Kiyoshi Awazu - Hành trình cách mạng hóa những hình ảnh đã cũ của Nhật Bản

Kiyoshi Awazu đã không phụ lòng những kỳ vọng về mặt thẩm mỹ và thị giác. Ông đã xây dựng một thế giới mới cho thiết kế đồ họa với chủ nghĩa tượng trưng đầy ảo giác, những gam màu điên cuồng và quan điểm chính trị trong tác phẩm.

Khi nghĩ đến thẩm mỹ thiết kế ở Nhật Bản, chúng ta thường liên tưởng đến với những hình ảnh tối giản và khép kín. Điều này có thể dễ dàng nhận ra bởi sự ảnh hưởng từ văn hóa Zen, một phong cách vẽ nên từ sự bình yên, suy nghĩ đơn giản hơn, nhiều không gian hơn mức cần thiết. Kiyoshi Awazu chính là nhà thiết kế đồ họa đã cách mạng hóa truyền thống này. Một người đánh đổi sự đơn giản để lấy một sự sự hỗn loạn trong ảo giác. Một bậc thầy đã tạo ra con đường mới cho nghệ thuật biểu tượng mới từ những thiết kế đương đại ở Nhật Bản sau Thế chiến II.

Đôi nét về Kiyoshi Awazu

Kiyoshi Awazu (1929 – 2009) là một nhân vật xuất sắc trong lịch sử thiết kế đồ họa Nhật Bản. Bỏ học chuyên ngành Chính trị khoa học và Luật pháp tại đại học Hosei, ông trở thành một họa sĩ tự học và nhà thiết kế đồ họa nổi tiếng với khả năng biến đổi những bộ phận cơ thể người. Từ hội họa đến áp phích và từ sân khấu đến kiến trúc, niềm đam mê sáng tạo của ông không có ranh giới.

Chân dung Kiyoshi Awazu

Trong bối cảnh mà sự thay đổi mạnh mẽ là mối đe dọa rõ ràng đối với các giá trị văn hóa dân gian, tầm nhìn của nhà thiết kế tập trung vào việc giải cứu các loại hình nghệ thuật truyền thống, sử dụng phương pháp in ấn trong lịch sử để minh họa cho biểu tượng hiện đại, đây cũng là một cách hòa nhập với thẩm mỹ của xã hội. Phong cách của ông như một tuyên ngôn chống lại những giáo điều hiện đại theo đuổi việc sự quốc tế hóa các biểu tượng vô nghĩa. Theo cách nói của ông, sứ mệnh của nhà thiết kế là ‘mở rộng vùng nông thôn vào thành phố, làm nền cho văn hóa dân gian, đánh thức quá khứ, khơi gợi lại những gì đã lỗi thời.’

Trong hơn 60 năm hoạt động, Kiyoshi Awazu đã tạo dựng được danh tiếng nhờ thử nghiệm nhiều phong cách mỹ thuật, đồng thời cộng tác với một mạng lưới lớn các nghệ sĩ và kiến ​​trúc sư – ví dụ như tập thể kiến ​​trúc Metabolism. Nhưng hầu hết các công trình của ông đều tập trung trong lĩnh vực điện ảnh, cụ thể là trong các thiết kế áp phích quảng cáo phim.

Bước ngoặt ở tuổi 26

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1954 khi chàng thanh niên trẻ Awazu tham gia bộ phận quảng cáo trong công ty điện ảnh Nikkatsu thời còn chưa nổi. Ông được thuê chỉ với tư cách là một nhân viên bán thời gian, công việc của ông là tham gia vào các dự án thiết kế nhà hát Kabuki nhỏ. Một năm sau, ở độ tuổi 26, tấm áp phích ‘Đòi lại bờ biển của chúng ta’ (海 を 返 せ) của ông đã thu hút sự chú ý của mọi người trong giới thiết kế đồ họa.

Đòi lại bờ biển của chúng ta, 1954.

Tấm áp phích minh họa đã tạo một cảnh tượng gây sốc: Sau khi nhà thiết kế đến thăm bãi biển Kujukuri – thuộc tỉnh Chiba, ông tình cờ biết được rằng những người đánh cá địa phương đã bị quân đội Mỹ tước đoạt vùng biển. Và tác phẩm đã nhắc nhở người xem về câu chuyện này. Tác phẩm thể hiện cho chúng ta thấy một ngư dân chứng kiến ​​làng chài của mình bị tước vùng biển trong một cuộc diễn tập quân sự của Mỹ.

Ngoài bối cảnh lịch sử được khắc họa, ông còn quyết định chắp vá trang phục thời thơ ấu của mình trong bộ kimono của ngư dân. Theo một cái nhìn tổng thể, có một mối tương quan giữa bi kịch nhân vật chính của áp phích và trải nghiệm của ông khi lớn lên ở Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai. Tác phẩm đã được đánh giá cao và được trao giải bởi Câu lạc bộ Nghệ sĩ quảng cáo Nhật Bản. Đây là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Awazu, từ một nhân viên bán thời gian vô danh trở thành một nhà thiết kế đầy triển vọng. Hơn nữa, điều này còn cho chúng ta một tầm nhìn xã hội mà chàng trai trẻ sắp đem đến cho cộng đồng.

Hội đồng phản đối bom nguyên tử và nhiệt hạch, 1957.

Thông điệp sắc sảo

Đối với các chủ đề ngôn ngữ biểu đạt và phản biện xã hội, Ben Shahn (1898 – 1969) đã trở thành nguồn cảm hứng lớn trong các tác phẩm nghệ thuật của Awazu. Shahn – một họa sĩ và nhiếp ảnh gia người Mỹ đã sử dụng nghệ thuật thị giác như một phương tiện đấu tranh cho công bằng xã hội và chính trị, ông đã vẽ minh họa lại những người đấu tranh và tìm kiếm nhân quyền.

Tác phẩm tuyên truyền ‘Chúng tôi là công nhân Pháp cảnh báo bạn ‘Thua trận sẽ thành nô lệ, nạn đói và chết chóc của Ben Shahn năm 1942.

Người họa sĩ hoạt động xã hội cũng tự coi mình là một người lao động gắn bó với xã hội, sử dụng nghệ thuật như một công cụ để hoạt động chính trị. Các bức tranh của ông tránh các chủ đề ‘văn hóa thượng lưu’ để nhấn mạnh dân gian, lực lượng lao động, những người kém may mắn và những người bị xã hội ruồng bỏ.

Hình minh họa của Shahn có sự khiêm tốn về kỹ thuật nhưng lại chứa đầy nội dung ý nghĩa. Nếu chúng ta đối chiếu bức ‘Đòi lại bờ biển của chúng ta’ với bức tranh ‘Beatitudes’ của Leonard Baskin (1922 – 2000) và Ben Shahn thì có thể nhận ra những điểm tương đồng. Những nét vẽ mượt mà, một nhân vật trung tâm, và tình cảm đau buồn mạnh mẽ là những yếu tố hiện hữu. Trong cả hai ví dụ, sự đơn giản của nét vẽ tương phản với nội dung được truyền tải.

Beautitude, 1955.

Đối với nhà thiết kế người Nhật, tác phẩm nghệ thuật của Shahn đã trở thành một ảnh hưởng quan trọng trong sự nghiệp thời đầu của ông, ít nhất là trong thập kỷ đầu tiên. Trong giai đoạn này, ông đã tập trung toàn lực vào việc vẽ ra những thứ cụ thể và hữu hình. Về sau, mới bắt đầu tránh sự đơn giản về hình ảnh để đi theo con đường vẽ những ảo giác (psychedelic).

Sự thay đổi trong phong cách

Ngoài những ảnh hưởng từ nghệ sĩ quốc tế, tầm nhìn của Awazu còn liên quan đến các loại hình nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản. Trong nửa sau của thập niên 60, các tác phẩm của ông đều mang họa tiết Nhật Bản, sử dụng màu sắc sống động và các hình vẽ đậm chất trừu tượng. Từ giai đoạn này, ông đã phát triển các phong cách mà về sau thường được biết đến, đưa cá tính của bản thân lên tầm cao nhất của thế giới thiết kế đồ họa.

Năm 1964, Awazu thiết kế áp phích cho Triển lãm Tranh in khắc gố Quốc tế hai năm một lần ở Tokyo. Triển lãm này tập trung vào tác phẩm của nghệ sĩ Ukiyo-e huyền thoại là Hiroshige Utagawa (1797 – 1858). Những tác phẩm mà Hiroshige thực hiện được truyền cảm hứng từ việc nắm bắt thiên nhiên với những cảnh vẽ thung lũng, núi, đại dương hoặc các bối cảnh khác trên đất nước.

Awazu hiểu được tầm nhìn của Hiroshige và khéo léo làm mới góc nhìn thành một phong cách hiện đại. Trên tấm áp phích quảng bá cho triển lãm, cảnh núi non của Hiroshige được diễn giải lại bằng những đường nét mảnh như tấm bản đồ địa hình. Những đường nét trừu tượng này như chơi đùa với góc nhìn của chúng ta và cũng truyền cảm giác như vân gỗ hoặc sóng nước. Về sau, phong cách vẽ nét sẽ là một yếu tố xuất hiện liên tục trong những tác phấm của nhà thiết kế.

Tấm áp phích cho triển lãm của Hiroshige năm 1964.

Một bổ sung cho tấm áp phích này là bàn tay màu đỏ được đóng dấu ở trung tâm. Dấu ấn này là con dấu phổ biến được các gia đình Nhật Bản sử dụng. Mặc dù con dấu này đóng một phần cơ bản trong việc tạo nét tương phản trong thiết kế, nó cũng cho thấy tầm nhìn của Utagawa về cảnh quan. Bức tranh ukiyo-e của Utagawa thường miêu tả những khung cảnh phong cảnh của Nhật Bản, hướng đến trọng tâm là mối quan hệ giữa thiên nhiên và cuộc sống con người; không chỉ những ngọn đồi đẹp như tranh vẽ mà còn cả thị trấn được dựng lên trong đó. Awazu đã vẽ tác phẩm này như là cách tóm tắt sự nghiệp của Hiroshige. Các đường nền mỏng như một đại diện của thiên nhiên, còn bàn tay đỏ của con người là dấu chân của họ trên môi trường.

“Chắc tôi đang mơ hay gì đó. Tôi bắt đầu vẽ một hình tròn và hình tròn đó trở thành một khuôn mặt không mắt. Xung quanh khuôn mặt là những đường vân của địa tầng, những đường viền đầy biểu tượng. Khuôn mặt của một cô gái hoặc một bà già trong bức ‘The Scream’ của Munch nhô lên trước mặt tôi và bay đi.

Những cái đầu của Picasso, Sharaku và Eisen hiện ra trong tâm trí tôi nhưng họ biến mất, quá nhiều hình ảnh đến và đi. Những khuôn mặt mà tôi không nhận ra. Đó là những khuôn mặt của ai? Những đám mây, hay bầu trời phản chiếu trên mặt nước? Hay là một chiếc lá rung lên và biến mất?”

Một ví dụ khác về việc tìm kiếm những cách mới để thể hiện các họa tiết Nhật Bản là áp phích ‘Tinh thần đổi mới ở Nhật Bản’ (1984), cũng là một màn hợp tác giữa Kiyoshi Awazu và công ty áo kimono Juraku. Tác phẩm này bao gồm hai yếu tố chính: Ở bên trái, một biến thể của mô hình địa hình bị lộ ra. Phiên bản này sử dụng các đường cong, nét sống động và nhiều gam màu để tạo ra cái nhìn rõ nét hơn.

Tinh thần đổi mới ở Nhật Bản, 1984.

Ở phía bên phải, chúng ta thấy một chuỗi các hình ảnh minh họa. Chúng tương ứng với các hình vẽ từ bộ bài Hanafuda, một loại trò chơi bài lâu đời của Nhật Bản. Sự đảo ngược họa tiết Hanafuda mà Awazu sử dụng như một tấm bảng che khuất để làm mới hình ảnh trong trò chơi này.

Cũ và mới luôn là chủ đề qua lại trong các tác phẩm của Kiyoshi Awazu. Ông có một con mắt tinh tường để nhìn thấy thẩm mỹ truyền thống qua lăng kính đương đại. Màu sắc và hình tượng đã trở thành những công cụ cơ bản để ông thực hiện được góc nhìn của mình.

Một số tác phẩm siêu thực hơn của ông đã sử dụng các biểu tượng Nhật Bản vốn đã tuyệt chủng. Một lượng lớn những hình ảnh chồng lớp thể hiện được trí tưởng tượng mang tính quốc gia, đôi khi quá phức tạp nên những người ngoại quốc không nhận biết được. Phương pháp này đã nâng cao phong cách vẽ ảo giác mà ông được biết đến rộng rãi. Kết quả là Awazu đã để lại cho chúng ta một lượng lớn tác phẩm có chiều sâu và mang đậm tính Nhật Bản.

Mặc dù Awazu có niềm đam mê thực sự với hội họa và thiết kế đồ họa, nhưng anh đã thử nghiệm với nhiều ngành và định dạng khác nhau. Theo lời của ông:

“Trong tất cả các lĩnh vực có thể biểu đạt, tôi quyết tâm xóa bỏ không chỉ ranh giới giữa các hình thức biểu đạt, mà còn loại bỏ những giai cấp, thể loại, sự chênh lệch và những thăng trầm đã xuất hiện trong nghệ thuật.”

Năm 1970, nhà thiết kế hợp tác với kiến trúc sư Minoru Takeyama thực hiện tòa nhà Ninbankan. Cả hai người gặp nhau khi Awazu đang làm giảng viên tại tại Đại học Nghệ thuật Musashino vào cuối những năm 1960. Ông đã thiết kế diện mạo bên ngoài của tòa nhà với đề xuất là thực hiện một tấm bảng đầy màu sắc làm mặt tiền.

Tòa nhà Ninbankan.

Đối với nhiều người, sự can thiệp của ông với công trình rất đáng chú ý vì trước đó chưa có ai từng làm vậy cả. Kiến trúc sư Takeyama cho biết: “Hồi đó không ai yêu cầu một nhà thiết kế đồ họa vẽ các mặt của một tòa nhà cả. Ông ấy là một nghệ sĩ cực kì ấn tượng.” Bức tranh được dùng loại sơn rẻ để có thể sơn lại mẫu khác 5 năm một lần.

Một sự hợp tác nổi bật khác trong sự nghiệp của Awazu là bộ phim Vụ tự sát đôi (心中 天網 島) đạo diễn bởi Masahiro Shinoda vào năm 1969. Awazu tham gia làm Giám đốc Nghệ thuật và thiết kế bìa quảng bá bộ phim.

Ông có được danh tiếng quốc tế sau hai tấm áp phích cho bộ phim “Vụ tự sát đôi” “Anti-War” (Phản chiến) lần lượt giành được Giải Bạc và Giải Đặc biệt tại Triển lãm Áp phích Quốc tế ở Warsaw, Ba Lan năm 1970.

Tạm kết

Cho đến ngày nay, lượng tác phẩm khổng lồ do Kiyoshi Awazu thực hiện đã làm kinh ngạc cộng đồng nghệ thuật. Những sáng tạo của ông là một trải nghiệm hình ảnh sống động, mặc dù rất khó để giải thích. Ông đã sử dụng những mô típ phức tạp để xây dựng một thế giới siêu thực và mời chúng ta chìm đắm trong đó.

Nhưng ngoài những trải nghiệm trừu tượng này, những tác phẩm của ông còn gợi lên những cảm xúc trong nhiều người. Có rất nhiều thứ chứa đựng trong những tác phẩm nghệ thuật này để không bị lay chuyển. Chúng truyền tải niềm vui, sự thích thú và vui tươi, trong khi những tác phẩm khác thì lại đau buồn khi tác giả sống ở Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai.

Năm 1990, ông được thủ tướng trao tặng Ruy băng Tím, huân chương danh dự dành cho những cá nhân có nhiều đóng góp cho xã hội. Mười năm sau đó, ông lại được trao tiếp Huân chương Mặt trời mọc dành cho những cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực của họ. Awazu tiếp tục sáng tạo cho đến khi ông qua đời vào năm 2009. Di sản của ông vẫn tiếp tục có giá trị trong thế hệ những nhà thiết kế đồ họa trẻ. Ông không chỉ cách mạng hóa văn hóa thiết kế đồ họa ở Nhật Bản, mà còn thấy trước một con đường mới cho sự cam kết xã hội.

Kiyoshi Awazu cũng nhắc nhở chúng ta rằng thay đổi không phải là mối đe dọa đối với truyền thống của chúng ta, mà là cơ hội để đánh thức những điều đã cũ.

Biên tập: Navi Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp

Cùng tác giả

#Tag

Họa sĩ Nhật Bản TK 20 hội họa Nhật Bản Kiyoshi Awazu Navi Nguyễn poster Psychedelic thiết kế đồ họa thế kỷ 20

iDesign Must-try

Những bức vẽ cô bé có gương mặt ‘hờn dỗi cả thế giới’ trị giá triệu USD của Yoshitomo Nara
Những bức vẽ cô bé có gương mặt ‘hờn dỗi cả thế giới’ trị giá triệu USD của Yoshitomo Nara
Yoshitomo Nara sinh năm 1959 tại Aomori, là một trong những nghệ sĩ đương đại nổi tiếng nhất Nhật Bản. Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật và âm nhạc…
Noah Baker chia sẻ về thiết kế áp phích và cách anh ấy tránh bị ‘mắc kẹt trong những cái hố thẩm mỹ’
Noah Baker chia sẻ về thiết kế áp phích và cách anh ấy tránh bị ‘mắc kẹt trong những cái hố thẩm mỹ’
Đối với nhà thiết kế có trụ sở tại New York, áp phích (posters) là một phương tiện hấp dẫn vì chúng phải truyền đạt thông tin: “Cốt lõi chúng…
Lịch sử về những nghệ nhân làm diều qua ống kính của Mami Kiyoshi
Lịch sử về những nghệ nhân làm diều qua ống kính của Mami Kiyoshi
Vì sao lại có nhưng tấm thiệp giáng sinh kỳ quặc ra đời? Câu chuyện nào ẩn giấu sau chúng?
Những nghệ sĩ đằng sau danh họa Moses Rosenthaler trong ‘The French Dispatch’ của Wes Anderson
Những nghệ sĩ đằng sau danh họa Moses Rosenthaler trong ‘The French Dispatch’ của Wes Anderson
Một phần hậu trường của bộ phim The French Dispatch do Wes Anderson đã diễn ra thế nào?
Kenji Kawakami - Thiên tài đứng sau những sáng chế kì quặc
Kenji Kawakami - Thiên tài đứng sau những sáng chế kì quặc
Vì sao Nhật Bản lại có những phát minh kì quặc khó có thể áp dụng vào đời sống hàng ngày?
Hòn đảo Naoshima - Kỳ quan của nghệ thuật đương đại thế giới
Hòn đảo Naoshima - Kỳ quan của nghệ thuật đương đại thế giới
Hòn đảo Naoshima có những công trình đương đại nổi tiếng nào khiến nơi đây trở nên độc nhất trên thế giới?