Làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông

/Làng Thêu Làng Lụa/ là series giới thiệu các làng nghề thêu và lụa truyền thống của Việt Nam, qua đó truy tìm những đặc trưng trong từng sản phẩm, làng nghề.

 The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng

Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên.

Làng lụa Hà Đông hay Làng lụa Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng, cũng chính là cái nôi của lụa gấm nước ta.

Với lịch sử hình thành lâu đời và độ tinh xảo của sản phẩm, Lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các đời vua nhà Nguyễn, từ vua Khải Định đến vua Bảo Đại đều sai sứ thần ra tận Vạn Phúc mua sa, gấm đem về dùng.

Theo dòng chảy lịch sử lâu đời, các sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc đến nay không những vẫn duy trì được vẻ đẹp truyền thống mà còn được biến tấu, cải tiến mỗi ngày để bắt mắt hơn, đa dạng hơn.

Từ sản phẩm của một làng, lụa, gấm Vạn Phúc đã vượt qua giá trị hàng hoá đơn thuần trở thành một sản phẩm của văn hoá, biểu tượng của cái đẹp, của vùng đất Hà Đông và Thủ đô Hà Nội.

Lịch sử hình thành

Theo truyền thuyết, cách đây khoảng hơn 1100 năm, bà A Lã Thị Nương là vợ của Cao Biền, thái thú Giao Chỉ, từng sống ở trang Vạn Bảo (tên gọi trước đây của Vạn Phúc). Trong thời gian ở đây, bà đã dạy người dân cách làm ăn và truyền nghề dệt lụa. Sau khi mất, bà được phong làm thành hoàng làng.

Làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông ngày nay

Lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại các hội chợ Marseille (1931) và Paris (1932), được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương thuộc Pháp. Từ 1958 đến 1988, sản phẩm lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất sang các nước Đông Âu; từ 1990 xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới.

Năm 2009, làng Vạn Phúc có khoảng 1000 khung dệt, sản xuất nhiều loại lụa cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, trong đó có các loại lụa cao cấp như lụa vân quế hồng diệp và lụa vân lưỡng long song phượng.

Năm 2010, để kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, đã thiết kế mẫu lụa Long Vân với hoa văn mang hình tượng lưỡng long chầu Khuê Văn Các (một đơn nguyên kiến trúc nằm trong tổng thể của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội) được cách điệu trong hình ảnh hoa sen.

Đặc điểm làng nghề và sản phẩm 

Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất

Vạn Phúc từng được công nhận là “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam trao tặng.

Ngày 6/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã công bố nghề dệt lụa Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sản phẩm rực rỡ sắc màu

Sản phẩm đa dạng, tinh xảo dùng để tiến Vua

Mặt hàng dệt tơ lụa Vạn Phúc có nhiều loại: lụa, là, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ, cầu, đũi. Nổi tiếng nhất trong các loại lụa Vạn Phúc có lẽ là lụa Vân.

 Lụa Vân là loại lụa mỏng có hoa nổi, hoa chìm; hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn, riêng hoa chìm phải soi lên ánh sáng mới thấy được. Điều khiến lụa Vân lưu tiếng trong dân gian bởi các loại Vân lụa này rất tinh xảo: nét hoa văn trên lụa Vân mềm mại, phóng khoáng mà dứt khoát; màu sắc biến ảo lung linh theo các góc nhìn khác nhau. Trong đó, nhiều mẫu lụa cổ như mẫu lụa Vân quế hồng điệp, lụa Vân mai thọ, lụa Vân lưỡng long song hạc… ngày xưa chỉ có những gia đình quan lại quyền quý mới có đủ điều kiện sở hữu.

Lụa Vạn Phúc với nhiều hoa văn đặc sắc

Lụa vân nói riêng và lụa Vạn Phúc nói chung có đặc điểm ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè, chất vải mỏng mịn, không nhăn do chủ yếu được làm từ tơ tằm. Hoa văn trang trí trên vải lụa rất đa dạng như mẫu Song Hạc, Thọ Đỉnh, Tứ Quý… hoặc hoa lá được trang trí đối xứng. 

Quế hồng điệp Vạn Phúc

Ngày nay, lụa Vạn Phúc đã biến tấu trở nên vô cùng đa dạng với nhiều mẫu mã, chủng loại khác nhau: mây bay, long phượng, đũi hoa, vân thọ đỉnh, tứ quế…. 

Một số hoa văn phổ biến trên lụa Vạn Phúc

Nỗ lực bảo tồn di sản và làng nghề

Với sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp thời trang, việc giữ gìn làng nghề và nét đẹp truyền thống càng trở thành một bài toán khó. Đặc biệt, với nghề lụa Vạn Phúc, để cho ra một sản phẩm mất rất nhiều thời gian và công đoạn, thì việc giữ gìn và bảo tồn càng khó khăn hơn.

Từng một thời, không chỉ người dân làng lụa Vạn Phúc mà cả những người mê lụa truyền thống nghĩ rằng, lụa Vân trong ca dao xưa sẽ chỉ còn là câu chuyện qua lời kể của những bậc cao niên trong làng, khó có thể nào tồn tại lâu đời. Thế nhưng, với bàn tay cần mẫn và bằng tình yêu của mình, nhiều nghệ nhân tại nơi đây vẫn ngày đêm cần mẫn làm việc để gìn giữ nét đẹp văn hóa của làng nghề và giúp nghề lụa ngày càng được phát triển.

Hiện nay, làng lụa Vạn Phúc Hà Đông đã có gần 800 hộ gia đình làm nghề dệt lụa, chiếm gần 60% trên tổng số hộ sinh sống tại nơi đây. Mỗi năm, làng tơ lụa Vạn Phúc sản xuất khoảng 2,5 đến 3 triệu mét vuông vải, tương đương với 63% doanh thu của toàn bộ làng nghề.

Ngoài sản phẩm lụa nức tiếng, Vạn Phúc còn sở hữu tiềm năng du lịch lớn

Ngoài sản phẩm lụa trứ danh, làng lụa Vạn Phúc còn sở hữu tiềm năng du lịch to lớn khi vẫn giữ được nét cổ kính, dung dị và bình yên của một làng quê Việt, như cây đa, giếng nước, sân đình và những phiên chợ. Từ ngày 8/11 đến 17/11 hàng năm, làng lụa Vạn Phúc còn tổ chức lễ hội vô cùng đặc sắc và nhộn nhịp để thu hút khách du lịch từ muôn nơi.

Tổng hợp và biên tập: May

Cùng tác giả

#Tag

làng lụa Vạn Phúc làng nghề lụa truyền thống Việt Nam may Series Làng Thêu Làng Lụa văn hóa

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…