Làng Thêu Đông Cứu

/Làng Thêu Làng Lụa/ là series giới thiệu các làng nghề thêu và lụa truyền thống của Việt Nam, qua đó truy tìm những đặc trưng trong từng sản phẩm, làng nghề.

Làng nghề Đông Cứu – ngôi làng nằm bên hữu ngạn sông Nhuệ là nơi có truyền thống lâu đời về nghề thêu tay, chuyên chế tác phẩm phục cho triều đình, cụ thể là các bậc vua chúa và quan quân. Đến nay, nhiều mẫu áo, vật dụng có họa tiết hoa văn cổ qua các triều đại xưa đã được người dân làng nghề kỳ công phục dựng, bảo tồn.

Lịch sử hình thành

Ngược dòng thời gian, theo các thông tin được ghi trên bản sắc phong, làng thêu đã sớm xuất hiện dưới triều vua Lê Cảnh Hưng (năm 1746). 

Làng Đông Cứu thờ ông Lê Công Hành, vị tiến sĩ thời Vua Lê Thần Tông (1637), làm tổ nghề thêu. Khi đi sứ phương Bắc, ông học được kỹ thuật thêu của người phương Bắc nên khi về đã truyền dạy cho dân, trong đó có dân làng Đông Cứu.

Hình ảnh: Tổng hợp

Đặc điểm làng nghề và sản phẩm 

Nơi lưu giữ nét nghề phục dựng – chế tác phẩm phục cho triều đình

Với kỹ thuật thêu điêu luyện, những người thợ lành nghề nơi đây từng được các vua triều Nguyễn năm xưa mời vào kinh đô Huế may vá, thêu thùa hoa văn trên các bộ trang phục hoàng cung. Đến nay, tuy đã trải qua hàng trăm năm lịch sử, Đông Cứu vẫn là ngôi làng duy nhất trên đất Bắc còn giữ được lối thêu cổ, giữ được nghề phục dựng long bào, áo mão cho vua chúa, quan lại, quý tộc trong triều đình xưa.

Đối mặt với thời cuộc, làng nghề đã có những thay đổi để tiếp tục sống còn và gìn giữ nghề mà tổ tiên truyền lại. Hoàng bào, mấn, mão hay lọng giờ đây được chế tác để phục vụ cho việc bảo tồn di sản, nghi thức thờ cúng và làm phim. Sản phẩm chủ yếu của làng Đông Cứu hiện nay chính là tranh thêu, câu đối làm quà lưu niệm,…

Nghệ nhân tại làng Đông Cứu thường được chỉ dạy bằng cách truyền miệng và được các bậc đi trước hướng dẫn chứ không thông qua trường lớp cụ thể. Đây được xem một trong những vấn đề quan trọng cần được xem xét để có thể xây dựng những ngôi trường đào tạo, giữ gìn kỹ thuật thêu cung đình nói riêng và các ngành nghề thủ công khác nói chung.

Tuy được truyền lại qua các thế hệ trong gia đình bằng cách truyền miệng, không có bài vở, nhưng không vì thế mà chất lượng sản phẩm của làng thêu bị giảm đi. Dù là áo mũ vua quan hàng trăm năm trước hay nghi môn, câu đối, trướng, tán, lọng phục vụ quay phim, quà lưu niệm đều phải đáp ứng những quy tắc ngặt nghèo và đòi hỏi cái tâm của người nghệ nhân trong từng đường kim mũi chỉ.

Kỹ thuật thêu phức tạp làm nên thương hiệu cho sản phẩm làng thêu 

Nghề thêu Đông Cứu có nhiều kỹ thuật đặc trưng, dễ phân biệt với các địa phương khác như vừa thêu vừa phải nhồi đặc chỉ, vừa thêu xoắn lại vừa phải bắt nét quanh kim tuyến sao cho mềm mại. Các kỹ thuật này kết hợp nhịp nhàng với nhau tạo thành những hoa văn tinh xảo mà chỉ có những người có tay nghề, trình độ cao trong làng mới có thể thực hiện được.

Với trang phục dành cho vua, dù là một ngàn hay chục ngàn mũi chỉ thì tất cả các mũi phải đều nhau tăm tắp về khoảng cách, độ dài,… Khi thêu, người thợ phải bắt nét thật nhịp nhàng vào sợi kim tuyến, chưa kể các sợi kim tuyến đều là vàng thật nên công việc bắt nét còn khó khăn hơn nhiều. Hơn nữa, bất kể họa tiết nào, các mũi chỉ đều phải thêu theo một hướng nhất định.

Hình ảnh: Tổng hợp

Chọn chỉ trong thêu áo cho vua và hoàng gia cũng phải tuân thủ những quy tắc khắt khe khác. Áo long bào của vua bắt buộc phải chọn chỉ se 2 chiều, trong khi đó, áo Hoàng hậu lại chỉ được dùng chỉ se một chiều… Cỡ chỉ cũng được quy định cho từng loại áo. Đặc biệt, mỗi hoạ tiết thêu trên áo long bào lại có những đòi hỏi về màu sắc riêng, ví như màu lam thể hiện hình ảnh sóng nước trên áo Vua, mỗi mảng lại đòi hỏi những màu lam khác nhau, và trên mỗi mảng đó, bắt buộc phải có 5 sắc độ lam, từ đậm đến nhạt. Mỗi họa tiết, hình thêu đều có ý nghĩa về phong thủy và chúc tụng nhà vua và hoàng gia.

Hình ảnh: Tổng hợp

Nỗ lực bảo tồn di sản và làng nghề

Một trong những cá nhân tiêu biểu, có công trong việc khôi phục làng nghề chính là nghệ nhân Vũ Văn Giỏi. Ông là hậu duệ của gia đình 6 đời làm nghề thêu, đã có hơn 30 năm tìm tòi và phục dựng những cổ phục triều đình. Mỗi chiếc áo trung bình dùng hết hơn 14m vải, không phải nhiều người cùng làm một lúc được mà tối đa chỉ 3 – 4 người cùng làm. Cầu kỳ, tỉ mỉ là thế song đối với bộ trang phục đơn giản nhất, có đủ hết nguyên liệu, chỉ tập trung vào phục dựng thì bộ áo đơn giản nhất cũng cần 4 thợ thêu làm việc trong khoảng 6 tháng, còn bộ phức tạp phải huy động tới 7 – 8 thợ thêu ròng rã 15 tháng. Thậm chí có những bộ phải mất hàng năm trời mới hoàn thành.

Không chỉ tạo ra các sản phẩm thêu độc đáo, có một không hai phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân, làng Đông Cứu còn là một điểm du lịch lý thú thu hút nhiều khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài đến tham quan. Hiện tại, thôn Đông Cứu đã và đang mở các lớp dạy nghề thường xuyên cho thế hệ trẻ tại địa phương để có thể bảo tồn và phát huy nghề thêu truyền thống. Trong tương lai, địa phương cũng rất mong muốn có thể xây dựng một khu nhà để trưng bày và giới thiệu sản phẩm thêu tay đến với du khách thập phương khi tham quan làng nghề. Đây cũng là một trong những biện pháp quan trọng để Đông Cứu tiếp nối nghề xưa do cha ông truyền lại.

Hình ảnh: Tổng hợp

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Thế Du – Chủ tịch Hội Nghề thêu truyền thống làng Đông Cứu – cho biết: “Việc bảo tồn và phát huy những mẫu thêu cổ là điều mong ước và tâm huyết của nhiều nghệ nhân trong làng. Những năm gần đây, nhiều di tích, lễ hội trong cả nước được khôi phục và phát triển. Chính điều này tạo điều kiện cho nghề thêu Đông Cứu được phục dựng lại. Nếu như hướng đi của làng thêu Quất Động là tranh thêu và các sản phẩm mỹ nghệ xuất khẩu thì làng thêu Đông Cứu tập trung phát triển các mặt hàng phục vụ cho công tác bảo tàng, di tích, lễ hội.

Hiện nay, nghề thêu ở Đông Cứu đang đi vào ổn định, nhu cầu đặt hàng của khách trong nước và nước ngoài khá nhiều. Do kỹ thuật thêu của Đông Cứu không lẫn với kỹ thuật thêu của bất cứ lối thêu nào nên những người thợ thêu tại đây luôn phải khẳng định thương hiệu, từng ngày nâng cao chất lượng sản phẩm, tinh xảo trong từng đường kim mũi chỉ. Mỗi sản phẩm làm ra không chỉ để bày bán mà đối với những hộ dân yêu nghề đó còn là tác phẩm nghệ thuật, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống để thế hệ sau có cơ hội chiêm ngưỡng và tự hào”.

Tổng hợp và biên tập: May

Cùng tác giả

#Tag

làng thêu Đông Cứu may Series Làng Thêu Làng Lụa

iDesign Must-try

Triển lãm cá nhân của Hà Ninh Pham: ‘Fugitive Zone’ sắp sửa mở cửa đón công chúng tại Paris
Triển lãm cá nhân của Hà Ninh Pham: ‘Fugitive Zone’ sắp sửa mở cửa đón công chúng tại Paris
Đã 7 năm kể từ khi Hà Ninh Pham bắt đầu xây dựng cho mình một thế giới riêng trong dự án My Land [1] (Đất Mình), từ lúc còn…
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…