Làng thêu Văn Lâm

/Làng Thêu Làng Lụa/ là series giới thiệu các làng nghề thêu và lụa truyền thống của Việt Nam, qua đó truy tìm những đặc trưng trong từng sản phẩm, làng nghề.

Nằm trong quần thể danh thắng Tam Cốc Bích Động, làng thêu Văn Lâm thuộc xã Ninh Hải, tỉnh Ninh Bình là nơi hiếm hoi mà hiện nay người dân vẫn còn kiếm sống bằng nghề thêu kết hợp sản xuất nông nghiệp và khai thác du lịch.

Lịch sử hình thành

Theo các cao niên trong làng Văn Lâm kể lại, nghề thêu ren của làng đã xuất hiện từ rất sớm, cụ thể là từ thời nhà Trần. Vốn trước kia, khi vua tôi nhà Trần rút lui chiến lược từ Thăng Long về Ninh Bình trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược lần hai, Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, vợ của thái sư Trần Thủ Độ đã cho các cung nữ truyền dạy cho người dân địa phương nghề thêu ren cung đình. Chính giai thoại này đã luôn là một chứng cứ vẻ vang, tự hào của người dân về nghề thêu ren của họ. 

Hình ảnh: vietnamembroidery

Đến năm 1910, dưới thời Pháp thuộc, cụ Đinh Ngọc Hênh và Đinh Ngọc Xoan, vốn là người làng Văn Lâm, đã cất công lặn lội lên tận Hà Nội để học nghề thêu ren của người Pháp. Sau đó, quay trở về dạy lại cho người dân. Từ dạo ấy, làng nghề nhỏ này đã thật sự bước qua một giai đoạn mới.

Nghề thêu ren đã liên tục được người dân phát triển với sự đa dạng về sản phẩm, mẫu mã cùng các phương thức sản xuất mới, để đáp ứng được nhu cầu của thời cuộc. Từ đó, Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm như được khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới và tồn tại mãi cho đến tận ngày nay với một loạt những sản phẩm mới mẻ, mang hơi thở hiện đại hơn: khăn trải bàn, khăn ăn, rèm, vỏ chăn ga, gối, quần áo thời trang, tùng, cúc, trúc, mai, tranh sơn thủy hữu tình, tranh mừng thọ, tranh con vật, v.v.

Đặc điểm làng nghề và sản phẩm 

Cái nôi của nghề thêu truyền thống với lịch sử hơn 700 năm

Vốn trước kia, làng Văn Lâm là nơi chuyên thêu các loại trang phục, chẳng hạn như quần, áo, mũ của đội tế, tàn, lọng, y môn, để phục vụ nghi thức, nghi lễ đời sống văn hóa tâm linh của các triều đại phong kiến nước ta. Thông qua những di tích lịch sử vẫn còn tồn tại trong khắp khuôn viên làng, mọi người có thể dễ dàng nhận ra nghề thêu đã xuất hiện ở vùng đất này từ hơn 700 năm trước.

Hiện nay, Văn Lâm là một trong 6 làng nghề truyền thống vinh dự được nhận bằng khen, được Nhà Nước hỗ trợ phát triển, và cũng là nơi phát tích, hội tụ đủ đầy những tinh hoa của nghề thêu ren truyền thống. Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm chính thức được tỉnh Ninh Bình công nhận vào năm 2006, và tháng 11/2007 được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận là một trong 12 làng nghề tiêu biểu của cả nước.

Kỹ thuật thêu ren phức tạp, tinh xảo tạo tiếng vang cho cả làng nghề

Họa tiết, hoa văn thêu trên các sản phẩm của làng Văn Lâm thường là Tứ quý, long, phụng chầu nguyệt, hổ, rồng, chim công, phong cảnh làng quê,..

Nếu như thêu màu cầu kỳ từng đường chỉ và cách châm màu, phối màu, thì thêu rua ren lại phức tạp với hàng trăm kiểu thêu dù chỉ thêu chỉ trắng là chủ yếu.

Để những đường nét thêu ren uyển chuyển, sống động, mịn màng, đạt mức tinh xảo như những nét vẽ, người nghệ nhân phải thành thạo nhiều kỹ thuật.

“Những chi tiết cổ hay kỹ thuật mà các cụ để lại như thêu đâm xôi, thâu nối đầu, thêu bó hạt…là cách thêu hầu như chỉ có ở Văn Lâm. Thêu màu thì phải xô chỉ làm sao cho mịn, phối màu hài hòa nhưng vẫn phải mịn mặt chỉ. Còn thêu cài răng lược thì phải đi đường kim sao cho đúng cách.”

Bà Đinh Thị Loan, một trong số ít thợ giỏi vẫn giữ được các kỹ thuật, bí quyết thêu từ thời cha ông để lại, cho biết

Nếu như bà Loan nổi tiếng về kỹ thuật thêu màu thì nghệ nhân Hồng Yến lại nổi danh về kỹ thuật thêu ren với hàng trăm mẫu ren dua. Bà cũng là người đi tiên phong trong việc kết hợp thêu ren với thêu màu để đưa vào các sản phẩm thời trang như: các loại váy, áo, túi xách, giày dép… Nhờ đó, sản phẩm thêu của làng nghề phát triển rất phong phú, những tấm ga trải giường, mặt gối, bộ khăn ăn, rèm cửa, áo ki-mô-nô, áo hanbok, khăn tay, tranh, ảnh… với những chi tiết thêu mượt mà, óng ánh như điểm bạc, nổi bật với những phần thêu dua mềm mại duyên dáng. 

Với sự đa dạng về mẫu mã, chất lượng và uy tín, hàng thêu Văn Lâm ngày một nâng lên, tạo được lòng tin với khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Italia, Anh, Mỹ.. Các sản phẩm thêu ren của Văn Lâm còn có mặt ở các Hội chợ, các điểm du lịch trong khắp cả nước, luôn được khách hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng.

Hình ảnh: remtheucaocap

Ngày nay, nhiều gia đình thêu ở Văn Lâm đã sáng tạo ra những loại hình sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng như các loại tranh thêu: tùng, cúc, trúc, mai, tranh sơn thủy hữu tình, tranh mừng thọ hay các loại tranh con vật.

Nỗ lực bảo tồn di sản và làng nghề

Hiện nay, có đến hơn 700 trong số 830 hộ gia đình tại làng theo nghề ren truyền thống. Không chỉ ngày đêm tỉ mẩn cho ra đời những sản phẩm thêu ren nổi bật, sống động để đưa những đứa con tinh thần đi xa khắp mọi miền và cả nước ngoài, người dân nơi đây còn kết hợp tổ chức những hoạt động sinh hoạt với người nghệ nhân, giúp mọi người có thể tìm hiểu rõ hơn về sự tinh tế trong từng khâu, từ đó thêm yêu hơn cái nghề truyền thống cha ông truyền lại từ bao đời nay.

Nếu đến Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm, bạn có thể tìm gặp những người nghệ nhân nổi tiếng trong làng, chẳng hạn như ông Chu Quý Tháp, một trong những nghệ nhân thêu ren có tiếng của làng. Ông cũng chính là tác giả của bức tranh thêu Về nguồn kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội với chiều dài 4m đầy ấn tượng. Đến gặp ông vào một ngày đẹp trời, bạn sẽ được ông kể cho nghe về quy trình để làm nên một bức tranh hoàn hảo, từ lên ý tưởng, thuê họa sĩ thiết kế trước khi bắt tay vào thêu. 

Văn Lâm cũng đang thực hiện phương châm “ly nông bất ly hương”, người dân Văn Lâm phát triển nghề thêu kết hợp với phục vụ du lịch ngay trên quê hương mình. Nằm ngay khu du lịch nổi tiếng với hàng vạn lượt khách đến tham quan, Văn Lâm đã tạo ra một loại hình du lịch làng nghề lý tưởng với các khu sản xuất, bán hàng có quy mô lớn. Bên cạnh đó, tổ chức các ngày giỗ tổ, lễ hội đình làng, tôn vinh các nghệ nhân, các doanh nghiệp hoạt động trong nghề thêu… 

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Văn Lâm. Theo khảo sát, số lượng khách tham gia vào hoạt động du lịch làng nghề mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, dưới 10% tổng lượng khách đến Tam Cốc, Bích Động. Trong đó, khách nội địa không đáng kể, phần lớn là khách quốc tế. Do đó, thời gian qua, ngành du lịch, Hiệp hội du lịch tỉnh cũng đã tổ chức nhiều đoàn gồm các công ty lữ hành trong nước, quốc tế, các nhà nghiên cứu chuyên sâu về du lịch làng nghề tới tham quan, khảo sát, đánh giá. Trên cơ sở đó sẽ có giải pháp cụ thể sát với thực tế để xây dựng tour, tuyến hợp lý để phát triển du lịch làng nghề.

Tổng hợp và biên tập: May

Cùng tác giả

#Tag

làng nghề thêu truyền thống Việt Nam Làng thêu Văn Lâm may Series Làng Thêu Làng Lụa văn hóa

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…