Làng lụa Nha Xá

/Làng Thêu Làng Lụa/ là series giới thiệu các làng nghề thêu và lụa truyền thống của Việt Nam, qua đó truy tìm những đặc trưng trong từng sản phẩm, làng nghề.

Làng Nha Xá (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) từ lâu vốn nổi tiếng bởi nghề dệt lụa, chỉ xếp sau lụa Hà Đông. Nép mình bên những cánh đồng xanh mướt ven bờ sông Hồng, làng lụa Nha Xá gây ấn tượng với du khách gần xa bằng tiếng máy dệt lách cách đều đặn ngày đêm. Làng nghề có hơn 90% hộ dân làm nghề dệt lụa, trong đó có 2 nghệ nhân, 30 thợ giỏi và hơn 370 máy dệt các loại, sản lượng tiêu thụ lụa, đũi, lanh hàng tháng đạt từ 50 đến 80 nghìn mét… Những con số đó phần nào cho thấy nội lực mạnh mẽ của một làng nghề truyền thống.

Lịch sử hình thành

Căn cứ sử sách, các thần tích, sắc phong được lưu giữ tại đình làng Nha Xá (xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên), các di tích, dấu tích khảo cổ và truyền thuyết tại địa phương, thời gian hình thành làng nghề dệt lụa Nha Xá được xác định vào cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14. Nhân dân nơi đây thờ danh tướng Trần Khánh Dư là ông tổ truyền nghề. 

Theo truyền thuyết, sau cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông xâm lược thắng lợi, danh tướng Trần Khánh Dư đã đưa dân từ Vân Đồn (Quảng Ninh) về khai hoang lập ấp tại thôn Dưỡng Hòa, xã Duy Hải, huyện Duy Tiên (nay là phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên). Sau đó, ông về thôn Nha Xá cho dựng chùa và tu ở đấy. 

Ngoài việc tu hành, Trần Khánh Dư còn dạy dân địa phương nghề ươm cá bột và ươm tơ dệt lụa. Khi đó, hằng năm vào mùa mưa, nước sông Hồng dâng lên, trứng cá, cá con từ trên nguồn theo dòng nước tràn vào các lạch, Trần Khánh Dư đã hướng dẫn mọi người vớt trứng, cá con đem về ươm ở các ao nhỏ trong làng. Để lấy được trứng, cá con từ sông Hồng lên phải có vợt để xúc. Do vậy, cùng với nghề ươm cá bột, nghề ươm tơ, dệt lụa ra đời phục vụ nhu cầu lúc đó là dệt săm – nguyên liệu để may vợt xúc cá. Sau đó, dần phát triển lên nghề dệt lụa. 

Ảnh: Tổng hợp

Đặc điểm làng nghề và sản phẩm 

Lưu giữ truyền thống phơi lụa thủ công 

Đến với Nha Xá, một trong những hình ảnh hấp dẫn du khách đó chính là cảnh người dân căng từng dải lụa với kích thước chiều dài lên đến hàng chục mét, được nhuộm đủ màu sắc lên phơi – điều mà hiện tại, công đoạn này ở những làng lụa khác đã và đang thay thế dần bằng máy sấy công nghiệp. Việc Nha Xá vẫn coi trọng và lưu giữ được một phần những giá trị truyền thống theo dòng chảy của sự phát triển công nghiệp là một nét văn hóa kinh doanh đáng trân trọng của những người dân làng nghề nơi đây.

Tiên phong trong kỹ thuật nhuộm lụa tơ tằm từ nguyên liệu thiên nhiên

Quy trình kỹ thuật của nghề dệt lụa Nha Xá trước đây trải qua các bước từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Tuy vậy, trải qua quá trình thăng trầm, nghề dệt lụa Nha Xá đã cải tiến một số các công đoạn kỹ thuật nên công đoạn trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ đã không còn mà chuyển sang nhập nguyên liệu từ nơi khác, người thợ Nha Xá chỉ chuyên tâm dệt lụa. Làng lụa vì thế có nhiều mặt hàng mới ra đời như: lụa, đũi, tơ xe, lụa hoa, lanh… với chất lượng, mẫu mã sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ảnh: Tổng hợp

 Điều đặc biệt làm nên sự khác biệt cho các sản phẩm lụa nơi đây đó là Nha Xá cũng chính là nơi đầu tiên dùng những chất liệu từ thiên nhiên như củ nâu, cánh kiến, lá bàng, lá trầu không… để nhuộm lụa tơ tằm. Chính vì vậy, sản phẩm lụa của Nha Xá có những nét đặc trưng riêng với sự mộc mạc, trang nhã về màu sắc và bền đẹp với thời gian.

Nỗ lực bảo tồn di sản và làng nghề

Trải qua gần 700 năm tồn tại và phát triển, nghề thủ công truyền thống dệt lụa Nha Xá đã gắn bó với người dân và mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Nghề dệt lụa và sản phẩm vải lụa Nha Xá luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Bởi, sản phẩm lụa của làng nghề Nha Xá là một sản phẩm đặc biệt với nhiều công năng sử dụng khác nhau. Lụa được coi là một sản phẩm có thứ hạng cao cấp trong những nguyên liệu may mặc của người Việt từ xưa đến nay. Lụa là kết tinh của các nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, là sự hội tụ tinh hoa của chất xám, sức lao động và truyền thống làm nông nghiệp của người Việt. Các nghệ nhân làng nghề vẫn giữ gìn, trao truyền những kỹ thuật dệt độc đáo để làm ra những tấm lụa thượng hạng trong ngành tơ lụa của Việt Nam. 

Với lịch sử tồn tại và được lưu giữ qua nhiều thế hệ, làng nghề dệt lụa Nha Xá chẳng những làm cho bộ mặt kinh tế – xã hội phồn vinh, phát triển, thu hút mọi lứa tuổi lao động nghề nghiệp mà còn có sự gắn kết từng gia đình với dòng họ, với xóm giềng. Làng nghề dệt lụa Nha Xá có vị tổ nghề Trần Khánh Dư, người có công truyền nghề cho dân được dân tôn vinh lập đền thờ thành hoàng, công tích được lưu giữ trên văn bia, văn chỉ, được ghi chép trong gia phả của dòng họ, hoặc những dòng trang trọng trong bản hương ước của làng. Đây đều là những nét đẹp văn hóa truyền thống thiêng liêng, bền vững với thời gian.

Ảnh: Tổng hợp

Lụa và nghề dệt lụa ở Nha Xá còn gắn liền với quá trình hình thành làng xã của người Việt vùng châu thổ sông Hồng. Vì vậy, nghề dệt lụa ở Nha Xá còn có giá trị khoa học nhất định về sự hình thành cộng đồng làng xã Việt Nam. Làng lụa Nha Xá hiện giờ là một vùng quê vừa mang nét phồn vinh cũ với những ngôi biệt thự cổ, lại vừa mang nét sang trọng hiện tại với nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Đời sống nhân dân nơi đây được nâng cao, văn hóa – xã hội phát triển mạnh, nhiều công trình phúc lợi được xây dựng mới, di tích lịch sử, văn hóa được tôn tạo.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố ảnh hưởng, làng nghề dệt lụa Nha Xá đang dần mai một. Việc bảo tồn và phát triển làng nghề dệt lụa là yêu cầu khách quan, cấp bách và có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ông Trần Hồng Hiệu – Trưởng phòng Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) người có quá trình tìm hiểu sâu về nghề dệt lụa truyền thống ở Nha Xá, cho rằng: Bên cạnh việc quan tâm phát triển các loại hình du lịch làng nghề, đổi mới cơ chế, chính sách huy động nguồn lực vào việc quảng bá nghề dệt lụa truyền thống, còn rất cần việc quan tâm và tôn vinh tài năng các nghệ nhân làng nghề. Hiện nay, làng nghề truyền thống dệt lụa Nha Xá có 45 người nằm trong danh sách những người thực hành và truyền dạy nghề dệt lụa. Họ chính là những người có sứ mệnh lĩnh hội, cải biến, bổ sung và truyền nghề. Họ cũng là cầu nối giữa tổ nghiệp với các thế hệ mai sau và có nhiều năm gắn bó với nghề, là nguồn lực để hình thành nên thế hệ nghệ nhân mới của làng nghề. 

Ảnh: Tổng hợp

Ngày 3/3/2016, làng nghề dệt lụa Nha Xá được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Văn bằng được giao cho Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá trực tiếp quản lý. Năm 2004, làng dệt lụa Nha Xá được UBND tỉnh Hà Nam công nhận làng nghề truyền thống. Nghề dệt lụa Nha Xá cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây cũng chính là động lực để nghề dệt truyền thống Nha Xá tiếp tục phát huy những giá trị của mình và hứa hẹn là điểm đến du lịch hấp dẫn trong tương lai.

Tổng hợp và biên tập: May

Cùng tác giả

#Tag

làng lụa Nha Xá may Series Làng Thêu Làng Lụa

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…