Nhiếp ảnh gia trẻ Thành Long: Việc khó nhất là tạo cảm xúc qua ảnh

Nhiếp ảnh gia chụp ảnh sản phẩm thời trang là một công việc thầm lặng, dù bạn có thể bắt gặp những tác phẩm của họ hàng ngày hàng giờ. Hãy cùng lắng nghe những lời chia sẻ của Thành Long, một bạn trẻ vừa bước chân vào con đường này về những quan điểm, đặc thù nghề nghiệp và thử thách cần đối mặt.

Thành Long

Chào Long! Bạn có thể chia sẻ với iDesign về con đường đã đưa bạn đến với công việc hiện tại được không?

Xin chào iDesign. Mình là Nguyễn Thành Long, hiện làm công việc chụp ảnh sản phẩm cho một thương hiệu thời trang đồ lót của Việt Nam. Hành trình đến với công việc hiện tại của mình khá dài và có nhiều cơ duyên tạo bước ngoặt tình cờ; thậm chí trong thời gian ngắn, mình đã trải qua và học đến ba nghề khác nhau.

Mình từng học 12 năm chuyên toán, trước đã có ý định đi du học ở Nhật. Tuy nhiên gia đình gặp chuyện, việc đi học cũng không thành vào những phút cuối. Mình có một quãng thời gian suy sụp, mất định hướng. Sau đó, mình phải đi tìm việc làm. Do thấy hơi thích nghề pha chế nên mình bắt đầu làm bartender và phục vụ tại quán cafe. Lúc đó, mình nhận thấy tuy có kiếm được tiền, giải quyết khó khăn về tài chính nhưng lại không có tương lai.

Tình cờ gặp một đàn anh làm thiết kế nội thất, mình quyết định đi theo anh ấy để học nghề này. Nhưng sau một thời gian, mình tự đánh giá chỉ đang “học mót”, khó có thể làm sáng tạo được. Ngoài ra, mình chỉ quen đúng một người, không có cộng đồng để phát triển thêm nên đã tìm một trường uy tín như Arena để đi học bài bản. Một khoá kéo dài tầm nửa năm không thể khiến mình thành master trong nghề nhưng điều quan trọng là học được những thứ cơ bản, rồi tự tìm hiểu thêm và giao lưu, học hỏi những người xung quanh. Tại đó, mình gặp một người giới thiệu cho công việc hiện tại, tạo cơ hội để thực hành lý thuyết học trên lớp và là bước đệm để vào nghề nhiếp ảnh. Ban đầu, mình làm thiết kế đồ họa, sau đó chuyển hướng sang chụp hình sản phẩm.

Mình đã nhận được công việc phù hợp với đúng thứ đang học, đồng thời có thêm chút thu nhập ổn định. Công ty có người truyền cảm hứng khiến mình làm việc hứng khởi, tự tin. Mình đã đăng ký học thêm về chụp sản phẩm và làm hậu kỳ tại một học viện tư nhân về nhiếp ảnh tên Chimkudo. Giờ mình vẫn đang chăm chỉ học ngày đêm để phát triển kỹ năng.

Sau một thời gian làm nghề, Long thấy những nét đặc trưng của nghề chụp ảnh sản phẩm thời trang là thế nào? Yếu tố nào khó và quan trọng nhất?

Nhìn chung, với nghề chụp ảnh, người ngoài nhìn vào chắc thấy rất “nghệ”, nhưng trên thực tế nó có khuôn phép gò bó nhất định, vì mình phục vụ công ty và khách hàng. Không thể nói “tôi thấy ảnh đẹp rồi” và khách hàng phải nghe theo.

Nói riêng về lĩnh vực chụp sản phẩm thời trang thì cái này khó hơn chụp người. Khi chụp người, cần mẫu đẹp thôi, hoặc có thể tìm cách che lấp khuyết điểm. Nhưng chụp sản phẩm phải ra đúng chất, đúng màu. Đây là bước đầu tiên để nhập môn nhiếp ảnh, khi đã biết set up ánh sáng, dựng concept để chụp đồ vật thì sau đó chuyển sang chụp người mẫu sẽ khá dễ.

Đối với ảnh chụp riêng sản phẩm trên nền trắng cho web công ty, cần thể hiện đúng chất liệu và kiểu dáng. Còn những bức ảnh chụp sản phẩm cùng phông nền, đồ trang trí đưa lên mạng xã hội quảng bá, thì cần tạo sức hút, khiến người xem muốn mua.

Theo mình, điều khó và quan trọng nhất là tạo được mood (cảm xúc) qua ảnh. Và để làm được điều này, ánh sáng là yếu tố tác động nhiều nhất. Thầy mình thường nói “Nhiếp ảnh là bức tranh bằng ánh sáng”, thể hiện tầm quan trọng của nó, hơn cả hình khối. Một bức ảnh mà ánh sáng không đẹp thì mất hết.

Về chất liệu, trong thời trang, quần áo không phải thứ chụp khó nhất mà là kim cương, đồng hồ, những đồ vật bóng và trong suốt.

Bên cạnh việc lựa chọn concept, những thiết bị như máy ảnh có ảnh hưởng nhiều đến chất lượng ảnh chụp?

Thật ra nếu người chụp đã cứng tay thì máy ảnh như thế nào cũng chụp được. Nhưng nếu có điều kiện, nên đầu tư nhiều nhất vào những công cụ tạo ánh sáng. Và sẽ có “bù trừ” giữa các thiết bị. Như là nếu có máy ảnh xịn thì chỉ cần đèn bình thường. Nhưng nếu dùng máy ảnh thường thì phải set up kỹ càng hơn về mặt ánh sáng. Kể cả điện thoại cũng có thể đem chụp ảnh, nhưng loại lens (ống kính) đèn để tạo ánh nắng như thật cho ảnh trên điện thoại khá đắt đỏ.

Nói chung, đầu tư vào những đồ hiện đại thì tốt nhưng điều quan trọng hơn là biết cách dùng đúng, và kiến thức của người chụp.

Theo Long, đâu là những khó khăn lớn nhất của nghề này?

Đầu tiên là đảm bảo tiến độ chụp ảnh, và cân đối về chi phí. Sau đó là việc đáp ứng yêu cầu của mọi người trong công ty. Mình không thể quá sáng tạo thoải mái mà luôn phải nghĩ mọi người có ưng thành phẩm không, sẽ phản hồi thế nào. Nhất là khi họ không ở trong lĩnh vực nghệ thuật, mà làm về kinh doanh nên có những quan điểm và mục đích khác với mình.

Nghệ sỹ hay nhiếp ảnh gia thường được cho là thích làm việc tự do theo cảm hứng, nhưng Long lại làm việc trong khuôn khổ một công ty. Vậy bạn có những quy tắc về công việc không?

Quy tắc công việc của mình là đảm bảo giờ giấc, tiến độ và khiến khách hàng thấy thoải mái. Chỉ cần một lời khen công nhận công sức đã bỏ ra là mình thấy vui rồi.

Mình vốn là người hay để ý cảm xúc, sợ người khác nghĩ nọ nghĩ kia, dần dần điều này cũng được cải thiện. Về việc nhận phản hồi từ khách hàng, hồi đầu, nếu gặp những nhận xét tiêu cực, mình cũng thấy hơi khó chịu. Nhưng rồi mình nghĩ đây lại là cách để rèn tính kiên trì.

Với công việc chụp ảnh sản phẩm cho thương hiệu, nhiếp ảnh gia có thể đưa dấu ấn sáng tạo riêng vào không?

Những bức ảnh chỉ chụp sản phẩm trên nền trắng thì không nhưng ảnh chụp theo concept thì có đất để sáng tạo. Tuy nhiên, yêu cầu của một bộ ảnh concept thường cao và mất nhiều thời gian để nghiên cứu, lên ý tưởng (tìm kiếm trên mạng hoặc tự nghĩ ra), xác định nội dung, thông điệp muốn truyền tải, tìm đồ trang trí, xem hướng ánh sáng, tông màu. Không chỉ đơn giản là bày quần áo lên, xếp mấy bông hoa xung quanh và chụp là xong.

Mình yêu thích phong cách chụp ảnh mộng mơ, không lồ lộ sản phẩm.

Thành Long

Định nghĩa riêng của bạn về nghề sáng tạo và nhiếp ảnh?

Nghề sáng tạo thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, cá tính của mỗi người qua các tác phẩm. Tuy nhiên nó cũng có khuôn mẫu, giống như cái bánh có khuôn nhưng mình có thể dùng các nguyên liệu và cách trang trí khác nhau.

Mình từng là bartender và mình nghĩ nghề pha chế cũng được coi là sáng tạo, vì chỉ cần thêm một chùm lá vào ly cocktail là đã tạo ra một hương vị đặc biệt mà không tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu khác.

Đối với mình, sáng tạo là phải thực tiễn, ứng dụng được.

Còn nhiếp ảnh như mình đã nói làbức tranh vẽ lại ánh sáng”. Ánh sáng chiếu vào vật thể, phản lại vào mắt sẽ khiến ta nhận biết được các màu sắc, chất liệu. Không có ánh sáng, mọi thứ đều tối đen như ngoài vũ trụ.

Một bộ ảnh đẹp là tạo được cảm xúc cho người khác: tích cực, vui vẻ, thậm chí buồn bã cũng được, miễn là ra cảm xúc.

Thành Long

Long nghĩ đâu là những điều cần chú trọng để thành công trong lĩnh vực này?

Việc học là quan trọng nhưng không trường nào dạy để có gu thẩm mỹ tốt cả. Trường dạy về kỹ thuật, tầm hai – ba khoá với những kiến thức cô đọng đã là đầy đủ.

Với các nghề về nghệ thuật nói chung, cần đi nhiều nơi, nhìn nhiều, quan sát nhiều. Tiếp xúc thường xuyên với các ấn phẩm đẹp sẽ nâng cao tư duy thiết kế và thẩm mỹ từng ngày. Nếu có điều kiện, mình sẽ đi quanh Việt Nam và ra nước ngoài, nơi đã tiến rất xa trong lĩnh vực nghệ thuật để trau dồi kiến thức.

Ngoại ngữ cũng quan trọng, vì các tài liệu, web, sách hay về nghệ thuật, thiết kế, nhiếp ảnh đều bằng tiếng Anh.

Ngoài ra, tính cộng đồng, kết nối giữa người làm cùng nghề rất hữu ích. Khi đi học, mình đã được chỉ dẫn, hỗ trợ bởi những người bạn học và thầy. Thầy rất nhiệt tình, sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc, kể cả những điều mình chưa hề nghĩ đến.

Mình cũng cảm thấy cần một người định hướng, truyền cảm hứng trong nghề. Mình hiện vẫn đang đi tìm mentor cho bản thân.

“Nhiếp ảnh là bức tranh của ánh sáng”

Long có thích xem phim hay đọc sách để trau dồi gu thẩm mỹ và kiến thức không?

Xem phim là cách trau dồi gu nghệ thuật dễ nhất. Mình thường tìm phim có concept thiết kế, màu sắc, bố cục, góc quay đẹp. Vì thích dòng phim tâm lý, nên những bộ phim ấn tượng với mình là Joker và Ròm.

Về sách, mình có một số tựa sách tâm đắc về nhiếp ảnh và ánh sáng như sau:

  • The Negative (Ansel Adams)
  • The Hot Shoe Diaries: Big Light from Small Flashes (Joe McNelly)
  • Light Science and Magic: An Introduction to Photographic Lighting (Fil Hunter & Steven Biver)
  • The Photographer’s Eye: Composition and Design for Better Digital Photos (Micheal Freeman)
  • Complete Digital Photography (Ben Long) – Sách đã được dịch sang tiếng Việt tựa đề Nhiếp ảnh cơ bản

Những dự định tương lai của Long?

Mình dự tính học hết trong năm nay về lý thuyết để có thêm kiến thức. Và năm sau thực hành nhiều hơn. Ngoài ra mình cũng định học và rèn luyện thêm về một số thứ từng làm mình tự ti như giọng nói, ngoại ngữ, thể thao. Cũng có thể mình sẽ tìm hiểu về công việc quay phim, làm video.

Xin cảm ơn Long và chúc bạn thành công !

Biên tập: 19August

Ảnh: 19August & NVCC

Cùng tác giả

#Tag

19August iD interview idesign signature phỏng vấn photographer product photo Thành Long visuel branding

iDesign Must-try

An Bùi khám phá với Thiết kế sáng tạo đa ngành - Multidisciplinary Design
An Bùi khám phá với Thiết kế sáng tạo đa ngành - Multidisciplinary Design
Multidisciplinary Design là một thuật ngữ “vừa mới, vừa lạ” tại Việt Nam. Mình đã có dịp đọc một bài viết sáng tạo liên quan và tìm hiểu về nó:…
‘Dành khoảng thời gian thảnh thơi và đón Trung Thu như khi ta còn là con nít!’ cùng Truy Bảo
‘Dành khoảng thời gian thảnh thơi và đón Trung Thu như khi ta còn là con nít!’ cùng Truy Bảo
Trung Thu thời hiện đại tuy không còn phản ánh đúng tinh thần của nó, nhưng với những thế hệ cũ, Trung Thu vẫn là những mảnh kí ức đẹp…
Cùng Toodayzzz du ngoạn Tây Nam Bộ qua bộ lịch 2024 ‘Về quê’
Cùng Toodayzzz du ngoạn Tây Nam Bộ qua bộ lịch 2024 ‘Về quê’
Lớn lên bởi những ký ức bình yên và tươi đẹp về miền Tây sông nước, Toodayzzz, một sinh viên năm tư chuyên ngành Thiết kế Đồ họa Trường ĐH…
Thiết kế bao bì hộp bánh Trung Thu 2023 của Bakes: cảm hứng dựa trên các tác phẩm của MC Escher
Thiết kế bao bì hộp bánh Trung Thu 2023 của Bakes: cảm hứng dựa trên các tác phẩm của MC Escher
Trước thềm Trung Thu 2023 sắp sửa gõ cửa, là một hiệu bánh Pháp nổi tiếng tại Sài Gòn – Bakes – cũng đã rục rịch tung ra những chiếc…
‘Truyền Kỳ Mạn Lục’ qua nét minh họa của Hoàng Văn Tài
‘Truyền Kỳ Mạn Lục’ qua nét minh họa của Hoàng Văn Tài
Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nổi tiếng “Truyền Kỳ Mạn Lục” của danh sĩ Nguyễn Dữ, Hoàng Văn Tài – một họa sĩ minh họa đang sinh…
Dự án rebranding Chuồn Chuồn Bistro & Bar: ‘Lựa chọn yếu tố cảm xúc là điều đầu tiên InSpace nghĩ đến’
Dự án rebranding Chuồn Chuồn Bistro & Bar: ‘Lựa chọn yếu tố cảm xúc là điều đầu tiên InSpace nghĩ đến’
Tôn trọng thiên nhiên và phát triển bền vững là xu hướng kinh doanh trong những năm gần đây của nhiều doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực F&B. Không…