gm creative và văn hóa Việt trong thiết kế: “Như rừng bị đốt thì mới có cây xanh mọc lên” (Phần 2)
Ở phần 1, qua lời kể của gm creative, chúng ta đã hình dung được phần nào về “hòn đảo hoang” chưa được khai thác của văn hóa Việt trong thiết kế.
Vậy còn góc nhìn của những người đang đi trên con đường đó thì sao? Vì sao gm lại chọn để học về văn hóa và lời chia sẻ với những ai muốn tìm về cội nguồn Việt là gì? Cùng iDesign đến với phần 2 của câu chuyện nhé!
- gm creative và văn hóa Việt trong thiết kế: “Như rừng bị đốt thì mới có cây xanh mọc lên” (Phần 1)
- Dự án “THỊ ƠI”: Trào phúng cùng những cô Thị thích đùa
Website | Behance | Facebook | Dự án “THỊ ƠI”
Nói về cơ duyên để bước vào hành trình làm văn hóa, gm không chủ đích chọn văn hóa cho thiết kế mà chỉ đơn giản là học về văn hóa để ứng dụng cho thiết kế của mình. Việc làm văn hóa chỉ là cái bên ngoài để thể nghiệm những gì đã học. Khi gặp trăn trở hay khó khăn trong cuộc sống, mình sẽ băn khoăn không hiểu sao sự việc lại như thế này, sao cuộc đời mình lại như thế kia thì trong quá trình tìm hiểu về chính mình, mình cũng hiểu hơn về văn hóa, gốc gác, sự hình thành tính cách của người Việt và những cái liên quan đến lịch sử Việt Nam.
Điều may mắn là gm làm về thiết kế, nhờ đó giữa cái “học” lại có thêm một cái để “truyền tải”. Khi mình học, hiểu và ngấm rồi thì những nét văn hóa đó chảy ra như máu của mình, tự trong con người có gì thì nó tuôn ra thông qua thiết kế, chứ không quá cầu kì hay gắng gượng, không vì “muốn” làm về văn hóa và bỏ thời gian tìm hiểu chỉ để phục vụ công việc thiết kế.
Thế nên không hẳn gọi những gì gm làm là kiên trì với con đường làm văn hóa, mà đó là “học”, còn những gì làm ra chính là phần “thực hành” những gì đã học. Nhờ thế mà gm không bao giờ thấy chán trên con đường đã chọn.
Điều quý giá nhất mà gm nhận được trong quá trình làm về văn hóa chính là kiến thức. Khi bỏ thời gian ra để nghiên cứu, tìm hiểu điều mình muốn thì dù không học được điều này cũng sẽ học được điều khác, nó không hề tốn thời gian như nhiều người vẫn nghĩ. Hãy đọc sách, xem phim, sưu tầm ca dao tục ngữ cũng như những thứ người xưa để lại. Học rồi thực hành. Trong quá trình làm, có gì thiếu thì tự bổ sung vào. Vì nếu có công thức sẵn thì nó không còn là đồ họa nữa, bởi đồ họa là cái gì đó rất sáng tạo. Chỉ cần làm tốt công việc của mình và cái mình theo đuổi thì tự bản thân đã được trau dồi mỗi ngày. Kiến thức làm cho cuộc sống mình giàu có ở tinh thần hơn là vật chất. Thế nên vẫn được nhiều hơn mất.
Tuy nhiên buồn nhất là những lúc hết tiền, nhưng hết tiền thì mới nghĩ ra cách để kiếm tiền. Thường khoảng thời gian đó cũng không dài, có thể là do gm may mắn. Nghèo lắm cũng đủ tiền ăn mì chứ chưa bao giờ đến mức phải đói.
Đến bây giờ mà muốn từ bỏ thì cũng phải đi lại từ đầu. Nhưng nếu cứ đi dang dở thì sẽ không biết phải đi đường nào. Thà là cứ đi thôi, dù không biết mình đang ở đâu, nhưng vẫn phải đi. Khi nào chết đi hay không còn tồn tại nữa mới có thể đánh giá được là thành công hay không thành công, mới biết được mình đã đi đến đâu trong cuộc đời này.
Nếu thật sự yêu nghề đồ họa thì đừng làm theo những gì gm đang làm. Hãy làm khác đi!
Bạn phải hiểu chính bản thân mình trước, phải độc lập để có thời gian suy nghĩ xem mình là ai. Trong một môi trường mà xung quanh đều có template và guideline sẵn, mình sẽ không thể bẻ cong những điều đó được. Giống như quy định là 9 giờ làm việc thì không thể đến lúc 10 giờ. Thế nên muốn hiểu mình thì phải tồn tại độc lập hoặc ít ra phải duy trì đầu óc độc lập, môi trường không tạo điều kiện để thay đổi bản thân thì mình phải tự tạo ra. Điều này rất quan trọng với những người trẻ để có thể phát triển tư duy.
Sau khi nhìn nhận được mình sẽ biết mình cần gì, và cần gì thì học cái đó. Nhất định phải tự học theo cách của mình bởi mỗi người sẽ có hoàn cảnh khác nhau. Hãy xem học là việc cả đời. Đừng nghĩ xong đại học là hết và lao vào công việc. Khi bắt đầu được trải nghiệm nhiều, mình sẽ có tư duy sàng lọc khác mà không cần đến giáo trình. Đó là nền tảng để có thể tự học. Hãy duy trì điều đó!
Trong tương lai, gm sẽ cố gắng tìm được một công thức giúp tiếp cận văn hóa hay hơn, tạo ra một nền tảng cho những ai muốn tìm hiểu văn hóa. Hiện tại gm vẫn đang mò mẫm rất nhiều, chưa có một công thức hoặc đường đi rõ ràng. Việc tạo ra được một nền tảng và giúp ai đó đến gần hơn với văn hóa sẽ là một điều rất vui. gm cũng không biết mình đang đứng ở đâu trên con đường đã chọn, chỉ khi nào mình chết thì mới nói được, nhưng để xác định thì đây chắc là giai đoạn bắt đầu của bắt đầu.
Giờ thì mời bạn cùng iDesign ngắm nghía một số sản phẩm ấn tượng từ gm creative nhé!
Ban biên tập iDesign