Mối liên hệ giữa Nghệ thuật và Khoa học - (Phần 2)

Những đặc thù của nghệ thuật công nghệ sinh học

Bài nghiên cứu sẽ được chia là 6 phần đăng tải:
– Phần 1: Tóm tắt nghiên cứu và Giới thiệu chủ đề
– Phần 2: Những sự hợp tác đầu tiên giữa các nghệ sĩ và các nhà khoa học
– Phần 3: Sản xuất và triển lãm các tác phẩm công nghệ sinh học: vai trò của môi trường (1)
– Phần 4: Sản xuất và triển lãm các tác phẩm công nghệ sinh học: vai trò của môi trường (2)
– Phần 5: Định nghĩa về các thực hành có tính ranh giới
– Phần 6: Kết luận nghiên cứu và Giới thiệu tác giả

Phần 2: Những sự hợp tác đầu tiên giữa các nghệ sĩ và các nhà khoa học

Mong muốn hợp tác giữa các nghệ sĩ và các nhà khoa học không phải mới. Năm 1958, tại Hoa Kỳ, các nghệ sĩ Allan Kaprow, Robert Watts và George Brecht (Kaprow và cộng sự [1958] 2002) đã hưởng ứng lời kêu gọi thành lập một viện nghệ thuật thực nghiệm ngay trong trường Đại học Rutgers, nơi Kaprow và Watts đang giảng dạy vào lúc đó: Họ cùng nhau phản ánh về sự phát triển của các loại hình nghệ thuật chào đón sự tham gia của khoa học, kỹ thuật và sự nhạy bén với thời đại. Trong một dự án mà họ đang soạn thảo cùng nhau [Dự án về Đa Chiều, Allan Kaprow, Robert Watts, George Brecht, 1958], họ đã khẳng định sự cần thiết của việc liên kết giữa nghệ thuật và cuộc sống, về sự cởi mở với thế giới xung quanh và đặc biệt là với những tiến bộ mới của khoa học và công nghệ. (Feuillie 2002, 114). Sau đó, vấn đề đặt ra là gợi mở một không gian đối thoại giữa khoa học, công nghệ đương đại và nghệ thuật để kết nối không gian ấy, theo một cách nào đó, với thế giới. Trong phần giới thiệu của mình, ba nghệ sĩ đã viết:

“Một nhà khoa học có […] một lợi thế đáng kể so với một nghệ sĩ, nhờ vào sự hỗ trợ tài chính chiếm vai trò vô cùng quan trọng do ngành công nghiệp cung cấp. Nhìn chung, người nghệ sĩ đã không thể sử dụng những tiến bộ mới về vật liệu và thiết bị do thiếu hỗ trợ tài chính để mua lại hoặc thuê mướn. Điều này đã trở thành một bất lợi nghiêm trọng, vì hầu hết các tiến bộ công nghệ trong những năm gần đây vẫn nằm ngoài tầm với của người nghệ sĩ. Không thể sử dụng những phép màu hiện đại này, người nghệ sĩ buộc phải dành rất nhiều năng lượng sáng tạo để tìm kiếm những sự thay thế mang tính tiết kiệm hơn, mà hầu hết những giải pháp này không tồn tại. Sự thất vọng này trên thực tế đã cản trở bước tiến của người nghệ sĩ đương đại”. (Feuillie 2002, 114)

Tác phẩm Lantern Extract (Tạm dịch: Chiết xuất Đèn lồng), thực hiện năm 1962, bởi George Brecht và Robert Watts

Các nghệ sĩ cảm thấy bản thân không thể chạm tới những khả năng mà những khám phá mới này có thể mang lại, những khả năng thậm chí có thể giúp họ khơi mở ra những quan điểm nghệ thuật đầy mới mẻ. Những năm 1960 chứng kiến ​​sự gia tăng của các phát minh khoa học, với nguồn tài chính đáng kể từ các đơn đặt hàng quân sự. Nguồn tài chính này đã tạo điều kiện đặc biệt để phát triển các lý thuyết hệ thống và điều khiển học. Nhiều nghệ sĩ như Hans Haacke tố cáo rằng tiền của quân đội là động cơ cho sự phát triển của khoa học trong những năm 1960. Để đáp ứng mong muốn hòa nhịp với những tiến bộ khoa học của thời đại, một nhóm nhỏ gồm các cá nhân, nghệ sĩ và kỹ sư đã đi đến quyết định thiết lập cấu trúc đặc biệt được gọi là ad hoc. Nhóm Khảo nghiệm Nghệ thuật và Công nghệ (Experiments in Art and Technology), hay E.A.T, được thành lập vào năm 1966 với hai kỹ sư, Billy Klüver và Fred Waldhauer, cùng hai nghệ sĩ, Robert Rauschenberg và Robert Whitman. Tổ chức phi thương mại này đã bắt đầu phát triển từ sau một sự kiện ở Thành phố New York vào tháng 10 năm 1966 có nhan đề 9 Buổi tối: Nhà hát và Kỹ thuật (9 evenings: Theater and Engineering). Bốn mươi kỹ sư và mười nghệ sĩ đương đại đã tụ họp nhân dịp này để làm việc cùng nhau.

Poster chương trình 9 evenings: Theater and Engineering (Tạm dịch: 9 Buổi tối: Nhà hát và Kỹ thuật), chủ trì bởi Robert Rauschenberg, 1966

Một cuộc hội tụ khác được tổ chức một tháng sau đó, quy tụ ba trăm nghệ sĩ, kỹ sư và những người quan tâm. Những sự kiện này đã đánh dấu sự thành lập tổ chức và đạt được số thành viên khoảng 2.000 nghệ sĩ và 2.000 kỹ sư. Trong một bài viết cho tờ E.A.T. News của mình, Klüver và Rauschenberg đã giải thích mục tiêu của họ:

Các kỹ sư đang nhận thức được vai trò quan trọng của họ trong việc thay đổi môi trường sống của con người. Các kỹ sư từng tham gia vào các dự án của các nghệ sĩ đã thấy được cái cách mà tầm nhìn sâu sắc của người nghệ sĩ có thể ảnh hưởng ra sao đến những hướng đi, cũng như mang lại chiều hướng nhân văn cho công việc của mình. Mặt khác, người nghệ sĩ mong muốn được sáng tạo trong thế giới công nghệ để thỏa mãn sự gắn bó truyền thống của chính nghệ sĩ với các lực lượng liên quan đang định hình xã hội. Sự hợp tác của nghệ sĩ và kỹ sư đang nổi lên như một quá trình xã hội học đương đại mang tính cách mạng. (Klüver et Rauschenberg 1967, s/p)

Họ thành lập tổ chức này để làm chất xúc tác cho các dự án giữa các nghệ sĩ và kỹ sư. Tổ chức cũng nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ về tài chính của các ngành liên quan. Ý tưởng này rất được lòng công chúng, và một số nhóm đã thành lập ở nước ngoài (từ mười lăm đến hai mươi nhóm vào năm 1968). Tổ chức không có địa điểm, thiết bị hoặc phòng thí nghiệm cố định, nơi nghệ sĩ có thể tạo ra tác phẩm của riêng mình. Ý tưởng chính của chương trình là: nghệ sĩ sẽ đến nơi làm việc của kỹ sư hoặc bất cứ nơi nào có công nghệ cần thiết cho dự án của mình. E.A.T. đã tổ chức các triển lãm, các dự án, các khóa học hoặc các cuộc thi. Thêm vài khởi đầu mới (Some More Beginnings) là một trong những triển lãm công nghệ lớn đầu tiên diễn ra, từ tháng 11 năm 1968 đến tháng 1 năm 1969 tại Bảo tàng Brooklyn. Trong cuộc triển lãm này, tất cả các đề xuất góp mặt đã được chấp nhận và trình bày, tương đương một trăm bốn mươi dự án.

Trích từ cuốn catalog triển lãm Some More Beginnings (Tạm dịch: Thêm vài Khởi đầu mới), diễn ra từ tháng 11 năm 1968 đến tháng 1 năm 1969 tại Bảo tàng Brooklyn.

Trong một bài báo dành riêng cho nhóm E.A.T., nhà nghiên cứu Sylvie Lacerte chỉ rõ: “Sự kiện vừa qua là buổi giới thiệu tất cả các dự án của nhóm nghệ sĩ/kỹ sư được trình bày trong cuộc thi do E.A.T. phát động, và tác phẩm của mười người chiến thắng đã được đăng trên tạp chí The Machine” (Lacerte 2005, s/p). Bà cũng đề cập đến cuộc triển lãm nổi tiếng do Pontus Hulten tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, Máy móc Quan sát được vào cuối Thời đại Cơ khí (The Machine as Seen at the End of the Mechanical Age). Thông qua sáng kiến ​​này, E.A.T. đã tìm ra cách để đáp ứng nhu cầu gặp gỡ giữa các nghệ sĩ và nhà khoa học, bằng các nguồn lực riêng của mình.

Một trong những địa điểm tổ chức đầu tiên cho phép trao đổi giữa nghệ thuật và khoa học là Trung tâm Nghiên cứu Thị giác Nâng cao (CAVS), tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nơi nghệ sĩ Piotr Kowalski đã giảng dạy. Nhiệm vụ ban đầu của trung tâm là tạo điều kiện thuận lợi cho “các dự án hợp tác nhằm tạo ra các hình thức đồ sộ dựa trên quy mô của môi trường” và giúp các nhà nghiên cứu trong việc phát triển “các hoạt động sáng tạo cá nhân” của họ (Finch 2014, s/p). Trung tâm này được Gyorgy Kepes, một nghệ sĩ và giáo viên, sáng lập vào năm 1967, như một chương trình nghiên cứu và đào tạo cho các nghệ sĩ. Kepes tin tưởng vào vai trò xã hội của nghệ sĩ. Ông muốn làm việc vì mối quan hệ hợp tác bền vững giữa các nghệ sĩ và các nhà khoa học, đồng thời cho phép các nghệ sĩ sử dụng các công nghệ mới nhất. Dưới đây là nguyện vọng ông muốn đạt được, liên quan đến những trục nghiên cứu chính trong phòng thí nghiệm của mình:

Sự tiếp thu các công nghệ mới như một phương tiện nghệ thuật; sự tương tác giữa các nghệ sĩ, nhà khoa học, kỹ sư và các ngành công nghiệp; sự phát triển từ quy mô công việc đến quy mô của bối cảnh đô thị; các phương tiện truyền thông hướng tới tất cả các phương thức cảm giác; những sự kết hợp của các quá trình tự nhiên, chẳng hạn như chuyển động của các đám mây, dòng chảy của nước, và các biến thể theo chu kỳ của ánh sáng và thời tiết; [và] chấp nhận sự tham gia của “khán giả” để nghệ thuật trở thành sự hợp lưu. (Finch 2014, s/p) – Một lần nữa, ta lại thấy ở đây ý tưởng của Kaprow, Watts và Brecht về việc tạo ra sự tương tác giữa nghệ thuật và xã hội, bằng cách tích hợp động lực của các khám phá khoa học. Ý tưởng này đã được xác nhận vào tháng 3 năm 1968 qua sự xuất hiện một sự kiện đầu tiên trong lịch sử Nghệ thuật – Công nghệ, cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Vật lý Lý thuyết của MIT: một “Hội nghị chuyên đề về Khoa học và Nghệ thuật”.

Tác phẩm “String Structure, Lines, Circles” (Tạm dịch: Cấu trúc Dây, Đường thẳng và Tròn), thực hiện bởi Gyorgy Kepes, 1940.

Đối với những nghệ sĩ thời hậu chiến này, những tiến bộ khoa học áp đặt những thiết bị cụ thể và đắt tiền gây cản trở sự tiến bộ của nghệ thuật và nới rộng khoảng cách giữa các kiến ​​thức nghệ thuật và khoa học. Do đó, họ đang cố gắng khắc phục điều này bằng cách bắt đầu thu hẹp những khoảng cách giữa nghệ thuật và khoa học, nhằm mục đích tiếp tục sự đối thoại giữa hai lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc sản xuất và trưng bày các sáng tạo thu được từ quá trình giao lưu này thường, hóa ra, lại là vấn đề về mặt hậu cần và khái niệm.

(Còn tiếp)

Tổng hợp và biên tập | Ảnh bìa: Artplas
Nguồn: Liaisons entre art et science : les spécificités de l’art biotechnologique, Camille Prunet

Cùng tác giả

#Tag

Artplas Bioart Công nghệ sinh học Nghệ thuật và khoa học Series Nghệ thuật và ?

iDesign Must-try

Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
“Tất cả chúng ta đều mong đợi xem việc áp dụng công nghệ hiện tại trong nghệ thuật sẽ mở ra những cánh cửa nào. Dù tương lai có ra…
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Sự xuất hiện của công nghệ số trong quá trình sáng tạo nghệ thuật chưa bao giờ mạnh mẽ như lúc này. Nhưng, tận dụng hay loại bỏ, đâu mới…
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Bức tranh rõ ràng là chưa hoàn chỉnh. Làm thế nào nó có thể là nghệ thuật? Nhưng Cezanne không hề nao núng trước những lời chỉ trích nhắm vào…
Paul Cézanne - Quá trình của Sự thấy (Phần 6)
Paul Cézanne - Quá trình của Sự thấy (Phần 6)
Đó là năm 1858. Cezanne mới mười tám. Người bạn thân nhất của cậu, Emile Zola, vừa rời đi Paris, bỏ cậu ở lại Aix-en-Provence.