gm creative và văn hóa Việt trong thiết kế: “Như rừng bị đốt thì mới có cây xanh mọc lên” (Phần 1)

Làm về văn hóa như đi trên đảo hoang – tiềm năng và mạo hiểm.

Dù vậy, nó lại luôn hàm chứa những phát hiện mới lạ mà gần gũi trong quá trình thiết kế. Như gm creative – một nhóm những người trẻ làm về thiết kế và muốn mang văn hóa Việt vào sản phẩm chia sẻ:

20180713 idesign gmcreative 1

Cùng iDesign tìm hiểu về văn hóa Việt trong thiết kế cũng như khó khăn của người làm văn hóa Việt Nam trong giai đoạn “cây xanh mọc lên” này qua chia sẻ của gm creative nhé!


Website | Behance | Facebook | Dự án “THỊ ƠI”

gm bắt đầu từ một dự án về thời trang với mong muốn thời trang phải có sức trẻ và sự khác lạ. Ban đầu chưa có ý định làm về văn hóa, nhưng trên thị trường thời điểm đó cũng chưa có mảng thời trang về văn hóa từ góc nhìn của người trẻ nên mình cứ làm thử. Và đầu tiên là phải tìm một cái tên cho thương hiệu.

idesign gmcreative 02
Dự án “gạo-muối” đầu tiên về thời trang.

Theo phong tục người Việt, mùng một đi chợ Tết dù không mua gì cũng mua muối với gạo mang tính chất tượng trưng. Gạo – cầu cho sự sung túc, muối – mong cho tình cảm gia đình luôn mặn mà. Cái tên gạo muối vừa là nét thể hiện văn hóa Việt Nam, cũng vừa là cầu xin những điều tốt đẹp.

Cái tên càng ý nghĩa hơn khi gm tình cờ đọc được tác phẩm “Trong ngôi nhà của mẹ” của tác giả Nguyễn Quang Thiều, có đoạn người mẹ dặn dò con gái trước khi mất rằng trên đời này có bốn thứ quý là gạo, muối, nước và lửa. Nhiều thứ tình cờ gắn kết lại với cái tên “gạo muối” thời điểm cuối năm 2016.

Cũng từ đó, dự án đầu tiên khi kết hợp thời trang với văn hóa cũng khá thành công, nó trở thành niềm tin đầu tiên trên con đường làm về văn hóa của gm.

“Văn hóa” là một từ ghép. Theo Nho Giáo, “văn” là thuộc về bề ngoài của con người, “hóa” nghĩa là được giáo dục. “Văn hóa” nghĩa là những vẻ đẹp, tính cách cũng như biểu hiện bên ngoài được giáo dục, rèn giũa mà thành. Còn theo phương Tây, chữ Latin nghĩa gốc từ “văn hóa” là “cultura”, mang nghĩa “trồng trọt”.

20180713 idesign gmcreative bat ki

Thế nên trong công việc trồng trọt cũng vậy, người nông dân luôn làm tốt công việc ở lĩnh vực của họ. Và nếu mình làm tốt công việc của bản thân, tự khắc sẽ hình thành được một văn hóa riêng. Nó không dừng lại ở việc chỉ người đi học mới có văn hóa mà mỗi tầng lớp, công việc sẽ có văn hóa của riêng mình.

Ở Việt Nam, văn hóa bị ảnh hưởng bởi cả Nho giáo và văn hóa phương Tây. Thế nên “Văn hóa Việt Nam” cũng khá đặc biệt. Nó là sự kết hợp của “cultura” trong “trồng trọt”, từ “văn” trong nghĩa “diện mạo bên ngoài” và từ “hóa” với ý “được giáo dục”.

Nhưng để định nghĩ riêng theo góc nhìn của gm, văn hóa chỉ đơn giản là những gì đẹp đẽ nhất của người Việt Nam, hữu dụng và nhân văn. Vì chỉ những gì tốt mình mới thấy đẹp, khi đẹp thì nó phải nhân văn và có giá trị về vật chất hoặc tinh thần cho đời sống để rồi được lưu truyền đến đời sau. Như vậy “Văn hóa Việt” chính là những gì có giá trị với người Việt.

6h47 20180706 idesign gmcreative 03 1

Khi bắt đầu có nhu cầu với mục đích thương mại hoặc mang tính chất tuyên truyền thì nghề đồ họa sẽ xuất hiện. Riêng ở Việt Nam, gm nghĩ đồ họa xuất hiện khá sớm, từ việc khắc con triện, khuôn bánh, làm tranh thờ… Trong quá trình chạm trổ, in khắc sẽ dẫn đến quá trình tạo ra bản in. Cứ có bản in là có đồ họa. Sau đó người ta mới nghĩ đến chuyện lưu giữ những bản in để đẩy nhanh công đoạn sản xuất.

20180504 idesign thioigm 02
Một dự án dùng hình để kể chuyện mang tên “THỊ ƠI” của gm.

Trong những nước Châu Á, Việt Nam là nước có nền đồ họa khá sớm. Ban đầu, nó chỉ nằm trong khuôn khổ phục vụ quyền lực phong kiến hoặc dùng để duy trì những câu chuyện dân gian trong nền văn hóa nặng tính xóm làng chứ không nhằm mục đích thương mại nhiều.

“Bao giờ dân nổi can qua,
Con vua thất thế lại ra quét chùa.”

Triều đại phong kiến thì thay nhau trị vì thế nên chủ yếu đồ họa được duy trì bởi người dân chứ không phải triều đình, từ đó dẫn đến việc không có điều kiện để phát triển thêm và lưu giữ. Ngược lại, ở đâu phát triển kinh tế sớm thì nghề đồ họa ở đó phát triển mạnh vì cần sản xuất bản in nhiều, điển hình là ở phương Tây, đồ họa sớm phát triển để phục vụ rạp xiếc, hội chợ…

Nếu xét về lịch sử thì đồ họa ở Việt Nam xuất hiện sớm, nhưng do ít khi kết hợp nó với yếu tố kinh tế, thương mại nên việc phát triển đồ họa chậm hơn các nước khác. Một phần khác là do Việt Nam gặp chiến tranh nhiều, tạo nên sự đứt đoạn về văn hóa khi không có ai để làm việc lưu truyền cũng như lưu trữ văn hóa. Những người khắc được bản in, có tuổi nghề, tuổi đời hay kinh nghiệm cũng bị lưu lạc và qua đời. Sau chiến tranh là đến giai đoạn khó khăn, đất nước tập trung phát triển về kinh tế. Và đến hiện tại mới bắt đầu bước vào giai đoạn chúng ta bắt đầu chăm chút về tinh thần để có thể quay lại với văn hóa trong đồ họa. Sau đó vẫn cần cả trăm, hoặc cả ngàn năm sau nữa để tạo ra một nền văn hóa mới. Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt, bù lại thì nhờ đó mà Việt Nam được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa và đa dạng hơn.

6h47 20180706 idesign gmcreative ng lam 1

Cách đây vài năm đã bắt đầu có người làm và mang Văn hóa Việt vào trong thiết kế. Chưa đủ định hình để được gọi là một phong cách nhưng ít ra đó là những cái rất căn bản cho lớp sau kế thừa. Điển hình như những bảng hiệu vẽ tay của Sài Gòn cũ, các nét chữ giai đoạn Pháp thuộc cũng được dùng lại để đưa vào thiết kế mới. Nhưng sâu hơn thì cần những người có kinh nghiệm hơn để tìm về các giai đoạn lịch sử xa hơn như văn hóa dân gian, trong đó có cả Nho giáo, tranh Đông Hồ… Dần dần mình sẽ làm được hết, đừng nghĩ rằng văn hóa là cái gì đó quá xa xôi hay trừu tượng mà nó là tất cả mọi thứ xung quanh, những gì có ý nghĩa cho cộng đồng.

Mọi câu chuyện lưu truyền được và còn tồn tại đến ngày nay là vì nó có hình ảnh và ý nghĩa đi đôi với nhau. Thế nhưng đồ họa ở Việt Nam lại thiếu yếu tố đó, hai thứ này tồn tại độc lập và chưa ai tạo ra sự liên kết. Mặt “ý nghĩa” vốn nằm trong ngôn ngữ rồi thì vấn đề là phải tạo ra được “hình ảnh” tương ứng.

Trong hành trình đó, ta phải tìm lại những gì bị mất và đối chiếu với hoàn cảnh hiện tại xem cái nào vẫn còn và không còn phù hợp. Cái phù hợp thì phải phát huy. 

Có thể kể đến như yếu tố âm dương trong văn hóa Việt. Ta có mẹ tròn, con vuông, trời tròn, đất vuông, bánh giày tròn, bánh chưng vuông… Và đây cũng chính là hình thể căn bản trong đồ họa – những khối kỷ hà.

6h47 20180706 idesign gmcreative 23
Bộ nhận diện Việt Gourmet của gm creative.

Hoặc như với tranh Đông Hồ, thật ra nó không hề đẹp. Vì người tạo ra nó là nông dân, họ không có cơ hội để học về thẩm mỹ, về giải phẫu học nên cách vẽ chỉ mang tính tượng trưng. Quan to hoặc người quan trọng sẽ được vẽ to, những người thấp cổ bé họng thì được vẽ rất nhỏ, không hề đúng phối cảnh.  Tranh Đông Hồ đẹp vì ý nghĩa bên trong hơn là hình ảnh. Thế nên đến ngày nay, chúng ta có thêm nhiều yếu tố thiết kế đồ họa thì phải kết hợp chúng để trở nên phù hợp hơn và cái cần được kế thừa ở Đông Hồ phải là đường nét hoặc ý nghĩa. 

Văn hóa Việt Nam đặc biệt ở chỗ nó rất cô đọng, nghĩa là mình có thể giải thích được tất cả mọi thứ và mọi thứ đều có nguyên nhân của nó. Với những người không am hiểu sâu sắc về văn hóa Việt Nam, ý nghĩa của “Tấm Cám” chỉ đơn giản là đừng làm người xấu, “Trầu Cau” là tình cảm gia đình. Nhưng để ý tìm hiểu, bạn sẽ thắc mắc tại sao nhất định là trái “Thị”, tại sao là “Trầu” và “Cau”. Có chăng “Thị” chính là “chợ”, là tên lót của người phụ nữ Việt Nam – một cái gì đó mang yếu tố “nữ” với vẻ đẹp tâm hồn hiền lành và nhân đạo.

idesign thioi 03
“Thị” – qua nét vẽ của gm.

Làm về văn hóa không đơn giản chỉ nghĩ rằng muốn làm rồi lên mạng search một chút là ra. Mình phải sống như người Việt Nam trong văn hóa Việt Nam. Làm văn hóa chính là khi ngồi đối chiếu xem tại sao các biểu tượng, yếu tố đó lại xuất hiện. Khi giải thích được hết, mình mới thật sự hiểu và trân trọng văn hóa.

Quan trọng nhất là đừng bao giờ đối chiếu một cách độc lập và phải biết ứng dụng nó vào cuộc sống thực. Học phải đi đôi với hành và luân phiên liên tục với nhau. Với một vấn đề nào đó, đừng chỉ nghĩ đến ý nghĩa chung mà hãy nghiệm nó ra, đối chiếu lại trong quá khứ và tương lai. 

Hiện nay vẫn có quá ít các thương hiệu Việt tin vào văn hóa Việt trong việc bán sản phẩm.

Theo gm, nguyên nhân đầu tiên là do không có minh chứng. Vì nếu có nhiều sản phẩm đã thành công thì nhiều người sẽ muốn làm theo hơn. Thứ hai là do Việt Nam vẫn chưa chú trọng phần thiết kế cho sản phẩm. Đôi lúc người ta chỉ quan tâm việc nói sao cho hay mà thậm chí quên đi file thuyết trình còn rất xấu. Nhưng đó không hẳn là lỗi của họ, mà là lỗi chung do một giai đoạn quá độ ở Việt Nam. Nếu người làm văn hóa muốn tồn tại thì cần có thời gian, cần có niềm tin và cần có sự ảnh hưởng của cộng đồng thiết kế để cùng đi thì mới đi được xa. Chúng ta phải tạo ra được cộng đồng để hình thành nên văn hóa của riêng mình, có ảnh hưởng trong nước trước khi bước ra nước ngoài.

Văn hóa Việt Nam rất mạnh, mạnh về tính dân tộc. Việt Nam chịu chiến tranh triền miên nhưng chưa bao giờ thua nước nào nhờ có văn hóa và tinh thần dân tộc rất cao. Nếu muốn thiết kế mạnh thì phải có tinh thần dân tộc chung và phải cùng làm cho cái chung đó lớn mạnh. Còn nếu chỉ đi vơ vét hoặc học lỏm, ăn cắp những cái bên ngoài để áp dụng thì sẽ không bao giờ thành công.

6h47 20180706 idesign gmcreative 25
Bao bì trà sen của Vốn Việt do gm creative thực hiện.

Ngoài ra nó còn nằm ở việc tiếp cận với khách hàng, làm sao để cân bằng được cái tôi của người làm thiết kế. Trước khi bắt đầu bắt cứ dự án nào, mình phải tìm ra được góc nhìn chủ quan và khách quan – của bản thân và của khách hàng. Việc nhìn theo góc của mình sẽ giúp đảm bảo những yếu tố đồ họa căn bản phải làm. Ngược lại, nhìn theo quan điểm của khách hàng sẽ giúp cân bằng lại thiết kế, làm sao để sản phẩm bán được.

6h47 20180706 idesign gmcreative nhin van de

Cũng giống như văn hóa, những gì liên quan đến văn hóa thì phải có giá trị, mà nếu chỉ làm theo ý mình thì nó không còn giá trị nữa.


Giờ thì bạn đã thấy văn hóa Việt đẹp và thú vị đến thế nào chưa? Nếu tò mò muốn hiểu thêm về những gì gm creative đang làm cũng như cảm nhận bên trong của những người làm văn hóa. Hãy đón đọc phần 2 của bài viết nhé!

Ban biên tập iDesign

Đọc toàn bộ các bài viết độc quyền thực hiện bởi iDesign tại iDesign Signature

Cùng tác giả

#Tag

Cà Phê - Trà Đá gạo muối gm creative iD interview idesign idesign signature Tấm Cám thiết kế văn hoá Việt vietnam vietnam artist

iDesign Must-try

Lễ vinh danh Hanoi Grapevine’s Finest 2023 - 2024
Lễ vinh danh Hanoi Grapevine’s Finest 2023 - 2024
18:00 – 21:00, thứ Sáu 17/05/2024Villa số 49 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội** Sự kiện chỉ dành cho khách mời Thông tin từ ban tổ chức: Hanoi…
Đất 3 Miền: Tựa game pixel mô phỏng đặc trưng trong văn hóa Sài Gòn của Cam Hoa
Đất 3 Miền: Tựa game pixel mô phỏng đặc trưng trong văn hóa Sài Gòn của Cam Hoa
Quan tâm đến các chủ đề về văn hóa Việt Nam và dành sự yêu thích đặc biệt cho các phong cách liên quan đến sự hoài cổ như: Vaporwave,…
Hanoi Grapevine’s Finest 2023-2024: Thông báo chính thức & Công bố danh sách đề cử Hạng mục Vinh danh
Hanoi Grapevine’s Finest 2023-2024: Thông báo chính thức & Công bố danh sách đề cử Hạng mục Vinh danh
Hanoi Grapevine’s Finest là sự kiện thường niên vinh danh hoạt động nghệ thuật đương đại tại Việt Nam, được tổ chức và lựa chọn bởi Hanoi Grapevine và cộng đồng…
Cuộc thi viết Hanoi Grapevine’s Finest Reviews 2023 - 2024
Cuộc thi viết Hanoi Grapevine’s Finest Reviews 2023 - 2024
Tổng quan về Cuộc thi viết Hanoi Grapevine’s Finest Reviews 2023 – 2024 Giới thiệu về Hanoi Grapevine’s Finest Reviews 2023-2024 Hanoi Grapevine’s Finest Reviews là cuộc thi viết cảm…
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) là nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và giao hàng lớn nhất và hàng đầu tại Việt Nam. GHTK đóng vai trò quan trọng…
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…