Làng thêu Minh Lãng

/Làng Thêu Làng Lụa/ là series giới thiệu các làng nghề thêu và lụa truyền thống của Việt Nam, qua đó truy tìm những đặc trưng trong từng sản phẩm, làng nghề.

Làng nghề thêu Minh Lãng hay còn gọi là làng Vũ Thư, thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, từ xưa đã nổi tiếng từ nghề thêu tay truyền thống.

Lịch sử hình thành

Vào thời vua Minh Mạng (1820 – 1841), 3 cụ là Nguyễn Khang, Nguyễn Ca, Nguyễn Nghĩa, trên đường đi làm ăn ở xa đã học được nghề thêu rồi đem về truyền lại cho dân làng. Từ đó, ngoài làm ruộng, người dân Minh Lãng đã có thêm nghề thêu.

Lúc đầu, người làng chỉ thêu những đồ thờ tự như: Trướng, hoành phi, câu đối và áo mũ rồng phượng cho phường hát tuồng, chèo. Đến những năm 1946 – 1954, làng đã bắt đầu nhận thêu khăn trải bàn, đồ lót bát đĩa… cho nhà dệt Kim Tự Doanh và hãng thêu của một người Pháp trên Hà Nội. Nhưng rồi do chiến tranh loạn lạc, hơn nữa, công xá chẳng đáng là bao nên số hộ theo nghề thêu ở làng lúc ấy cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Những năm sau giải phóng đất nước đến cuối thập niên 80 là thời kỳ cực thịnh của nghề thêu Minh Lãng, việc ký hợp đồng với Liên Xô và một số nước Đông Âu đã làm cho Minh Lãng lúc ấy thực sự trở thành một xưởng thêu lớn, ba hợp tác xã thêu được thành lập thu hút trên 2.000 lao động. Bấy giờ trong làng nhà nào ít nhất cũng có 2 khung thêu, nhà nhiều thì 4, 5 khung. Cả làng từ thiếu niên, nam thanh nữ tú đến người già 60 – 70 tuổi đều thêu.

Xã Minh Lãng lúc ấy nổi tiếng khắp cả nước, là hình mẫu cho mô hình phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nông thôn. Khi nghề thêu đang phát triển cực thịnh thì đến những năm 1989 – 1990, thị trường Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã, hàng thêu Phù Lôi rơi vào tình trạng không có đầu ra. Hàng trăm khung thêu phải xếp lại, nhiều gia đình đã 2, 3 đời gắn bó cũng đành bỏ nghề. Nghề thêu có nguy cơ bị mai một và mất vĩnh viễn.

Không cam tâm để mất nghề tổ tiên, những bậc thuộc tầng lớp gạo cội của làng đã “xuống đường” đi tìm lối ra cho nghề… Sau bao vất vả, cuối cùng những người có tâm với nghề, với làng cũng đã được đền đáp xứng đáng. Tháng 10/1992, tại TP Hồ Chí Minh, các ông đã ký được hợp đồng với 2 hãng thêu nổi tiếng là Ha-vi-cô của Nhật Bản và Tai-ô-đô của Hàn Quốc.

Từ đó, nghề thêu Minh Lãng lại hối hả hồi sinh. Khi tiếp xúc với thị trường mới, nghề thêu Minh Lãng đã gặp không ít khó khăn. Nhưng vốn có đôi bàn tay khéo léo, người thợ thêu Minh Lãng đã nhanh chóng vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, đáp ứng được yêu cầu của bất kỳ khách hàng khó tính nào. Sau bao thăng trầm, nghề thêu ở Minh Lãng đã tìm lại được ý nghĩa đích thực và tạo dựng nên thương hiệu của riêng mình.

Đặc điểm làng nghề và sản phẩm 

Minh Lãng nổi tiếng trong làng thêu Việt Nam bởi sự năng động, sáng tạo của một làng nghề tương đối trẻ và sự bứt phá đi lên từ khó khăn. Suốt hơn một thế kỷ miệt mài theo nghề thêu, từ những bước đầu sơ khai học nghề tích lũy kinh nghiệm, đến nay, Minh Lãng đã chinh phục được những tuyệt đỉnh của nghệ thuật thêu tay truyền thống và là một trong những cánh chim đầu đàn trong làng thêu Việt Nam.

Hình ảnh: Tổng hợp

Nếu trước đây các mặt hàng thêu và kỹ thuật thêu còn đơn giản với một số gam màu chỉ cơ bản như xanh, đỏ, tím, vàng, lục… thì ngày nay, nguyên liệu đã thực sự đa dạng hơn từ chất liệu vải thêu như xa tanh, lụa… đến các loại chỉ tơ nhiều màu được lựa chọn kỹ lưỡng hoặc nhập khẩu từ những hãng nổi tiếng trên thế giới như DMC, Anchor… Điều này giúp nghề kỹ thuật thêu tinh xảo có điều kiện phát triển từ thêu hàng trắng, hàng nổi, thêu kết hợp dua, ren… đáp ứng không chỉ nhu cầu sử dụng thông thường trong may mặc mà còn được sử dụng trong trang trí mỹ thuật. Những mặt hàng mới này đã đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng ở nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Ý, Nhật Bản với thêu trang trí cho kimono, trên mặt gối áo, khăn trải giường … sử dụng kỹ thuật thêu chỉ lụa trên nền vải mỏng, trong suốt. Tinh xảo nhất có thể kể đến là tranh thêu chân dung, phong cảnh. 

Hình ảnh: Tổng hợp

Nỗ lực bảo tồn di sản và làng nghề

Nghề thêu truyền thống ở Minh Lãng đang từng bước phục hồi sau dịch Covid-19. Hiện xã có 3 doanh nghiệp, 5 cơ sở sản xuất, trên 20 tổ hợp và hơn 1.000 lao động ở 7/7 thôn vẫn duy trì nghề thêu. Thu nhập của thợ thêu bình quân từ 150.000 – 200.000 đồng/ngày. Doanh thu của các doanh nghiệp, cơ sở đạt từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Nghề thêu góp phần tích cực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân địa phương. 

Hình ảnh: Tổng hợp

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nghề thêu truyền thống ở Minh Lãng đang phải đối mặt với nguy cơ mai một, khủng hoảng trong tương lai do các nguyên nhân như tác động của dịch bệnh, ảnh hưởng của kinh tế thế giới, giá trị sản phẩm chưa được nâng cao nên thu nhập của người lao động chưa cao, sự chuyển dịch lao động từ nghề thêu thủ công truyền thống sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ khác… Mặc dù vậy, hầu hết người dân Minh Lãng vẫn yêu, tâm huyết với nghề, mong mỏi gìn giữ nghề truyền thống gần 200 năm tuổi mà cha ông để lại.

Gắn bó với nghề thêu hơn 50 năm, trong đó có 25 năm nỗ lực kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm truyền thống của quê hương đi các nước trên thế giới, ông Hoàng Đình Chiêm, Giám đốc Công ty TNHH Thêu xuất khẩu Tuấn Dương, thôn Phù Lôi, xã Minh Lãng chia sẻ: “Do tác động của thị trường và nhiều yếu tố khác, có những giai đoạn rất khó tìm kiếm đơn hàng nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực duy trì hoạt động, tạo việc làm để thợ thêu có thu nhập, yên tâm gắn bó với nghề. Bản thân tôi đã trải qua rất nhiều thăng trầm, sóng gió nhưng tình yêu và khát khao giữ nghề truyền thống của cha ông đã tạo động lực giúp tôi vượt qua.”

Tổng hợp và biên tập: May

Cùng tác giả

#Tag

làng nghề truyền thống Việt Nam làng thêu Minh Lãng may Series Làng Thêu Làng Lụa

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…