nhiều trường mẫu giáo cũng treo áp phích Wain thực hiện trên tường.
“Louis Wain đã biến những con mèo thành của riêng mình. Ông đã phát minh ra phong cách vẽ mèo, một xã hội mèo, cả một thế giới mèo.”
Nhà văn H.G. Wells nhận xét.
Ngày nay, các tác phẩm của ông tiếp tục thu hút người xem, nhưng di sản của ông được dựa nhiều hơn vào cuộc đấu tranh với sức khỏe tâm lý hơn là các tác phẩm mà ông đã thực hiện. Mặc dù chưa bao giờ được chẩn đoán chính thức mắc chứng tâm thần phân liệt, nhiều người tin rằng ông đã mắc chứng bệnh này.
Những thành tựu của Louis Wain
Có một điều đáng nói rằng Wain không bao giờ muốn trở thành một người vẽ tranh minh họa về mèo. Ngay từ khi mới vào nghề, ông đã cảm thấy rằng sẽ không ai coi trọng bản thân ông nếu chỉ vẽ những bức tranh về mèo, nên mong muốn ban đầu của ông là trở thành một nhà báo. Trong những năm đầu của mình, ông chuyên vẽ động vật và cảnh đồng quê, một số tác phẩm của ông cũng được đăng trên một số tạp chí, bao gồm hai tờ Illustrated Sporting và Dramatic News nổi tiếng. Đã từng có một thời gian ông vẽ chân dung chó để kiếm sống.
Mãi đến năm 1884, khi Wain bước sang tuổi 24, ông mới bán bức vẽ mèo đầu tiên của mình cho tờ The Illustrated London News. Hai năm sau đó, ông đã có được thành công đầu tiên khi được giao nhiệm vụ minh họa cho một cuốn sách dành cho trẻ em của Macmillan có tên là “Sự ra đời của trường Madame Tabby,” và câu chuyện được viết bởi Caroline Hughes (dưới bút danh Kari). Các bức tranh minh họa của ông giai đoạn này có vẻ truyền thống và rõ ràng hơn rất nhiều so với các tác phẩm sau này. Tuy nhiên, ngay cả trong những tác phẩm thời đầu này, chúng ta có thể thấy những dấu hiệu cho thấy ông có khả năng tạo cho mèo một tính cách và bản tính vui tươi.
Các tác phẩm khác của ông thường hay “đá xéo” vào các trào lưu thời Edward (1901-1914) khi cho phép những con mèo có thể chơi gôn, làm mẹ, uống trà, hút thuốc lá và đi xem opera. Chúng không phải là những tác phẩm châm biếm xã hội, nhưng chúng chắc chắn rất hài hước khi làm nổi bật các xu hướng đương thời.
“Tôi hay mang một cuốn sổ phác thảo đến một nhà hàng hoặc những nơi công cộng, và vẽ người ở nhiều vị trí khác nhau càng giống hình dáng những con mèo càng tốt. Điều này mang lại cho tôi một bản chất nhân đôi, và những nghiên cứu này tôi nghĩ rằng sẽ là các tác phẩm hài hước nhất của mình.”
Louis William Wain
Với tư cách là một họa sĩ vẽ tranh minh họa, Wain có một sự nghiệp ấn tượng. Là một cộng tác viên thường xuyên cho các tạp chí và báo của Anh, tranh của ông đã đưa vào nhiều cuốn sách và bưu thiếp, cũng như được trẻ em yêu thích nhất trong thời đại. Trong những năm 1900, Wain sản xuất trung bình 600 mẫu thiết kế mới mỗi năm và sản lượng mèo hàng năm của ông có thể lên tới 1500 bức. Trong cuộc đời của mình, ông đã vẽ minh họa cho hơn 200 cuốn sách và có 16 cuốn sách Giáng sinh hàng năm cực kỳ thành công.
Trong một thời gian ngắn, ông thậm chí còn lấn sân sang lĩnh vực gốm sứ – tạo ra một bộ sưu tập những con mèo theo chủ nghĩa vị lai độc đáo và rực rỡ sắc màu. Wain được nhiều người yêu mến và có thể dễ dàng được coi là một người nổi tiếng trong thời đó. Ông được biết đến với tư cách là người có thẩm quyền hàng đầu về tất cả các loài mèo và được bầu làm chủ tịch Câu lạc bộ Mèo Quốc gia. Ông cũng đánh giá các cuộc thi mèo và tham gia vào một số tổ chức từ thiện dành cho động vật.
Tất cả những điều này đã giúp củng cố tình yêu và sự đánh giá cao của đất nước đối với những con mèo đã được thuần hóa. Không chỉ nước Anh mê mẩn các tác phẩm của Wain, ông cũng đạt được thành công đáng kể ở Mỹ. Từ năm 1907 đến năm 1910, ông đã thực hiện một đoạn phim hoạt hình cho tờ New York Journal-American của William Randolph Hearst. Tiếc thay, đây là tác phẩm cuối cùng của ông.
Thế giới nội tâm của Louis Wain
Bất chấp niềm hạnh phúc được nhìn thấy trong suốt quá trình làm việc của mình, câu chuyện của Wain đối với loài mèo dần trở thành một thảm kịch. Năm 1883 Wain kết hôn với Emily Richardson, việc kết hôn với một người hơn ông 10 tuổi được xem là tai tiếng trong giai đoạn đó. Nhưng không lâu sau khi cặp đôi kết hôn, Emily trở nên không khỏe. Trong quá trình bệnh kéo dài của người vợ, Wain đã phác họa con mèo Peter của họ như một cách để giữ tích cực cho tinh thần của bà.
Nói về Peter, nó thực sự là bước đầu trong sự nghiệp của tôi, là sự phát triển của những nỗ lực ngày đầu lúc tôi mới bắt tay làm việc.”
Louis William Wain
Vợ của ông hẳn đã rất vui mừng khi vào mùa thu năm 1886, bà được nghe tin Peter của họ được minh họa trong cuốn sách của Kari. Thêm một tin vui nữa vào vài tháng sau, Wain lại được The Illustrated London News ủy quyền vẽ thêm các hình minh họa dựa trên con mèo của cặp vợ chồng. Tác phẩm “Tiệc Giáng Sinh của mèo con” đã vô cùng nổi tiếng và thành công rực rỡ, giúp Wain đạt đến đỉnh cao nghệ thuật và vẽ tranh thương mại. Đáng buồn thay, ông đã không thể tận hưởng thành quả này vì Emily qua đời vài tháng sau đó.
Thảm kịch này đã tác động rất lớn đến tinh thần của Wain, và ông ngày càng khép mình lại. Khi từ thành công này đến thành công khác, ông phải tiếp tục vật lộn với lo lắng và trầm cảm, và dù đã đạt được những thành tựu chuyên nghiệp, cuộc sống cá nhân của ông không bao giờ giống như xưa nữa.
Bên cạnh đó, Wain là một người thiếu nhạy bén trong kinh doanh và thường bị lợi dụng. Rất nhiều lần, ông đã bán hết tác phẩm của mình và không bao giờ yêu cầu tiền bản quyền xuất bản. Vào thời điểm chiến tranh bùng nổ năm 1914, Wain gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường vì giấy trở nên khan hiếm. Vào những năm 1920, ông lâm vào cảnh nghèo khó. Tình trạng trầm cảm của ông tiếp tục và sức khỏe tâm lý của ông ngày càng giảm sút. Vì căn bệnh thường tấn công dữ dội và thất thường, ông đã được đưa vào khu tâm thần của Bệnh viện Springfield ở London vào năm 1924.
Vào thời điểm đó, sự hiểu biết về sức khỏe tâm thần vẫn còn sơ khai nhất, chỉ đơn giản rằng ai mắc bệnh là đưa vào bệnh viện. Thế nên, chúng ta thực sự không rõ Wain đã phải chịu đựng những triệu chứng gì.
Cũng trong thời kỳ này, Wain vẫn tiếp tục vẽ mèo. Tuy nhiên, các bức tranh càng trở nên trừu tượng hơn, đến mức gần như không thể xác định được các đặc điểm của chúng. Những bức vẽ này là hậu quả của bệnh tâm thần phân liệt hay chúng chỉ đơn thuần là vị nghệ sĩ đang thử nghiệm một phong cách mới? Có thể Wain đã bị chứng mất trí nhớ, hay mắc hội chứng Asperger? Chúng ta có thể sẽ không bao giờ biết chắc chắn câu trả lời đầy đủ, nhưng có một điều mà tất cả chúng ta có thể đồng ý là tác phẩm của ông vẫn rất hấp dẫn để xem. Mỗi bức vẽ dường như có một sự mạch lạc nhất định, Wain có đầu óc thử nghiệm dũng cảm và cách sử dụng màu sắc rực rỡ.
Một điều thường bị bỏ qua nữa là Wain vẫn tiếp tục thực hiện các tác phẩm theo phong cách truyền thống hơn trong thời gian này. Còn giả thiết về những bức vẽ trừu tượng thể hiện sự suy giảm tình thần ngày càng tăng của ông rất có thể là sai sự thật. Kết quả của nhận định này được tuyên bố trong một cuốn sách có tên Psychotic Art được xuất bản vào những năm 1960. Tất cả các tác phẩm nghệ thuật ảo giác nên được coi là sự phát triển trong phong cách của Wain trên con đường sáng tạo. Những gì chúng ta biết là Wain đã có một cuộc sống khó khăn; và ông đã dành nhiều thời gian của mình để tạo ra di sản là các tác phẩm hình minh họa tuyệt vời.
Wain đã dành 15 năm còn lại của cuộc đời mình trong cơ sở chăm sóc sức khỏe. Ban đầu, nhiều bạn bè và những người hâm mộ không biết về việc ông ở trong trại tâm thần. Năm 1925, hoàn cảnh của ông đã được công bố rộng rãi. Một lời kêu gọi công khai đã được thực hiện và quyên góp được 2.300 bảng Anh. Sau sự can thiệp của Thủ tướng Ramsay MacDonald, số tiền này đã đưa Wain đến Bệnh viện Hoàng gia Bethlem – một trong những bệnh viện tốt nhất vào thời điểm đó. Dù theo nhiều cách, đây là một cử chỉ tốt đẹp dành cho một người đàn ông đã cho cả thế giới rất nhiều hạnh phúc và hy vọng, cũng như giúp những năm tháng cuối đời của ông thêm nhẹ nhàng.
Một số tác phẩm khác của Louis Wain:
Biên tập: Navi Nguyễn
Nguồn tham khảo
- 1. Cute Cats and Psychedelia: The Tragic Life of Louis Wain - https://illustrationchronicles.com/cute-cats-and-psychedelia-the-tragic-life-of-louis-wain
- 2. 100 years before cats conquered the internet, Louis Wain built a whole cat world - https://www.digitalartsonline.co.uk/features/illustration/100-years-before-cats-conquered-internet-louis-wain-built-whole-cat-world/
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. /meo meo/ Câu chuyện đằng sau những bức tranh mèo độc đáo của Utagawa Kuniyoshi
- 2. /meo meo/ Lớp phủ nữ tính trong tác phẩm của Henriëtte Ronner-Knip
- 3. /meo meo/ Edward Gorey: ‘Không thể tưởng tượng nổi cuộc sống không có lũ mèo.’
- 4. /meo meo/ Yutaka Murakami: ‘Tôi chỉ vẽ những gì tôi muốn vẽ.’
- 5. /meo meo/ Hơi thở Đông phương trong những tác phẩm vẽ mèo chân thực của Byeon Sang-byeok
- 6. /meo meo/ Hình ảnh mèo trong chủ nghĩa xã hội của Théophile-Alexandre Steinlen