7 yếu tố thị giác cơ bản trong nghệ thuật và thiết kế: Họa tiết

Yếu tố thị giác hoạ tiết được kiến tạo bằng cách lặp lại hoặc vọng lại những yếu tố của một sản phẩm sáng tạo nhằm truyền tải cảm giác cân bằng, hài hoà, tương phản, nhịp điệu, hoặc chuyển động. Có hai loại hoạ tiết cơ bản trong nghệ thuật: mô típ tự nhiên và mô típ nhân tạo. Cả hai loại mô típ này đều có thể đều hoặc không đều, hữu cơ hoặc hình học, mang tính cấu trúc hoặc trang trí, âm hoặc dương, và lặp lại hoặc ngẫu nhiên.

Mô típ tự nhiên

Các khu vườn ở Kensington 1 (Kensington Gardens 1) (1979) của Rory McEwen, màu nước trên giấy da bê (vellum)

Để thấy một Thế giới trong Hạt cát

Và một Thiên đàng trong Bông hoa dại

Nắm lấy Vô hạn trong lòng bàn tay em

Và Vĩnh cửu trong một giờ đồng hồ

(Trích Các điềm báo của ngây thơ (Auguries of Innocence) (1803) của William Blake)

Rory McEwen là một nghệ sĩ thực vật xuất sắc nhưng nếu mô tả ông một cách đơn giản như là vậy là chắc chắn không đầy đủ về những gì ông thực sự đã làm được. Tác phẩm của ông vượt qua minh hoạ đơn thuần và nâng cao nhận thức cảm tính của chúng ta lên một mức độ mà ta cảm nhận được cường độ của tầm nhìn độc đáo của ông. Giống như đoạn thơ phía trên của William Blake, ông làm cho chúng ta chậm lại, đưa ra vẻ đẹp tinh tế thế mà ta bỏ lỡ do không thực sự nhìn vào những gì mà mình thấy. Kỹ năng đáng khâm phục của ông trong việc quan sát một chiếc lá đơn nhất cho thấy một thế giới bí ẩn và vô hạn nằm ngay trong thế giới chung.

Điều đầu tiên khán giả thấy ở chiếc lá của McEwen là hoa văn tự nhiên của những đường gân lá. Nếu bạn bị thu hút nhiều hơn vào chi tiết của hình ảnh, mô típ này có bản chất phân dạng khi bạn nhận ra cùng một sự thành hình tự nhiên giống nhau ở các quy mô khác nhau. Ví dụ, trong mô hình tăng trưởng tinh tế của những đường gân, bạn có thể nhìn thấy hình dạng mang tính cấu trúc của cành phân nhánh từ cây. Sau đó, bạn cũng có thể mở rộng tầm nhìn của mình ra một quy mô địa chất nơi hình ảnh này trở thành kết quả của một góc nhìn trên không, nơi các đường gân trở thành các con sông và các nhánh của nó cắt qua phong cảnh cảnh quan và đổ ra biển. Một phép ẩn dụ u sầu hơn có thể liên hệ giải phẫu của chiếc lá đang úa tàn tới chủ đề về cái chết của Vanitas, khi các đường gân lá từ màu đỏ xuất huyết thành màu xanh diệp lục của lớp da đang phân huỷ. Nếu chúng ta nhìn vào thế giới của mình qua cặp kính chánh niệm như Rory McEwen, cảm nhận thị giác của ta và thứ nghệ thuật ta sản xuất sẽ phong phú hơn vì nó.

Mô típ nhân tạo

Bản phác thảo bút chì và màu nước cho họa tiết giấy dán tường acanthus (Pencil and Watercolor Sketch for Acanthus Wallpaper Pattern) (1874-75) của William Morris

William Morris là một trong những nhà thiết kế hoa văn vĩ đại nhất có những tác phẩm vẫn được bán trên thị trường cho tới nay. Ông là một nhân vật lớn của phong trào Arts and Crafts, một nhóm nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế, thợ thủ công, và nhà văn có phản ứng chống lại những hệ quả tồi tệ của quá trình công nghiệp hoá thế kỷ 19. Họ coi trọng những đồ vật thủ công hơn những đồ vật được làm bằng máy, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của biểu hiện cá nhân. Họ tin vào sự ưu việt của thợ thủ công và cách sống đứng đắn của anh ta trước sự thấp kém của nền sản xuất công nghiệp và những điều kiện xuống cấp mà công nhân nhà máy phải chịu đựng.

William Morris đã vạch ra triết lý của mình về nghệ thuật và thiết kế trong một bài giảng năm 1894, nơi ông chủ trương “trước hết, cần cù nghiên cứu Thiên nhiên, và thứ hai, nghiên cứu các tác phẩm của các thời đại Nghệ thuật” (trích Một bài diễn thuyết… tại nơi lễ trao giải thưởng cho học sinh của Trường Nghệ thuật thành phố Birmingham, vào 21/02/1984…). Theo những nguyên tắc này, ông lấy cảm hứng từ nghệ thuật Trung Cổ khi các nghệ sĩ và thợ thủ công làm việc bình đẳng với nhau. Lá acanthus (lá cây ô rô) là mô típ tự nhiên mà Morris mượn từ ‘các thời đại của Nghệ thuật’. Người Hy Lạp cổ là những người đầu tiên sử dụng lá này để chạm khắc trang trí ở các thức cột Corinthian và nó được hồi sinh thường xuyên như một vật trang trí trong nghệ thuật, thủ công, và kiến trúc Byzantine, Romanesque, Gothic, và Phục hưng.

Trong nghiên cứu màu nước ở trên, Morris sử dụng các dạng xoắn của lá ô rô để tạo ra một đơn vị hoa văn lặp đi lặp lại cho một thiết kế giấy dán tường. Ông khéo léo sắp xếp các hình dạng hữu cơ của chúng để che đi cấu trúc hình học của hoạ tiết để tạo ra một bức tường lá tự nhiên. Ý tưởng là đưa thiên nhiên, biểu hiện của thiết kế của Chúa, vào nhà ở như một liều thuốc giải độc cho sự sản xuất thiếu trang nhã của Cách mạng Công nghiệp.

Hoa văn như phong cảnh

Trang trại gần Duivendrecht (Farm Near Duivendrecht) (1907) của Piet Mondrian, sơn dầu trên toan

Piet Mondrian đã dành cả cuộc đời lao động của mình để tinh chỉnh và tiêu giảm các mô típ lặp mà ông quan sát được trong tự nhiên, cuối cùng phát triển ra một ngôn ngữ trừu tượng thuần tuý của các dạng chữ nhật (Tân Tạo hình – Neo-Platicism). Quá trình phát triển mà Mondrian đi theo là cuộc hành trình mạch lạc nhất từ đại diện đến trừu tượng thuần khiết trong lịch sự nghệ thuật hiện đại. Lập thể là con đường chính dẫn tới sự trừu tượng hoá cho hầu hết các nghệ sĩ nhưng nó hơi lộn xộn với đầu óc ưa đo lường của Mondrian. Do đó, ông đã điều chỉnh cách tiếp cận với bố cục của mình để kết hợp vào một hệ thống dạng lưới. Nó không chỉ giúp ông kiểm soát tổ chức không gian của tác phẩm nhiều hơn mà cũng tham chiếu tới trục tung và trục hoành tự nhiên của phong cảnh quê hương Hà Lan của người nghệ sĩ. Ảnh hưởng của lưới củng cố bố cục các bức tranh của ông và cho ông một điểm tham chiếu để từ đó quan sát các tác động của việc tái cấu hình các yếu tố của một tác phẩm trên một loạt các hình ảnh.

Trang trại gần Duivendrecht là một trong những điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình nghệ thuật của Mondrian. Mặc dù đây vẫn là một tác phẩm mang tính đại diện cao, bạn đã có thể thấy những lực trừu tượng bắt đầu phô diễn sức mạnh của chúng. Mondrian tiếp nhận các mô típ tự nhiên của cành cây để để gia tăng sức hấp dẫn thẩm mỹ của chúng và sử dụng thân cây và phản chiếu của chúng để hình thành xương sống cho bố cục. Mô típ của những cành cây, mà vốn tự nhiên có một sự phân bố ngẫu nhiên, được tái cấu trúc để tạo thành một sự tương tác cân bằng giữa hình dạng của chúng với không gian ở giữa. Sự thôi thúc của Mondrian trong việc cân bằng các yếu tố đối lập như là trục tung và trục hoành hay các hình khối âm và dương là chìa khoá để hiểu tác phẩm của ông. Ông đã làm điều đó lần nữa bằng cách cân bằng hình ảnh với hình phản chiếu của nó, một tương tác giữa giữa đất và nước, nơi chiều thẳng đứng của những cái cây cắt với ranh giới nằm ngang của dòng sông. Trong tương tác này, bạn bắt đầu thấy sự xuất hiện của ‘lưới’. 

Con đường băng qua xứ Wolds (The Road Across The Wolds) (1997) của David Hockney, sơn dầu trên toan

David Hockney được khuyến khích vẽ phong cảnh Yorkshire bởi bạn của ông – Jonathan Silver, và Con đường băng qua xứ Wolds là tác phẩm đầu tiên với chủ đề mà sẽ trở thành chủ đề chính trong những năm đấy. Nó cho thấy một phong cảnh mà Hockney hẳn đã biết từ thời thơ ấu của mình và đó là tuyến đường mà ông sẽ phải chạy xe qua khi đi thăm Silver.

Hockney làm phẳng phối cảnh của bức tranh để cho phép người xem nhìn thấy các cánh đồng nhiều hơn, đồi và thung lũng của vùng Wolds ở phía đông Yorkshire. Khung cảnh là một mảng hoạ tiết chắp vá của các hình dạng và màu sắc dưới ánh nắng mặt trời, mời gọi bạn vào một cuộc hành trình băng qua cảnh quan nhấp nhô của nó. Người nghệ sĩ để lại một dải trời nhỏ ở trên cùng của bức tranh, giúp bạn trải nghiệm quy mô toàn cảnh của nó. Quy mô chắc chắn sẽ bị giảm đi nếu ông bỏ qua đường chân trời, hạ thấp tầm mắt hoặc sử dụng một bối cảnh thông thường. Hockney cũng tiêu giảm hiệu ứng của phối cảnh trên không bằng cách tiêu chuẩn hóa kích thước nét vẽ của mình và tăng cường màu sắc của các cánh đồng ở xa để tăng độ rực rỡ của chúng.

Mô típ như là chủ nghĩa Môi trường

Lá thanh lương trà được đặt nằm quanh lỗ, công viên điêu khắc Yorkshire (Rowan Leaves Laid Around Hole, Yorkshire Sculpture Park) (25 tháng 10 1987) của Andrew Goldsworthy, ảnh chụp

Hiện tại bạn chỉ thấy cái cây bằng ánh sáng của ngọn đèn. Tôi tự hỏi bao giờ bạn sẽ thấy ngọn đèn bằng ánh sáng của cây”.
(Trích Người đàn ông đã là thứ Năm: Một cơn ác mộng (The Man Who Was Thursday: A Nightmare), chương 1, Hai thi sĩ của công viên Saffron (The Two Poets of Saffron Park), lần đầu phát hành năm 1908 bởi NXB Serenity, LCC. Rockville, Maryland, 2009).

Andrew Goldsworthy đảo lộn trải nghiệm của ta về thiên nhiên để khiến ta phải nhìn lại nó một cách mới mẻ hơn. Goldsworthy là một nghệ sĩ môi trường mà sử dụng những chất liệu thô của phong cảnh (lá và cánh hoa, cành cây và gai, tuyết và băng, bùn và đá) và sử dụng chúng với một sự cảm thông để tạo ra những cảm giác bất ngờ về trật tự trong sự phát triển không hạn chế của môi trường tự nhiên. Các tác phẩm điêu khắc của ông ẩn mình ở ngay nơi dễ thấy và nếu bạn bắt gặp chúng khi đang đi dạo trong rừng, bạn sẽ có cảm giác như có một trí tuệ ngoài hành tinh nào đó đã thực hiện chúng – và ở một mức độ nào đó, như thể một thứ gì đó mới được tạo ra bởi sự hợp tác của ý thức người nghệ sĩ và linh hồn của tự nhiên. Goldsworthy nhận thức được những phẩm chất phù du trong tác phẩm của mình, vì vậy, ông ghi lại hoạt động của mình bằng những bức ảnh tinh tế trong một loạt các cuốn sách đầy cảm hứng. Lá thanh lương trà được đặt nằm quanh lỗ sử dụng sự thay đổi sắc tố của lá mùa thu để tạo ra một mô típ màu sắc hình tròn. Nó tỏa ra năng lượng dưới ánh nắng vàng rực rỡ, thông qua màu đỏ rực đến màu tím đậm hòa quyện một cách tinh tế vào màu nâu và đen của đất. Tại trung tâm là nguồn sức mạnh vô hình của nó – một lỗ đen nằm ngoài màu đen của bất kỳ sắc tố nào. Có một cái gì đó mang tính vũ trụ trong nghệ thuật của Andrew Goldsworthy.

Xứ Irina trên vùng Balkans (Irinaland Over The Balkans) (1969) của Friedensreich Hunterwasser, kết hợp nhiều phương tiện

Friedensreich Hunterwasser là một nghệ sĩ và kiến trúc sư không khoan nhượng, người có vốn từ vựng hình ảnh độc đáo bắt nguồn từ quan điểm vật linh của ông về thế giới. Thuyết vật linh là một tín ngưỡng cổ xưa về mối liên kết tâm linh giữa tất cả các dạng và yếu tố tự nhiên: con người, động vật, thực vật, đất, không khí, lửa và nước. Hunterwasser là một người theo chủ nghĩa bảo vệ môi trường kiên định, người đã truyền đạt triết lý ‘xanh’ của mình trong mọi suy nghĩ và hành động, thậm chí đến mức ông tự chuẩn bị toàn bộ sơn vẽ và phương tiện để đảm bảo tính thân thiện với môi trường của chúng.

Hunterwasser tuyên bố rằng “Đường thẳng là một thứ được vẽ ra một cách hèn nhát theo quy tắc mà không có suy tư hay cảm xúc; nó là một đường không tồn tại trong tự nhiên” (J. F. Mathey, Hundertwasser, Naefels: Bonfini Press Corporation, 1985). Do đó, các bức tranh của ông được thấm đẫm bởi những đường viền xác định không gian của chúng theo kiểu vân gỗ tự nhiên hoặc các mẫu vòng hành. Xứ Irina trên vùng Balkans kết hợp tư tưởng và tính nghệ thuật của ông trong cùng một hình ảnh hữu cơ. Khuôn mặt của Irina Maleewa, một nữ diễn viên người Bulgaria từng có mối quan hệ với Hunterwasser, hòa quyện với phong cảnh Balkan để gợi ý mối quan hệ vật linh giữa bà và thiên nhiên. Tất cả các yếu tố của bức tranh sống và thở thông qua một hệ thống tuần hoàn của đường nét và màu sắc xung quanh và giữa mỗi thành phần của bố cục.

Mô típ như là sự tương phản

Ngày và đêm (Day and Night) (1938) của M. C. Escher, in khắc gỗ

Ngày và đêm của của M. C. Escher là một ảo ảnh quang học được chế tác trang nhã mà chỉ trở nên sáng tỏ khi chúng ta bắt đầu khám phá cấu trúc hình học của nó. Việc sử dụng phối cảnh một cách đánh lừa kết hợp với việc sử dụng hoa văn gây mất tập trung sẽ lừa chúng ta tin vào hình ảnh bất khả này. Escher sử dụng một phối cảnh thông thường cho mặt đất trải dài đến tầm mắt cao trên đường chân trời xa xôi. Tầm mắt này đặt người xem ở vị trí trên cao khi nhìn xuống cảnh quan. Sau đó, ông chồng các hoa văn phát triển của những con ngỗng bay lên mặt phẳng hình ảnh (bề mặt tranh) mà hợp vào liền mạch với cánh đồng ở đáy của mặt đất. Chính sự sai hướng của mối nối liền mạch này thuyết phục chúng ta rằng chúng ta đang nhìn vào một hình ảnh hơn là hai hình ảnh (một mẫu hoa văn chồng lên một phong cảnh). Escher cũng đưa vào các mô típ tương phản để hướng sự chú ý của chúng ta ra khỏi thiết kế cấu trúc của hình ảnh. Sự tương phản của dương và âm, đen và trắng, ngày và đêm kết hợp với tầm mắt cao kéo sự chú ý của chúng ta đến nửa trên của tác phẩm và bắt đầu một cuộc đối thoại trái phải giữa hai bên của hình ảnh phản chiếu này. Thật thú vị khi phân tích ảo ảnh của Escher trong Ngày và đêm nhưng thú vị hơn khi bị lừa tin vào điều đó.

Bốt điện thoại (Telephone Booths) (1968) của Richard Estes, sơn dầu trên toan

Bốt điện thoại của Richard Estes là một bức tranh có độ chi tiết cao dựa trên một loạt các bức ảnh được chụp bên ngoài Macy’s tại Quảng trường Herald ở Manhattan. Nó đặt mô típ trang trọng của một dãy bốt điện thoại hình chữ nhật với bề mặt bằng thép bóng bẩy và kính phản chiếu. Nhịp điệu của sự phản chiếu và độ trong suốt, đơn sắc và màu sắc, sáng và tối, tạo ra một mô típ nhấp nháy trên bề mặt của hình ảnh, thể hiện sự ồn ào và lộn xộn của thành phố New York. Điều này được khuếch đại hơn nữa bởi bóng đổ làm mềm chi tiết của nửa dưới bức tranh, do đó tăng độ tương phản và tác động của nửa trên. Các nhân vật trong các bốt điện thoại bị che khuất một phần bởi cửa ra vào và bị khuếch tán bởi ánh sáng phản chiếu để tích hợp các hình dạng ẩn danh của họ với thiết kế trừu tượng của bố cục. Mặc dù đây là một hình ảnh tượng hình chân thực như ảnh, nhưng hiệu ứng tổng thể là một sự trừu tượng kính vạn hoa của cuộc sống thành phố.

Mô típ như là sự lặp lại

Các quý cô Cholmondeley (The Cholmondeley Ladies) (1600-10) từ Thời đại Jacobean, sơn dầu trên ván gỗ

Các quý cô Cholmondeley (phát âm là Chumley) là một bức chân dung xã hội kép của hai chị em gái, có thể là cặp song sinh, đang ngồi thẳng trên giường và giới thiệu những đứa trẻ sơ sinh của họ với thế giới. Đó là một bức tranh từ Thời đại Jacobean (1567–1625) vừa thú vị vừa hơi phi lý.

Nếu đây là một bức chân dung đơn, bạn sẽ tập trung vào mối quan hệ tự nhiên giữa người mẹ và đứa con của cô ấy. Tuy nhiên, sự lặp lại của hình ảnh sẽ thay đổi cách chúng ta cảm nhận tác phẩm. Ta giải thích cấu hình bất thường của nó với mức độ tò mò cao hơn khi tìm kiếm manh mối để giải đáp bí ẩn về tính đối xứng kỳ lạ của nó. Thoạt nhìn, các nhân vật trông giống hệt nhau nhưng khi kiểm tra kỹ hơn, bạn sẽ nhận thấy nhiều điểm khác biệt giữa chúng. Các họa tiết thêu và ren là riêng biệt cho từng nhân vật. Những chiếc vòng cổ khác nhau được dùng để phân biệt hai chị em trong khi những màu mắt khác nhau sẽ phân biệt từng cặp mẹ con.

Người nghệ sĩ, không rõ danh tính, đã đoán trước được sự nhầm lẫn của ta và giúp ta với một dòng chữ được vẽ vào (hiện đã mờ dần) ở góc dưới bên trái có nội dung: “Hai quý cô của gia đình Cholmondeley, sinh cùng ngày, kết hôn cùng ngày, Và được đưa lên giường (sinh con) cùng ngày”.

Marilyn (1967) của Andy Warhol, một bộ gồm 10 bản in lưới

Nếu chúng ta nhảy qua ba thế kỷ rưỡi từ Những quý cô Cholmondeley, chúng ta có thể thấy rằng Andy Warhol đã tái triển khai sự lặp lại như một thiết bị để thay đổi nhận thức của chúng ta về một loại chân dung xã hội khác – chân dung của người nổi tiếng. Warhol đã sử dụng một dây chuyền lắp ráp các hình ảnh được in lụa của Marilyn Monroe như một phép ẩn dụ cho việc đánh mất ‘cái tôi’ trong thế giới đầy rẫy những người nổi tiếng. Marilyn không còn có bản sắc riêng biệt của mình với tư cách là một cá nhân; cô ấy đã được tái thương hiệu như một loại hàng hóa có thể thích ứng để đáp ứng nhu cầu tham lam của văn hóa tiêu dùng.

Hoa văn như là sự trang trí

Tương lai của những bức tượng (L’Avenir des Statues) (1932) của René Magritte, sơn dầu trên đầu tượng thạch cao

René Magritte đã trang trí một bản tái tạo mặt nạ tử của Napoléon Bonaparte với họa tiết siêu thực của bầu trời xanh và những đám mây trắng. Lối trang trí thơ mộng này nâng vật thế từ trần tục qua huyền bí đến siêu hình bằng cách tham chiếu chéo các địa hạt của chính trị và quyền lực, của cái chết và những giấc mơ, với thiên đường hoặc hậu kiếp. Cách tiếp cận cá nhân của Magritte đối với chủ nghĩa Siêu thực khiến chúng ta phải suy ngẫm về sự phi lý trong một mê cung tiềm thức của ý nghĩa giữa sự trùng lặp của hình ảnh và ý tưởng mà ông sử dụng trong nghệ thuật của mình.

Chân dung của Adele Bloch-Bauer 1 (Portrait of Adele Bloch-Bauer 1) (1907) của Gustav Klimt, sơn dầu và lá vàng trên ván

Bức tranh đầu tiên của Gustav Klimt về Adele Bloch-Bauer, vợ của một thương gia buôn đường ở Vienna, đã giữ kỷ lục vào năm 2006 là bức tranh đắt nhất thế giới. Đó là một hình ảnh độc đáo cho thời đại của nó và là ví dụ tối cao về ‘Thời kỳ hoàng kim‘ của ông. Có nhiều ảnh hưởng khác nhau đã được kết hợp để tạo ra tác phẩm lộng lẫy này: sự kết hợp phức tạp giữa vẻ đẹp tinh tế của thời kỳ tiền Raphaelite, Jugendstil (Art Nouveau) và hoa văn Nhật Bản, đồ trang trí bằng vàng lấy cảm hứng từ tranh mosaic Byzantine và họa tiết Mycenae, và các quy ước tượng hình của nghệ thuật Ai Cập. Chiếc váy trong trang phục của Adele phản ánh ảnh hưởng của Ai Cập mạnh mẽ vì hình dáng cơ thể của bà được làm phẳng và có hoa văn bắt mắt. Nhiều nguồn tin còn cho rằng việc Klimt dùng đôi mắt làm họa tiết trang trí trên cơ thể là bằng chứng cho thấy mối quan hệ thân thiết hơn giữa họa sĩ và người mẫu của ông.

Dịch và Biên tập: Hương Mi Lê

Cùng tác giả

#Tag

hoạ tiết Hương Mi Lê Lê Hương Mi Miniseries 7 yếu tố thị giác căn bản trong nghệ thuật và thiết kế

iDesign Must-try

Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler, một trong những người có đóng góp lớn vào lịch sử nghệ thuật nói chung và nước Mĩ hậu chiến nói riêng, đã tiên phong khởi xưởng hội…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko, tác giả của nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt nhất thế giới, đã phát triển phong cách đặc trưng của mình vào cuối những…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Liệu Mark Rothko là một thiên tài hay là một kẻ lừa đảo? Đây là câu hỏi mà các nhà sử học nghệ thuật và những người mê nghệ thuật…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
“Chúng ta bắt đầu với màu sắc”, đó là lời tuyên bố nổi tiếng của Rothko vào năm 1936 lúc ông viết một cuốn sách so sánh nghệ thuật của…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Nói rằng “Một hoạ sĩ là một biên đạo không gian”, Barnett Newman phát minh ra cái mà ông gọi là “zip”, một dải màu chạy dọc. Và như thế,…